Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình: Thực trạng và giải pháp

THS. PHAN THỊ LỆ - THS. TRẦN THỊ THANH HƯƠNG - THS. VŨ THỊ BÍCH DUYÊN - THS. NGUYỄN LAN HƯƠNG - THS. NGUYỄN THỊ HẢI THANH (Trường Đại học Thái Bình)

TÓM TẮT:

Nội dung nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình ở các khía cạnh: Số lượng, quy mô, cơ cấu, chất lượng hoạt động, loại hình doanh nghiệp. Tình hình phát triển doanh nghiệp được đánh giá thông qua các chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp thành lập, giải thể, nguồn vốn, lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu những rào cản cần tháo gỡ, như: Chính sách hỗ trợ, chất lượng lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Từ những đánh giá trên, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm phát triển toàn diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.

Từ khóa: Phát triển doanh nghiệp, tỉnh Thái Bình, chính sách hỗ trợ, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Phát triển tốt các doanh nghiệp không những góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, mà còn tạo sự ổn định chính trị, xã hội trong nước. Cùng với cả nước, số lượng các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày một gia tăng, đã góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, tốc độ phát triển doanh nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phần lớn các doanh nghiệp ở Thái Bình còn hạn chế về quy mô, chất lượng; sức cạnh tranh của các doanh nghiệp về sản phẩm, dịch vụ còn thấp; đa số các doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thông thường phục vụ cho thị trường trong nước, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chưa nhiều hoặc chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm gia công có giá trị kinh tế thấp; nhiều doanh nghiệp phát triển còn mang tính tự phát, không theo định hướng quy hoạch kinh tế - xã hội tại địa phương, chưa phát huy được thế mạnh tại từng tỉnh, do đó tính bền vững thấp và khả năng rủi ro cao.

Để khơi dậy tiềm năng, lợi thế phát triển doanh nghiệp, tăng nguồn nội lực, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Thái Bình đã đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Hơn nữa, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội nói chung và quá trình hoạt động của doanh nghiệp nói riêng. Do đó, việc nghiên cứu thực trạng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu

Các tài liệu, số liệu trong nghiên cứu được lấy từ Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, Cục Thống kê tỉnh Thái Bình và các báo cáo khác có liên quan.

2.2. Phương pháp xử lý và phân tích số liệu

Các số liệu được xử lý và phân tích chủ yếu dựa trên phương pháp phân tích thống kê truyền thống: Thống kê mô tả, thống kê so sánh, phân tích tốc độ và cơ cấu để đánh giá biến động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng phát triển doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình thời gian qua

a) Số lượng doanh nghiệp.

Bảng 1. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động (2018 - 2020)

Tiêu chí

Năm 2018

Năm 2019

 Tháng 9/2020

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Tổng số doanh nghiệp

6.512

100

7.321

100

7.831

100

Doanh nghiệp nhỏ và vừa

6.322

97,08

7.117

97,21

7.622

97,33

Doanh nghiệp lớn

190

2,92

204

2,79

209

2,67

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, các doanh nghiệp mới ra đời ngày một nhiều. Số lượng doanh nghiệp tăng đều qua các năm, trong đó tốc độ tăng của doanh nghiệp nhỏ và vừa là cao hơn cả. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không bị giảm sút: Tính đến hết ngày 30/9/2020 hiện đang hoạt động là 7.831 doanh nghiệp; trong đó số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97,33% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp lớn là 29 doanh nghiệp chiếm 2,67%; mới chỉ 9 tháng đầu năm 2020 nhưng số lượng doanh nghiệp cũng đã tăng 510 doanh nghiệp so với cả năm 2019.

b) Phân chia theo loại hình doanh nghiệp

Bảng 2. Phân chia theo loại hình doanh nghiệp (2018-2020)

Loại hình DN/Năm

Năm 2018

Năm 2019

  Tháng 9/2020

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Tổng số doanh nghiệp

6.512

100

7.321

100

7.831

100

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

2.053

31,53

2.194

29,97

2.289

29,23

Công ty TNHH 1 thành viên

2.799

42,98

3.337

45,58

3.668

46,84

Doanh nghiệp tư nhân

390

5,99

391

5,34

392

5,01

Công ty cổ phần

1.270

19,50

1.399

19,11

1.482

18,92

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình

Qua số liệu Bảng 2 thấy rằng, loại hình thành lập nhiều nhất là Công ty TNHH một thành viên, hàng năm chiếm hơn 40% tổng số các doanh nghiệp; trong khi đó doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ ít nhất đạt tới hơn 5%. Do trước đây loại hình này chủ sở hữu là một tổ chức mới được phép thành lập nhưng hiện nay chủ sở hữu là cá nhân đã được phép thành lập nên số lượng gia tăng nhanh. Cơ cấu loại hình này so với tổng số các doanh nghiệp tăng trong 3 năm 2018 - 2020 từ 42,98% lên đến 46,84%. Trong khi đó, cơ cấu công ty TNHH 2 thành viên giảm từ 31,53% xuống 29,23%, doanh nghiệp tư nhân cũng giảm từ 5,99% xuống còn 5,01%, tiếp đó là công ty cổ phần giảm từ 19,50% xuống còn 18,92%.

