Thực trạng nghề kế toán, kiểm toán ở nước ngoài và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam

THS. PHẠM THỊ TƯƠI (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Cùng với quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước, kế toán, kiểm toán Việt Nam đã và đang tiếp cận với nguyên tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế và tham gia tích cực vào việc phát triển nghề nghiệp trong khu vực và thế giới. Trong nền kinh tế thị trường, đa thành phần, đa sở hữu, nền kinh tế mở cửa và hội nhập, kế toán, kiểm toán Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt là sự đổi mới về trách nhiệm, nghĩa vụ của kế toán, kiểm toán với sự lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia và chất lượng quản trị đất nước. Bài viết phân tích thực trạng nghề kế toán, kiểm toán trong khu vực Đông Nam Á và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam.

Từ khóa: nghề nghiệp, kế toán kiểm toán, xu hướng, thế giới, khu vực Đông Nam Á.

1. Xu hướng hòa hợp, hội tụ trong lĩnh vực kế toán trên thế giới

Hòa hợp trong kế toán là quá trình làm giảm sự khác biệt, hội tụ là việc áp dụng một hệ thống chuẩn mực kế toán chung trên toàn thế giới. Hòa hợp và hội tụ trong kế toán là một quá trình diễn ra lâu dài. Hòa hợp kế toán diễn ra có thể là sự hòa hợp trong các chuẩn mực kế toán hoặc hòa hợp trong thực tiễn hành nghề kế toán. Nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia, ủng hộ vào những nỗ lực hòa hợp, hội tụ kế toán ở cấp độ khu vực hay thế giới. Hai tổ chức quan trọng nhất trong nỗ lực này chính là Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế. Tổ chức Các Ủy ban chứng khoán quốc tế (IOSCO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Diễn đàn quốc tế về Phát triển nghề nghiệp kế toán (IFAD) cũng đã và đang có những nỗ lực về sự hòa hợp kế toán trên thế giới.

a. Liên minh châu Âu

Mục tiêu của Liên minh châu Âu là tạo ra một môi trường kinh doanh đồng nhất, cố gắng hòa hợp các quy định trong thực tiễn lập BCTC trong cộng đồng kinh tế bằng cách ban hành các chỉ thị mà quốc gia thành viên phải kết hợp chặt chẽ các quy định về luật pháp. Hai hướng dẫn với mục đích hòa hợp trong lĩnh vực kế toán, đó là: Hướng dẫn Thứ 4 (1978) liên quan đến các quy định trong đánh giá giá trị, yêu cầu về trình bày và hình thức của BCTC; và Hướng dẫn Thứ 7 (ban hành 1983) liên quan đến BCTC hợp nhất.

Từ tháng 1/2005, tất các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đều phải áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất, các công ty chưa niêm yết được khuyến khích áp dụng. Ngoài ra, EU đề ra các bước thích hợp, bao gồm việc hình thành cơ chế phê chuẩn các IAS cụ thể áp dụng tại EU, cơ chế xử lý những vấn đề kỹ thuật, cơ chế giám sát việc tuân thủ.

Vào năm 2014, Ủy ban châu Âu đã thực hiện dự án quan trọng về đánh giá ảnh hưởng của Quy định IAS (IAS Regulation) về việc yêu cầu các công ty niêm yết áp dụng IFRS. Kết hợp với các Hiệp hội nghề nghiệp, Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) đã ban hành bản tổng kết “Moving to IFRS reporting: Seven lessons learned from the Europe experience” đưa ra những bài học khi áp dụng chuẩn mực.

b. Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế

Bên cạnh sự kiện có liên quan đến Liên minh châu Âu, các dự án tăng cường tính so sánh của các BCTC cũng được diễn ra, nổi bật và quan trọng là các hoạt động diễn ra vào năm 1989 - ban hành Khuôn khổ chung về lập và trình bày BCTC và cho đến năm 1993, hoạt động được mô tả như giai đoạn thứ 2 của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế.

