Giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ số vào hệ sinh thái du lịch Việt Nam

ThS. LÊ THỊ VÂN ANH (Khoa Du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Công nghệ số đang làm thay đổi ngành Du lịch với nhiều tính năng tích hợp mới. Ngoài các tính năng cơ bản cho phép người sử dụng tìm kiếm thông tin, đặt phòng khách sạn, vé máy bay, thì các ứng dụng còn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để đưa ra những trải nghiệm dành cho nhu cầu của từng cá nhân như danh sách các điểm tham quan, nhà hàng, hay trải nghiệm độc đáo dựa trên lịch sử hành trình trước đó. Xu hướng siêu ứng dụng với các tính năng tích hợp đã giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ kết nối thành một hệ sinh thái cung cấp một hành trình du lịch hiệu quả hơn. Bài viết bàn về giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ số vào hệ sinh thái du lịch Việt Nam.

Từ khóa: công nghệ số, du lịch, Covid-19, du lịch thông minh.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng lại là “cú hích” để thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc trong hành trình chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Bởi đây là xu hướng tất yếu. Kết quả khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với Báo Vnexpress thực hiện cho thấy có 40% khách du lịch đặt tour trực tiếp, 36% đặt tour qua nền tảng trực tuyến,... Đứng trước sự thay đổi của hành vi khách hàng và hòa cùng xu thế tất yếu, tất cả các địa phương trong cả nước đều tập trung thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng việc cung cấp trải nghiệm an toàn, linh hoạt, thuận tiện cho du khách. Kết quả sau một thời gian hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, một số hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch đã có sự dịch chuyển từ mô hình kinh doanh du lịch truyền thống sang mô hình kinh doanh du lịch hiện đại theo chuỗi mô hình ứng dụng công nghệ số. 

2. Thực tế ứng dụng công nghệ số vào hệ sinh thái du lịch Việt Nam

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ số được ngành Du lịch đã được chú trọng quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện. Cụ thể:

Về phía Tổng cục Du lịch

Đầu tiên, trong ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước, Tổng cục Du lịch đã triển khai hiệu quả các phần mềm công vụ; hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành với việc cập nhật dữ liệu nền hướng dẫn viên du lịch toàn quốc; thông tin các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn các thành phố; danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn.

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch và thu được kết quả đáng kể, như: xây dựng, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch, Cổng thông tin du lịch bằng nhiều ngôn ngữ; phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok,… và trang dành riêng cho từng thị trường Weibo (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc). Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng thực hiện ứng dụng các nền tảng công nghệ với mục tiêu nâng cao trải nghiệm tối ưu cho du khách tới Việt Nam, hướng đến phát triển du lịch thông minh.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Du lịch chủ động điều chỉnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch nội địa bằng việc tổ chức các hội thảo trực tuyến với các thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản,...; xây dựng các video truyền cảm hứng quyết tâm phòng, chống dịch của thành phố. Tổng cục đã hợp tác với Kloock (nền tảng dành cho du lịch tự túc) xây dựng chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch đến các thị trường khách; thực hiện mã QR code ngôn ngữ tiếng Anh về các ấn bản du lịch để đăng tải thông tin; thí điểm công nghệ scan 3D tại Bảo tàng,... Ngoài ra, tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch dành cho các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú,… nhằm chuyển dần sang du lịch trực tuyến.

Tổng cục Du lịch còn đồng thời đưa ra các giải pháp du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Các giải pháp đã triển khai gồm: nâng cấp toàn diện ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn; Hệ thống khai báo an toàn Covid-19; Hộ chiếu vắc-xin của Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Tổng cục Du lịch. Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn sau khi được nâng cấp, đã tích hợp đầy đủ các tính năng, như: bản đồ số du lịch an toàn, khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh ở các địa phương,… Đây đều là các tính năng thiết thực với mỗi du khách khi du lịch trong trạng thái bình thường mới hiện nay. Ngoài ra, việc truyền thông về du lịch trên các nền tảng số cũng được đẩy mạnh, nhằm kết nối đa chiều hơn. Hơn nữa, qua những nền tảng trực tuyến này, hình ảnh nổi bật về du lịch Việt Nam với các danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa được giới thiệu rộng rãi, sống động với du khách trong nước cũng như quốc tế.

Về phía doanh nghiệp du lịch

Các doanh nghiệp phải tự chuyển đổi hình thực tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số. Để thích ứng với thực tiễn, đa phần các công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour,… đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới, quảng bá tour; giao dịch với khách hàng chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Tại các điểm đến ở Hà Nội, nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Trong số đó, có thể kể đến Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng,... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến. Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin. Sở Du lịch Hà Nội đã hoàn thiện bản đồ du lịch Thủ đô dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến.

Đa số doanh nghiệp du lịch đã chủ động ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh du lịch, như: triển khai và ứng dụng trong công tác quảng bá, xúc tiến, khai thác thị trường du lịch, đẩy mạnh marketing trực tuyến; sử dụng các app ứng dụng công nghệ để phục vụ khách, ứng dụng website trực tuyến, booking để cung cấp, chào bán và quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ; tập trung vào các kênh thương mại dịch vụ, các trang mạng xã hội, trang bán sản phẩm du lịch trực tuyến, tìm kiếm các giải pháp tiếp cận công nghệ mới để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp,... Một số nền tảng trực tuyến mà du lịch Việt Nam triển khai đã xuất hiện như: Google Arts & Culture (một nền tảng mà qua đó công chúng có thể xem các hình ảnh và video có độ phân giải cao về các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới), YouTube với chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi để yêu!”, các nền tảng Facebook, Pinterest, Tiktok với chiến dịch “Live fully in Vietnam”, gồm các thông tin về du lịch Việt Nam được mô hình hóa dưới dạng infographic (đồ họa thông tin) sinh động, bắt mắt. Một điểm nhấn quan trọng nữa, cho thấy khả năng chuyển đổi nhằm tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh của du lịch Việt Nam là sự xuất hiện của sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn, vé máy bay, mang lại những trải nghiệm tích cực cho người dùng.

