Pháp luật về điều kiện giao dịch chung của Cộng hòa Liên bang Đức, Anh và Việt Nam

NGUYỄN THỊ HUYỀN (Khoa Luật, Đại học Ngoại Thương)

TÓM TẮT:

Bài viết khái quát những nội dung cơ bản của pháp luật về Điều kiện giao dịch chung của một số nước trên thế giới và Việt Nam, nhận xét chung và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về điều kiện giao dịch chung.

Từ khóa: Điều kiện giao dịch chung, pháp luật về điều kiện giao dịch chung, hợp đồng mẫu.

1. Khái quát về Điều kiện giao dịch chung

Điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC) có nguồn gốc hình thành từ khoảng thế kỷ XIX1 cùng với quá trình sản xuất và phân phối hàng loạt ở các nước phương Tây dẫn tới việc các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ mang tính hàng loạt sử dụng các form, mẫu trong giao dịch với khách hàng. Sự ra đời của ĐKGDC hoàn toàn khách quan, phù hợp với sự phát triển của nền sản xuất hàng loạt ngày càng tiêu chuẩn hóa. Ở Việt Nam, về vấn đề này, khoa học pháp lý tìm cách giải quyết chúng trong khuôn khổ của “hợp đồng mẫu” hay “mẫu hợp đồng”. Ngày nay, một số nhà khoa học đề cập trong khái niệm “hợp đồng gia nhập2. Các doanh nghiệp có xu thế sử dụng các ĐKGDC để áp dụng cho tất cả các giao dịch với các đối tác của mình, điều này giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí đàm phán, giảm rủi ro pháp lý, từ đó giảm chi phí cho xã hội3.

Tuy nhiên, khi ĐKGDC chỉ do một bên soạn thảo dễ dẫn đến nguy cơ bên soạn thảo ĐKGDC bao giờ cũng tìm cách hạn chế tính tùy nghi của các quy tắc, chèn ép khách hàng, dồn họ vào tình thế khó lựa chọn, hạn chế hay vi phạm nguyên tắc tự do khế ước; dùng các thủ thuật pháp lý để phân chia rủi ro pháp lý và lợi ích một cách không công bằng, gây bất lợi cho khách hàng hay người tiêu dùng4. Khi khách hàng ký hợp đồng, ĐKGDC có giá trị ràng buộc họ, không phụ thuộc vào việc họ đã đọc nó hay chưa. Nguyên tắc tự do hợp đồng bị hạn chế và chỉ có thể giải thích là nếu khách hàng thấy bất lợi thì không giao kết hợp đồng nữa5. Chính vì vậy, để bảo vệ khách hàng trước các ĐKGDC do một bên soạn thảo trước, pháp luật của nhiều nước trên thế giới đã quy định cơ chế kiểm soát các ĐKGDC nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Nghiên cứu ĐKGDC của một số nước trên thế giới cho thấy ĐKGDC là vấn đề pháp lý liên quan tới pháp luật hợp đồng và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng (NTD), nhiều quốc gia quan niệm đó là một bộ phận của pháp luật bảo vệ NTD. Trong phạm vi bài viết này, tác giả lựa chọn pháp luật về ĐKGDC của Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức), Anh để so sánh với pháp luật về ĐKGDC của Việt Nam bởi đây là những quốc gia sử dụng ĐKGDC từ rất sớm, tác giả sẽ giải thích cụ thể ở các mục tiếp theo của bài viết.

