Tác động của dịch Covid-19 đến ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và giải pháp phục hồi sau khi mở cửa

NCS. NGUYỄN HỮU PHƯỚC - PGS. TS. CHẾ ĐÌNH LÝ (Trường Đại học Thủ Dầu Một)

TÓM TẮT:

Bài báo phân tích tác động của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp chính, tổng thể mà ngành Du lịch của tỉnh sẽ triển khai trong thời gian tới.

Từ khóa: tác động Covid-19, du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu, phục hồi du lịch.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 305 km chiều dài bờ biển, hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái - cảnh quan, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch di tích lịch sử, du lịch sức khỏe và MICE (Meeting - hội họp, gặp gỡ; Incentive - khen thưởng; Conference - hội nghị, hội thảo; Event - sự kiện).

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh trên 120 km, đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của không ít khách du lịch ở trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, lan nhanh và khó kiểm soát trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch toàn cầu và du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.

Việc thực hiện các biện pháp cách ly xã hội trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến lượng khách du lịch đến Việt Nam và tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu giảm rõ rệt.

2. Tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu

Đã có rất nhiều nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch trên thế giới và trong nước, cụ thể như sau: Năm 2018, Hoa Dinh Vu và cộng sự đã nghiên cứu tác động và chiến lược phục hồi của ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19 [1]. Nanno Mulder năm 2020, phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực du lịch ở Mỹ Latinh và Caribe và đề xuất các lựa chọn để phục hồi bền vững ngành Du lịch [2]. Nguyễn Bằng Nông và Văn Hồng Thị Hà năm 2021 nghiên cứu tác động của Đại dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam [3]. UNCTAD (2021) cập nhật thực trạng du lịch và đánh giá hậu quả kinh tế trong dịch COVID 19  [4]. Jaffar Abbas và cộng sự năm 2021 phân tích tác động của Covid-19 đối với du lịch, đánh giá tiềm năng chuyển đổi và ý nghĩa đối với sự phục hồi bền vững của du lịch và ngành công nghiệp giải trí [5]. Martin Henseler, Helene Maisonnave và Asiya Maskaeva năm 2021 đã nghiên cứu tác động kinh tế của Covid-19 đối với lĩnh vực du lịch ở Tanzania [6].

Hossein Komasi, Sarfaraz Hashemkhani Zolfani và Fausto Cavallaro năm 2022, phân tích du lịch dựa vào thiên nhiên, nghiên cứu điển hình về du lịch dựa vào thiên nhiên ở Iran [7]. Năm 2022, ADB và UNWTO đã đánh giá tác động của dịch Covid-19 và tương lai của du lịch ở Châu Á và Thái Bình Dương [8].

Nguyễn Hoàng Tiến năm 2022, đánh giá tác động của Covid-19 đến giá trị thương hiệu ngành Du lịch và Khách sạn tại Việt Nam [9]. Năm 2022, Ban Chính sách của ILO đã phân tích tương lai của lao động trong lĩnh vực du lịch. Báo cáo nêu ra sự  bền vững và an toàn cũng như công việc tử tế trong bối cảnh đại dịch Covid -19. [10].

Stefan Gössling và Nadja Schweiggart (2022) phân tích 2 năm dịch Covid-19 và ngành Du lịch nêu ra những gì chúng ta học được và những gì chúng ta nên học [11]. Trong bài viết này tác giả muốn đánh giá cụ thể tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và nhận định về khả năng phục hồi ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi Việt Nam mở cửa, thực hiện bình thường mới.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu được thu thập từ Niên giám Thống kê năm 2020 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Cục Thống kê xuất bản. Các thông tin khác được thu thập theo phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp từ nhiều nguồn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,…

Phương pháp thống kê và đồ thị được sử dụng để đánh giá định lượng các tác động tác động của đại dịch Covid-19 đến nhân lực ngành Du lịch của Việt Nam.

