TÓM TẮT:
Ngoài tài nguyên du lịch biển đảo, Khánh Hòa còn có rất nhiều những sản phẩm du lịch hấp dẫn khác, trong đó có các lễ hội truyền thống. So với các khu vực khác trong cả nước, tiềm năng của du lịch lễ hội Khánh Hòa không nhiều, song lễ hội nơi đây lại mang những giá trị rất đặc sắc. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác lễ hội để phát triển du lịch tại địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được huy được hiệu quả. Bài viết này đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch lễ hội truyền thống tại Khánh Hòa.
Từ khóa: tỉnh Khánh Hòa, lễ hội truyền thống, du lịch lễ hội.
1. Một số lễ hội truyền thống tại Khánh Hòa có thể đưa vào khai thác du lịch lễ hội
1.1. Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng Nha Trang tại Đền Hùng Vương, đường Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được diễn ra trong 3 ngày: mùng 9, 10 và 11 tháng 3 hàng năm, gồm Lễ cáo yết giỗ Tổ, nam quan tế, nữ quan tế cổ truyền,… thể hiện tấm lòng ngưỡng vọng của những người con Xứ Trầm biển Yến. Đây cũng là nếp sống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, với đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các vị Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động phần lễ, gồm: Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, ngày 6/3 âm lịch; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức…, trong đó, điểm nhấn là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng sẽ được tổ chức vào sáng mùng 10/3.
Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương và bắn pháo hoa; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật khảo cổ về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng,…
1.2. Lễ hội Tháp Bà
Lễ hội diễn ra vào từ ngày 20 - 23 tháng 3 âm lịch hằng năm, tổ chức ngay tại Tháp Bà Ponagar, tọa lạc trên đồi Cù Lao, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tưởng niệm Nữ thần Mẹ Xứ sở (Po Ino Nogar). Đây là lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất của 2 dân tộc Việt - Chăm ở Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ, thu hút đông đảo người Việt, người Chăm, người Hoa và du khách đến dự. Năm 2001, lễ hội Tháp Bà được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống của Khánh Hòa, có nguồn gốc từ người Chăm cổ, với tục thờ nữ thần Ponagar (Yang Pô Inư Nagar), được mệnh danh là Mẹ xứ sở, là người đã có công trong việc dựng xây quê hương, dạy cho người dân cách trồng trọt, chăn nuôi, và phù hộ cho người dân có cuộc sống an lành, ấm no. Lễ hội này có sự tham gia của người Chăm, người Kinh, cùng một số người dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh miền Trung tìm về, vô cùng sôi nổi.
Lễ hội diễn ra với rất nhiều nghi thức truyền thống, như: lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái; nghi thức rước kiệu từ Tháp Bà đi qua các tuyến đường trong khu dân cư; lễ cầu quốc thái dân an; lễ khai mạc; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương. Cùng với đó là các hoạt động dâng hương, hát văn, múa bóng lễ Mẫu của các đoàn hành hương; biểu diễn hát bội, các trò chơi dân gian, trình diễn kỹ thuật dệt vải, làm gốm của đồng bào Chăm,…
1.3. Lễ hội Am Chúa
Lễ hội được tổ chức vào ngày 22/4 âm lịch hàng năm để tưởng niệm Nữ thần Thiên Y A Na, còn được nhân dân trong vùng tôn sùng là Bà Chúa, bà mẹ của xứ sở tại Am Chúa. Nơi thờ Nữ thần Ponagar (Thiên Y A Na) trên sườn núi Đại An (núi Chúa), thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Theo truyền thuyết, đây là nơi Nữ thần giáng trần, sống thời thơ ấu với hai vợ chồng tiều phu già. Nơi đây có miếu thờ và tượng Bà.
Hằng năm, vào ngày 1 đến 3 tháng 3 âm lịch sẽ diễn ra lễ hội Am Chúa, được tổ chức ngay tại di tích Am Chúa, nằm trên núi Đại An, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Đây là dịp để người dân và du khách thập phương cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn đến Đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Các nghi lễ diễn ra vô cùng trang trọng, thể hiện sự thành kính và tôn sùng vị Thánh mẫu, đồng thời cầu cho mưa gió thuận hòa, cuộc sống của nhân dân được bình yên, êm ấm. Sau nghi thức khai mạc đã diễn ra lễ tế cổ truyền.