2. Quy định của pháp luật CHLB Đức, Anh, Việt Nam về định nghĩa và phạm vi áp dụng của ĐKGDC

2.1. Cộng hòa Liên bang Đức

CHLB Đức là một trong các quốc gia đầu tiên ban hành Luật về Điều khoản giao dịch chung năm 19766, luật này tiếp tục được sửa đổi năm 1996. Năm 2002, trong quá trình sửa đổi Luật Dân sự, các quy định trong AGBG sau này được đưa thành một phần trong Bộ luật Dân sự Đức (Brgerliches Gesetzbuch - BGB), nhập chung vào BLDS Đức phần nghĩa vụ hợp đồng và chú thích rõ quy định này nhằm để thực thi Chỉ thị số 93/13/EEC ngày 05/4/1993 của Hội đồng Châu Âu về các ĐKGDC không công bằng trong các hợp đồng với người tiêu dùng.

Về định nghĩa, theo BGB, Điều kiện giao dịch chung là những điều khoản hợp đồng được soạn thảo từ trước để sử dụng cho nhiều hợp đồng mà một bên (bên soạn thảo) đưa ra cho bên còn lại khi ký kết hợp đồng (Điều 305 BGB). Theo định nghĩa này thì ĐKGDC là những điều khoản thỏa mãn các dấu hiệu sau:

(i) Được soạn thảo từ trước để sử dụng cho nhiều hợp đồng sẽ phát sinh. Trong thực tiễn xét xử tại tòa án Đức, tiêu chí này được đáp ứng nếu một điều khoản được soạn thảo để sử dụng ít nhất 3 lần, dù là trong các giao dịch của các bên giống nhau7.

(ii) ĐKGDC bị kiểm soát bởi chỉ một bên trong hợp đồng (một bên đưa ra ĐKGDC trong hợp đồng và bên còn lại không có cơ hội để sửa đổi các điều khoản này, bên còn lại phải chấp nhận các điều khoản này nếu muốn thực hiện giao dịch)8.

(iii) ĐKGDC có thể xuất hiện ngay trong hợp đồng hoặc là một phần riêng biệt đính kèm hoặc được dẫn chiếu trong hợp đồng, hoặc thậm chí là một thông báo công khai gửi tới một bên trong hợp đồng9.

Về phạm vi áp dụng của các quy định về ĐKGDC: (i) Áp dụng cho cả hợp đồng giữa doanh nghiệp và NTD và hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nhau10. (ii) Không áp dụng cho các giao dịch thuộc lĩnh vực pháp luật về thừa kế, pháp luật gia đình và pháp luật công ty.

2.2. Anh

Anh là một quốc gia theo hệ thống luật common law nhưng các quy định về ĐKGDC của Anh cũng đã được ban hành dưới dạng luật thành văn từ rất sớm, đặc biệt là các quy định hạn chế điều khoản không công bằng (unfair terms) trong hợp đồng, đó là những điều khoản được một bên doanh nghiệp soạn thảo sẵn bao gồm các điều khoản gây bất lợi một cách vô lý cho NTD hoặc có sự lạm dụng vị thế của doanh nghiệp trong đó, xét về bản chất đó chính là ĐKGDC trong hợp đồng.

Ngoài ra, vì Anh chịu ảnh hưởng của các quy định pháp luật về bảo vệ NTD của EU, do đó, để điều chỉnh các điều khoản không công bằng trong hợp đồng mẫu, ở Anh tồn tại song song 2 văn bản pháp luật: Đạo luật về điều khoản bất bình đẳng trong hợp đồng năm 1977 (Unfair Contract Terms Act 1977 - UCTA) và Đạo luật về quyền lợi NTD năm 2015 (Consumer Rights Act 2015 - CRA). Theo các đạo luật này, các điều khoản không công bằng được hiểu là các điều khoản gây ra sự mất cân bằng lớn về quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng với NTD. Bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng cho phép bên đặt ra các điều khoản có khả năng vi phạm cam kết các nghĩa vụ hợp đồng, loại bỏ hoặc hạn chế trách nhiệm của bên đó đối với NTD gây ra một bất hợp lý cho NTD thì điều khoản đó sẽ không có hiệu lực.