3. Tổng quan về ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 305 km chiều dài bờ biển, nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể tới thành phố Vũng Tàu qua cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoặc Quốc lộ 55, chỉ mất 1,5 giờ đồng hồ. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ôn hòa, có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa - lễ hội và MICE. Về địa danh, tỉnh có thành phố Vũng Tàu, có nhiều danh lam thắng cảnh biển, đó là: Bãi Sau (Bãi Thùy Vân), Bãi Dứa, Bãi biển Long Hải, Bãi Trước (bãi Tầm Dương), Bãi Đầm Trầu (Côn Đảo), Bãi biển Hồ Tràm,... Đặc biệt, khu du lịch Công viên nước Hồ Mây khai thác được cả 2 loại hình du lịch núi và du lịch biển. Về cảnh quan, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cảnh quan biển Mũi Nghing Phong, Vườn quốc gia Côn Đảo, Hòn Bà. Về du lịch kết hợp chữa bệnh, có Suối khoáng nóng Bình Châu. Về di tích lịch sử - văn hóa, có di tích hệ thống nhà tù Côn Đảo, Trại giam Phú Sơn, Nghĩa trang Hàng Dương, Công viên tượng đài - Nhà lưu niệm Anh hùng Võ Thị Sáu, Căn cứ Minh Đạm, Căn cứ cách mạng Núi Dinh. Và Trận địa pháo cổ Vũng Tàu là bộ sưu tập vũ khí cổ lớn nhất Đông Dương là một chứng tích lịch sử về sức mạnh phi thường của nhân dân ta. Ngoài ra, còn có di tích: Bàu Thành - khu Căn cứ cách mạng núi Dinh, tượng đài chiến thắng Bình Giã,…Về lễ hội, tỉnh có Lễ hội Nghinh Ông. Về du lịch tâm linh, có Dinh Cô tọa lạc tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, An Sơn miếu, chùa cổ Long Bàn, dinh Bà Cố, chùa Thiên Bửu Tháp, Thích ca Phật đài, Niết bàn tịnh xá, Linh Sơn cổ tự, tổ đình Thiên Thai, địa đạo Kim Long, Cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, bảo tàng vũ khí cổ. Về làng nghề truyền thống, có làng bánh tráng An Ngãi, làng nấu rượu Hòa Long, làng bún Long Kiên. Về ẩm thực, có lẩu súng (canh chua tương me), bánh khọt, bánh xèo, gỏi cá mai, bánh hỏi An Nhứt,…

Nói chung, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có rất nhiều điều kiện phát triển du lịch một cách toàn diện, có điều kiện đóng góp vào kinh tế chung của địa phương.

4. Tác động của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

4.1. Tác động đến doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ngành Du lịch

Bảng 1. Thống kê dịch vụ ăn uống và dịch vụ lưu trú

tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2015 - 2020

Đơn vị tính: tỷ đồng

thong-ke-dich-vu-an-uong-va-dich-vu-luu-tru-tai-tinh-ba-ria---vung-tau-giai-oan-2015---2020 Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đối với dịch vụ ăn uống và lưu trú, là 2 thành phần chủ lực của du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu, bị tác động rất mạnh do dịch Covid. Doanh thu dịch vụ ăn uống sụt giảm doanh thu rất đáng kể sau một năm dịch bệnh (2019 - 2020) giảm 1.491,6 tỷ đồng, sút giảm 20,8% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú cũng sụt giảm tương ứng sau một năm dịch bệnh (2019 - 2020) giảm 1.460,7 tỷ đồng, sút giảm 37,4% so với năm 2019. Từ sự sụt giảm này, dẫn đến suy giảm nguồn nhân lực lao động, chi phí duy trì lực lượng lao động của các doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn. 

4.2. Tác động đến số lượt khách lưu trú và doanh thu du lịch năm 2021

Bảng 2. Thống kê lượt khách lưu trú và doanh thu du lịch

tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2021

thong-ke-luot-khach-luu-tru-va-doanh-thu-du-lich-tinh-ba-ria---vung-tau-nam-2021 Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo thống kê Bảng 2, khách trong nước giảm rất mạnh trong năm 2021 (76,9%). Tuy nhiên, khách quốc tế sụt giảm 62,5% làm giảm đáng kể doanh thu du lịch (74,8%), sụt giảm tuyết đối là 2.920 tỷ đồng.

4.3. Tác động đến các thành phần tư nhân và cá thể

Bảng 3. Thống kê doanh thu du lịch và doanh thu du lịch

tư nhân và cá thể

Đơn vị tính: tỷ đồng

thong-ke-doanh-thu-du-lich-va-doanh-thu-du-lich-tu-nhan-va-ca-the Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trong những tác động của dịch Covid đến ngành Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng tư nhân và cá thể bị giảm sút doanh thu nhiều ước giảm khoảng 1.381,6 tỷ đồng, sút giảm 30,3 % so với năm 2019. 

