Quản lý nhà nước về du lịch - Một số vấn đề lý luận cơ bản

ThS. Nguyễn Thị Huyền Hương (Trường Chính trị tỉnh Long An), ThS. Trần Thị Khánh Chi (Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt)

Tóm tắt:

Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói, có tốc độ tăng trưởng cao, là giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành Du lịch ra đời muộn nhưng đã được Đảng và Nhà nước sớm xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, công tác quản lý nhà nước về du lịch được chú trọng tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm, vai trò và các yếu tố tác động đến hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.  

Từ khoá: Du lịch, quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về du lịch.

Đặt vấn đề

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là yêu cầu tất yếu đối với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển du lịch cần có những giải pháp tối ưu để hạn chế những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường và xã hội. Chính vì vậy, quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhà nước thông qua những công cụ quản lý nhất định nhằm tác động tích cực vào các hoạt động du lịch, tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, giúp ngành Du lịch phát triển theo đúng định hướng và hiệu quả.

Thời gian qua, du lịch Việt Nam được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu… Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, song chủ yếu vẫn là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức[1].

Nhiều trường hợp những hạn chế trong hiệu quả QLNN về du lịch còn xuất phát từ việc chưa nhận thức đầy đủ về mặt lý luận. Mọi lý luận chân chính đều bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn[2]. Do đó, những cơ sở lý luận đúng đắn là rất quan trọng, rất cần thiết trong việc góp phần hình thành nên những giải pháp thực thi và phù hợp. Cụ thể, QLNN về du lịch có những vấn đề lý luận cơ bản như sau:

1. Khái niệm quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về du lịch

1.1. Khái niệm quản lý nhà nước

1.1.1. Quản lý

Cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Laurence Lowell đã nhận xét: “Quản lý là nghiệp xưa nhất và là nghề mới nhất”. Quản lý luôn gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên trên thực tế đã nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau về quản lý. Những quan điểm này có lịch sử ra đời khác nhau và gắn với mỗi tổ chức hoạt động trong một lĩnh vực, thậm chí là với mỗi quá trình trong từng tổ chức riêng biệt.

Theo F.W. Taylor, quản lý là biết chính xác điều bạn muốn người khác làm và sau đó biết được họ đã hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất và rẻ nhất.

Henry Fayol định nghĩa quản lý là một tiến trình bao gồm cả các khâu lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra các nỗ lực của mỗi thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác nhau của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đã định trước.

Theo Mary Parker Follett, quản lý là nghệ thuật đạt mục tiêu thông qua con người.

Có tác giả cho rằng quản lý là hoạt động phối hợp các hoạt động chung của một đoàn thể hợp tác nhằm đạt mục tiêu đã định trước.

Từ những điểm chung của các định nghĩa trên, có thể đi đến một khái niệm tổng hợp về quản lý như sau[3]: Quản lý là một tất yếu khách quan do lịch sử quy định. Quản lý là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể lên các khách thể nhằm đạt được mục tiêu đã định trước.

1.1.2. Quản lý nhà nước

QLNN là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước; sử dụng pháp luật, chính sách để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trên tất cả các mặt của đời sống xã hội; do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện; nhằm phục vụ nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội[4].

1.2. Khái niệm quản lý nhà nước về du lịch

1.2.1. Du lịch

Hiện có nhiều khái niệm về du lịch đã được đưa ra với những góc độ tiếp cận khác nhau, trong đó có một số khái niệm điển hình như sau:

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization) - một tổ chức thuộc Liên hợp  quốc: Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư[5].

Theo từ điển Bách khoa toàn thư của Việt Nam (1995), du lịch có hai nghĩa: Một là, du lịch là một dạng nghỉ dưỡng sức, tham quan tích cực của con người ngoài nơi cư trú với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa nghệ thuật. Hai là, du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước. Đối với người nước ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình. Về mặt kinh tế, du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn, có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ. Hầu như nước nào cũng coi trọng phát triển hoạt động du lịch[6].

Khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017 quy định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.

1.2.2. Quản lý nhà nước về du lịch

So với khái niệm du lịch, khái niệm QLNN về du lịch xét về quan điểm của các tác giả có phần hạn chế hơn, Luật Du lịch 2017 cũng không giải thích nội hàm của khái niệm này, trong giới hạn bài viết, nhóm tác giả có một số nhận xét như sau:

Theo tác giả Phạm Hồng Long, QLNN về du lịch là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực pháp luật của Nhà nước đối với các quá trình, các hoạt động du lịch của con người để duy trì và phát triển ngày càng cao các hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế nhằm đạt được các hiệu quả kinh tế xã hội do Nhà nước đặt ra[7].