Về phạm vi áp dụng, đối với UCTA:

(i) Áp dụng với hầu hết tất cả các loại hợp đồng: không chỉ hợp đồng với NTD mà cả hợp đồng giữa các thương nhân (business), hợp đồng lao động, thậm chí là hợp đồng mà các bên đều không phải là thương nhân. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng loại trừ hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng đất đai.

(ii) Chỉ áp dụng với một nhóm điều khoản nhất định: các điều khoản loại trừ.

UCTA chia các điều khoản loại trừ trong hợp đồng thành 2 nhóm:

(i) Nhóm các điều khoản tự động vô hiệu.

(ii) Nhóm các điều khoản sẽ chỉ có hiệu lực nếu (bên đưa ra điều khoản đó) chứng mình được điều khoản đó là công bằng và hợp lý.

Đối với CRA, các quy định về hạn chế điều khoản không công bằng trong hợp đồng với NTD gần như áp dụng ngôn ngữ trong Chỉ thị số 93/13/EEC. Về phạm vi áp dụng, khác với UCTA, CRA chỉ áp dụng với hợp đồng với người tiêu dùng, bao gồm cả hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng đất đai, trừ một số ngoại lệ sau:

(i) Các điều khoản hình thành do đàm phán của các bên: được hiểu là các điều khoản mà cá nhân từng NTD có cơ hội đàm phán nội dung điều khoản này.

(ii) Điều khoản theo quy định của luật.

(iii) Điều khoản về đối tượng hợp đồng hoặc giá cả.

Nếu UCTA chỉ cho phép các bên trong hợp đồng được khởi kiện về điều khoản mà bên đó cho là không công bằng, theo CRA, không chỉ NTD mà cả các cơ quan có thẩm quyền, như Văn phòng Thương mại công bằng cũng có thể khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố điều khoản trong hợp đồng vô hiệu.

2.3. Quy định của pháp luật Việt Nam

Trước khi BLDS năm 2015 được ban hành thì ĐKGDC dường như chưa trở thành mối quan tâm của giới pháp lý Việt Nam. Do đó, trong một thời gian dài, pháp luật hợp đồng của Việt Nam chưa đưa các ĐKGDC vào nội dung điều chỉnh của mình11. Hiện nay, ĐKGDC được quy định ở chế định hợp đồng trong BLDS năm 2015, đó là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng, nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này (Khoản 1 Điều 406). Ngoài BLDS năm 2015, trong mối quan hệ hợp đồng với NTD, ĐKGDC còn được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Luật BVQLNTD), theo đó ĐKGDC là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với NTD (Khoản 6 Điều 3).

Về phạm vi áp dụng, Luật BVQLNTD chỉ áp dụng cho hợp đồng với người tiêu dùng, còn BLDS có phạm vi áp dụng rộng hơn, bao gồm các hợp đồng được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, tự do ý chí như hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động...

Từ quy định của pháp luật CHLB Đức, Anh và Việt Nam về khái niệm của ĐKGDC có thể thấy CHLB Đức và Việt Nam đều có điểm chung ĐKGDC là những điều khoản do một bên soạn thảo trước, phía bên kia không được thỏa thuận gì nếu muốn giao kết hợp đồng, sẽ không thể coi là ĐKGDC nếu nó được đàm phán một cách chi tiết. Về phạm vi điều chỉnh, pháp luật các nước đều coi ĐKGDC là một vấn đề pháp lý của pháp luật hợp đồng và pháp luật bảo vệ NTD.

3. Quy định pháp luật của CHLB Đức, Anh, Việt Nam về cơ chế kiểm soát các điều kiện giao dịch chung

Nhằm kiểm soát các ĐKGDC, pháp luật các nước đều có những hình thức kiểm soát chặt chẽ bằng việc quy định những điều kiện để ĐKGDC trở thành nội dung của hợp đồng và các điều khoản bất công bằng.

