Thực trạng hợp tác thương mại biên giới của tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

ThS. HUANG HE MENG (Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Mở Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong các tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc thì Lào Cai (Việt Nam) là tỉnh có lợi thế hội tụ cả 3 loại hình giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt thông thương với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Vì thế, việc hợp tác kinh tế biên giới của 2 tỉnh đã diễn ra trên nhiều phương diện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của 2 vùng biên giới. Trong phạm vi bài viết, tác giả góp phần làm rõ lý thuyết chính sách thương mại biên giới; thực trạng của hoạt động thương mại biên giới của 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam; từ đó đánh giá về hoạt động thương mại biên giới của 2 nước.

Từ khóa: chính sách thương mại biên giới, hợp tác thương mại biên giới, quan hệ Việt - Trung, biên giới Lào Cai - Vân Nam.

1. Đặt vấn đề

Khu vực biên giới có đặc thù là điểm cầu nối, trung chuyển trong các tuyến hành lang giao thông và kinh tế giữa các quốc gia tiếp giáp nhau về mặt địa lý. Vì vậy, đây là khu vực giữ vai trò quan trọng trong việc khai thông luồng hàng hóa, dịch vụ, vốn và nguồn lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, biên giới lại là vùng khó khăn hơn so với các khu vực khác của quốc gia. Vì thế, việc hợp tác thương mại, phát triển kinh tế biên giới trở thành một xu hướng tất yếu, khách quan.

Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước có chung đường biên giới, có nhiều điểm tương đồng chính trị, ý thức hệ và có sự gần gũi văn hóa. Điều này đã tạo điều kiện cho hoạt động thương mại của 2 nước ngày càng phát triển.

Trong các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, Lào Cai là tỉnh có đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nơi đây có đất đai màu mỡ, giàu tài nguyên khoáng sản và những địa danh nổi tiếng. Tuy nhiên, kết quả từ việc triển khai hợp tác giữa 2 phía còn chưa xứng với tiềm năng. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề hợp tác thương mại biên giới của tỉnh Lào Cai, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trở là cần thiết trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

2. Cơ sở của hợp tác thương mại biên giới Việt - Trung

2.1. Một số vấn đề lý thuyết về thương mại biên giới

Hoạt động thương mại biên giới là hình thức mở đầu của buôn bán trao đổi quốc tế và là một bộ phận quan trọng của hoạt động ngoại thương ở mỗi nước. Vì vậy, vấn đề thương mại biên giới cũng sớm được đề cập trong các học thuyết thương mại quốc tế cổ điển và hiện đại.

Hoạt động thương mại biên giới là hoạt động thương mại tiểu ngạch thông qua các hiệp định được tiến hành ở khu vực biên giới giữa 2 nước liền nhau (cách biên giới khoảng 15km đến 20km) tùy thuộc vào quy định của mỗi nước [1].

Hình thức thương mại qua biên giới bao gồm: (i) thương mại tiểu ngạch biên giới (thường gọi là chợ biên giới): hình thức này thực hiện trong một phạm vi nhất định tại khu vực nối liền giữa 2 nước, là phương tiện để phát triển đời sống của cư dân 2 bên biên giới. Cư dân hai bên biên giới chỉ hoạt động ở thị trường đã chỉ định và địa điểm mở cửa mà Nhà nước quy định, không được mua bán, giao lưu hàng hóa vượt quá hạn ngạch đã quy định. Hai bên tiến hành hoạt động thương mại tiểu ngạch nói chung đều hưởng ưu đãi về miễn giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Hoạt động trao đổi, buôn bán qua biên giới ở khu vực biên giới của mỗi nước đều được Chính phủ nước đó duyệt và có phê quy chế riêng. (ii) địa phương khu vực biên giới hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa ở nơi nối liền giữa hai nước đã được Chính phủ phê chuẩn: Doanh nghiệp địa phương được chỉ định tiến hành các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới, hàng hóa được sản xuất tại khu vực được trao đổi tại nơi nối liền 2 nước.  Đây là một hình thái liên kết kinh tế thương mại giữa 2 nước láng giềng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới, mở rộng lưu thông hàng hóa, phát triển quan hệ với bên ngoài, giao lưu kinh tế - kỹ thuật trong nước với nước ngoài, biên giới và nội địa, mở ra con đường và thị trường phát triển ngoại thương mới [2]. 