Các đoàn hành hương lần lượt biểu diễn hát văn, múa bóng, ngợi ca công đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na, thể hiện ước mơ bình dị của người dân là cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt,… Lễ hội Am Chúa được đánh giá là một trong những lễ hội còn bảo lưu được nhiều nghi thức cổ truyền của người Việt ở Khánh Hòa và nét đẹp trong tục thờ Mẫu.
1.4. Lễ hội Cầu Ngư
Cá Voi “lị” (chết) trôi giạt vào bờ ở vùng nào thì làng đó đem về chôn cất 3 năm rồi cho bốc mộ lấy cốt, xây lăng thờ cúng, gọi là lăng ông Nam Hải. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di tích - Danh lam thắng cảnh Khánh Hòa, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 29 lăng ông Nam Hải được xây dựng quy mô, nằm riêng rẽ độc lập.
Lễ hội cúng giỗ ông Nam Hải (hay còn gọi là lễ hội Cầu Ngư) được dân làng chuẩn bị chu đáo. Trước khi khai hội, Ban tế lễ tổ chức nghinh Ông (rước Thần Biển) và rước các sắc phong thần ở các đình, miếu trong làng về lăng. Vật tế chính thường là heo, xôi, chè, hoa quả,…
Cúng lễ xong, dân làng bắt đầu tôn vương hát Bộ. Trong lễ hội thường không thể thiếu hò bá trạo, là một kiểu nghệ thuật sân khấu “bình dân”, tổng hợp nhiều điệu dân ca như hò, vè, lý, hát tuồng, nói lối. Thời gian diễn ra lễ hội sẽ tùy thuộc vào từng lăng của từng vùng, từng làng. Tuy nhiên, lễ hội Cầu Ngư (hay lễ Cúng Lăng) quy mô nhất hiện nay được tổ chức tại làng Tân Mỹ (huyện Vạn Ninh) vào ngày 16 tháng Hai âm lịch và ngày 16 tháng Chín âm lịch mỗi năm.
1.5. Lễ hội Yến sào
Tên gọi đầy đủ của lễ hội này là “Dâng hương giỗ tổ nghề Yến”, được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 5 âm lịch. Lễ hội nhằm tôn vinh và tri ân vị tổ, thánh Mẫu và các vị tiền hiền, hậu hiền trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển ngành nghề Yến sào Khánh Hòa. Thủy tổ nghề Yến sào là Đề đốc Lê Văn Đạt và đảo chủ - thánh Mẫu Lê Thị Huyền Trân. Hiện nay, lễ hội do Công ty Yến sào Khánh Hòa tổ chức, với sự tham gia đông đảo của người dân, khách du lịch. Nghề khai thác Yến sào ở Khánh Hòa đã có trên 600 năm, là một nghề “hái ra vàng” nhưng đầy nguy hiểm, rủi ro vì luôn phải treo mình trên vách đá chênh vênh để thu tổ yến. Do vậy, lễ hội là dịp để người làm nghề cầu cúng, xin được ban ơn, ban phước lành. Lễ hội được tổ chức tại Đảo Yến - Hòn Nội. Những người tham dự mặc lễ phục thực hiện những nghi lễ trang trọng nhất. Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động đặc sắc như hát quan hò, chèo thuyền, chương trình giới thiệu gian hàng và sản phẩm từ yến.
2. Thực trạng khai thác các lễ hội truyền thống trong phát triển du lịch lễ hội tại Khánh Hòa
Những năm gần đây, lễ hội văn hóa truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh ở mỗi địa phương và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch. Đối với du khách, lễ hội là một chỉnh thể thống nhất đa dạng, du khách có thể được xem cách tổ chức các lễ hội, các vai diễn, trình tự rước tế, cách trang phục và được hiểu biết về cội nguồn lịch sử của nó. Đến với các lễ hội cũng là đến với các danh lam thắng cảnh, các di tích, được thưởng thức nhiều giá trị văn hóa tổng hợp, bởi hầu hết các lễ hội đều diễn ra ở các địa điểm đó. Vì vậy, các lễ hội có khả năng thu hút khách du lịch rất lớn.
Nói đến các điều kiện để thu hút khách du lịch đến với các lễ hội,ngoài những điều kiện để phát triển du lịch và du lịch văn hóa nói chung, đối với loại hình du lịch lễ hội, chúng ta cần phải thấy rằng: không thể quan niệm đơn giản cứ có lễ hội rồi là chỉ cần tổ chức đưa khách đến là xong, hoặc cũng không thể tùy tiện nghĩ phải lập kế hoạch đưa lễ hội vào các chương trình du lịch bằng cách tái diễn lại lễ hội phục vụ du khách.