Tác giả Mai Văn Nhơn tại công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh Đồng Nai đã đưa ra đề xuất: QLNN về du lịch là sự tác động có tổ chức, có định hướng và bằng pháp quyền của Nhà nước lên các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch nhằm khai thác có hiệu quả nhất các tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, lợi thế địa lý và khí hậu, các nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước, các cơ hội có thể có, để đạt được mục tiêu phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hoá, bảo vệ tốt môi trường, trong điều kiện hội nhập và mở rộng giao lưu quốc tế[8].

Tương tự như vậy, tác giả Nguyễn Thị Huy Hoàng có quan điểm: QLNN về du lịch là sự tác động có tổ chức của Nhà nước thông qua công cụ và phương thức mang bản chất quyền lực nhà nước để điều chỉnh và định hướng cho hoạt động du lịch nhằm đạt được những mục tiêu định trước của Nhà nước[9].

Kế thừa những quan điểm trên, nhóm tác giả đưa ra khái niệm QLNN về du lịch như sau: QLNN về du lịch là sự tác động bằng quyền lực của Nhà nước đối với các hoạt động du lịch nhằm tạo ra sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động du lịch, đảm bảo phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được tài nguyên, duy trì và phát triển văn hoá, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

2. Vai trò của quản lý nhà nước về du lịch

Thứ nhất, định hướng cho hoạt động du lịch phát triển tích cực, vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song vẫn giữ gìn các giá trị truyền thống và bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước.

Thứ hai, hình thành và hoàn thiện môi trường pháp lý toàn diện, ổn định cho hoạt động du lịch trong cả nước, cho từng vùng và từng địa phương cụ thể. 

Thứ ba, dung hoà mối quan hệ và lợi ích giữa du lịch với các ngành kinh tế khác; đảm bảo hài hoà về quyền lợi giữa cộng đồng dân cư, nhà đầu tư du lịch và khách du lịch.

3. Một số yếu tố tác động đến hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

3.1. Hệ thống pháp luật của Nhà nước về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch

So với những công cụ khác như đạo đức, phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo, quy định của cộng đồng dân cư hay của các tổ chức xã hội… pháp luật nói chung có những ưu thế vượt trội hơn như tính bắt buộc chung, cưỡng chế; tính xác định về mặt hình thức; tính quy phạm phổ biến…

Nhờ những thuộc tính đó, pháp luật có khả năng thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đưa vào đời sống và trở thành hiện thực trong đời sống; pháp luật xác định địa vị pháp lý của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và đến từng cá nhân, từ đó tạo dựng hành lang, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động của các chủ thể trong xã hội; pháp luật quy định các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý những chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật.

Riêng pháp luật về du lịch, mặc dù ra đời có phần hơi muộn, song tính từ những năm 1960 đến nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành khá nhiều văn bản pháp luật quy định trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch. Những quy định này đã thực sự mở đường cho ngành công nghiệp không khói phát triển một cách mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là giai đoạn ban hành và áp dụng Luật Du lịch 2005 thay thế cho Pháp lệnh Du lịch năm 1999.

Sau hơn 10 năm triển khai Luật Du lịch 2005, bên cạnh những yếu tố tích cực có tính chất mở đường cho du lịch phát triển thì đồng thời cũng nảy sinh không ít những vấn đề gây trở ngại. Điều đó cho thấy khuôn khổ thể chế đã không đáp ứng kịp nhu cầu và xu thế phát triển du lịch.

Từ những tư tưởng đổi mới trong Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được tiếp thu và thể chế hoá cụ thể trong Luật Du lịch 2017 được Quốc hội đã thông qua ngày 19/6/2017.

Những quy định mới này cho thấy độ cởi mở cao và sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân trong việc khơi dậy tiềm lực, tạo đà kích thích du lịch phát triển bứt phá trong giai đoạn tới. Song về lâu dài, hệ thống pháp luật về du lịch cần được hoàn thiện hơn nữa vì hoạt động du lịch nói chung hiện đang được điều chỉnh rải rác bởi khá nhiều luật và hệ thống những văn bản hướng dẫn thi hành. Hạn chế này phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch hiện nay.

3.2. Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch

Luật pháp phát triển là ở đó có sự định hướng hành vi đối với chủ thể thi hành trong việc bảo vệ lợi ích đúng đắn của các thành viên khác trong xã hội. Lâu dần hình thành trong nhận thức của mỗi chủ thể việc phải tôn trọng các luật hiện hành trong xã hội, vào thời điểm và tại nơi mà họ đang sống. Khi luật pháp được tôn trọng, việc tuân thủ sẽ được thực hiện một cách tự giác.

