Pháp luật về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã: một số bất cập và giải pháp góp phần hoàn thiện

TS. NGUYỄN THỊ TÂM (Phó Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trải qua gần 8 năm kể từ khi có hiệu lực, Luật Phá sản 2014 đã thể hiện được hiệu quả nhất định trong việc giải quyết phá sản đối với với doanh nghiệp, hợp tác xã (trong bài viết này gọi tắt là doanh nghiệp) mất khả năng thanh toán. Công văn số 199/TANDTC-PC ra đời đã phần nào giúp các Tòa án  giải quyết được một số những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phá sản. Tuy nhiên, một số nội dung của Công văn vẫn chưa thực sự giải quyết triệt để những vướng mắc trong các quy định của pháp luật về phá sản. Bài viết phân tích một số những bất cập của pháp luật về phá sản và đề xuất giải pháp pháp lý kèm theo, nhằm góp phần hoàn thiện hơn pháp luật về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Từ khóa: Luật Phá sản 2014, khả năng thanh toán, phá sản, hợp tác xã, doanh nghiệp.

1. Liên quan đến khoản nợ người lao động và quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã của người lao động

Thứ nhất, Luật Phá sản 2014 quy định: “người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”1.

Về bản chất, khoản nợ doanh nghiệp, nợ người lao động trong trường hợp này cũng đều là khoản nợ không được bảo đảm, nhưng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, pháp luật về phá sản vẫn có những quy định có lợi hơn và không xem người lao động là chủ nợ không có bảo đảm. Cụ thể, để được thụ lý đơn, người lao động không phải nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản2; Người lao động cũng được ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ3; Liên quan đến nội dung đơn, pháp luật cũng không yêu cầu người lao động phải nộp báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà chỉ cần chứng cứ chứng minh lương và các khoản nợ đến hạn4

Tác giả đồng ý với quy định này, bởi người lao động vẫn là một bên yếu thế trong quan hệ lao động và luôn cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, để quy định này trở nên triệt để và thống nhất với tinh thần của pháp luật về lao động trong bối cảnh hội nhập, Luật Phá sản cần ghi nhận quyền nộp đơn của tổ chức đại diện người lao động thay cho sự giới hạn chỉ là tổ chức công đoàn theo quy định hiện hành. Cụ thể, Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.5 Thêm vào đó, Bộ luật Lao động quy định: “các tổ chức đại diện người lao động bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động”.6

Thứ hai, liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với người lao động đến hạn thanh toán, Luật Phá sản 2014 quy định: “khoản nợ lương và các khoản nợ khác”7 là chưa hợp lý. Quy định về “khoản nợ khác” có thể dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau có thể thay đổi tư cách pháp lý của người lao động trong quá trình giải quyết phá sản cần phải được hiểu thống nhất: (i) bất kỳ khoản nợ nào người lao động cho doanh nghiệp, hợp tác xã vay, mượn; (ii) phải là những khoản nợ phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động, ví dụ: các khoản trợ cấp, chi phí công tác, thưởng… Quan điểm của tác giả cho rằng, cách hiểu thứ hai là hợp lý hơn, lúc này các khoản khác vẫn phải là các khoản nợ phát sinh trong quan hệ lao động. Đều là người lao động nhưng khoản nợ được xác định là nợ không phát sinh từ quan hệ hợp đồng lao động thì phải xem người lao động trong trường hợp này là chủ nợ không có bảo đảm.

Từ những phân tích trên, Luật Phá sản 2014 cần được sửa đổi Khoản 2 Điều 5 về quyền nộp đơn của người lao động như sau: “Người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác phát sinh từ quan hệ lao động đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”8.

2. Liên quan đến tính hợp pháp của thương lượng rút đơn của chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán9

Trong giai đoạn trước khi thụ lý, tức là giai đoạn xử lý đơn, Tòa án nhân dân phải trả lại đơn khi các bên thương lượng được việc rút đơn. Điểm d, Khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản 2014 quy định: “Tòa án nhân dân quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 của luật này”10. Kèm theo đó, nội dung quy định tại Điều 37 Luật Phá sản 2014 quy định về thương lượng như sau: “Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn”11. Nếu “Trường hợp các bên thỏa thuận với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản”12. Ngược lại: “Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật này”13. Có thể thấy, việc rút đơn khả năng chỉ có thể là các bên đã đạt được kết quả thương lượng về việc gia hạn thời gian trả nợ, điều này dẫn đến thời điểm 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán được tính lại và cũng có nghĩa là doanh nghiệp không còn mất khả năng thanh toán theo Luật Phá sản. Luật Phá sản 2014 mở ra cơ hội cho các bên thương lượng rút đơn, nhưng lại quy định: “việc thương lượng của các bên theo quy định tại điều này không được trái với quy định của pháp luật về phá sản”14. Tác giả cho rằng, việc mở ra cơ hội cho các chủ thể thỏa thuận với nhau, từ đó là cơ sở cho việc rút đơn và trả lại đơn của Tòa án là một quy định thể hiện tính nhân văn và thực tế trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế, xã hội luôn chịu sự tác động về mọi mặt của các yếu tố tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vấn đề ở đây là việc thương lượng rút đơn phải trong trường hợp nào? Điều kiện gì chứ không thể quy định cho phép thương lượng rút đơn trong mọi trường hợp khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong pháp luật hiện hành. Luật Phá sản 2014 cũng không liệt kê được những thương lượng rút đơn nào bị xem là trái luật. Như vậy, thương lượng gia hạn khoản nợ kéo theo doanh nghiệp từ mất khả năng thanh toán trở thành không mất khả năng thanh toán có bị xem là trái luật không?

