Thực trạng hoạt động khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam

Việt Nam là quốc gia biển với đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh kín gió, đây được đánh giá là tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển thuỷ sản. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nuôi trồng và khai thác hải sản là một trong những trọng tâm phát triển đặt ra nhằm phát triển kinh tế biển nước ta.

Thực trạng hoạt động khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam

Trong chiến lược phát triển chung của ngành thuỷ sản Việt Nam, các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thuỷ sản được định hướng phục vụ xuất khẩu. Trong giai đoạn vừa qua, ngành thuỷ sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành thuỷ sản đã được chú trọng đầu tư và phát triển khá toàn diện, giá trị sản lượng liên tục tăng trong hơn 26 năm vừa qua. Dữ liệu cho thấy sản lượng thuỷ sản nước ta đã tăng gấp hơn 6 lần trong giai đoạn 1995 – 2020, từ 1,3 triệu tấn trong năm 1995 lên 8,4 triệu tấn trong năm 2020.

Sản lượng thuỷ sản
(Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam)

Trong năm 2021, bất chấp các khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra, sản lượng thuỷ sản cả nước vẫn tăng trưởng gần 4% so với năm 2020 lên 8,73 triệu tấn. Xét về cơ cấu, sản lượng khai thác thuỷ sản chiếm 44,5% và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản chiếm 55,5% tổng sản lượng thuỷ sản.

Đối với hoạt động khai thác hải sản, Biển Đông là môi trường sinh sống của khoảng 2.000 loài cá, trong đó có tới 130 loài có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá ba sa… Vùng biển ven bờ và vùng biển ngoài khơi nước ta đều có trữ lượng thuỷ hải sản rất lớn. Nghề đánh bắt khai thác hải sản cũng là sinh kế truyền thống, lâu đời gắn bó với một bộ phận lớn dân cư nước ta tại các vùng ven biển, đảo. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho ngành khai thác thuỷ sản nước ta trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn của quá trình phát triển kinh tế biển.

Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về khai thác hải sản, như: hỗ trợ vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá khai thác xa bờ, hỗ trợ chi phí nhiên liệu, hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục rủi ro, thiên tai, hỗ trợ thiết bị thông tin, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, tạo cơ sở phát triển nhanh đội tàu cá đánh bắt xa bờ và tăng nhanh sản lượng.

Đặc biệt, Nhà nước luôn chú trọng phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại hoá, đồng bộ, như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, các chính sách cũng hướng đến việc khuyến khích tiếp cận và áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ trong quá trình khai thác. Nhà nước cũng đã tiến hành đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn cao tại các cấp đại học, cao đẳng, nghề chuyên sâu… để phục vụ quá trình phát triển các hoạt động khai thác hải sản.

Tính đến năm 2021, toàn quốc đã có 71 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố ven biển đủ điều kiện hoạt động. Các khu neo đậu này có thể tiếp nhận tàu cá có chiều dài từ 15m đến 60m vào tránh trú bão. Trong số 71 khu neo đậu tránh trú bão, có 16 khu neo đậu cấp vùng, còn lại là các khu neo đậu cấp tỉnh. Có 3 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện hoạt động có sức chứa 2.000 tàu cá bao gồm: Khu neo đậu vịnh Xuân Đài (Phú Yên), vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh). Cá khu vực tránh trú bão, âu tàu đã giúp đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, tính mạng và tài sản của ngư dân, cũng như là nơi xử lý, khắc phục sửa chữa các sự cố tàu cá trong quá trình khai thác hải sản.

Điển hình, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Song Tử Tây (âu tàu Song Tử Tây) tại quần đảo Trường Sa do Hải đoàn 128, Tông Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý, vận hành với khả năng đảm bảo cho khoảng 80 tàu thuyền vào tránh trú bão, đã cung cấp nước ngọt, sửa chữa miễn phí tiền công, cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm bằng với giá trong đất liền. Đồng thời, ngư dân khi vào tránh trú bão được bố trí, sắp xếp nơi ăn, nghỉ trên đảo. Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2008, âu tàu đã giúp đỡ hàng nghìn lượt tàu cá, với hàng chục nghìn lượt ngư dân khai thác trên ngư trường truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là giúp cho bà con tiết kiệm được nhiên liệu và đảm bảo được tính mạng cũng như tài sản.

Ngoài ra, 92 cảng cá đã đi vào hoạt động ở 27 tỉnh, thành phố ven biển, đáp ứng được 82.000 tàu thuyền cập cảng làm hàng, và 49 cảng cá được chỉ định có đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.