Việc hình thành nên IASB, với sự thay đổi từ tập trung vào sự hòa hợp trong kế toán sang sự hội tụ hay thiết lập một hệ thống chuẩn mực kế toán toàn cầu là điểm nhấn để IASB ban hành các chuẩn mực về lập BCTC quốc tế (IFRS).

c. Các tổ chức và hội nghề nghiệp trên thế giới

Áp lực hòa hợp trong nghề nghiệp kế toán toàn cầu làm gia tăng tầm quan trọng của các tổ chức nghề nghiệp xuyên quốc gia như Ủy ban Chuẩn mực kế toán IASB và Liên đoàn Kế toán quốc tế IFAC. Chính phủ nhiều nước đã sử dụng các mô hình được giới thiệu bởi các tổ chức quốc tế làm hướng dẫn cho hoạt động nghề nghiệp của họ. Các tổ chức nghề nghiệp của các quốc gia đã và đang phát triển được Chính phủ giao cho thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tương tự như các chức năng, nhiệm vụ của các Hội nghề nghiệp quốc tế. Về chức năng của các Hội nghề nghiệp cụ thể bao gồm các nội dung:

- Công bố các Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán có 3 cách thức triển khai:

(1) Giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện,

(2) Hội nghề nghiệp nghiên cứu, soạn thảo trình Chính phủ ban hành và công bố,

(3) Cơ quan của Chính phủ có sự phối hợp với hội nghề nghiệp nghiên cứu, soạn thảo, ban hành và công bố.

- Tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề có 2 cách thức triển khai:

(1) Hội nghề nghiệp thực hiện được Nhà nước thừa nhận;

(2) Cơ quan nhà nước có sự phối hợp của Hội nghề nghiệp tổ chức thực hiện.

Theo thống kê số liệu năm 2022, một số tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp hàng đầu thế giới bao gồm:

(1) Hội Kế toán viên công chứng Anh quốc (Association of Chartered Certified Accountants - viết tắt ACCA).

(2) Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (Institute of Chartered Accountants in England and Wales - viết tắt ICAEW).

(3) Hiệp hội Kế toán quản trị công chứng Anh quốc (Chartered Institute of Management Accountants - viết tắt CIMA).

(4) Hội Kế toán viên Công chứng Hoa Kỳ (American Institute of Certified Public Accountants - viết tắt AICPA).

(5) Hiệp hội Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (The Institute of Internal Auditors - viết tắt IIA).

(6) Viện Kế toán công chứng Ireland (Chartered Accountants Ireland - viết tắt CAI).

(7) Hội Kế toán viên công chứng Australia (Certified Practising Accountants Australia - viết tắt CPA Astralia).

(8) Viện Kế toán Công chứng Scotland (Institute of Chartered Accountants of Scotland - viết tắt ICAS).

2. Tình hình nghề kế toán, kiểm toán trong khu vực Đông Nam Á

Trong những năm qua, các quốc gia ASEAN đã có sự phát triển nhanh trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, thu hút nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài, điển hình là các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big4), các công ty trong nước được thành lập ngày càng nhiều để thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán.

ASEAN có Hội nghề nghiệp tầm khu vực là Liên đoàn Kế toán khu vực ASEAN (AFA) và Liên đoàn Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA). Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia ASEAN đều có hội nghề nghiệp kế toán kiểm toán và là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA). Hiện nay, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán viên như ACCA, CPA Australia, ICAEW,… đã có mặt ở các quốc gia ASEAN và góp phần phát triển đội ngũ kế toán viên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Để tạo điều kiện cho lao động di chuyển trong khu vực và thế giới, thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, trong thời gian qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN (MRA) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46 vào tháng 8/2014. Thỏa thuận này cho phép chứng chỉ của lao động hành nghề (được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia) sẽ được thừa nhận tại các nước thành viên khác trong khu vực. Hiện nay, các nước ASEAN đã ký kết 8 MRA đối với lao động trong các lĩnh vực: kế toán và kiểm toán; y tế; nha khoa; dịch vụ kỹ thuật; dịch vụ điều dưỡng; dịch vụ kiến trúc; trình độ đo đạc; du lịch.

Tại Việt Nam, về cơ bản, hệ thống kế toán Việt Nam đã, đang được xây dựng phù hợp, thống nhất với thông lệ chuẩn mực kế toán (CMKT), kiểm toán quốc tế. Là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế, Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN, Việt Nam đã tạo dựng được mối quan hệ khăng khít và chặt chẽ với các tổ chức kế toán, kiểm toán quốc tế. Nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế lớn (ACCA, CPA Australia) đã, đang có nhiều hoạt động tích cực tại Việt Nam, như: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức hội thảo chuyên ngành, cập nhật kiến thức cho đội ngũ kế toán, kiểm toán viên... cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Từ tháng 8/2016, vị thế của kế toán Việt Nam đã được nâng cao vị thế trong khu vực Đông Nam Á, khi Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong lĩnh vực kế toán đã được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 10. Từ đây, sứ mệnh và vai trò của lực lượng kế toán - ngày càng được đề cao trong xã hội.