4.4. Các tác động khác

Các tác động khác của dịch Covid-19 đến du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu là những thiệt hại về kinh tế và mất mát về nguồn nhân lực, vật lực của ngành khi cơ sở kinh doanh đóng cửa, không hoạt động nhưng phải đối mặt, chi trả các khoản chi phí như thuê mặt bằng, nhân viên nghỉ làm nhưng vẫn phải nuôi sống, trả lương, bảo hiểm, thuế, lãi ngân hàng rất lớn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, mất thu nhập, đóng cửa và phá sản doanh nghiệp, gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng tình trạng phi chính thức và mất an toàn lao động cùng những thách thức mới và trầm trọng hơn về vệ sinh môi trường.

5Các biện pháp giảm thiểu tác động của đại dịch và quá trình phục hồi nhanh của ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Năm 2022, cũng như nhiều tỉnh thành khác, ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những phương hướng và giải pháp nhằm khôi phục hoạt động của ngành, cụ thể như sau:

5.1. Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú để thu hút khách và phục hồi doanh số 

Ngành Du lịch tiếp tục duy trì chất lượng hạng cơ sở lưu trú, khuyến khích cơ sở thực hiện thẩm định lại khi hết thời hạn. Ngoài ra, triển khai, hướng dẫn kịp thời những quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ du lịch và những biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các doanh nghiệp du lịch.

5.2. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch cấp tỉnh, đẩy mạnh liên kết vùng

Tỉnh sẽ triển khai đến các doanh nghiệp lữ hành tổ chức thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, trong đó triển khai thực hiện các Đề án: Định hướng phát triển thị trường du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giai đoạn 2020 - 2030 và tổ chức Hội chợ Du lịch trực tuyến tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác truyền thông, quảng bá du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trên nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế, như: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, VTV1, VTV Digital, HTV7, THVL1,...; Quảng bá trên kênh truyền hình CNN (Mỹ); Truyền thông quảng bá trên các mạng xã hội (zalo, facebook, youtube,...), báo, tạp chí, các phương tiện trực quan (màn hình quảng cáo tại sân bay, màn hình giải trí máy bay,...). Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức các sự kiện truyền thông, quảng bá du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu như: cuộc thi ảnh đẹp, video giới thiệu điểm đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Lễ hội ẩm thực, Chương trình Đại nhạc hội,... Để xây dựng chương trình kích cầu du lịch, tỉnh vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tích cực tham gia tạo thành làn sóng truyền thông đến du khách. Tỉnh sẽ mời các đơn vị lữ hành lớn, các địa phương đến khảo sát, thiết kế và hợp tác tổ chức các tour du lịch liên kết. Về đối ngoại, tỉnh sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; xúc tiến đầu tư với các nước khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thực hiện thủ tục khai trương và vận hành Góc Bà Rịa - Vũng Tàu tại thành phố Padang, Indonesia; tổ chức lễ khai trương Góc Padang tại thành phố Vũng Tàu.

5.3. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch để phát triển bền vững

Tỉnh quyết tâm triển khai thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (khi được phê duyệt). Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho lao động ngành Du lịch về các kiến thức như: văn minh ứng xử, cấp cứu thủy nạn, ứng dụng công nghệ thông tin, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản trị nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên,... Ngoài ra, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hướng nghiệp cho học sinh.

5.4. Phát triển sản phẩm du lịch mới, làm mới sản phẩm hiện có

Tỉnh tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, bao gồm tập trung phát triển 8 loại hình du lịch, bao gồm: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch gắn với hoạt động thể dục, thể thao; du lịch gắn với vui chơi giải trí và du lịch khám chữa bệnh. Vận động các doanh nghiệp du lịch chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng; đa dạng các sản phẩm, loại hình dịch vụ tại cơ sở. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung ký kết thỏa thuận với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ, trong đó triển khai các chương trình tour liên kết giữa các tỉnh thành để thu hút du khách.

5.5. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch

Tỉnh sẽ hoàn thành dự án xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý và hỗ trợ du lịch thông minh, hoàn thành số hóa mã QR cho các điểm di tích, danh thắng, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2). Tiếp tục duy trì vận hành sàn thương mại điện tử du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bán các sản phẩm trên sàn. Đồng thời, hàng năm tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến trên sàn này.