Hoạt động thương mại qua biên giới trên bộ là một hoạt động thương mại quốc tế, mang đầy đủ các đặc điểm chung của hoạt động thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, nó còn mang những đặc điểm riêng tại các đường biên giới trên bộ. Việc nghiên cứu vấn đề này tạo cơ sở vững chắc để đưa ra các biện pháp thích hợp nhằm phát triển hoạt động thương mại qua biên giới trên bộ trong điều kiện cụ thể nhất định.

Thứ nhất, khu vực biên giới thường cách xa trung tâm kinh tế - chính trị quốc gia, khiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi nhất định cho khu vực này.

Thứ hai, chủ thể tham gia vào các hoạt động thương mại biên giới rất đa dạng: doanh nghiệp quốc doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các hộ kinh doanh cá thể và cả các thương nhân nước ngoài. Các đối tượng này không chỉ giới hạn trong địa bàn vùng và các tỉnh biên giới, mà còn đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau trong cả nước.

Thứ ba, khu vực biên giới giữa 2 nước láng giềng thường có hoàn cảnh văn hóa, xã hội và tự nhiên tương đồng nhau. Mặc dù cư dân biên giới 2 nước chịu sự tác động của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhưng trên thực tế, họ đã có mối quan hệ giao lưu trong lịch sử lâu đời, cùng nhau tồn tại và hỗ trợ lẫn nhau. Mặt khác, tính khác biệt về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới với các nước láng giềng quyết định tính đa dạng, mô thức phát triển trong khu vực có tính đặc thù. Đây là một động lực kinh tế, thúc đẩy xu hướng dựa vào nhau để phát triển ở khu vực biên giới.

Thứ tư, hoạt động xuất nhập khẩu tại các khu vực cửa khẩu biên giới áp dụng nhiều phương thức kinh doanh khác nhau, như: xuất nhập khẩu trực tiếp, xuất nhập khẩu thông qua các đại lý, môi giới, mua bán đối lưu, gia công quốc tế,… Nhiều khi quy trình xuất nhập khẩu không được áp dụng và tuân thủ một cách nghiêm ngặt vì đối với những lô hàng nhỏ hoặc đối với một số đối tượng kinh doanh nhất định, người ta tiến hành theo thói quen, theo tập quán buôn bán tại các cửa khẩu biên giới.

Thứ năm, quy mô hoạt động thương mại qua biên giới phức tạp với mặt hàng đa dạng. Nhiều lô hàng xuất nhập khẩu có quy mô rất lớn, được tiến hành bài bản theo đúng quy trình xuất nhập khẩu, áp dụng nghiêm ngặt các quy định và luật pháp quốc tế, hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra. Ngược lại, những lô hàng có quy mô nhỏ cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Nhiều khi có những lô hàng nhỏ chỉ đáp ứng nhu cầu cho một lượng khách hàng rất nhỏ ở khu vực biên giới. Những lô hàng này không yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, tiến hành đơn giản, tính linh hoạt cao, khả năng đổi mới mặt hàng nhanh, nguồn hàng cũng rất đa dạng phong phú, chỉ thích hợp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới.

Thứ sáu, phương thức thanh toán linh hoạt nhưng đầy rủi ro. Bên cạnh việc sử dụng các ngoại tệ mạnh để làm đồng tiền thanh toán và thường tiến hành thanh toán qua hệ thống các ngân hàng với các phương thức thanh toán như chuyển tiền, nhờ thu, L/C,... phương thức thanh toán trực tiếp giữa người bán và người mua (có thể trả ngay hoặc trả chậm) và sử dụng đồng tiền thanh toán của nước người bán và người mua, chiếm một tỷ trọng khá lớn trong các hoạt động mua bán ở khu vực biên giới. Nó đảm bảo tính linh hoạt cho hoạt động mua bán, nghiệp vụ tiến hành đơn giản, nhưng lại dễ xảy ra rủi ro.

Thứ bảy, hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại dễ phát sinh, do điều kiện thương mại thuận lợi tại các cửa khẩu biên giới và sự áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế và đầu tư. Hơn nữa, địa hình các khu vực biên giới thường rất hiểm trở, phức tạp, hoạt động thương mại tại các cửa khẩu biên giới lại rất đa dạng, nên dễ phát sinh các hiện tượng buôn lậu qua biên giới, gian lận thương mại và các tệ nạn khác [3].

2.2. Chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc và Việt Nam

Chính sách thương mại biên giới của từng quốc gia là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động thương mại biên giới với các nước láng giềng.

Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được Chính phủ 2 nước quan tâm thúc đẩy trong nhiều năm qua, thông qua việc ký kết Hiệp định thương mại vùng biên năm 1998 và được thay thế bởi Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 12/9/2016. Các hiệp định trên đã xây dựng được cơ chế, chính sách về thương mại biên giới, bao gồm hoạt động mua bán hàng hóa biên giới của thương nhân, cư dân biên giới tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, lối mở biên giới; Những quy định về mặt hàng, thương nhân và cư dân biên giới, cửa khẩu và chợ biên giới cũng như chính sách thuế, phí, lệ phí, dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ và các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới khác như kho bãi, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển, hạ tầng kỹ thuật và thủ tục hành chính tại cửa khẩu ngày càng hoàn thiện. Với yêu cầu phát triển đa dạng của hoạt động thương mại biên giới, ngày 23/01/2018, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, trong đó có quy định cụ thể về hoạt động thanh toán để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung.

Việc hình thành các khu kinh tế cửa khẩu là một trong những nhân tố thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển. Ở Việt Nam, hiện có 8 khu kinh tế cửa khẩu được tập trung ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 4 khu kinh tế trên tuyến biên giới đất liền giáp Trung Quốc gồm cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu tỉnh Cao Bằng [4].

Sự hình thành và phát triển khu kinh tế cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn năm 2001 - 2011 là thời kỳ củng cố vị thế cửa ngõ giao thương khi thực hiện Quyết định “Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai” của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh Lào Cai đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư lên đến 2.600 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng của khu kinh tế cửa khẩu, trong đó cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ, du lịch và hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh còn hoàn thành việc di dời khu hành chính về Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường để tạo cơ hội cho khu đô thị cũ phát triển dịch vụ, du lịch.

Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, kinh tế cửa khẩu đã có sự bứt phá mạnh mẽ nhất. Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng năm 2014, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế. Lào Cai đã tập trung đầu tư xây dựng Cảng cạn (ICD) bên Ga đường sắt Lào Cai; Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa chính ngạch. Lào Cai cũng mở rộng loại hình dịch vụ cửa khẩu như tài chính, ngân hàng, tạm nhập tái xuất, logistics,… Kết quả từ năm 2010 đến năm 2020, giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, mức tăng bình quân 20%/năm, đến năm 2019 đạt 3,812 tỷ USD, tăng 4,4 lần so với năm 2010 [5].

Từ năm 1992 đến nay, tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã ký kết 23 biên bản thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh biên giới. Cùng với đó, giao lưu và tiếp xúc cấp cao 2 địa phương được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết: tác giả sử dụng tổng hợp các lý thuyết thương mại quốc tế để luận giải khái niệm, hình thức, đặc điểm của hoạt động thương mại biên giới. Trong đó, tác giả sử dụng phương pháp luận của lý thuyết thương mại cổ điển (lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith; lý thuyết về lợi thế tương đối của David Ricado; lý thuyết về lợi thế tương đối của Heksher-Ohlin) và lý thuyết thương mại hiện đại (lý thuyết về chu kỳ sống quốc tế của sản phẩm; lý thuyết đầu tư).

Phương pháp thu thập thông tin: tác giả sử dụng các số liệu thứ cấp, các thông tin, tài liệu tiếng Trung và tiếng Việt chính thống do 2 chính phủ Trung Quốc và Việt Nam công bố hoặc cho phép công bố.

Phương pháp xử lý thông tin: sau khi thu thập được các thông tin, số liệu, tài liệu; tác giả sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về độ quan trọng của thông tin để đưa vào sử dụng trong bài nghiên cứu.

Phương pháp mô tả, thống kê: dựa trên các số liệu thống kê để mô tả quá trình hình thành, hoạt động và phát triển của thương mại biên giới của tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam trong thời gian qua.

4. Kết quả nghiên cứu

Lào Cai có lợi thế là tỉnh có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia cùng 8 lối mở khác thông thương với thị trường rộng lớn phía Tây Nam của Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc tại đây diễn ra rất sôi động và đạt được những kết quả nhất định:

Về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu: Năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 2.294 triệu USD; trong đó xuất khẩu là trên 1.300 triệu USD, nhập khẩu là 993 triệu USD [6]. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 3,812 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,628 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,182 tỷ USD [7]. Năm 2020, do ảnh hưởng của chính sách chống dịch Covid-19 của 2 chính phủ, nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh: giá trị xuất nhập khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD; trong đó xuất khẩu là hơn 1 tỷ USD và nhập khẩu là 610 triệu USD [8]. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt hơn 768.000 USD, nhập khẩu đạt hơn 968.000 USD [9]. Đến năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu nơi đây lại càng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) đã bắt đầu nới lỏng giãn cách theo chính sách “Zero Covid-19 linh hoạt”, nhưng trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai ước đạt trên 771 triệu USD, giảm 52,22% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 17,54% kế hoạch [10].

