Phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam trong giai đoạn Covid-19: khuyến nghị và giải pháp

DƯƠNG NGỌC HỒNG (Khoa Kinh doanh Quốc tế và Marketing, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - UEH)

TÓM TẮT:

Trong 2 thập kỷ qua, phát triển bền vững và kinh tế xanh đã được ứng dụng trong vô số các lĩnh vực khác nhau, không loại trừ lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng. Tại các nước phát triển, quản lý chuỗi cung ứng bền vững - Sustainable supply chain management (SSCM) đạt được sự chú ý trong ngành công nghiệp và giới học thuật. Giữa những tác động của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng liên tục bị đứt gãy cả ở thị trường quốc tế và nội địa. Bài viết tập trung phân tích thực trạng chuỗi cung ứng tại Việt Nam trong giai đoạn “bình thường mới”, trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị và giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng.

Từ khóa: phát triển bền vững, chuỗi cung ứng, bình thường mới, Covid-19.

1. Phân tích thực trạng

1.1. Thế giới

Theo phân tích của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chuỗi cung ứng toàn cầu có sự thay đổi lớn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thời kỳ khủng hoảng này cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng hiện đại. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, ảnh hưởng của Covid-19 khiến kinh tế các nước kiệt quệ, thương mại toàn cầu giảm sút, trong đó các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cũng chao đảo vì khủng hoảng. WEF cho rằng, đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số được coi là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đảm bảo sự phục hồi lâu dài sau đại dịch. Tradeshift, một nền tảng toàn cầu về quản lý chuỗi cung ứng cho biết mức độ ảnh hưởng lớn của đại dịch đến thương mại và nhu cầu. Cụ thể, ở Trung Quốc, giao dịch thương mại trong nước và quốc tế đã giảm 56% so kể từ giữa tháng 2/2021. Trong khi đó Mỹ, Anh và châu Âu cũng chứng kiến mức giảm 26% vào đầu tháng 4 và tiếp tục giảm 17% vào cuối tháng 4 vừa qua. Thương mại đã đi ngang ở mọi khu vực bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa, giãn cách. Tổng thể giao dịch hàng tuần trên nền tảng Tradeshift kể từ ngày 9/3/2021 giảm trung bình 9,8%, so với số liệu trước khi bùng phát Covid-19.

Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã tạo ra một cái nhìn mới về mạng lưới cung ứng và tạo sức ép để lấp chỗ trống, hàn gắn các “vết nứt” trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi mà cuộc tranh giành thiết bị bảo vệ đã đặt ra những rủi ro cố hữu về hàng tồn kho và các mô hình tìm nguồn cung ứng đơn lẻ. Tác động của việc Trung Quốc đóng cửa và sự thống trị của nước này trong các lĩnh vực sản xuất quan trọng đã làm nổi bật thêm vấn đề mà chuỗi cung ứng hiện đại phải đối mặt. Khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, các nhà sản xuất phải vật lộn xoay trục để tìm nhà cung cấp thay thế. Do đó, rất có thể, các công ty toàn cầu sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trong tương lai, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc. Các trung tâm sản xuất như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ có thể sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển dịch này. Sẽ có sự phân cấp về năng lực sản xuất và một số quốc gia bắt đầu chuyển các mắt xích trong chuỗi cung ứng của họ về nước. Xu hướng này phát triển cùng với xu hướng tự động hóa và sản xuất hàng loạt. Quá trình chuyển đổi sang một mô hình mới cho chuỗi cung ứng sẽ được củng cố bằng việc số hóa nhanh chóng. 

Hình 1. Ảnh hưởng Covid-19 đến Kinh tế thế giới và Các quốc gia phát triển

anh-huong-covid-19-den-kinh-te-the-gioi-va-cac-quoc-gia-phat-trien

Nguồn: Bloomberg, 2021

1.2. Việt Nam

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng không những đang chịu những hệ lụy chưa từng có từ đại dịch Covid-19, mà còn đứng trước nguy cơ chậm phục hồi khi các biến chủng mới đe dọa đến từng quốc gia và sinh mệnh doanh nghiệp. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, đã và đang chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, tối ưu hóa sản xuất và chi phí, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro đang hiện diện mạnh mẽ, nhiều cơ hội và thách thức đan xen đặt ra cho Việt Nam. Vì vậy, việc tập trung phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong và sau đại dịch Covid-19 là rất cần thiết.