3. Những yêu cầu đặt ra cho nghề Kế toán, kiểm toán trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam

Trong nền kinh tế thị trường, tính chất của kế toán và kiểm toán đã có sự thay đổi căn bản, không chỉ thuần túy là tổ chức ghi nhận, xử lý và tổng hợp các thông tin kinh tế - tài chính; Không chỉ là công cụ kiểm kê, kiểm soát và đo lường hoạt động và hiệu quả kinh tế - tài chính, mà đã trở thành hoạt động dịch vụ tài chính, một lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh, hỗ trợ hoạt động quản lý.

Xuất phát từ đặc điểm và tính chất của kế toán và kiểm toán, những người hành nghề kế toán và kiểm toán trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cần đáp ứng được những tiêu chí sau:

Một là, phải có tính chuyên nghiệp cao, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Chỉ có như vậy mới có thể cung cấp những dịch vụ có chất lượng theo yêu cầu của các đối tượng sử dụng dịch vụ trong nền kinh tế.

Hai là, về năng lực chuyên môn, phải có hiểu biết, có năng lực, trình độ tổ chức, điều hành công việc, có kỹ năng và sự nhạy cảm, sáng tạo trong xử lý nghiệp vụ, đặc biệt là năng lực xử lý các nghiệp vụ kinh tế tài chính trong một nền kinh tế năng động và hội nhập.

Ba là, về phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp: trung thực, khách quan và bản lĩnh nghề nghiệp. Bản lĩnh nghề nghiệp của người làm kế toán và kiểm toán không chỉ cần thiết trong nghề nghiệp, mà còn rất cần thiết cho nền kinh tế, xã hội, cho sự lành mạnh trong hoạt động kinh tế tài chính của đất nước. Bản lĩnh nghề nghiệp đòi hỏi người làm kế toán phải tôn trọng sự thực và tính khách quan của hoạt động kinh tế. Các ý kiến và thái độ trước thông tin kinh tế - tài chính phải thể hiện trách nhiệm và sự vững vàng về chuyên môn, sự tin cậy và xác thực của bằng chứng, sự mềm mại trong ứng xử và thuyết phục.

Theo đó, năng lực nghề Kế toán, kiểm toán phải đảm bảo những yêu cầu cụ thể sau:

- Có hiểu biết cần thiết về pháp luật, đặc biệt là hiểu biết và khả năng tuân thủ, giải thích các quy định pháp lý về kinh tế - tài chính.

- Có kiến thức tốt về kinh tế - tài chính, hiểu biết sâu về các quy định kế toán và kiểm toán.

- Có khả năng tổ chức công việc thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin kinh tế - tài chính theo yêu cầu quản lý.

- Tham mưu về quản trị doanh nghiệp, trong các quyết định, xây dựng chiến lược đầu tư và kinh doanh.

- Có khả năng thích ứng trong môi trường kinh tế đa chiều, luôn biến động.

Tóm lại, trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi và trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, kế toán - kiểm toán Việt Nam được xây dựng và phát triển cùng với việc tiếp tục tạo lập hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp. Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục phát triển về số lượng, quy mô các tổ chức dịch vụ, phát triển loại hình dịch vụ và phạm vi cung cấp; đồng thời, tăng cường, thúc đẩy chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động, tăng cường quản lý, nhằm phát triển các hoạt động kế toán, kiểm toán, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Mặt khác, cần chú trọng phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán - kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế. Sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, nâng cao năng lực nghề nghiệp sẽ từng bước khẳng định vị trí kế toán, kiểm toán Việt Nam trong khu vực và quốc tế thông qua hoạt động của cán bộ làm kế toán - kiểm toán, các tổ chức nghề nghiệp kế toán (hội kế toán, kiểm toán), tổ chức tư vấn nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2021), Quyết định số 1529/2021/QĐ-BTC ngày 09/8/2021 Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ASEAN CPA).
  2. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.
  3. Quốc hội (2011), Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011.
  4. Một số website: https://smarttrain.edu.vn/ke-toan-cong-chung-anh-quocacca-https://www.icas.com/about- https://www.trendingaccounting.com

The current accounting and auditing professions in foreign countries and some issues facing Vietanm

Master. Pham Thi  Tuoi

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Along with the process of reforming the country's economic management mechanism, Vietnamese accountants and auditors have accessing international principles, standards and practices, and also actively participating in professional development activities in the region and in the world. In an open, integrated and market economy which consists of many forms of ownership and various economic sectors, accounting and auditing plays  an increasingly important role in Vietnam, especially in the innovation of responsibilities and obligations of accountants and auditors to the health of the national financial system and the quality of national governance. This paper pressents an overview of accounting and auditing professions in the region and some issues facing these professions in Vietnam.

Key words: profession, accounting and auditing, trend, world, Association of Southeast Asian Nations.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]