c) Phân chia theo khu vực địa lý

Bảng 3. Phân chia theo địa bàn hoạt động (2018 - 2020)

Địa bàn hoạt động

Năm 2018

Năm 2019

 Tháng 9/2020

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Thành phố

2.734

41,98

3.068

41,91

3.254

41,55

Thái Thụy

961

14,76

1.030

14,07

1.088

13,89

Đông Hưng

558

8,57

630

8,61

682

8,71

Tiền Hải

539

8,28

612

8,36

659

8,42

Hưng Hà

533

8,18

603

8,24

658

8,40

Vũ Thư

418

6,42

460

6,28

490

6,26

Quỳnh Phụ

406

6,23

494

6,75

547

6,99

Kiến Xương

363

5,57

424

5,79

453

5,78

Tổng số

6.512

100

7.321

100

7.831

100

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình

Sự phân bố của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình không đồng đều, nó phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế riêng từng vùng. Khu vực thành phố Thái Bình là khu vực trung tâm của tỉnh, thuận lợi về mọi mặt cho quá trình phát triển của các doanh nghiệp nên thu hút nhiều nhà đầu tư. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn hàng năm chiếm gần 42%. Tiếp theo là các doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở những khu vực có lợi thế về tài nguyên như huyện Thái Thụy là vùng ven biển có cảng biển thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, đóng tàu và thủy sản; huyện Tiền Hải có khí mỏ, là vùng ven biển nên ở vùng này chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất sứ vệ sinh, gạch ốp lát, thủy sản. Một số doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng truyền thống tập trung chủ yếu ở huyện Hưng Hà và Đông Hưng. Các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ xa trung tâm có ít lợi thế về kinh tế thì số lượng doanh nghiệp ít - chiếm bình quân khoảng 6,5% tổng doanh nghiệp trong cả tỉnh. (Bảng 3)

d) Phân chia theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh

Bảng 4. Phân chia theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh (2018 - 2020)

Lĩnh vực ngành nghề

Năm 2018

Năm 2019

 Tháng 9/2020

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Số lượng

Cơ cấu (%)

Công nghiệp - Xây dựng

2.753

42,27

3.149

43,02

3.427

43,76

Thương mại - Dịch vụ

3.407

52,32

3.873

52,90

4.188

53,48

Nông lâm - Ngư nghiệp

352

5,41

299

4,08

216

2,76

Tổng số

6.512

100

7.321

100

7.831

100

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình

Tuy Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp nhưng do có các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển trong các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nên số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 3 năm đều tăng (trên 0,7%/năm), đến ngày 30/9/2020 có 3.427 doanh nghiệp, chiếm 43,76% tổng số DN.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4.188 doanh nghiệp, chiếm 53,48% tổng số DN, tập trung chủ yếu tại các khu vực thị trấn, thành phố do những năm gần đây hệ thống giao thông được cải thiện nên thuận lợi cho việc thông thương giữa Thái Bình với các tỉnh khác. Ngược lại, các DN kinh doanh lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp có xu hướng giảm dần qua các năm; đến ngày 30/9/2020 có 216 doanh nghiệp, chiếm 2,76% tổng số DN do lĩnh vực này có nhiều rủi ro và các chính sách về bảo hiểm đối với ngành Nông nghiệp chưa được áp dụng rộng rãi. (Bảng 4)

e) Thành lập mới và giải thể các doanh nghiệp

Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, thực sự tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giải quyết vấn đề việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong tỉnh.

Tổng số doanh nghiệp thành lập năm 2019 là 886 doanh nghiệp - tăng 60 doanh nghiệp so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể, bị thu hồi đăng ký, chuyển đi tỉnh ngoài năm 2019 là 77 doanh nghiệp - giảm 23 doanh nghiệp so với năm 2018. Riêng 9 tháng đầu năm 2020 số doanh nghiệp giảm hẳn so với 2019 với tốc độ giảm 0,37%. (Bảng 5)

Bảng 5. Số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể

trong 3 năm (2018 - 2020)

Diễn giải

Năm

2018

(DN)

Năm

2019

(DN)

9 tháng năm 2020 (DN)

Tốc độ phát triển (%)

2019/

2018

2020/

2019

Doanh nghiệp thành lập mới

826

886

561

1,073

0,63

DN giải thể, bị thu hồi đăng ký, chuyển đi tỉnh ngoài

100

77

51

0,77

0,66

So sánh giữa số giải thể, thu hồi với thành lập mới (%)

12,11

8,69

9,09

 

 

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình

Qua số liệu trên ta thấy số lượng doanh nghiệp giải thể, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc chuyển đi hoạt động ở tỉnh ngoài với số lượng ít, tính đến ngày 30/9/2020 chiếm 9,09% so với doanh nghiệp thành lập mới. Các doanh nghiệp giải thể, bị thu hồi là do khó khăn về vốn kinh doanh, số lượng lao động thiếu, hơn nữa kế hoạch kinh doanh đề ra từ trước không còn phù hợp với thời điểm này. Có những doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện khách quan sau khi thành lập lại không có đủ điều kiện để hoạt động ngành nghề đó nên bắt buộc phải giải thể.