Hình 2: Tốc độ tăng GDP so với cùng kỳ năm trước 2017 – 2021

toc-do-tang-gdp-so-voi-cung-ky-nam-truoc-2017---2021 Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2021

Sau 4 làn sóng dịch bệnh liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam đã “thấm đòn” trên diện rộng khi cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ đến các tập đoàn đều bị cuốn vào vòng xoáy đình trệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, khi các biện pháp phong tỏa trên diện rộng được áp dụng trong thời gian dài đã kéo theo sự sụt giảm của nền kinh tế khiến các địa phương tăng trưởng thấp, thậm chí âm. Những số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê đã cho thấy nhiều lĩnh vực đã giảm tăng trưởng, từ tổng mức bán lẻ hàng hóa, đến doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều giảm. Trong đó, đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,…i tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách. Trước tác động chưa từng có của dịch bệnh, điều mà nền kinh tế cần và các doanh nghiệp kỳ vọng đó là các chính sách, gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ,... đủ “liều lượng”, quy mô đủ lớn để giúp cho doanh nghiệp sớm “bình phục” và nền kinh tế sớm phục hồi.

Hình 3: Tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp tại Việt Nam

tac-dong-cua-dich-covid-19-toi-doanh-nghiep-tai-viet-nam Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam/Báo Tin tức, 2021

 2. Tổng quan lý thuyết

2.1. Khái niệm về phát triển bền vững

Từ nửa sau của thế kỷ XX, đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và phát sinh hàng loạt các dấu hiệu về khủng hoảng môi trường toàn cầu, vấn đề sinh thái bắt đầu xuất hiện trong tư duy, hành động của con người, cho thấy sự cần thiết phải đổi mới một cách cơ bản để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Khái niệm phát triển bền vững United Nations (2011) đưa ra là: “Sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...”. Nguồn gốc của “bền vững” cũng được mô hình hóa qua 1 mô hình đơn giản “tam giác phát triển bền vững” (Hình 4), trong đó 3 trụ cột được dựa trên các khía cạnh cơ bản của xã hội loài người, bao gồm: môi trường (bảo tồn), kinh tế (tăng trưởng), và xã hội (vốn chủ sở hữu).

Hình 4: Các khía cạnh của phát triển bền vững

cac-khia-canh-cua-phat-trien-ben-vung Nguồn: Spangenberg và Bonniot,1998

Khi nghiên cứu về lý thuyết bền vững, tuy có những tranh cãi về khái niệm phát triển bền vững, nhưng khi thực hiện, tất cả đều đồng ý 3 nhiệm vụ sau đây cho bất kỳ quốc gia nào. Đó là: (1) Thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế, trong khi; (2) đảm bảo tính bền vững sinh thái, bằng cách không vượt quá năng lực của Trái đất mang theo hệ sinh thái và (3) mang lại công bằng xã hội, bằng cách tạo ra cân bằng phân phối tốt hơn các cơ hội để sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một mẫu hình phát triển bền vững là mỗi địa phương, vùng, quốc gia,… không nên thiên về trụ cột này và xem nhẹ trụ cột kia. Để giữ vai trò cân bằng cho các chủ thể trên, rất cần 1 thể chế quản trị nhà nước bao gồm hệ thống các quy tắc đảm bảo sự phối hợp hài hòa cân đối 3 trụ cột của phát triển bền vững.

2.2. Quản lý chuỗi cung ứng bền vững

“Chuỗi cung ứng bền vững” không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội, chính quyền và các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm thích đáng hơn. Đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã gây ra những thách thức chưa từng có, làm thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp, đó là làm thế nào để gắn kết và duy trì hoạt động trong chuỗi cung ứng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, đồng thời gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong chính bộ máy vận hành, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất nhập khẩu trong điều kiện bình thường mới.