Liên quan đến thương lượng gia hạn được Công văn 199/TANDTC-PC hướng dẫn như sau: “trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là duy nhất hoặc tất cả các chủ nợ đều thống nhất việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án xem xét quyết định đình chỉ thủ tục phá sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật Phá sản 2014 nếu có căn cứ xác định doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản đã thanh toán hết nợ cho tất cả các chủ nợ hoặc có thỏa thuận giữa các chủ nợ và doanh nghiệp về việc gia hạn trả nợ. Trường hợp này cần phải coi là doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán, vì không còn khoản nợ đến hạn chưa thanh toán”15.

Hướng dẫn trên của Công văn 199/TANDTC đã gián tiếp khẳng định cho phép thương lượng gia hạn thời gian trả nợ của các chủ nợ. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn này cần phải được xem xét lại rõ ràng hơn ở một số khía cạnh sau:

(i) Thương lượng gia hạn thời gian trả nợ làm cở sở đình chỉ thủ tục phá sản theo khoản 1 điều 86 Luật Phá sản được đề cập đến trong Công văn xảy ra ở giai đoạn sau khi mở thủ tục phá sản, trong khi thương lượng rút đơn tại Điều 37 Luật Phá sản 2014 phải xảy ra trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản.

(ii) Công văn thừa nhận trường hợp gia hạn trả nợ thì không bị coi là mất khả năng thanh toán là không hợp lý, bởi cơ sở của việc ra quyết định mở thủ tục phá sản là doanh nghiệp trước đó phải mất khả năng thanh toán, điều này vô hình chung lại khẳng định Tòa án ra quyết định mở thủ tục trong trường hợp này là không có căn cứ, nên cần phải điều chỉnh lại việc sử dụng thuật ngữ trong trường hợp này.

(iii) Việc cho phép gia hạn tại công văn là cơ sở của việc đình chỉ thủ tục phá sản theo Điều 86 Luật Phá sản 2014 không phải là cơ sở của việc rút đơn theo quy định tại Điều 37 Luật Phá sản.

Thêm vào đó, Điều 86 Luật Phá sản quy định “kể từ ngày Tòa án Nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản” là chưa hợp lý về mặt câu chữ dẫn đến ý nghĩa cũng sai lệch cần phải được điều chỉnh.Việc ra quyết định mở thủ tục phá sản ban đầu đã được cân nhắc bởi Tòa án trên những cơ sở do pháp luật quy định, người tham gia đã có thể đề nghị xem xét lại, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định mở thủ tục phá sản trên, không có lý gì trong quá trình giải quyết phá sản lại dùng thuật ngữ: “nếu doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán” vô hình chung thừa nhận Tòa án đã sai. Trường hợp này phải hiểu trong quá trình giải quyết phá sản, từ một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp đã thanh toán được tất cả các khoản nợ cho các chủ nợ.

Tác giả vẫn cho rằng, pháp luật không nên thừa nhận thỏa thuận gia hạn nộp đơn và không xem đó là cơ sở để cho rằng doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán. Bởi trên thực tế, pháp luật phá sản không chỉ quy định về quyền nộp đơn mà còn quy định về nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Điều này cho thấy, tinh thần của Pháp luật Phá sản bên cạnh bảo vệ quyền lợi chủ nợ còn nhằm loại bỏ nhanh các doanh nghiệp không có năng lực ra khỏi thị trường, giúp Nhà nước cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, sản xuất của nền kinh tế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, hợp tác xã.

Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất sửa đổi Điều 37 Luật Phá sản 2014 theo hướng không thừa nhận thỏa thuận gia hạn thời hạn trả nợ và xem đó là một thoả thuận (thương lượng) trái pháp luật; sửa đổi Điều 86 Luật Phá sản 2014 như sau: “kể từ ngày Tòa án Nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán hết các khoản nợ thì Tòa án Nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản”.

3. Liên quan đến phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

Thứ nhất, Pháp luật về Phá sản không quy định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (sau đây gọi tắt là Nghị quyết). Tuy nhiên, Nghị quyết này có hiệu lực không phải vào ngày thông qua mà vào ngày Thẩm phán ra quyết định công nhận nghị quyết. Vì vậy, cần phải ghi nhận điều này rõ ràng hơn tại Điều 92 Luật Phá sản 2014.