Theo Báo cáo số 36/BC-SVHTT ngày 19 tháng 3 năm 2019 về “Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện nay có 16 di tích được xếp hạng Quốc gia, 175 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh, đặc biệt có 3 di sản phi vật thể cấp Quốc gia đó là: Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Tháp bà Ponagar, Lễ bỏ mả của người Raglai ở Khánh Hòa.
Lễ hội truyền thống nói chung và lễ hội truyền thống tỉnh Khánh Hòa nói riêng là một trong những loại hình di sản độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ở đó thể hiện rất rõ đời sống văn hóa tâm linh, những quan niệm nhân sinh và các sinh hoạt văn hóa dân gian khác. Chính vì thế, lễ hội là một trong những loại hình văn hóa đặc biệt, có sức thu hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Các lễ hội dân gian truyền thống ở Khánh Hòa được tổ chức chủ yếu ở quy mô làng xã và mang đậm nét văn hóa của các dân tộc. Các lễ hội này được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian được khôi phục, kết hợp với các hoạt động văn hóa thể thao như bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ quần chúng, đã tạo thêm nét tưng bừng cho ngày hội. Mỗi địa phương tuy cùng một chủ đề lễ hội, nhưng do điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa khác nhau, nên cách thức tổ chức các lễ hội cũng khác nhau. Điều đó càng làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú cho các loại hình lễ hội ở Khánh Hòa. Đồng thời lễ hội cũng là nơi bảo tồn, giữ gìn những giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, Ban tổ chức lễ hội tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội thi, hội diễn, các hoạt động thể thao để phục vụ lễ hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hoạt động văn nghệ quần chúng luôn là hoạt động được đánh giá hàng đầu, nhằm xây dựng một nền tảng văn hóa tinh thần tại địa phương, cầu nối giao lưu, đồng thời cũng là môi trường tạo ra những sản phẩm văn hóa mang tính chất cộng đồng. Công tác tuyên truyền quảng bá về di tích, lễ hội được chú trọng nhất tại các địa phương nơi diễn ra lễ hội. Trong thời gian trước, trong khi diễn ra lễ hội, Ban Tổ chức thường xuyên thông báo bài giới thiệu về di tích, lễ hội, nhân vật được thờ phụng để du khách thập phương hiểu về lễ hội mình đang tham gia. Các phương tiện tuyên truyền cũng rất đa dạng, có thể trên đài truyền thanh của huyện, xã, trên các tấm panô và hệ thống băng rôn, cổng chào, cờ,... được đặt tại khu vực diễn ra lễ hội và dọc các tuyến đường trục chính trong xã. Bên cạnh công tác tuyên truyền quảng bá trực tiếp tại các lễ hội, công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, nhất là trên website cũng được chú ý.
Đồng thời tuyên truyền quảng bá trên hệ thống ấn phẩm như làm biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu quảng bá về điểm di tích, lễ hội hệ thống đường đi và chỉ dẫn, thời gian và nội dung; in băng đĩa hình, tờ gấp và bản đồ phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá. Công tác tuyên truyền đã có hiệu quả rõ nét, nhân dân và du khách tham dự lễ hội hiểu rõ hơn về lễ hội, giá trị của lễ hội từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, lễ hội. Cùng với sự phát triển của du lịch Khánh Hòa, du lịch lễ hội ngày càng phát triển.
Đây là thể loại du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, đồng thời nó là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển của toàn ngành Du lịch. Mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của tỉnh Khánh Hòa là phải làm sao khai thác tốt loại hình du lịch lễ hội. Hoạt động du lịch càng phát triển thì càng phải làm giàu thêm bản sắc và truyền thống dân tộc. Vai trò và ý nghĩa của du lịch lễ hội đối với kinh doanh du lịch là hết sức quan trọng, nó góp phần thúc đẩy cho du lịch vươn lên, tạo đà cho du lịch ngày một phát triển, đem lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế.
Bảng 1. Đánh giá của doanh nghiệp về công tác tổ chức, quản lý lễ hội
(theo thang Likert 1-5 mức)
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu khảo sát
3. Một số giải pháp phát triển du lịch lễ hội truyền thống tại Khánh Hòa
3.1. Nhóm giải pháp về chính sách, tổ chức, quản lý lịch lễ hội truyền thống
Tiến hành rà soát, xét duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết các điểm du lịch lễ hội trọng điểm, trên cơ sở đó xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn. Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo gắn liền với đặc trưng tài nguyên khu vực.
Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường dành cho các dự án dể hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa trong quá trình xây dựng.
Khai thác nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đến các khu, điểm du lịch lễ hội.
Có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án du lịch lễ hội trên địa bàn thành phố.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hợp lý giữa các ban ngành, tổ chức có liên quan để giải quyết những khó khăn hạn chế và khai thác hiệu quả các lễ hội truyền thống cho phát triển du lịch
3.2. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch lễ hội
Rà soát, đánh giá lại số lượng, chất lượng, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực;
Bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý di tích, có hiểu biết đầy đủ về lịch sử, văn hóa, xã hội và môi trường, có năng lực và trách nhiệm nghiêm túc với công tác quản lý, bảo tồn di tích;
Gắn giáo dục và đào tạo du lịch với hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia và chú trọng giáo dục du lịch toàn dân;
Đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đào tạo lại với nhiều hình thức và nguồn kinh phí khác nhau;
Thu hút nguồn nhân lực trẻ và có năng lực thông qua chế độ đãi ngộ thỏa đáng;
Cần coi trọng việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm du lịch, khu di tích lịch sử văn hóa;
Cần đặc biệt chú trọng đào tạo chính những người dân của địa phương nơi diễn ra các hoạt động du lịch lễ hội;
Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, đặc biệt là tại các khu vực phát triển du lịch về lợi ích và vai trò của du lịch, giúp họ nhận thức được du lịch là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Cần giáo dục bồi dưỡng những kiến thức về văn minh thương mại, văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư tại các khu vực phát triển du lịch để tạo ra những hành vi ứng xử phù hợp với các hoạt động du lịch.
3.3. Nhóm giải pháp về xúc tiến và quảng cáo về du lịch lễ hội
Chú ý tổ chức công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, marketing du lịch và quảng bá du lịch lễ hội hướng tới thị trường nguồn, trong đó tập trung vào cả thị trường khách nội địa cũng như thị trường khách quốc tế.
Tham gia các hoạt động hợp tác, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý du lịch. Việc tham gia các sự kiện du lịch quốc tế, như: hội chợ, hội nghị, hội thảo,... thông qua đó để kêu gọi đầu tư, tìm cơ hội hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực du lịch có ý nghĩa lớn đối với phát triển văn hóa du lịch.
Tranh thủ và huy động sự tham gia, tài trợ của các tổ chức, cá nhân liên quan; sự trợ giúp của chính phủ, tổ chức quốc tế, tăng cường liên kết, hợp tác, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến ra thị trường nước ngoài;
Thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền, quảng bá về những sự việc sẽ diễn ra trên địa bàn vào từng thời điểm như các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa thể thao, tổ chức các chiến dịch truyền thông, quảng bá, phát động thị trường theo chuyên đề; tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị hội thảo du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch lễ hội Khánh Hòa.
3.4. Nhóm giải pháp về bảo tồn - phát huy các giá trị văn hóa
- Các lễ hội tiêu biểu được quy hoạch chi tiết dựa trên các nguyên tắc:
+ Phục dựng lại nghi lễ và các trò chơi, trò diễn đầy đủ và sinh động, hấp dẫn hơn nhưng phải đảm bảo yếu tố truyền thống, nguồn gốc của lễ hội tránh lai căng pha tạp làm phai nhạt bản sắc.
+ Sáng tạo và làm phong phú thêm phần lễ, phần hội đã có một cách phù hợp, thể hiện sinh động các yếu tố di sản cần bảo tồn và phát triển.
+ Loại bỏ những yếu tố lạc hậu, hủ tục, dị đoan, không phù hợp với đời sống và sinh hoạt văn hóa hiện nay, xử lý tốt các lễ hội truyền thống trong hoàn cảnh tâm lý xã hội hiện đại, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và cách tân, giữa dân tộc và hiện đại.