3.1. CHLB Đức

Theo pháp luật của CHLB Đức, không phải bất cứ ĐKGDC nào được một bên đưa ra cũng là một phần của hợp đồng mà nó phải đáp ứng các điều kiện: i) bên đặt ra ĐKGDC phải chỉ dẫn cho bên kia về các ĐKGDC một cách rõ ràng; ii) tạo điều kiện để cho họ có thể nhận biết nội dung của ĐKGDC một cách chấp nhận được, kể cả trường hợp người đó bị khuyết tật thì bên đặt ra các ĐKGDC phải có những lưu ý nổi bật, những cách mà khách hàng có thể nhận thức được, hiểu được nội dung của các ĐKGDC đó12.

Ngoài các điều kiện cụ thể, để tránh trường hợp phát sinh không nằm trong danh mục các điều khoản đã liệt kê trên, BGB còn quy định điều kiện chung đó là ĐKGDC sẽ không có hiệu lực nếu trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực trong giao kết hợp đồng, gây bất lợi một cách không hợp lý cho bên giao kết hợp đồng13. Các bất lợi không hợp lý ấy có thể là kết quả của những quy định không rõ ràng, khó hiểu. Khoản 2 Điều 307 BGB cũng giải thích thêm về cơ sở để xác định một ĐKGDC bất lợi không hợp lý cho bên giao kết hợp đồng nếu những điều kiện đó không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật hoặc hạn chế các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ bản chất của hợp đồng tới mức không đạt được mục đích của hợp đồng. Vi phạm quy tắc này, tòa án sẽ có thẩm quyền tuyên ĐKGDC đó vô hiệu. Bên cạnh đó, những điều khoản “gây ngạc nhiên”, khác thường tới mức chủ thể còn lại của hợp đồng không nghĩ sẽ gặp phải trong hợp đồng thì điều khoản đó cũng không thể trở thành bộ phận của hợp đồng (Điều 305c).

Ngoài việc quy định các nguyên tắc chung, BGB còn đưa ra một danh sách các ĐKGDC bị cấm (Điều 308, 309), trong đó, điều 308 BGB liệt kê cụ thể danh mục các điều khoản có dấu hiệu bất công bằng sẽ bị vô hiệu, nếu có hành vi vi phạm danh mục các điều khoản đó thì tòa án và các cơ quan có thẩm quyền có quyền tuyên những điều khoản ấy không có hiệu lực; điều 309 BGB liệt kê các trường hợp ĐKGDC đương nhiên bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp đã quy định.

Những quy định của BGB về ĐKGDC cho thấy một cơ chế kiểm soát các ĐKGDC rất chặt chẽ, các nhà lập pháp Đức rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế bằng việc quy định các điều khoản mang tính bắt buộc chung trong BLDS. Đồng thời, dự liệu trước những khả năng trong thực tế có thể xảy ra khi liệt kê chi tiết đến từng điều khoản về điều kiện có hiệu lực của các ĐKGDC, cũng như sự vô hiệu của các điều kiện đó. Thông qua đó, bên yếu thế có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi phát hiện những ĐKGDC trái với nguyên tắc chung, hạn chế được sự hình thành và áp dụng các ĐKGDC trái pháp luật của bên bán hàng hóa hay nhà cung ứng dịch vụ.

3.2. Anh

Theo quy định của CRA, điều khoản trong hợp đồng với NTD phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện:

(i) Phải được viết bằng ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu. 

Nếu nội dung điều khoản không rõ ràng, tòa án sẽ diễn giải theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Các cơ quan có thẩm quyền có thể loại bỏ những điều khoản không sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu.

(ii) Phải công bằng. 

Một điều khoản hợp đồng mà không được đàm phán riêng rẽ sẽ bị coi là không công bằng nếu trái với yêu cầu của nguyên tắc thiện chí, điều khoản này gây ra sự mất cân bằng lớn về quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng, theo hướng bất lợi cho NTD.