Thứ hai, Pháp luật quy định “kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thì những điều cấm, chịu sự giám sát đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại điều 48, 49 luật này bị chấm dứt”.16

Quy định này đã mở lại tất cả các quyền của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán như một doanh nghiệp bình thường. Tác giả cho rằng, đây là điều không nên bởi các giao dịch tại Điều 48 Luật Phá sản 2014 nếu thực sự được mở rộng, khả năng doanh nghiệp có thể phục hồi và hoàn trả nợ là khó thành công. Vì vậy, chỉ nên cho phép thực hiện một số giao dịch và phải luôn đặt dưới sự giám sát của quản tài viên, vì rõ ràng đây là chức năng của quản tài viên.

Thứ ba, Luật Phá sản chưa quy định cụ thể điều kiện được xem là đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Tại điều 95 Luật Phá sản 2014 quy định: “Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu thuộc một trong các trường hợp sau: a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh”; Điều 96 luật phá sản quy định, trường hợp này thì doanh nghiệp hợp tác xã được coi là không còn mất khả năng thanh toán”. Tác giả cho rằng, pháp luật nên xây dựng điều khoản quy định cụ thể điều kiện được xem là đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh dựa trên mức độ hoàn thành nghĩa vụ trả nợ (100%). Pháp luật cho phép các chủ nợ được quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi nhưng không được thỏa thuận thay đổi thời gian nhằm bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ và tránh tình trạng kéo dài thủ tục giải quyết phá sản và thỏa thuận thay đổi này chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp đã thực hiện trả nợ được một tỷ lệ nợ tối thiểu nào đó (cần phải được xem xét kỹ ở nhiều phương diện).

Trên đây là một số những bất cập trong các quy định của pháp luật về phá sản và đề xuất sửa đổi, bổ sung, cũng như định hướng tinh thần chung để hoàn thiện pháp luật về phá sản. Tác giả hy vọng nội dung bài viết phần nào làm nguồn tư liệu cho các cá nhân nghiên cứu, trích dẫn và giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét trong quá trình hoàn thiện pháp luật về phá sản trong tương lai.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Khoản 2 điều 5 Luật Phá sản 2014.

2Điều 22 và điều 23 Luật Phá sản 2014.

3Điều 54 Luật Phá sản.

4Nội dung giải thích hướng dẫn thứ 11 của Công văn 199/TANDTC-PC.

5Khoản 3 Điều 3 Bộ Luật Lao động năm 2019.

6Khoản 3 Điều 170 Bộ Luật Lao động 2019.

7Khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản 2014.

8Với quy định này, nội hàm của thuật ngữ: tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được quy định rất rõ trong Bộ luật Lao động 2019.

9Nội dung này đã được tác giả phân tích trong bài viết: “Thương lượng việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản giữa chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán” được đăng tại Tạp chí Công Thương số 13/6/2021. Công văn 199/TANDTC-DV đã hướng dẫn và đưa ra hướng giải quyết về tình huống này. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn của công văn vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề.

10Điều 35 Luật Phá sản 2014.

11Khoản 1 Điều 37 Luật Phá sản 2014.

12Khoản 2 điều 37 Luật Phá sản 2014.

13Khoản 3 điều 37 Luật Phá sản 2014.

14Khoản 4 điều 37 Luật Phá sản 2014.

15Mục 23 Công văn 199/TANDTC.

16Khoản 1 điều 92 Luật Phá sản 2014.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014). Luật số 51/2014/QH13: Luật Phá sản, ban hành ngày 19/6/2014.
  2. Tòa án Nhân dân tối cao (2020). Công văn 199/TANDTC-PC ngày 18/12/2020 V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản.
  3. Quốc hội (2019). Bộ Luật số 45/2019/QH14: Bộ Luật Lao động, ban hành ngày 20/11/2019.
  4. Nguyễn Thị Tâm (2021). Thương lượng việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản giữa chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Tạp chí Công Thương, 13, 20-24.

LAW ON THE BANKRUPTCY

OF ENTERPRISES AND COOPERATIVES:

SOME INADEQUACIES AND SOLUTIONS

Ph.D NGUYEN THI TAM

Deputy Head, Department of Commercial Law

 Faculty of Law, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

After nearly 8 years since the Law on Bankruptcy 2014 took effect, the law has proved certain effectiveness in resolving the bankruptcy of enterprises and cooperatives (hereafter referred to as enterprises in this paper) which faces insolvency. The promulgation of Official Dispatch No. 199/TANDTC-PC has partly helped the courts solve some inadequacies of the Law on Bankruptcy 2014’s provisions. However, some contents of this Official Dispatch have not completely solved shortcomings of the Law on Bankruptcy 2014’s provisions. This paper analyzes some inadequacies of the Law on Bankruptcy 2014, and proposes some legal solutions to improve provisions on the bankruptcy of enterprises and cooperatives.

Keywords: Law on Bankruptcy 2014, solvency, bankruptcy, cooperative, enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]