Phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

TS. VŨ VĂN ĐÔNG (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) và TRẦN THỊ THU HIỀN (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh)

 

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, du lịch văn hóa Tây Ninh từng bước phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, năng lực, cạnh tranh còn thấp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu trọng điểm, sự liên kết giữa các điểm du lịch chưa cao, chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Trên cơ sở phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2017, tác giả đề xuất định hướng và các giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững đến năm 2025.

Từ khóa: du lịch văn hóa, phát triển, tỉnh Tây Ninh.

1. Đặt vấn đề

Tây Ninh là một tỉnh ở miền biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Sử liệu ghi nhận, Tây Ninh xưa kia vốn là vùng đất thuộc Vương quốc Phù Nam, phát triển hưng thịnh vào những thế kỷ đầu Công nguyên với nền văn hóa Óc Eo độc đáo. Không những vậy, trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhờ có vị trí chiến lược quan trọng về mặt quốc phòng, Tây Ninh được chọn làm căn cứ địa cách mạng trọng yếu của miền Nam, cùng với Phước Long, Bình Long, Sông Bé,... hợp thành một miền Đông anh dũng trong chiến đấu và anh hùng trong lao động. Nhờ thừa hưởng nhiều nét văn hóa đặc sắc cùng truyền thống cách mạng hào hùng từ quá khứ để lại, Tây Ninh ngày nay có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa.

Tính đến cuối năm 2017, toàn Tỉnh có 80 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 23 di tích cấp quốc gia. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp, du lịch Tây Ninh đã không ngừng phát triển và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ khi tổng lượt khách du lịch đến với Tây Ninh và doanh thu du lịch của tỉnh tăng liên tục trong giai đoạn 2012 - 2017, đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh nhà mỗi năm, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành khá nhiều điểm, khu du lịch có sức hấp dẫn lớn du khách như: khu Di tích lịch sử văn hóa - Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen, khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa Thánh Cao Đài, Di tích lịch sử - văn hóa tháp Chót Mạt, Hội xuân Núi Bà,...

núi bà den
Khu du lịch Núi Bà Đen

Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch Tây Ninh vẫn còn nhiều hạn chế so với mặt bằng chung của cả nước. Hầu hết các điểm, khu du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư khai thác đúng mức, công tác quản lý còn tồn tại nhiều bất cập, nội dung chương trình du lịch chưa phong phú, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, nguồn nhân lực phục vụ du lịch cùng đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực này còn thiếu và hạn chế về năng lực, cơ sở hạ tầng vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch còn khá nghèo nàn, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch văn hóa chưa đạt hiệu quả như mong muốn,... Do đó, hoạt động du lịch văn hóa hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng và lợi thế to lớn của địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của ngành Du lịch.

Vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Tây Ninh, từ đó đề xuất định hướng cùng những giải pháp thiết thực, phát triển hơn nữa du lịch văn hóa ở địa phương trong những năm sắp tới theo hướng bền vững trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường là một vấn đề hết sức cấp thiết.

2. Thực trạng phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Tây Ninh

2.1. Thực trạng du khách

Trong những năm qua, với sự phát triển khá ổn định của nền kinh tế - xã hội cả nước cùng những nỗ lực của ngành Du lịch địa phương mà số lượng khách tham quan trong nước và quốc tế đến với Tây Ninh ngày càng tăng đáng kể.

Bảng 1. Thực trạng khách du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2017

Đơn vị: Nghìn lượt khách

thuc_trang_khach_du_lich_tinh_tay_ninh_giai_doan_2012_-_2017

Nguồn: Niên giám thống kê 2017, Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, trong giai đoạn 2012 - 2017, số lượt khách du lịch đến Tây Ninh tăng từ 2.014,52 nghìn lượt lên 3.349,0 lượt (Bảng 1), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,2%/năm. Mặc dù số lượng khách quốc tế đến Tây Ninh có tăng nhưng trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh, khách nội địa vẫn chiếm áp đảo với tỉ lệ hơn 99,0% mỗi năm.