Về cơ cấu hàng hóa: Hàng hóa trao đổi 2 chiều qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu có tính bổ trợ cho nhau. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, rau hoa quả nhiệt đới, khoáng sản, hàng tiêu dùng như bột giặt, đồ nhựa, giày dép… đều là những mặt hàng Việt Nam khuyến khích xuất khẩu và cần có thị trường ổn định. Ngược lại, tỉnh Vân Nam đang cung cấp cho Việt Nam những mặt hàng phục vụ cho sản xuất, như: than cốc, than mỡ cho sản xuất thép, thạch cao cho sản xuất xi măng, kim loại màu, hợp kim, máy móc thiết bị, hóa chất, phân bón, giống cây trồng chất lượng cao (lúa lai, ngô lai, giống hoa quả ôn đới) và hàng tiêu dùng.

Nhận xét chung: Hoạt động tại các cửa khẩu của 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai có tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới trên bộ của Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Lạng Sơn, Quảng Ninh thường chiếm khoảng 30 - 35% tổng kim ngạch, Lào Cai khoảng 20% [11]. Số liệu trên cho thấy, tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Lào Cai thấp hơn so với 2 tỉnh, thành phố trên. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai vẫn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác quốc tế giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc, thực sự là cửa ngõ, đầu mối với thị trường Tây Nam rộng lớn. Nhiều dự án đã được triển khai nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động thương mại tại các cửa khẩu biên giới Lào Cai, như: nâng cấp tuyến đường bộ Hà Nội - Lào Cai, phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Trung tâm Thương mại cửa khẩu quốc tế Lào Cai với diện tích sàn 22.000 m2, tổng giá trị 124 tỷ đồng, cải tiến thủ tục hải quan, biên phòng, xây dựng Khu kinh tế Kim Thành, tập trung xây dựng các khu công nghiệp dọc theo tuyến hành lang, quy hoạch phát triển du lịch, cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt xuyên Á Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh,...

5. Đề xuất một số giải pháp

Hiện nay, chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều đang thi nhiều chính sách phát triển thương mại biên giới với các nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu và mua bán trao đổi hàng hóa ở tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh biên giới phía Bắc sẽ được quan tâm phát triển tốt hơn cả trên phương diện kỹ thuật nghiệp vụ và tổ chức quản lý đối với các hoạt động này. Tuy nhiên, việc phát triển các hoạt động thương mại nơi đây trong thời gian tới vừa có những thuận lợi, vừa có nhiều thách thức. Vì vậy, trong quá trình triển khai, cần phải thực hiện những giải pháp mang tính định hướng sau:

Thứ nhất, mở rộng phát triển buôn bán qua biên giới một cách toàn diện cả về thương mại, dịch vụ, du lịch, kể cả xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh,… Tỉnh Lào Cai nên phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ nhằm khai thác tối đa vị trí địa lý thuận lợi (nằm trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; thuận lợi về giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt; lại tiếp giáp một thị trường rộng lớn của vùng Tây Nam Trung Quốc).

Thứ hai, việc buôn bán qua biên giới cần tuân theo các thông lệ, tập quán quốc tế, thông qua các Hiệp định hợp tác, buôn bán được ký kết giữa 2 nước; tăng cường xuất, nhập khẩu theo phương thức buôn bán chính ngạch là chủ yếu, giảm mạnh phương thức buôn bán tiểu ngạch như những năm vừa qua. Hai bên cần tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định, lâu dài và phải đáp ứng nhu cầu thị trường; Tăng cường công tác tìm hiểu thị trường nội địa, tìm cách đưa dần các doanh nghiệp quốc doanh của cả 2 nước tham gia vào quá trình buôn bán. Đồng thời, thị trường xuất, nhập khẩu phải được giữ vững, củng cố và không ngừng phát triển.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại thông qua việc thường xuyên tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm của cả 2 nước, tăng cường các đoàn qua lại để gặp gỡ, trao đổi đàm phán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung ương, cũng như địa phương thường xuyên trao đổi đoàn với nhau, giới thiệu cho nhau các đối tác kinh doanh có thực lực, có uy tín để các doanh nghiệp trao đổi buôn bán; tổ chức các cuộc hội thảo, các tuần lễ giao lưu thương mại Việt - Trung.