Quản lí chuỗi cung ứng bền vững trong tiếng Anh được gọi là Sustainable Supply Chain Management (SSCM),được định nghĩa là việc tạo ra chuỗi cung ứng phối hợp thông qua việc tự nguyện hội nhập kinh tế, môi trường và xã hội với các hệ thống kinh doanh tổ chức chính được thiết kế để quản lí có hiệu quả và hiệu quả các nguồn nguyên liệu, thông tin, cùng dòng vốn liên quan đến mua sắm, sản xuất và phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ. Qua đó nhằm đáp ứng các yêu cầu của các bên liên quan và cải thiện khả năng cạnh tranh, khả năng phục hồi của tổ chức trong ngắn hạn và dài hạn (Ahi, 2014). Có nhiều quan điểm, nhiều định nghĩa khác nhau về SSCM, tuy nhiên có nhiều quan điểm chung đồng ý là thuật ngữ SSCM đề cập đến việc hội nhập các thực tiễn kinh tế, xã hội và môi trường vào quản lí chuỗi cung ứng. Carter và Roger (2008) xác định quản lý chuỗi cung ứng bền vững là sự tích hợp chiến lược, minh bạch và đạt được các mục tiêu xã hội, môi trường và kinh tế của tổ chức trong việc điều phối hệ thống các quy trình nghiệp vụ liên tổ chức để cải thiện hiệu quả kinh tế dài hạn của từng công ty và chuỗi cung ứng của nó.

Hình 5: Quản lý chuỗi cung ứng bền vững

quan-ly-chuoi-cung-ung-ben-vung

 Nguồn: Carter và Roger, 2008

Bên cạnh đó, một trong những nền tảng của quản lý chuỗi cung ứng bền vững là khái niệm về Triple Bottom Line (TBL), kết quả từ mô hình phát triển bền vững và dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa 3 yếu tố: kinh tế, sinh thái và đạo đức (Reichel và Oczyp, 2011). TBL cùng với sự phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chính là sự kết hợp của 3 yếu tố, gồm: con người, hành tinh và lợi nhuận. Lý thuyết TBL được sử dụng nhằm mục đích kiểm định và phản ảnh hiệu quả của doanh nghiệp ở 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội. Khi đó, hiểu theo nghĩa hẹp, TBL là một khung phân tích về kế toán để đo lường và lập báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp về cả ba phương diện là kinh tế, xã hội và môi trường để khuyến khích các tổ chức kết hợp tính bền vững vào thực tiễn kinh doanh của họ (Elkington, 1997). Khi doanh nghiệp đáp ứng được đồng đều cả phát triển về kinh tế, xã hội và môi trường thì doanh nghiệp đó được xem là phát triển bền vững (Hart và cộng sự, 2003). Theo đó, các doanh nghiệp vừa phải đảm bảo lợi nhuận về kinh tế, vừa phải củng cố được lợi ích về xã hội và bảo vệ môi trường lâu bền trong chuỗi cung ứng

Hình 6: Mô hình Triple Bottom Line

mo-hinh-triple-bottom-line

Nguồn: Elkington, 1997

2.3. Ý nghĩa của quản lý chuỗi cung ứng bền vững

Toàn cầu hóa đã đặt các chuỗi cung ứng phải đối mặt với những thách thức mới, không chỉ đòi hỏi phải thực hiện tốt nhất về kinh tế, mà còn phải có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Do đó, các chuỗi cung ứng đang chuyển từ quan điểm kinh doanh thông thường sang một mô hình kinh doanh bền vững hơn bao gồm 3 yếu tố phụ thuộc lẫn nhau: kinh tế, xã hội và môi trường. Với sự phát triển của toàn cầu hoóa, tính cạnh tranh của một doanh nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, hoạt động của một doanh nghiệp không còn được quyết định bởi các quyết định và hành động xảy ra trong doanh nghiệp, thay vào đó nó sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các quyết định và hành động được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung ứng (Naslund và Williamson, 2010).

Tính bền vững đã nổi lên như một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế đang phát triển đang đặt áp lực lên tài nguyên thiên nhiên của Trái đất. Các bên liên quan ngày càng tạo ra áp lực cho các công ty không chỉ cung cấp những lợi ích kinh tế, mà còn phải giải quyết môi trường và xã hội, còn được gọi là tính bền vững hoặc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Meixell và Luoma, 2015).

Ưu điểm: Hiệu suất các dòng sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao khi các nhà cung cấp dịch vụ kết hợp với nhau; Đảm bảo và nâng tầm dịch vụ khách hàng; Giảm giá sản phẩm, loại bỏ chi phí không cần thiết; Giảm phí lưu kho, phí giảm tồn cho công ty.