2.2. Thực trạng doanh thu

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn tăng khá nhanh trong giai đoạn 2012 - 2017, từ 193,0 tỉ đồng lên 560,0 tỉ đồng, tăng trung bình 23,7%/năm (Bảng 2). Riêng thu nhập từ du lịch (hay GDP du lịch) tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỉ trọng không đáng kể trong GDP cả tỉnh, chỉ trên dưới 1,0%. Trong đó, gần 60% thu nhập du lịch của tỉnh được đóng góp từ khách lưu trú, trong khi nguồn thu từ khách tham quan, vốn có số lượng đông hơn, chỉ dao động trong khoảng 40%.

Bảng 2. Thực trạng doanh thu du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2017

thuc_trang_doanh_thu_du_lich_tinh_tay_ninh

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh

2.3. Hoạt động đầu tư và xúc tiến du lịch

Trong những năm qua, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch, các cấp lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm đến hoạt động đầu tư và xúc tiến du lịch, tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; Xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; Xúc tiến xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế.

Trong đó, hoạt động đầu tư xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch cho thấy hiệu quả cao nhất. Từ nguồn ngân sách địa phương, vốn của các doanh nghiệp tư nhân và sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch trọng yếu đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, nhiều khu di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo.

Một số dự án đầu tư vào du lịch tiêu biểu ở Tây Ninh trong giai đoạn này là: Dự án xây dựng hệ thống cáp treo mới theo công nghệ châu Âu tại Khu Di tích lịch sử văn hóa - Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen;  Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Dương Minh Châu; Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa đạo An Thới.

Ngoài ra, trong giai đoạn này cũng còn khá nhiều dự án đầu tư cho du lịch khác như việc phục dựng, chỉnh trang hệ thống kiến trúc trong Khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (nhà ở tập thể, nhà khách, nhà ăn,...), dự án đại trùng tu, tôn tạo tổng thể chùa Thiền Lâm (hay chùa Gò Kén),... Gần đây nhất, trong năm 2017, để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giữ gìn bản sắc văn hóa cổ Tây Ninh, hai di tích tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt cũng đã được tu bổ, tôn tạo.

trung uong cuc
Khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

2.4. Các loại hình và sản phẩm du lịch văn hóa chủ yếu

Cho đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh hầu như chưa có một công trình hiện đại nào đủ sức thu hút khách tham quan. Đồng thời, do những hạn chế về mặt kinh tế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,... nên tỉnh cũng chưa đủ sức tổ chức các sự kiện âm nhạc, thể thao lớn cũng như nhiều sự kiện khác (các cuộc thi hoa hậu, liên hoan phim,.). Do đó, loại hình du lịch văn hóa hiện đại của tỉnh vẫn chưa thể phát triển. Và trên thực tế, ở Tây Ninh hiện nay phổ biến loại hình du lịch văn hóa truyền thống, bởi hầu hết các điểm, khu du lịch, lễ hội đều hoạt động dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống.

Tây Ninh có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng cùng hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện. Đây là những điều kiện cần rất quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tại địa phương. Tuy vậy, cho đến nay ngoài du lịch tâm linh gắn với lễ hội, tín ngưỡng tương đối nổi trội thì các sản phẩm du lịch còn lại trên địa bàn đều chưa rõ nét, đơn điệu và trùng lặp. Một hạn chế khác là chất lượng sản phẩm du lịch không cao, chưa đủ sức hấp dẫn khách tham quan và cạnh tranh với các sản phẩm du lịch trong khu vực.

chua ba den
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen thu hút nhiều du khách tham quan và lễ Phật

3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận

Bên cạnh vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tây Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh đa dạng và phong phú, đầy đủ về thể loại, từ các di sản vật thể đến phi vật thể. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh in đậm dấu ấn của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, quá trình hình thành và phát triển lâu dài của vùng đất Tây Ninh, đồng thời thể hiện rõ tinh thần yêu nước, sự cần cù lao động, sáng tạo, óc thẩm mỹ của người dân địa phương.

Các lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống, đối tượng du lịch gắn với dân tộc học, văn hóa ẩm thực,... đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn ổn định. Đặc biệt trong những năm gần đây, du lịch Tây Ninh nhận được sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ đến các cấp lãnh đạo địa phương, sự đầu tư của các doanh nghiệp và sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội.