- Quá trình nghiên cứu quy hoạch bảo tồn lễ hội phần nội dung cần chú ý cả 2 phần: Phần lễ và phần hội theo nguyên tắc phần lễ là phần chủ đạo, phần hội là phần phát sinh tích hợp. Việc bảo tồn phục dựng phải đảm bảo tính chủ đạo và bản chất của lễ hội truyền thống:
+ Phần lễ: Cần phải nghiên cứu kỹ các tài liệu, thư tịch trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu đã có, khai thác các giá trị truyền thống, phong tục, tập quán và hình thức dân gian khác có tính đặc thù của Khánh Hòa để giới thiệu, thu hút khách du lịch và phát huy giá trị văn hóa trong lễ hội. Xác định các nghi thức tế lễ, trang phục và các đặc trưng cần bảo tồn và lược bỏ những yếu tố không còn phù hợp, rườm rà.
+ Phần hội: Xác định, phục dựng các trò chơi dân gian, nghệ thuật diễn xướng mang dấu ấn riêng.
Tiến hành tổng kiểm kê, rà soát, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng lễ hội, trên cơ sở đó tính toán các nguồn lực, năng lực quản lý và điều hành hoạt động của chính quyền địa phương quản lý lễ hội; Khai thác, kế thừa các tri thức dân gian của cộng đồng dân cư để nghiên cứu tư liệu hóa, phục dựng lại các nghi lễ, các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội; Đánh giá lại các giá trị di sản văn hóa còn lưu giữ được để bảo tồn, phát huy; Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) đối với từng lễ hội; Tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập bằng văn tự, băng ảnh, phim ảnh làm cơ sở để phục hồi những hình thức sinh hoạt lễ hội đã bị mai một, những nghi thức trình diễn đã bị thất truyền và có nguy cơ thất truyền.
3.5. Nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch lễ hội
Việc đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển loại hình du lịch lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố Khánh Hòa cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau đây:
- Nhanh chóng cải tạo nâng cấp, xây dựng các khách sạn, làng du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế,… phát triển hệ thống cơ sở lưu trú đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nhất là trong các mùa lễ hội.
- Phát triển hệ thống các cơ sở vui chơi giải trí về thể thao, các câu lạc bộ văn hoá, spa, xây dựng khu vui chơi giải trí, xây dựng các khách sạn, hệ thống các nhà hàng đạt tiêu chuẩn và các dịch vụ hỗ trợ khác như dịch vụ bán vé, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền lễ,... từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.
- Các doanh nghiệp cần tùy vào mục đích sử dụng để đầu tư mới hoặc đầu tư bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật. Tùy vào đối tượng khách để đầu tư trang thiết bị hiện đại hoặc bình thường. Có thể tạo sự đặc trưng bằng việc thiết kế và trang bị những tiện nghi mang tính dân tộc.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, khai thác tối đa công suất sử dụng vào mùa lễ hội và trái mùa nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu cần thiết, tối thiểu của du khách.
- Hoạt động du lịch của các địa phương, các quốc gia có phát triển bền vững không, mức độ hấp dẫn du khách như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng phải dựa trên cơ sở quy hoạch khoa học và hợp lý về quy mô, kiến trúc, kiểu dáng, phù hợp với sự phát triển của thành phố, tránh phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
4. Kết luận
Để khai thác tốt các lễ hội truyền thống, tỉnh Khánh Hòa cần liên kết, hợp tác trong quản lý phát triển hoạt động du lịch giữa các ban ngành, các địa phương. Đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa và thế mạnh của địa phương, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và bền vững. Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch lễ hội trên mọi phương tiện truyền thông trong nước và nước ngoài nhằm thu hút khách du lịch. Nâng cao nhận thức bảo vệ di sản văn hóa ở cộng đồng dân cư và du khách. Bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền, học hỏi những bài học kinh nghiệm của các tỉnh thành khác và các quốc gia khác trên thế giới. Nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, cá nhân nào mà còn là sự quan tâm, cùng chung tay góp sức của toàn xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trần Thúy Anh (chủ biên) và nhóm tác giả (2014). Giáo trình Du lịch văn hóa - Những vấn đề lý luận và nghiệp vụ. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
- Nguyễn Chí Bền (2006). Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Bính, Trần Thị Minh Hòa (2004). Kinh tế du lịch. Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.
- Mai Thanh Hải (2008). Địa chí tôn giáo lễ hội Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu (2001). Du lịch bền vững, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Lưu (1998. Thị trường du lịch. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Tập thể tác giả (2010). Văn nghệ dân gian. Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, Khánh Hòa.
- Trần Ngọc Thêm (3/2001). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb TP. Hồ Chí Minh.
- Trần Quốc Vượng (2003). Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.