Với những tác động tích cực từ chính sách, sản lượng khai thác hải sản tăng hơn gấp 4 lần trong giai đoạn 1995 – 2020 với tăng trưởng trung bình 6%/năm, từ mức 929.000 tấn trong năm 1995 lên 3,85 triệu tấn trong năm 2020. Trong năm 2021, sản lượng khai thác hải sản đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020 mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Sản lượng khai thác thuỷ sản
(Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam)

Bốn khu vực có tổng sản lượng khai thác hải sản lớn nhất cả nước hiện nay là Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng. Tính đến cuối năm 2020, toàn quốc có 94.572 tàu cá; trong đó: 45.950 tàu cá dài 6-12m, 18.425 tàu dài 12-15m, 27.575 tàu dài 15-24m, 2.662 dài trên 24m. Cả nước có 4.227 tổ đội hoạt động với 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên biển.

Xét về cơ cấu đội tàu, nghề lưới kéo có 17.078 tàu, chiếm 18,1% tổng số tàu hoạt động; nghề lưới vây 7.212 tàu, chiếm 7,6%; nghề lưới rê 33.538, chiếm 35,5%; nghề câu 16.043 tàu, chiếm 17%; nghề khác 17.543 tàu, chiếm 18,5%; tàu dịch vụ hậu cần 3.158 chiếc, chiếm 3,3%.

Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có số lượng tàu khai thác công suất trên 90 CV lớn nhất lớn nhất với 19.440 chiếc vào năm 2018 và tăng lên 20.119 chiếc vào năm 2020. Đồng bằng sông Hồng có tổng công suất các tàu có công suất trên 90 CV thấp nhấp, chỉ có 599,2 nghìn CV năm 2018 và tăng lên 723,6 nghìn CV vào năm 2020.

Đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, Việt Nam được nhận định có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản. Bờ biển dài hơn 3.260 km với 112 cửa sông, lạch đổ ra biển có khả năng phong phú nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn. ra, còn hàng nghìn đảo lớn nhỏ nằm rải rác dọc theo đường biển là những khu vực có thể phát triển nuôi trồng thủy sản quanh năm. Trong vùng biển có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, trong đó có những đảo lớn có dân cư như Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, có nhiều vịnh, vũng, eo ngách, các dòng hải lưu, vừa là ngư trường khai thác hải sản thuận lợi, vừa là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản biển và xây dựng các khu căn cứ hậu cần nghề cá. Bên cạnh điều kiện tự nhiên vùng biển, Việt Nam còn có nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt ở trong 2.860 con sông lớn nhỏ, nhiều triệu hecta đất ngập nước, ao hồ, ruộng trũng, rừng ngập mặn, đặc biệt là ở lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long.

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản
(Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam)

Trong giai đoạn 1995 – 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã tăng gấp 11 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 10%, tăng từ 415.000 tấn trong năm 1995 lên gần 4,6 triệu tấn trong năm 2020.

Đặc biệt, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2021 đã đạt 1,13 triệu ha với sản lượng đạt 4,8 triệu tấn; diện tích nuôi trồng chỉ tăng 10,8% so với năm 2010 nhưng sản lượng lại tăng tới 77,7% trong cùng kỳ. Nhờ vậy mà giá trị sản phẩm thu được trên một ha nuôi trồng thủy sản tăng từ 103,8 triệu đồng/ha năm 2010 lên 241,2 triệu đồng/ha năm 2021. Đồng thời, điều này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục và gia tăng năng suất bền vững.

Cá tra và tôm thẻ chân trắng là hai nhóm sản phẩm trọng điểm của lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nước ta. Các sản phẩm tôm và cá tra đều được sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế và an toàn thực phẩm nghiêm ngặt như GlobalGAP, ASC và BAP… Trong đó, sản lượng nuôi tôm nước lợ trong năm 2021 đạt 970.000 tấn, bao gồm 665.000 tấn tôm thẻ chân trắng, 265.000 tấn tôm sú, còn lại là các loại tôm khác. Sản lượng thu hoạch cá tra trong năm 2021 đạt 1,525 triệu tấn. Tổng diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong năm 2021 ước đạt 5.000 ha, tăng 5,5% so với năm 2020. Cả nước hiện có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, 96 cơ sở sản xuất giống cá tra (trong đó, có 80 cơ sở đang hoạt động) và 2.289 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Cửu Long (chiếm 95% tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm).

Các địa phương ven biển hiện đã bước đầu chú trọng phát triển nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt, trên biển, đảo, như cá biển (Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiến Giang…), tôm hùm (Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Bình), nhuyễn thể hai mảnh vỏ (Tiền Giang, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình).