Không chỉ có vậy, CRA cũng liệt kê danh sách các điều khoản có thể bị coi là không công bằng. Danh sách này chỉ mang tính gợi ý và là danh sách mở và lấy từ danh sách các điều khoản có thể bị coi là không công bằng trong Chỉ thị số 93/13/EEC14. Điều này đã chứng tỏ Anh đã nội luật hóa triệt để Chỉ thị số 93/13/EEC khi sao chép toàn bộ bản danh mục này của Chỉ thị.

Với UCTA, UCTA chia các điều khoản loại trừ trong hợp đồng thành 2 nhóm:

(i) Nhóm các điều khoản tự động vô hiệu. (ví dụ như điều khoản trong hợp đồng với NTD cho phép người bán loại trừ trách nhiệm trong trường hợp gây ra thương tích hoặc tử vong)15.

(ii) Nhóm các điều khoản sẽ chỉ có hiệu lực nếu (bên đưa ra điều khoản đó) chứng minh được điều khoản đó là công bằng và hợp lý. (ví dụ như điều khoản giới hạn trách nhiệm trong một số tiền nhất định)16.

Với quy định này của UCTA, ĐKGDC cũng chỉ có hiệu lực khi nó đảm bảo tính công bằng, hợp lý, nếu không đảm bảo được điều kiện đó thì ĐKGDC đó đương nhiên bị vô hiệu.

3.3. Việt Nam

Ở Việt Nam, ĐKGDC chỉ trở thành nội dung của hợp đồng nếu nó đảm bảo được các điều kiện:

i) Phải công khai ĐKGDC để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó, xác định rõ thời điểm áp dụng và phải được niêm yết ở nơi thuận lợi tại địa điểm giao dịch để NTD có thể nhìn thấy17. Ngoài ra, BLDS quy định thêm điều kiện:

ii) Phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên18.

Nếu không đảm bảo các điều kiện trên, ĐKGDC sẽ không có hiệu lực, không trở thành một phần nội dung của hợp đồng giao kết. Luật BVQLNTD không quy định trực tiếp ĐKGDC phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên nhưng liệt kê các trường hợp ĐKGDC không có hiệu lực bao gồm các điều khoản thể hiện rõ sự bất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên, bảo vệ thái quá lợi ích của bên soạn thảo ĐKGDC, tăng trách nhiệm cho NTD, từ có có thể suy đoán ĐKGDC phải là những điều khoản đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên.

Như vậy, nghiên cứu so sánh pháp luật các nước CHLB Đức, Anh, Việt Nam đều có điểm chung về các điều kiện để ĐKGDC có hiệu lực pháp luật khi điều khoản đó phải đảm bảo công bằng, minh bạch đối với bên giao kết hợp đồng với mình, được thể hiện bằng ngôn từ dễ hiểu, trình bày rõ ràng và phải đảm bảo để bất cứ bên nào bị ảnh hưởng bởi điều khoản đó đều có thể tiếp cận được chúng. So với pháp luật của Anh và Việt Nam, quy định của CHLB Đức có tính bao quát hơn nếu ĐKGDC trái với nguyên tắc bình đẳng, thiện trí, trung thực chứ không chỉ giới hạn ở các điều kiện cụ thể.

Về cơ chế kiểm soát các điều khoản bất công bằng, tương tự như pháp luật của CHLB Đức và Anh, pháp luật Việt Nam một mặt quy định điều kiện đảm bảo ĐKGDC không được vi phạm nguyên tắc công bằng, nội dung không được tạo sự lợi ích bất bình đẳng cho bên soạn thảo, vi phạm quy tắc này sẽ là cơ sở để tòa án tuyên một ĐKGDC là vô hiệu; mặt khác, liệt kê danh mục các ĐKGDC không có hiệu lực nếu trong hợp đồng giao kết với NTD có những điều khoản bất công bằng, bảo vệ thái quá lợi ích của bên soạn thảo ĐKGDC hay hạn chế quyền hoặc tăng trách nhiệm của NTD. Thậm chí, pháp luật Việt Nam có phần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu19, bên soạn thảo ĐKGDC bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và ĐKGDC với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về BVQLNTD20.