Hạn chế: Khi ứng dụng chuỗi cung ứng bền vững, nếu doanh nghiệp sai từ khâu nguyên liệu sản xuất tới hệ thống phân phối, thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh. Những hình thức kinh doanh nhiều chi nhánh, đối tác hoặc văn phòng dễ dẫn đến sự xáo trộn. Trường hợp quản lý không tương thích với công cụ quản trị mà doanh nghiệp sử dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

3. Khuyến nghị và giải pháp

3.1. Lợi ích của việc phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng

Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ đã bắt đầu gia tăng, nhiều quốc gia đã áp đặt các rào cản đối với xuất khẩu các sản phẩm y tế và giảm thuế nhập khẩu nông sản để tối đa hóa nguồn cung hàng hóa quan trọng cho thị trường nội địa. Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong tình hình mới. Viện Nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value - IBV) mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát với 14.000 người đến từ 9 quốc gia về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Kết quả, 90% người được hỏi đều thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này từ khi đại dịch xảy ra; 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu; 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững trong thời kỳ đại dịch, nhưng tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Thời gian qua, đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý. Theo đó, mặt hàng được lựa chọn hàng đầu là thực phẩm và sản phẩm y tế. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm và sản phẩm y tế, vì những mặt hàng này chính là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và duy trì sự sống trước thực trạng dịch bệnh đang ngày càng lan rộng với những biến thể nguy hiểm hơn. Mặc dù Covid-19 mang lại nhiều bất lợi và khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng.

3.2. Phát triển thương mại điện tử

Do tính chất lây nhiễm cao của vi rút Covid-19 và tính tiện lợi từ việc giao - đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Theo một khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ - Forrester, năm 2020, 58% người tiêu dùng chọn chi tiêu trực tuyến, tăng 12% so với mức trước đại dịch. Tại Báo cáo Khảo sát Triển vọng Kinh doanh thực hiện năm 2021, Công ty Tư vấn tài chính Hoa Kỳ - LBMC nhận định, các ngành đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, một số ngành như công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn, do đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z - thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ - đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại. Trong giai đoạn 5 - 10 năm tới, thế hệ Z sẽ thay thế toàn bộ lực lượng lao động toàn cầu. Theo đó, kinh doanh thương mại điện tử không chỉ đáp ứng thay đổi nhu cầu hiện tại mà còn đón đầu xu thế tiêu dùng tương lai. 

3.3. Kinh doanh có ý thức

Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện bởi Accenture PLC - một công ty trong Fortune Global 500 - vào tháng 4/2020 cũng cho thấy, 60% người tiêu dùng muốn mua hàng thân thiện với môi trường. Sử dụng ít nhựa hơn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trước Covid-19, nhưng hiện nay là những lo ngại về biến đổi khí hậu kèm theo môi trường sống. Theo Worldbank, tính bền vững là một yếu tố được người tiêu dùng hiện đại quan tâm khi mua sắm. 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng biến đổi khí hậu cũng quan trọng như Covid và họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”.

Người tiêu dùng thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng. 

3.4. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong phân phối

Trong vận chuyển hàng hóa, dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm dịch vụ khách hàng và gây ra sự chậm trễ khi giao hàng. Đồng thời, người tiêu dùng hiện đại cũng nâng cao kỳ vọng, trở thành tiêu chuẩn trong nhu cầu chi tiêu, tạo ra áp lực mới cho các doanh nghiệp. Do đó, ngay cả những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, logistics cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa đang được tích hợp vào mạng cung cấp kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau để thúc đẩy phân phối hàng hóa sản xuất dọc theo chuỗi giá trị. 

Doanh nghiệp sẽ có thông tin về hành trình của sản phẩm dọc theo chuỗi cung ứng, cung cấp mọi thứ từ địa điểm đến thời điểm hàng đến và thậm chí tất cả các điều kiện môi trường trong suốt hành trình. Ví dụ, đây có thể là một công cụ mới mang tính cách mạng, nếu một công ty đang vận chuyển những thực phẩm dễ hỏng như cá và phải duy trì ở một nhiệt độ nhất định trong suốt chặng đường. Công ty vận chuyển cá có thể xem liệu nhiệt độ thực tại hay nhiệt độ tại bất kỳ thời điểm nào trong hành trình có vượt quá ngưỡng cho phép không. Nếu điều này ảnh hưởng đến hàng hóa thì khả năng này cho phép họ giảm thiểu các vấn đề về chất lượng thực phẩm. 