Công nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam được đánh giá ở mức khá trên thế giới. Các cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu đều đạt quy chuẩn quốc gia về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có khoảng 500 cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Canada…

Đối với hoạt động xuất khẩu thuỷ sản, sự phát triển của các hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản đã tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản. Trong giai đoạn 1997 – 2020, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nước ta đã tăng gấp 11 lần với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 10%, tăng từ 758 triệu USD trong năm 1997 lên 8,5 tỷ USD trong năm 2020. Trong năm 2021, bất chấp ảnh hưởng từ những làn sóng Covid-19, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,88 tỷ USD, tăng trưởng 5,7% so với năm 2020. Từ năm 2014, Việt Nam là luôn nằm trong top 3 nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy.

Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu thuỷ sản được hơn 150 thị trường trên toàn thế giới. Trong đó, có 6 thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu, và mỗi thị trường gần như có nhu cầu về từng mặt hàng khác nhau.

Các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra, cá biển, nhuyễn thể và các loại thuỷ sản đông lạnh và các loại thuỷ sản khô, đã chế biến. Ngoài ra, còn có những mặt hàng cao cấp như bào ngư, cá ngừ, nghêu và các mặt hàng hải sản khác… đang dần được bổ sung thêm, nhưng sản lượng vẫn còn ít so với nhu cầu cung cấp cho quốc tế.

Trong đó, xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 45% tổng kim ngạch thuỷ sản xuất khẩu), tăng trưởng cao nhất và ổn định nhất. Trong giai đoạn 1998-2020, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng gấp hơn 8 lần từ 457 triệu USD lên 3,73 tỷ USD; tăng trưởng trung bình hàng năm 10%. Đặc biệt, trong năm 2017, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tôm lên tới 22,3%, chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng mạnh 29%. Hiện Việt Nam đang đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu tôm, sau Ấn Độ và Ecuador.

Tỷ trọng của kim ngạch xuất khẩu tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ngày càng gia tăng, từ mức chiếm 36% lên chiếm 50%. Tôm thẻ chân trắng ngày càng chiếm ưu thế trong sản phẩm tôm xuất khẩu với mức tăng trưởng trung bình năm đạt gần 9% trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Các thị trường chính tiêu thụ tôm Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 20 - 23% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước hàng năm), EU (chiếm 15 - 20%), Trung Quốc (chiếm 13 - 15%), Hàn Quốc (chiếm 9 – 10%). Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đang có những bước đột phá mạnh nhất trong số các thị trường trọng điểm, với mức tăng trưởng trung bình đạt 9% trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng từ 436 triệu USD năm 2016 lên 526 triệu USD năm 2020. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan.

Xét về cơ cấu sản phẩm, tôm chế biến xuất khẩu hiện chỉ mới đạt hơn 50% tổng lượng hàng xuất khẩu, và sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là dạng tươi (tôm sú nguyên con, lặt đầu). Tuy nhiên, sản phẩm tôm Việt dù là sản phẩm chế biến hay sản phẩm tươi đều được thị trường quốc tế ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều. Tôm Việt Nam liên tục giữ thứ hạng cao ở các thị trường lớn như xếp số 1 tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, số 2 ở EU, số 4 ở Trung Quốc và số 5 ở Hoa Kỳ. Tôm thẻ chân trắng của nước ta được tiêu thụ tập trung tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản; trong khi đó, tôm sú được tiêu thụ mạnh ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn 1998 – 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã tăng gấp 162 lần từ 9,3 triệu USD trong năm 1998 lên 1,5 tỷ USD trong năm 2020 với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 26%. Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,61 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2020, chiếm khoảng 18% giá trị xuất khẩu toàn ngành thuỷ sản.

Cá tra được nhận định ngày càng trở thành loại thực phẩm phổ biến trên thế giới nhờ có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện tại Việt Nam đang chiếm 90 – 94% thị phần cá tra trên thế giới. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu cá tra sang 138 thị trường. Chín thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil và Colombia, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Trong đó, từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam mặc dù Trung Quốc duy trì chính sách kiểm soát đại dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Đặc biệt, Việt Nam đang là nhà cung cấp cá tra đông lạnh duy nhất cho Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2021 đạt 450 triệu USD.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 - 31/7/2019. Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam là: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP - Đồng Tháp) và Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO - An Giang) đã được hưởng mức thuế suất là 0%. Động thái tích cực này đã thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng mạnh. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra  của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2021 đạt 370,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2020.