Về cơ bản, pháp luật của CHLB Đức, Anh và Việt Nam đều liệt kê các điều khoản bất công bằng gây bất lợi cho khách hàng. So với pháp luật của CHLB Đức, Anh thì các điều khoản bất bình đẳng trong Luật BVQLNTD của Việt Nam có nhiều điểm chung, như các điều khoản về: Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của NTD; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với NTD, giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau… Tuy nhiên, còn nhiều điều khoản khác mà pháp luật Việt Nam chưa được dự liệu trước những khả năng có thể xảy ra, chẳng hạn như cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ từ chối thực hiện nghĩa vụ với bên được đề nghị giao kết hợp đồng; được miễn thực hiện một yêu cầu luật định về việc thông báo bên kia giao kết hợp đồng hoặc ấn định một thời hạn để bên kia thực hiện hoặc khắc phục; có quyền thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại trọn gói hoặc bồi thường cho sự giảm sút giá trị của hàng hóa; được hủy bỏ hợp đồng;...

Với quy định ĐKGDC phải bình đẳng của BLDS một cách chung chung hiện nay, trong khi Luật BVQLNTD chưa liệt kê đầy đủ các điều khoản có dấu hiệu bất bình đẳng thì nguy cơ bên soạn thảo ĐKGDC có thể đưa vào hợp đồng những điều khoản có lợi cho mình, gây bất lợi cho bên không soạn thảo mà không có căn cứ để tuyên điều khoản đó vô hiệu. Do đó, cần phải có biện pháp đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các bên trong hợp đồng.

4. Một số gợi mở cho Việt Nam

Qua việc nghiên cứu pháp luật của CHLB Đức, Anh và Việt Nam về ĐKGDC có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm gợi mở cho việc hoàn thiện pháp luật về ĐKGDC ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xu hướng chung pháp luật của nhiều nước trên thế giới coi ĐKGDC là một vấn đề pháp lý của pháp luật hợp đồng và pháp luật bảo vệ NTD. Việt Nam cũng không ngoại lệ, ĐKGDC không chỉ được điều chỉnh trong pháp luật BVQLNTD mà còn là một phần của pháp luật hợp đồng trong BLDS, không phân biệt hợp đồng trong lĩnh vực tiêu dùng, một mặt tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ hàng loạt có thể áp dụng các ĐKGDC một cách phổ quát, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chuyên nghiệp hóa trong giao kết và thực hiện hợp đồng, mặt khác, sẽ hạn chế được những rủi ro pháp lý trong giao kết và thực hiện hợp đồng, đồng thời, tạo sự bình đẳng cho các bên giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên, việc tồn tại song song 2 đạo luật cùng điều chỉnh về ĐKGDC sẽ không tránh khỏi sự chồng chéo về phạm vi áp dụng, ít nhiều dẫn tới khó khăn trong việc áp dụng của doanh nghiệp cũng như giải thích pháp luật của tòa án. Vì# vậy, nhà làm luật Việt Nam có thể hướng tới đưa 2 đạo luật điều chỉnh ĐKGDC trong hợp đồng vào một văn bản luật thống nhất quy định về ĐKGDC trong hợp đồng với cả NTD và giữa các bên kinh doanh thương mại, chẳng hạn đưa vào BLDS như pháp luật của Đức hoặc UCTA của Anh. Đây là một giải pháp có thể chưa mang tính khả thi ở nước ta nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả nếu như chúng ta xây dựng và đảm bảo yếu tố thực thi của nó.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam quy định điều kiện ĐKGDC có hiệu lực với bên xác lập giao dịch phải được công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó nhưng công khai như thế nào thì chưa được làm rõ. Thực tiễn sử dụng các ĐKGDC ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy các ĐKGDC do các doanh nghiệp soạn thảo cũng đã được các công khai trên các website hay được in sẵn trong hợp đồng, ở mặt sau của đơn bảo hiểm, trên vé máy bay, vé xe buýt... nhưng công khai như thế nào khi ở nhiều doanh nghiệp, ĐKGDC được in với cỡ chữ rất nhỏ, nội dung dài, thậm chí nằm ở một văn bản khác mà hợp đồng dẫn chiếu tới dẫn tới tình trạng khách hàng rất ngại đọc, chỉ đến khi có tranh chấp xảy ra, quyền lợi bị ảnh hưởng thì lúc này khách hàng mới vỡ nhẽ ra.

