Quốc hội yêu cầu tính chính xác chi phí bù giá cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn năm 2024

Quốc hội đồng ý phân bổ một phần ngân sách trung ương năm 2024 để bù giá bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tuy nhiên Chính phủ cần rà soát, tính toán chính xác số tiền theo đúng quy định, được Kiểm toán nhà nước xác định trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Toàn cảnh phiên họp biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều nay (10/11)
Toàn cảnh phiên họp biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều nay (10/11/2023)

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 444 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 89,88%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Phân bổ ngân sách nhà nước tập trung, có trọng tâm, trọng điểm

Nghị quyết quyết nghị, phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo; Phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 kinh phí thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phụ lục số V kèm theo; Số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII kèm theo Nghị quyết này; Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết này.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các đại biểu tham gia biểu quyết
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các đại biểu tham gia biểu quyết

Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cập nhật thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tỷ lệ phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với năm 2024 và 2025 trên cơ sở sản lượng xăng dầu sản xuất, bán ra trong nước so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường, cụ thể: 60% thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, 40% còn lại thực hiện điều tiết 100% về ngân sách trung ương.

Chính phủ quy định cụ thể việc thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý. Tiếp tục thu 100% nguồn thu này các năm 2024, 2025 về ngân sách trung ương và thực hiện phân chia tương ứng 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Đồng thời, Chính phủ bố trí dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an tương đương 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông ngân sách trung ương được hưởng năm 2022 (riêng khoản kinh phí cho nhiệm vụ hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều này) và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương tương đương 15% số thu còn lại để phục vụ công tác của các lực lượng khác tại địa phương tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội.

Các đại biểu tham gia biểu quyết
Các đại biểu tham gia biểu quyết

Chính phủ sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển; trong đó, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế; phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 đảm bảo không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương. Đối với phần tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (nếu có), sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, địa phương thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 2, Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Sử dụng phần kinh phí dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương, theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Giao dự toán bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rà soát, tính toán chính xác số kinh phí bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (bao gồm số kinh phí còn nợ trong giai đoạn 2018-2023 và số kinh phí phát sinh năm 2024) theo đúng quy định, đồng thời số liệu phải được Kiểm toán nhà nước xác định trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phương Chi