Việt Nam có gần 100 nhà máy sản xuất cá tra tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các cơ sở này được trang bị các thiết bị và công nghệ tiên tiến cho phép tự động hóa một số công đoạn của dây chuyền sản xuất và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng.

Một số hạn chế, khó khăn cơ bản đối với ngành thuỷ sản

Mặc dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong giai đoạn vừa qua, ngành thuỷ sản Việt Nam hiện đối mặt với một số thách thức khi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể:

Đối với hoạt động khai thác thuỷ sản, phần lớn tàu, thuyền của nước ta đang hoạt động theo hình thức độc lập, nhỏ lẻ; tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ khá lớn, chiếm tỷ trọng trên 40%, công nghệ khai thác và bảo quản còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch còn lớn; chi phí sản xuất cao, hiệu quả khai thác thấp; lao động khai thác hải sản còn yếu, thiếu cả về số lượng và chất lượng (chủ yếu khai thác dựa trên kinh nghiệm). Nguồn lợi thuỷ sản và năng suất đánh bắt có xu hướng suy giảm. Tàu cá vỏ gỗ vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số đội tàu khai thác thuỷ sản nước ta, có tuổi thọ cao, mức độ an toàn thấp, trang thiết bị máy móc trên tàu vừa thiếu vừa không đồng bộ.

Đặc biệt, hoạt động khai thác thuỷ sản của nước ta bị Uỷ ban châu Âu áp dụng phạt thẻ vàng về đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là thách thức lớn gây ra các tác động tiêu cực đến quá trình phát triển hoạt động khai thác thuỷ sản nói riêng, phát triển kinh tế biển nói chung. Điều này đòi hỏi nước ta phải có các hành động thay đổi chính sách toàn diện và đột phá.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp của một số tàu cá tại vùng biển nước ngoài. Đồng thời, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong việc ứng phó với cảnh báo thẻ vàng của EU với thái độ quyết liệt, minh bạch. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản cùng cộng đồng ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản và chính quyền các tỉnh có biển đã cam kết, nhất trí cao, nỗ lực không để xảy ra trường hợp vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Các hành động này đã được EC đánh giá cao và nhận định Việt Nam rất nỗ lực, đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo rất cụ thể từ Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, trong việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác thuỷ sản trái phép, không theo quy định.

Đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, hạn chế cơ bản nhất là quy mô sản xuất vẫn theo hướng nhỏ lẻ, phân tán nên khó kiểm soát môi trường và dịch bệnh; kết cấu hạ tầng vùng nuôi thiếu đồng bộ, vẫn chủ yếu tận dụng hệ thống thuỷ lợi của nông nghiệp, chưa xây dựng được hệ thống “thuỷ ngư” riêng, hoàn chỉnh; chưa chủ động được hoàn toàn nguồn giống thuỷ sản sạch bệnh và thức ăn; vẫn còn phụ thuộc vào các công ty liên doanh hoặc công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chi phí sản xuất nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực và thế giới ở mức đáng kể. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng tác động tiêu cực đến cơ cấu diện tích, mùa vụ, và năng suất nuôi các loại thuỷ hải sản. Sự chồng chéo, mâu thuẫn trong việc sử dụng tài nguyên nội ngành với các ngành khác tiếp tục nảy sinh, kìm hãm sự phát triển của hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.

Trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản, hạn chế và khó khăn chính là chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chủ lực, chưa tạo lập được nhiều chuỗi sản xuất liên kết bền vững; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỷ trọng thấp, phần lớn dưới dạng đông lạnh chiếm trên 70% tổng cơ cấu sản phẩm tiêu thụ ra thị trường; cơ cấu thị trường chưa hợp lý, vẫn tập trung chủ yếu ở các phân khúc, thị trường truyền thống.

Đối với hoạt động xuất khẩu thuỷ sản, các rào cản như thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu sẽ được chấm dứt trong 5 năm tới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải thiện để được EC gỡ bỏ thẻ vàng IUU nên những ưu đãi về thuế quan và tiếp cận thị trường từ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) chưa phát huy hết hiệu quả trong việc hỗ trợ xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào thị trường EU.

Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc được dự báo sẽ có nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản ngày càng tăng nhưng thị trường này sẽ siết chặt kiểm tra thuỷ sản nhập khẩu, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Đây cũng là xu hướng của nhiều thị trường nhập khẩu khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát chặt chẽ hơn tình trạng dư lượng hoá chất, kháng sinh trong các sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất. Chi phí vận chuyển nguyên liệu, chi phí giao nhận còn ở mức cao khiến giá xuất khẩu một số sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực từ 10-15% trong khi đó áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Minh Trang