3. Những hạn chế gây trở ngại trong quá trình ứng dụng công nghệ số vào hệ sinh thái du lịch

Thứ nhất, bên cạnh các kết quả đã đạt được, không thể phủ nhận ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều công việc phải thực hiện nếu muốn trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn. Trong đó, việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào các phần mềm, ứng dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, nhất là các trang thương mại, dịch vụ điện tử về du lịch là một nhiệm vụ quan trọng. Trong thị trường này, những website dịch vụ Vntrip, Hotel84, Chudu24,… đang lọt thỏm giữa vòng vây của Agoda, Booking, Airbnb hay Trivago. Sự thua thiệt đó xuất phát từ sự sơ sài trong hệ thống thông tin khi các ứng dụng nêu trên chưa có chính sách thích hợp nhằm lôi kéo sự tham gia từ các cơ sở cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, vận chuyển hành khách, ẩm thực địa phương, các điểm tham quan, giải trí,… Ngoài ra, giao diện của nhiều ứng dụng Việt vẫn còn khó sử dụng, khó truy cập đối với chính du khách trong nước. Do đó, vẫn thiếu căn cứ để tin rằng chúng sẽ trở thành ứng dụng hàng đầu đối với khách du lịch quốc tế khi họ muốn tìm hiểu, đặt dịch vụ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xây dựng kho dữ liệu lớn (big data) về bản đồ, địa điểm tham quan, các lễ hội cổ truyền, nghệ thuật đặc sắc, các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh, cơ quan chức năng về an ninh, trật tự tại địa phương cũng còn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp du lịch,bởi đây là vấn đề có tính vĩ mô, nên yêu cầu một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cùng nguồn nhân lực có trình độ và năng lực chuyên môn cao. Nhiều năm nay, một số cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Du lịch đã tiến hành xây dựng dữ liệu thống kê về lượng khách du lịch trong và ngoài nước, các thị trường tiềm năng,... Tuy nhiên, những dữ liệu như thế vẫn còn ít ỏi. Các thông số quan trọng như thói quen du lịch, nhu cầu tham quan giải trí, khả năng chi tiêu,… chưa được khảo sát rộng rãi, để từ đó tìm ra các giải pháp kích thích tiêu dùng cho doanh nghiệp lữ hành, vận tải, dịch vụ, khách hàng tiềm năng.

Thứ hai, mặc dù hiện nay đã có rất nhiều văn bản pháp quy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, nhưng lại thiếu văn bản cụ thể quy định, hướng dẫn triển khai phát triển du lịch thông minh; thiếu mô hình du lịch thông minh bảo đảm tính hiệu quả. Từ đó, dẫn đến tình trạng khi thực hiện phát triển du lịch thông minh, các địa phương còn lúng túng và bộc lộ không ít bất cập.

Thứ ba, các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, khả năng đầu tư cho nền tảng công nghệ không lớn, dẫn đến sự tiếp cận của các doanh nghiệp với du lịch thông minh cũng còn nhiều hạn chế.

4. Giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ trong du lịch tại Việt Nam

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển du lịch hiện đại ứng dụng công nghệ số

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tham mưu để Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù và ban hành những văn bản cụ thể, quy định, hướng dẫn chi tiết về phát triển du lịch hiện đại để định hướng cho ngành Du lịch và các địa phương trong việc triển khai thực hiện. Cơ quan quản lý du lịch các cấp cần xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển du lịch thông minh, có lộ trình và bước đi phù hợp.

- Chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông theo hướng ứng dụng cho ngành du lịch, tạo nền tảng công nghệ cho du lịch hiện đại.

Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN cho ngành Du lịch. Cần xác định và ưu tiên đầu tư cho các hạng mục công nghệ quan trọng hỗ trợ phát triển du lịch thông minh, bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ; đầu tư sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch hiện đại; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho công tác quản lý và phát triển điểm đến; ứng dụng công nghệ cho công tác thống kê du lịch; ứng dụng công nghệ cho công tác bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch.

- Phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiêp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ với các nước phát triển để học hỏi kinh nghiệp, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ với phát triển du lịch hiện đại; hợp tác, chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư phát triển công nghệ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực vừa có trình độ chuyên môn về du lịch, vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu sử dụng và vận hành công nghệ, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh. Theo đó, cần có chính sách thu hút nhân tài có trình độ cao về công nghệ vào làm việc trong ngành Du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) - Báo Vnexpress (2020), Kết quả khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời Covid-19.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
  3. Tổng cục Du lịch (2020), Tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ đến năm 2030; Báo cáo.

Solutions to promote the use of digital technology in Vietnam’s tourism ecosystem

Master. Le Thi Van Anh

Faculty of Tourism and Hospitality, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Digital technology has changed the tourism industry with many new integrated features. Besides basic applications that allow users to search for information, and book hotels and flights, many applications which use artificial intelligence techniques to provide customers with personalized and unique experiences such as a list of attractions or restaurants based on their previous travel history. The tourism industry also experiences the trend of using super applications with integrated features. These super applications allow service providers connect with each other to form an ecosystem that provides a more efficient travel journey for travellers. This paper presents solutions to promote the use of digital technology in Vietnam’s tourism ecosystem.

Keywords: digital technology, travel, Covid-19, smart tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2022]