Như vậy, luật pháp là quan trọng song nhận thức của người dân còn quan trọng hơn. Khi không có sự tôn trọng pháp luật, không có sự tự giác thực hiện hành vi để bảo vệ lợi ích đúng đắn của các thành viên khác trong xã hội ngoài lợi ích của cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thì rất khó để đạt được mục đích cuối cùng giá trị dân chủ thực sự từ mô hình nhà nước pháp quyền theo xu hướng hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn trong những hoạt động phát triển du lịch. Vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng và chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi có sự phối hợp đồng bộ từ phía chính quyền đến người dân, khi tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung là hiệu quả phát triển du lịch của quê hương, của đất nước.

Loại hình du lịch cộng đồng là một ví dụ điển hình nhất về nhận thức của người dân đối với vai trò của phát triển du lịch. Cộng đồng địa phương và cụ thể là từng cá nhân người dân tại địa phương có vai trò trong việc tổ chức, vận hành và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách dựa trên những giá trị về văn hóa, như phong tục tập quán, các di sản phi vật thể cũng như thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên của địa phương trong khuôn khổ quy định của pháp luật và những chính sách tại địa phương.

Như vậy đối với các loại hình du lịch cộng đồng hiện nay, vai trò và hình ảnh “chủ nhân” của điểm đến sẽ được hình thành và tôn vinh từ chính cộng đồng dân cư khi trực tiếp hay gián tiếp tham gia đón tiếp và thực hiện các dịch vụ du lịch. Nhìn từ góc độ bao quát hơn, phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với vai trò quan trọng của phát triển du lịch.

3.3. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao về có vai trò to lớn và ý nghĩa quyết định của cán bộ và công tác cán bộ đối với sự thành bại của cách mạng[10]: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay càng đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao hơn, trong đó bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch nói riêng. Nếu họ - “công bộc của Nhân dân” có sự hạn chế về năng lực, không đủ uy tín và thiếu tâm huyết trong công việc sẽ rất khó hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Trước yêu cầu đó, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về du lịch tại các địa phương hiện đã được chú trọng cả về số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, về trình độ chuyên môn, đa số cán bộ, công chức dù có bằng đại học hoặc sau đại học nhưng thực tế chuyên ngành đào tạo không phải QLNN về du lịch mà thường về một lĩnh vực nhất định trong hoạt động phát triển du lịch như:  nhà hàng khách sạn, kinh doanh lữ hành…

Ở những đơn vị đào tạo có chuyên ngành QLNN, nội dung liên quan tới du lịch thường được đề cập lồng ghép trong môn học QLNN về kinh tế. Do đó, tính chuyên sâu về quản lý trong lĩnh vực này sẽ có những hạn chế nhất định. Trong khi đó, những lớp tập huấn công tác QLNN về du lịch do các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức thường không nhiều, thời gian ngắn, số lượng tham gia hạn chế; còn ở địa phương công tác này lại không được thực hiện.

Quản lí nói chung là nghệ thuật hoàn thành công việc thông qua người khác; là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ chức, sử dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được các mục tiêu của tổ chức[11]. Chức năng cơ bản của quản lý là lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và kiểm tra. Như vậy, khi có kiến thức về nhà hàng khách sạn hay vấn đề kinh doanh dịch vụ lữ hành không có nghĩa sẽ trở thành người cán bộ, công chức quản lý tốt những hoạt động du lịch này.

Để đội ngũ cán bộ, công chức QLNN về du lịch thực sự có chất lượng cần đảm bảo vừa có năng lực quản lý, vừa có kiến thức chuyên môn sâu đối với các hoạt động du lịch. Có như vậy những kế hoạch, quy hoạch, chương trình, chiến lược phát triển du lịch được đề ra mới thực sự phù hợp với thực tiễn và tạo động thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển. Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế ngày càng trở nên phổ biến, người làm công tác QLNN về du lịch cần phải tnâng cao hơn nữa khả năng sử dụng ngoại ngữ.

3.4. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý về du lịch

Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khi xác định những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế, yếu kém của ngành du lịch có đề cập về sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý du lịch hiệu quả còn thấp. Các cấp, các ngành vẫn chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng. Đây là một yếu tố tác động quan trọng đến hiệu quả QLNN về du lịch hiện nay tại Việt Nam.

Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, nội dung phối hợp giữa các địa phương, giữa các ngành khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nói chung là một nguyên tắc hiến định, nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nNhà nước hiện nay tại Việt Nam. Trong đó, quản lý theo ngành là hoạt động quản lý các đơn vị, tổ chức kinh tế, văn hoá xã hội có cùng cơ cấu kinh tế - kỹ thuật hoặc hoạt động với mục đích giống nhau nhằm làm cho hoạt động của các tổ chức, đơn vị này phát triển một cách đồng bộ, nhịp nhàng, đáp ứng được với yêu cầu của Nhà nước và xã hội.

Liên kết kinh tế vùng thực sự là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho cả vùng. Các hình thức liên kết kinh tế vùng có thể trên khía cạnh không gian kinh tế theo lãnh thổ, chuỗi ngành hàng, tổ chức sản xuất. Chủ trương, chính sách phát triển vùng, liên kết vùng không những tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giúp các vùng khó khăn thực hiện tốt chức năng bảo tồn tài nguyên, sinh thái, an ninh, chính trị và xã hội.

Kết luận

QLNN về kinh tế là một chức năng của nhà nước, theo đó Nhà nước sử dụng tất cả các biện pháp có thể để can thiệp vào nền kinh tế nhằm hạn chế những khuyết tật của nền kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phân bổ nguồn lực một cách tối ưu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội một cách hài hòa, phù hợp với các giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của đất nước.

Thực tế, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, mang bản chất nhân văn và có tính xã hội cao. Do đó, không thể thiếu sự tác động có tổ chức và bằng quyền lực nhà nước đối với các hoạt động du lịch nhằm đảm bảo cho du lịch phát triển đúng định hướng, tạo nên sự phát triển bền vững và có hiệu quả. Như vậy, hoạt động QLNN về du lịch có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng.

Tài liệu trích dẫn:

1 Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2 Phương Vinh. (2019). http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/ly-luan-va-xay-dung-nen-tang-ly-luan-122009 (12/6/2019).

3 Học viện Hành chính quốc gia (2008), Giáo trình Quản lý học đại cương, NXb Khoa học và Kỹ thuật, tr.14.

4 Học viện Hành chính quốc gia (2012), Lý luận hành chính nhà nước, Lưu hành nội bộ, Hà Nội.

5 https://vi.wikipedia.org/wiki/Du_l%E1%BB%8Bch .

6 Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển bách khoa Việt Nam 1, Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, tr.683.

7 http://www.caohockinhte.info/

8 Mai Văn Nhơn (2001), Quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh Đồng Nai, Luận văn Thạc sĩ Quản lý hành chính công, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, tr.26.

9 Nguyễn Thị Huy Hoàng (2016), Quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Tây Ninh, Luận văn Thạc sĩ Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, tr.23.

10 Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.5m 309, 313.

11 https://thcsnguyenvietxuan.tptdm.edu.vn/Su-kien-nha-truong/Vai-tro-cua-Nha-quan-li-cong-tac-Lanh-dao-Quan-li-16.html.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp 2013.
  2. Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Du lịch 2017.
  3. Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới.
  4. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  5. Học viện Hành chính quốc gia (2008), Giáo trình Quản lý học đại cương, NXb Khoa học và Kỹ thuật, tr.14.
  6. Học viện Hành chính quốc gia (2012), Lý luận hành chính nhà nước, Lưu hành nội bộ, Hà Nội.
  7. Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển Bách khoa Việt Nam 1, Hà Nội.
  8. Nguyễn Thị Phương Hà (2013), Quản lý về công tác quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh.
  9. Nguyễn Thị Huy Hoàng (2016), Quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Tây Ninh, Luận văn Thạc sĩ Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh.
  10. Mai Văn Nhơn (2001), Quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh Đồng Nai, Luận văn Thạc sĩ Quản lý hành chính công, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
  11. Phương Vinh. (2019). http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/ly-luan-va-xay-dung-nen-tang-ly-luan-122009 (12/6/2019).

THE STATE MANAGEMENT ON TOURISM: SOME BASIC THEORETICAL ISSUES

Master. Nguyen Thi Thanh Huong

Long An Province Political School

Master. Tran Thi Khanh Chi

Faculty of Law, Da Lat University

Abstract:

Tourism, the smokeless industry with high growth rate, is considered an important economic development solution for many countries around the world including Vietnam. Although Vietnam’s tourism industry was established quite late, the industry was quickly identified by the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam as a key economic sector. Local authorities in Vietnam have paid special attention to the state management of tourism. This article clarifies concepts, role and factors affecting the state management of tourism.

Keywords: Tourism, state management, state management of tourism.