Quy hoạch ngành quốc gia hướng đến tái cơ cấu kinh tế

Mùa hè 2023 thật đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia, gồm Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (thường gọi là Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
quy hoạch ngành
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng, ngày 21/7. Ảnh: Hoàng Phong

Công cụ cơ cấu lại nền kinh tế

4 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trên thực tế, thời gian qua, khi chưa có quy hoạch, một số dự án bị chậm so với kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng gặp nhiều thách thức. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng chưa cao, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Ý thức được tầm quan trọng của quy hoạch trong phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ, khi được giao trọng trách phụ trách ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt vấn đề quy hoạch phải đi trước một bước để mở ra một không gian phát triển mới, tạo hành lang vững chắc cho phân bổ và huy động nguồn lực toàn xã hội.

Trong các buổi giao ban, trong các Báo cáo hàng tháng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thường xuyên yêu cầu các đơn vị tham mưu khẩn trương xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia.

Bộ trưởng cũng nhiều lần nhấn mạnh việc lập quy hoạch ngành quốc gia phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Nghị quyết, Nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời gắn quy hoạch ngành quốc gia với sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đặt tiến độ xây dựng quy hoạch theo từng tuần, từng tháng, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong tham gia ý kiến xây dựng quy hoạch, các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới đưa nền kinh tế trở nên năng động hơn, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; thu hút đầu tư, tạo ra những cực tăng trưởng, liên kết vùng, giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Điển hình trong Quy hoạch điện VIII đã đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Trước nay, quy định về đầu tư truyền tải do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm. Với cơ chế mới theo Quy hoạch điện 8, chúng ta sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho phép các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng truyền tải đối với các dự án nguồn điện, cụm nguồn điện. Chỉ với hệ thống truyền tải điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, nhà nước mới độc quyền trong đầu tư và quản lý vận hành

Tương tự như vậy, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đề xuất một loạt cơ chế mới mang tính đột phá mạnh mẽ. Cụ thể: “Đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công - tư,...) đối với các dự án năng lượng. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng”; “Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trong thị trường năng lượng”…

Trong Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia: “Đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt”…

Đối với Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, ban soạn thảo đã phân loại cụ thể các nguồn vốn, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn tư nhân dành cho từng lĩnh vực. Cụ thể, vốn từ ngân sách nhà nước chỉ dành cho hoạt động điều tra tài nguyên, xây dựng dữ liệu về khoáng sản, hoặc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dành cho khai thác, chế biến, đầu tư công nghệ mới…

Ngành kinh tế năng động

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đưa “Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động”; “Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch”, các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản đã thể hiện rõ khuynh hướng thị trường hoá, có nhiều cơ chế, chính sách được đánh giá là chưa từng có từ trước đến nay.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đưa ra giải pháp chính sách “Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới”; “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Đặc biệt, ngay ở cả những lĩnh vực độc quyền tự nhiên, xưa nay vẫn do doanh nghiệp nhà nước thực hiện, thì nay tách bạch từng khâu của chuỗi sản xuất, cung ứng để có cách ứng xử phù hợp hơn: “Thực hiện tái cơ cấu ngành năng lượng với lộ trình cụ thể, phù hợp các giai đoạn phát triển của thị trường năng lượng, đảm bảo tách bạch rõ giữa các lĩnh vực, các khâu mang tính độc quyền tự nhiên với các lĩnh vực, các khâu có tiềm năng cạnh tranh trong ngành năng lượng nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, không phân biệt đối xử giữa các thành viên tham gia thị trường năng lượng”.

Trong Quy hoạch điện VIII, đã thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện như tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư kèm giá điện trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực và hoàn thiện mô hình thị trường điện cạnh tranh; cụ thể hóa chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải; hoàn thiện cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện…

Các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản không những bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mà còn góp phần thể chế thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực, từ đó, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết trong các ngành năng lượng và khoáng sản, đưa “Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Nguyễn Văn