Mặc dù có rất nhiều ưu thế nhưng hiện nay du lịch văn hóa tỉnh nhà vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình phát triển. Những khó khăn ấy chủ yếu đến từ sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú, thiếu cơ sở vui chơi giải trí, chất lượng nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa chậm, vốn đầu tư còn hạn chế.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với những lợi thế to lớn hiện có, du lịch văn hóa Tây Ninh đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong giai đoạn 2012-2017. Đó là sự gia tăng số lượng du khách và doanh thu du lịch, hoạt động đầu tư và xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, một vài sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu đang có dấu hiệu định hình, một số khu du lịch văn hóa trọng điểm hoạt động hiệu quả. Tuy vậy, thực trạng phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn cũng đang cho thấy rất nhiều vấn đề cần giải quyết. 

lang nghe
Làng nghề chằm nón

 

Trước tiên là sự thiếu đồng bộ trong việc đầu tư khai thác tài nguyên du lịch nhân văn, khiến rất nhiều loại tài nguyên hiện vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Cơ cấu thị trường khách du lịch Tây Ninh nói chung và du lịch văn hóa nói riêng hiện khá bất ổn khi khách nội địa áp đảo hoàn toàn so với khách quốc tế. Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng nhưng hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

Các sản phẩm du lịch văn hóa vẫn chủ yếu dựa trên những tài nguyên sẵn có, chưa xây dựng được sản phẩm đặc thù có khả năng tạo dấu ấn rõ nét trong lòng du khách. Bên cạnh đó, phạm vi và hiệu quả khai thác của các tuyến, điểm du lịch hiện nay cũng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, sự phối hợp không chặt chẽ, thiếu nhất quán giữa các ban ngành liên quan đã dẫn đến một số bất cập trong quá trình đầu tư khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị của nguồn tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn.

3.2. Kiến nghị

Nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng phục vụ phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, xin đề xuất một số kiến nghị đến các cơ quan chức năng như sau:

  • Đối với Tổng cục Du lịch:

+ Phối hợp, giúp đỡ ngành du lịch Tây Ninh trong việc nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của tỉnh.

+ Kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Tây Ninh đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là du lịch văn hóa.

+ Kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cho Tây Ninh.

  • Đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh:

+ Phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh trong công tác quản lý, khai thác và bảo tồn các tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn.

+ Thông báo rộng rãi, chính xác và cụ thể nội dung, phạm vi quy hoạch các điểm, khu du lịch để mọi ban ngành liên quan và người dân địa phương nắm rõ.

+ Có chính sách ưu đãi về thuế, xây dựng cơ chế thông thoáng hơn nữa để huy động, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch về mọi mặt, trong đó chú ý đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

  • Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh:

+ Quản lý, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành trong quá trình khai thác và bảo vệ các tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn.

+ Nhanh chóng có kế hoạch nghiên cứu, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của địa phương.

+ Phối hợp với Sở Y tế tỉnh Tây Ninh thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại các điểm, khu du lịch đang khai thác.

+ Có kế hoạch hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp tại Tây Ninh trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh.

  • Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch và người dân địa phương:

+ Đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc trong quá trình kinh doanh du lịch.

+ Thường xuyên nhắc nhở, nâng cao hiểu biết và ý thức của du khách trong việc chấp hành nội quy tại các điểm, khu du lịch thông qua các phương tiện truyền thông.

+ Khách du lịch và người dân địa phương cần ý thức được trách nhiệm của bản thân trong quá trình tham gia các hoạt động du lịch, tránh mọi hành vi gây tổn hại đến hiện trạng di tích, tạo hình ảnh phản cảm nơi công cộng, đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Diễm Thúy (2010). Văn hóa du lịch, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  2. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh(2020). Quyết định về việc Ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Tây Ninh.
  3. Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh (2017). Niên giám thống kê 2017, Tây Ninh.
  4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh (2021), https://sovhttdl.tayninh.gov.vn/Pages/Thong-tin-lien-he.aspx.