Vì vậy, các nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo thêm BGB về cách thức công khai ĐKGDC cho khách hàng biết về sự tồn tại của các điều kiện này, được đặt ở nơi dễ nhận thấy, được tạo điều kiện để đọc các ĐKGDC đó một cách chấp nhận được trước khi ký hợp đồng và nhấn mạnh nếu khách hàng không đọc kỹ những ĐKGDC này thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình; xác định rõ trách nhiệm nếu không công khai cho khách hàng biết thì ĐKGDC sẽ không trở thành một bộ phận của hợp đồng.

Tuy nhiên, BLDS năm 2015 mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 rất khó để có thể sửa đổi, bổ sung ngay được, do đó, việc bổ sung thêm các điều khoản ĐKGDC trong Luật BVQLNTD hay trong các luật chuyên ngành hoặc trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật là vấn đề được ưu tiên. Bên cạnh đó, trước khi ĐKGDC đó được phê duyệt, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần có sự hướng dẫn cụ thể, xác định trách nhiệm của bên ban hành ĐKGDC nếu không công khai, giải thích các ĐKGDC cho khách hàng biết.

Thứ ba, về danh mục các điều khoản bất công bằng quy định trong Luật BVNTD của nước ta hiện nay chưa dự liệu hết được các điều khoản bất công bằng, gây bất lợi cho NTD. Do vậy, có thể bổ sung thêm trong Luật BVQLNTD danh mục những ĐKGDC có dấu hiệu lạm dụng, bất công bằng do bên soạn thảo ĐKGDC đặt ra sẽ đương nhiên bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý như BGB và Chỉ thị số 93/13/EEC đã dự liệu. Ngoài ra, để tránh trường hợp bỏ sót các trường hợp có dấu hiệu bất công bằng, pháp luật Việt Nam có thể giải thích thêm điều khoản bất công bằng là những điều khoản gây bất lợi một cách thái quá cho bên không soạn thảo ĐKGDC so với giá trị hợp đồng mang lại hoặc dẫn đến mục đích của hợp đồng không đạt được. Có vậy mới có thể kiểm soát hết được những điều khoản không công bằng do bên soạn thảo ĐKGDC đặt ra, ngăn ngừa sự lạm dụng ĐKGDC, đảm bảo sự công bằng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, đồng thời, đó cũng là cơ sở để tòa án dễ dàng đánh giá, áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên về ĐKGDC trong các hợp đồng.

5. Kết luận

ĐKGDC đã trở thành vấn đề pháp lý của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Nghiên cứu pháp luật của CHLB Đức, Anh về ĐKGDC cho thấy sự tương thích khá cao của pháp luật Việt Nam về khái niệm, phạm vi điều chỉnh và cơ chế kiểm soát các ĐKGDC. Dù mới được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 và trong BLDS năm 2015 nhưng đã tạo ra công cụ pháp lý quan trọng góp phần hạn chế việc lạm dụng các ĐKGDC của bên soạn thảo. Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về ĐKGDC cơ bản vẫn đáp ứng được khả năng điều chỉnh vấn đề này trong thực tiễn, kiểm soát được các ĐKGDC trong các lĩnh vực. Trong điều kiện phát triển một nền kinh tế thị trường muộn hơn so với nhiều nước, sự hình thành và phát triển của ĐKGDC cũng muộn hơn thì những quy định pháp luật về ĐKGDC cũng khó tránh khỏi những hạn chế, bất cập.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Thomas Zerres, Principles of the German law on standard terms of contracts, tr1.