3.5. Chính sách/Nghị quyết từ Nhà nước

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng tiêu dùng và kinh doanh hiệu quả bền vững trong chuỗi cung ứng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Nghị quyết đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Trong đó, Bộ Công Thương được giao 3 nhiệm vụ gồm có việc Chủ trì, tổ chức thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 (ban hành tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ). Hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng quốc gia sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, ưu tiên các sản phẩm do doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, cung ứng; thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải.

Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là khung pháp lý đầu tiên của Việt Nam tiếp cận tổng thể và toàn diện các nội dung và nhiệm vụ về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững số 12 (SDG 12) với những ưu tiên cụ thể cho Việt Nam. Hoàn thành khung pháp lý và hướng dẫn về mua sắm công xanh và tăng tỷ lệ phần trăm của các sản phẩm bền vững trong mua sắm công; cải thiện khung pháp lý và hướng dẫn về việc thực hiện mua sắm công bền vững,...

4. Kết luận

Trong thập kỷ qua, các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức và áp lực trong việc duy trì sự cân bằng bền vững giữa tăng trưởng doanh thu và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường. Tại Việt Nam, duy trì tính bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong lộ trình phát triển của Chính phủ, đặc biệt trong giai đoạn “bình thường mới”. Nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của chủ trương này, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực áp dụng hàng loạt biện pháp phát huy tính bền vững trong chuỗi cung ứng. Không thể phủ nhận, một doanh nghiệp có chuỗi cung ứng bền vững sẽ gây dựng niềm tin vững chắc với đối tác và các nhà đầu tư tiềm năng. Sở hữu các chính sách bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro về danh tiếng, mà còn hỗ trợ họ có những thông tin báo cáo cuối năm tích cực và giảm thiểu nguy cơ sụt giảm giá trị cổ phiếu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2021). Nối lại chuỗi sản xuất bền vững để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/noi-lai-chuoi-san-xuat-ben-vung-de-thich-ung-voi-xu-huong-tieu-dung-moi.html
  2. Carter, C.R., and Rogers, D.S. (2008). A Framework of Sustainable Supply Chain Management: Moving Toward New Theory. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 38(5), 360-387.
  3. Minh Long, Ngọc Thùy (2021). 6 yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế. Truy cập tại: https://congthuong.vn/6-yeu-to-de-phat-trien-chuoi-cung-ung-ben-vung-ra-thi-truong-quoc-te-165342.html
  4. Elkington, J. (1997). Cannibals with forks - Triple bottom line of 21st century Busines Stoney Creek, Canada: New Society Publishers.
  5. Naslund, D., Williamson, S. (2010). What is Management in Supply Chain Management - A Critical Review of Definitions, Frameworks and Terminology. Journal of Man. Policy and Practice, 11(4), 11-27.
  6. Meixell, M.J., and Luoma, P. (2015). Stakeholder pressure in sustainable supply chain management - a systematic review. International Journal of Physical Distribution and Logistics Management, 45(½), 69-89.
  7. Lê Bảo Toàn, Bùi Văn Trịnh (2018). Tính bền vững và lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nông sản. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.
  8. Tradeshift (2021). Will the COVID-19 pandemic change our approach on sustainability?. Retrieved from: https://hub.tradeshift.com/manufacturing/how-manufacturers-can-turn-supply-chain-issues-into-opportunities/
  9. Tuổi trẻ Thủ Đô (2021). Lợi ích khi duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng và hậu cần. Truy cập tại: https://tuoitrethudo.com.vn/loi-ich-khi-duy-tri-tinh-ben-vung-cua-chuoi-cung-ung-va-hau-can-185252.html
  10. Tổng cục Thống kê (2021). Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
  11. WCED - World Commission on Environment and Development. (1987). Our Common Future. New York: Oxford University Press.

 

SUSTAINABLE SUPPLY CHAIN DEVELOPMENT IN VIETNAM

IN THE CONTEXT OF COVID-19 PANDEMIC:

RECOMMENDATIONS AND SOLUTIONS

DUONG NGOC HONG

Faculty of International Business and Marketing,

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Over the past two decades, sustainable development and green economy approaches have been implemented in different fields including supply chain management. In developed countries, sustainable supply chain management (SSCM) have attracted attention both within academia and industry. The international and domestic supply chains are being disrupted by the COVID-19 pandemic. This paper focuses on analyzing the current situation of the supply chain in Vietnam in the new normal period. Some recommendations and solutions are proposed to promote the sustainable supply chain development in Vietnam.

Keywords: sustainable development, supply chain, new normal, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 1, tháng 1 năm 2022]