6. Kết luận

Trong giai đoạn Covid-19, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành Du lịch, đó là sụt giảm khách quốc tế và nội địa, sụt giảm doanh thu về dịch vụ ăn uống và lưu trú. Bị tác động mạnh nhất là sự sụt giảm doanh thu của khối tư nhân và cá thể. Những tác động khác là việc làm, thu nhập của người lao động và doanh nghiệp. Các giải pháp chính, tổng thể mà ngành Du lịch sẽ triển khai trong thời gian tới, đó là: (1) Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú để thu hút khách và phục hồi doanh số; (2) Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch cấp tỉnh, đẩy mạnh liên kết vùng; (3) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch để phát triển bền vững; (4) Phát triển sản phẩm du lịch mới, làm mới sản phẩm hiện có; (5) Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch. Với những giải pháp giảm thiểu tác động của đại dịch đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai, quá trình phục hồi ngành Du lịch của tỉnh sẽ diễn ra nhanh và ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoa Dinh Vu, et al.(2022). Impacts and restoration strategy of the tourism industry post-COVID-19 pandemic: evidence from Vietnam. Journal of Tourism Futures, DOI 10.1108/JTF-09-2021-0218.
  2. Mulder, N. (2020). The Impact of the COVID-19 Pandemic on the Tourism Sector in Latin America and the Caribbean and Options for a Sustainable and Resilient Recovery. Santiago: Economic Commission for Latin America and the Caribbean (ECLAC), United Nations.
  3. Nguyen Bang Nong and Van Hong Thi Ha. (2021). Impact of the Covid-19 Pandemic to the Tourism Industry: Evidence from Vietnam. Studies of Applied Economics, Special Issue: Asia Economy and Finance during the COVID-19 Pandemic, 39(12).
  4. UNCTAD. (2021). Covid-19 And Tourism Update: Assessing the economic consequences. Retrieved from: https://unctad.org/system/files/official-document/ditcinf2021d3_en_0.pdf.
  5. JaffarAbbas, RiaqaMubeen, Paul TerhembaIorember SaqlainRaza, GulnaraMamirkulova (2021). Exploring the impact of Covid-19 on tourism: transformational potential and implications for a sustainable recovery of the travel and leisure industry. Current Opinion in Behavioral Sciences, https://www.sciencedirect.com/journal/current-research-in-behavioral-sciences, https://doi.org/10.1016/j.crbeha.2021.100033.
  6. Martin Henseler, Helene Maisonnave, and Asiya Maskaeva.(2021). Economic impacts of Covid-19 on the tourism sector in Tanzania. Annals of Tourism Research Empirical Insights, 3(1).
  7. Hossein Komasi, Sarfaraz Hashemkhani Zolfani, and Fausto Cavallaro. (2022). The Covid-19 Pandemic and Nature-Based Tourism, Scenari Planning Approach (Case Study of Nature-Based Tourism in Iran). Sustainability, 14(7):3954.
  8. ADB and UNWTO. (2022). Covid-19 And The Future of Tourism In Asia and The Pacific. Retrieved from: https://www.adb.org/publications/covid-19-future-tourism-asia-pacific.
  9. Nguyen Hoang Tien. (2022). Impact of Covid-19 on brand value of tourism and hospitality industry in Vietnam. International Journal of All Multidisciplinary Research Studies, 1(3), 9-18.
  10. Sectoral Policies Department Geneva of ILO. (2022). The future of work in the tourism sector: Sustainable and saferecovery and decent work in the context of the Covid-19 pandemic. Retrieved from: https://www.ilo.org/sector/Resources/publications/WCMS_840403/lang--en/index.htm.
  11. Stefan Gössling and Nadja Schweiggart. (2022). Two years of Covid-19 and tourism: what we learned, and what we should have learned. Journal of Sustainable Tourism, 30(4).

 

 IMPACTS OF COVID-19 PANDEMIC ON THE TOURISM INDUSTRY

OF BA RIA - VUNG TAU PROVINCE AND SOLUTIONS

FOR RECOVERING THE PROVINCIAL TOURISM INDUSTRY

Ph.D student NGUYEN HUU PHUOC1

Asocc. Prof. PhD. CHE DINH LY1

1Faculty of Management Science, Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

This paper analyzes the impact of Covid-19 pandemic on the tourism industry of Ba Ria - Vung Tau province. Based on the paper’s findings, some major and general solutions are proposed to help the provincial tourism industry recover in the coming time.

Keywords: impact of Covid-19 pandemic, tourism, Ba Ria - Vung Tau province, tourism recovery.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18(1), tháng 8 năm 2022]