  Phát triển quan hệ thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc là một trong những nội dung hợp tác mang tính chất chiến lược quan trọng của 2 nước xuyên suốt từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX cho đến nay. Do vậy, dựa trên những lý thuyết và thực tiễn về quan hệ thương mại qua biên giới ở tỉnh Lào Cai để tìm ra được những nhân tố thúc đẩy, cũng như những vấn đề tồn tại, định hướng và triển vọng của mối quan hệ này là cần thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Mơ (2001). Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên lĩnh vực ngoại thương. Nhìn lại 10 năm và triển vọng. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, (6), tr 36 - 43.
  2. Đào Thị Hồng Duyên (2010). Quan hệ thương mại qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc - Thực tế tỉnh Lạng Sơn. Luận văn Thạc sỹ Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.12.
  3. Nguyễn Đức Mạnh (2009). Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc qua biên giới đường bộ. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.11-13.
  4. Đức Minh (2020). 8 khu kinh tế cửa khẩu được ưu tiên đầu tư. Truy cập tại: https://vnexpress.net/8-khu-kinh-te-cua-khau-duoc-uu-tien-dau-tu-4210563.html.
  5. Phạm Vũ Sơn (2022). Khu Kinh tế cửa khẩu: “Hạt nhân” kết nối giao thương. Truy cập tại: https://www.baolaocai.vn/bai-viet/356055-khu-kinh-te-cua-khau-hat-nhan-ket-noi-giao-thuong.
  6. Vinh Quang (2019). Tổng kim ngạch xuất, nhập, khẩu năm 2018 đạt cao nhất từ trước tới nay. Truy cập tại: http://laocaitv.vn/tin-tuc/tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-nam-2018-dat-cao-nhat-tu-truoc-toi-nay.
  7. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai (2020). Năm 2019, Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt hơn 3,8 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp 19.852 tỷ đồng. Truy cập tại: https://stp.laocai.gov.vn/1250/28226/39015/426615/tin-tuc-su-kien/nam-2019-kim-ngach-xuat-nhap-khau-qua-cac-cua-khau-tren-dia-ban-tinh-lao-cai-dat-hon-3-8-ty-usd-.
  8. Hồng Ninh (2022). Xuất khẩu 287 tấn nông sản qua cửa khẩu Lào Cai trong 3 ngày đầu năm. Truy cập tại: https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-287-tan-nong-san-qua-cua-khau-lao-cai-trong-3-ngay-dau-nam/771420.vnp.
  9. Thùy Linh (2022). Lào Cai: Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022 ước đạt trên 2 triệu USD. Truy cập tại: https://www.laocai.gov.vn/Default.aspx?sid=1365&pageid=95214&catid=72486&id=651839&catname=tin-thoi-su&title=lao-cai-gia-tri-kim-ngach-xuat-nhap-khau-trong-dip-nghi-tet-duong-lich-2022-uoc-dat-tren-2-trieu.
  10. Trọng Bảo (2022). Lào Cai: Giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu 5 tháng đầu năm 2022 giảm 52,22%. Truy cập tại: https://laocai.gov.vn/1365/95214/72486/666219/tin-thoi-su/lao-cai-gia-tri-xuat-nhap-khau-mua-ban-trao-doi-hang-hoa-qua-cac-cua-khau-5-thang-dau-nam-2022-g.

 

THE CURRENT BORDER TRADE COOPERATION BETWEEN

LAO CAI PROVINCE (VIETNAM) AND YUNAN PROVINCE (CHINA)

MSc. HUANG HE MENG

Faculty of Chinese Language, Hanoi Open University

ABSTRACT:

Among Vietnamese provinces which have borders with China, Lao Cai province has the advantage of converging three modes of transport, including waterway, road, and railway, with Yunnan province of China. Therefore, border economic cooperation of these two provinces has taken place in many aspects, positively contributing to the socio-economic development of these two border regions. This paper is to clarify the border trade policy theory, and present the current border trade between Lao Cai province and Yunnan province in order to assess the impact of Vietnam and China’s border trade policies.

Keywords: border trade policy, border trade cooperation, Vietnam - China relation, Lao Cai - Yunnan border.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]