3.2. Đánh giá chung

a) Ưu điểm, kết quả đạt được

Trong những năm qua, doanh nghiệp trên địa tỉnh Thái Bình đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng gắn với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương; một số doanh nghiệp đã đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bước đầu đã có một số tổ chức, cá nhân nghiên cứu xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước. Một số DN đã có bước đi và chiến lược phù hợp với tình hình kinh tế của cả nước, đã chủ động trong việc liên doanh, liên kết hoạt động sản xuất - kinh doanh để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Tồn tại, hạn chế

- Số lượng doanh nghiệp trong tỉnh đã có bước phát triển nhưng tốc độ còn chậm, quy mô về vốn còn nhỏ (đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

- Hoạt động của nhiều DN trên địa bàn tỉnh thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi sự biến động của thị trường, nên khi gặp khó khăn không tự mình vượt qua, phải tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể. 

- Một số DN vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh như không thực hiện góp vốn đầy đủ, đúng hạn như cam kết đã đăng ký hoặc đăng ký khống vốn; bỏ trụ sở kinh doanh, không báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh với cơ quan nhà nước.

3.3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình

* Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp

Chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật về đầu tư, kinh doanh; về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp; về các nguyên tắc, cam kết quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư bằng nhiều kênh thông tin. Nâng cao vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, DN là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhất là tạo việc làm và an sinh xã hội.

* Hoàn thiện khung pháp lý chung phát triển doanh nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai,... tăng cường thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến thông qua mạng điện tử; tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành, huyện, thành phố trong việc giải quyết những vấn đề về pháp lý phát sinh trong quá trình thành lập, đầu tư và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

* Giải pháp về chính sách ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương và nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đề xuất ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở SXKD, nhất là hộ kinh doanh, chuyển lên thành lập hoặc tham gia thành lập và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai nghiêm túc và hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh COVID-19.

* Giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường. Tổ chức các hội nghị, hội thảo các DN công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV liên kết với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh.

* Giải pháp về trợ giúp phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cho doanh nghiệp và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh

- Hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, du nhập, truyền nghề mới cho lao động.

- Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển kỹ thuật, công nghệ mới thân thiện với môi trường, sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng giá trị chất xám cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp đối với các dự án đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

* Giải pháp về tăng cường công tác hậu kiểm sau đăng ký thành lập

- Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đoàn thể xã hội và nhân dân để kiểm tra, giám sát, quản lý tình hình hoạt động của các doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định về điều kiện trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

- Phát hiện kịp thời và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm minh đối với các DN cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật; động viên, khen thưởng kịp thời những doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt, có đóng góp lớn cho ngân sách và công tác từ thiện xã hội.

4. Kết luận

Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, quyết định đến chuyển dịch các cơ cấu lớn của nền kinh tế quốc dân, như: Cơ cấu nhiều thành phần kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu kinh tế giữa các vùng, địa phương. Doanh nghiệp phát triển, là nhân tố đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững ổn định và tạo thế mạnh hơn về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập của tỉnh.

Vai trò của DN không chỉ quyết định sự phát triển bền vững về mặt kinh tế mà còn quyết định đến sự ổn định và lành mạnh hóa các vấn đề xã hội. Những năm gần đây, hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển đột biến, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, như: Tạo việc làm, xóa đói - giảm nghèo...

Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian qua đã phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Số lượng, quy mô và chất lượng của các doanh nghiệp ngày càng tăng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế ở các giai đoạn khác nhau. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, tạo sự đột phá trong việc huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư nói chung và phát triển kinh tế tư nhân, DN nói riêng. Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới thông tin hỗ trợ phát triển DN để cung cấp thông tin về quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động, cơ chế chính sách, chương trình trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2018, 2019), Niên giám thống kê tỉnh Thái Bình năm 2018, 2019. NXB Thống kê.
  2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình (2020), Báo cáo tình hình doanh nghiệp đăng ký kinh doanh năm 2018, 2019, 2020.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 733/QĐ-TTg v/v phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020.
  4.  https://dangkykinhdoanh.gov.vn/

The development of enterprises in Thai Binh Province: The current situation and solutions

Master. Phan Thi Le 1

Master. Tran Thi Thanh Huong 2

Master. Vu Thi Bich Duyen 3

Master. Nguyen Lan Huong 4

Master. Nguyen Thi Hai Thanh 5

1 2 3 4 5 Thai Binh University

ABSTRACT:

This research assesses the current development of enterprises located in Thai Binh Province in terms of the number of firms, firm size, business structure, busiess performance and types of enterprises. The business development of enterprises are also assessed in terms of the number of newly established and dissolved enterprises, the amount of capital, and the business fields. This research points out the barriers tto the development of enterprises including limited support policies, the quality of labor force, the efficiency of business and production activities. Based on the research’s findings, some solutions are proposed to facilitate the development of Thai Binh Province’s enterprises in the coming time.

Keywords: Enterprise development, Thai Binh Province, support policy, labor quality, production - business performance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]