2Nguyễn Như Phát (2003), tr 42.

3Friedrich Kessler, Contracts of Adhesion - Some thoughts about freedom of contract, tr 631.

4Nguyễn Như Phát (2003), tr 44.

5Tăng Văn Nghĩa (2009), tr 23.

6Manfred Pieck, A study of the significant aspects of German contract law, tr.129.

 Xem thêm Bundesgerichtshof, in Neue Juristische Wochenschrift (NJW), 1998, 2286; 1997, p. 135;

7Bundesarbeitsgericht, in Der Betrieb (DB), 2006, p. 1377; Christian Grneberg, in Palandt, Brgerliches Gesetzbuch, Đ 305 BGB note 9.

8Thomas Zerres, tr.5.

9Xem thêm Bundesgerichtshof, in Neue Juristische Wochenschrift (NJW), 2000. Đ 16 note 4.

10Điều 310 BGB.

11Phan Thảo Nguyên (2005), Về hợp đồng theo mẫu trong cung ứng thương mại dịch vụ, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật.

12Khoản 2 Điều 305.

13Khoản 1 Điều 307 BGB.

14Xem Phụ lục 1 Điều 3 Chỉ thị số 93/13/EEC ngày 05/4/1993 của Hội đồng Châu Âu về các ĐKGDC không công bằng trong các hợp đồng với người tiêu dùng, truy cập tại địa chỉ http://eur-ex.europa.eu/LexUriServ/ LexUriServ.do?uri=CELEX:31993L0013:en:HTML 

15Điều 2 (1) UCTA.

16Điều 11 (4) UCTA.

17Khoản 2 Điều 406 BLDS; Điều 18 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

18Khoản 3 Điều 406 BLDS.

19Xem Quyết định 25/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, ĐKGDC.

20Điều 16, Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015.

2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

3. Bộ luật Dân sự Đức.

4. Bundesgerichtshof, in Neue Juristische Wochenschrift (NJW), 2000, p. 2677; the case concerned a preformulated declaration of consent by a bank customer to the opening of a bank account in form of a standard form contract; cf. Helmut Kưhler.

5. Friedrich Kessler, Contracts of Adhesion - Some thoughts about freedom of contract.

6. Manfred Pieck, A study of the significant aspects of German contract law, tr.129.

7. Tăng Văn Nghĩa (2009), “Bàn về ĐKGDC của doanh nghiệp”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 3, tr23.

8. Phan Thảo Nguyên (2005), Về hợp đồng theo mẫu trong cung ứng thương mại dịch vụ, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (4).

9. Nguyễn Như Phát (2003), “Điều kiện thương mại chung và nguyên tắc tự do khế ước”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6.

10. Manfred Pieck (1996), A study of the significant aspects of German contract law, tr.129.

11. Thomas Zerres, Principles of the German law on standard terms of contracts tại địa chỉ http://www.jurawelt.com/sunrise/media/mediafiles/14586/German_Standard_Terms of_Contract_Thomas_Zerres.pdf

LAWS ON GENERAL TERMS AND CONDITIONS

OF GERMANY, ENGLAND AND VIETNAM

• NGUYEN THI HUYEN

Faculty of Law, Foreign Trade University

ABSTRACT:

This article provides an overview of how general terms and conditions are regulated under laws of Vietnam and some other countries. Then, the article makes analysis and recommendations for the improvement of Vietnamese laws on general terms and conditions.

Keywords: General terms and conditions, laws on general terms and conditions, standard form contracts.