TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu phân tích thực trạng tác động của đầu tư nước ngoài tới môi trường sinh thái tại Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Từ kết quả phân tích, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả FDI trên góc độ bảo tồn môi trường sinh thái.
Từ khóa: bảo vệ môi trường, môi trường sinh thái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
1. Thực trạng tác động của FDI tới môi trường sinh thái tại Việt Nam
1.1. Tác động tích cực
Hiện nay, FDI cùng với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường (FDI xanh) đang là một xu hướng đầu tư tất yếu, đồng thời các quốc gia nhận đầu tư ngày càng chú trọng đến việc tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi một nước nhận được các dự án đầu tư FDI sạch, sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ xử lý, thân thiện với môi trường hiện đại, vừa tăng được các lợi ích về kinh tế, vừa đảm bảo môi trường.
FDI có tác động tích cực tới môi trường thông qua việc ra đời những sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguyên liệu, hoặc nguồn năng lượng truyền thống và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất hoặc các kinh nghiệm tốt về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sự có mặt của các công ty đa quốc gia cũng có tác động lan tỏa đối với các công ty trong nước thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, kỹ năng chuyên môn và những yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.
Nhìn chung, FDI sẽ góp phần giúp tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Những lợi ích kinh tế này sẽ được sử dụng một phần giúp giải quyết các vấn đề về môi trường theo các phương cách khác nhau.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.
Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế xanh, sản xuất xanh ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Một mặt, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được quan tâm nhiều hơn, đi kèm với hoàn thiện chính sách liên quan, cũng như sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp (ví dụ như khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, hay các khu công nghiệp được chọn làm khu công nghiệp sinh thái trong khuôn khổ Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”…)
Mặt khác, Ban quản lý các khu công nghiệp cũng nhìn nhận tích cực hơn về vai trò của việc bảo vệ môi trường như là một yếu tố tiên quyết để thu hút FDI. Trước đây, bảo vệ môi trường thường được nhìn nhận với tác động làm tăng chi phí, do đó không đồng nhất với lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, các khu công nghiệp hiện đã quan tâm hơn đến sàng lọc, đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án đầu tư sẽ thân thiện với môi trường.
Như vậy, khu vực FDI đã và đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ xanh, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, xây dựng và nâng cao nhận thức về nền kinh tế xanh cho người lao động và người tiêu dùng. Một số dự án có công nghệ tiêu biểu như: Dự án hệ thống xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Công ty Điện lực Phú Mỹ 3 với việc cài đặt hệ thống phát hiện rò rỉ tự động và trồng 4.000 cây xanh xung quanh công ty…; Tập đoàn SCG (Top 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu hàng đầu tại Việt Nam về tăng trưởng xanh), xây dựng chiến lược ESG 4 Plus với 4 lộ trình chính, gồm: “Hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net Zero) - Phát triển xanh (Go Green) - Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality) - Thúc đẩy sự hợp tác (Embrace Collaboration) đồng thời chú trọng quản trị minh bạch (Harnessing Good Governance), giúp loại bỏ các nguy cơ khủng hoảng, duy trì sự ổn định xã hội và giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát triển xanh và bền vững, tiếp tục đóng góp cho các cộng đồng địa phương tại Việt Nam.
Quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh khó có thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự đồng thuận, chủ động thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế, các dự án FDI bắt đầu có sự chuyển hướng rõ nét. Chẳng hạn, một số dự án năng lượng sạch đã được cấp phép trong thời gian gần đây, như Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD (năm 2020), hay dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (năm 2021).
1.2. Tác động tiêu cực
Bên cạnh những kết quả đáng kể đạt được, đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao cũng đã gây áp lực lớn lên môi trường sinh thái, do tác động từ các loại chất thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế, đặc biệt phải kể tới những ảnh hưởng từ hoạt động đầu tư nước ngoài.
Trước thực trạng về số lượng lớn nguồn vốn FDI đổ vào các khu công nghiệp, CCN, khu chế xuất, nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường rất lớn khi tình trạng xử lý chất thải cụm công nghiệp còn nhiều bất cập, yếu kém. Đa số các khu công nghiệp tại Việt Nam còn vi phạm về quy định xử lý chất thải, mặc dù có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý không cao, hoặc còn tồn tại tình trạng chất thải doanh nghiệp xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lí dẫn đến tình trạng ô nhiễm, dẫn tới những chất thải công nghiệp độc hại ngấm vào lòng đất, nguồn nước, gây ra hệ lụy lâu dài không chỉ cho môi trường, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân sinh sống quanh khu vực này. Theo Phòng nghiên cứu Chính sách PanNature, một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Đặc biệt, DN FDI chiếm 60% tổng số các DN xả thải vượt quy chuẩn.
Về ô nhiễm do nước thải công nghiệp kết hợp với nước thải đô thị đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều kênh rạch ở vùng ven TP. Hồ Chí Minh như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ,… Nhiều doanh nghiệp dùng các thủ đoạn xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường như Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành - Đồng Nai.
Tiêu biểu phải kể tới một trường hợp gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng là Công ty Vedan. Cách đây 10 năm, sông Thị Vải (Đồng Nai) đã bị ô nhiễm 80-90% khi Công ty TNHH Vedan Việt Nam (Đài Loan) bơm xả trực tiếp một lượng lớn dịch thải sau lên men với nồng độ các chất ô nhiễm rất cao ra môi trường. Năm 2014, Công ty TNHH Miwon Việt Nam tại Phú Thọ cũng đã bị xử phạt 515 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên ra môi trường. Đặc biệt, đầu năm 2016 đã xảy ra thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung sau khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) đã tống một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý ra biển trong quá trình vận hành thử.
Ô nhiễm khí thải là một vấn đề “nóng” tại Việt Nam hiện nay. Theo bảng xếp hạng quốc gia về mức độ ô nhiễm không khí của IQAir, Việt Nam hiện xếp thứ 36/118 quốc gia trên toàn thế giới, riêng Thủ đô Hà Nội có mức độ ô nhiễm thứ 3 trên thế giới. Tương tự như ở các đô thị lớn ở nước ta, nồng độ bụi TSP ở phần lớn các KCN, CCN đều vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 05: 2013/BTNMT. Ô nhiễm bụi ở các KCN, CCN ở các tỉnh thành phía Bắc thường lớn hơn so với các KCN, CCN ở phía Nam. Nhìn chung, chất lượng không khí tại nước ta bị ảnh hưởng lớn một phần bởi lượng khí thải đến từ KCN chưa qua xử lý hoặc quy trình xử lý chưa đạt chất lượng. Một số ví dụ điển hình về vi phạm xử lý khí thải công nghiệp của các doanh nghiệp FDI như vụ vi phạm gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhân dân của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2…
2. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả FDI trên góc độ bảo tồn môi trường sinh thái
Để thu hút FDI và bảo tồn môi trường sinh thái, cần thực hiện một số giải pháp sau:
2.1. Hoàn thiện bổ sung hệ thống chính sách, quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài
- Hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý đầu tư nước ngoài là một yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài tại nước ta trong giai đoạn hiện nay.
- Xây dựng và hoàn thiện các chính sách đầu tư, chính sách thuế để bảo vệ kinh tế đất nước. Đồng thời, tránh sự lợi dụng trong việc ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư.
- Điều chỉnh các chính sách ưu đãi nhằm phù hợp với định hướng thu hút FDI thân thiện môi trường.
2.2. Lọc dự án FDI dùng công nghệ không phù hợp luật, khai thác tài nguyên môi trường quá mức
Thành lập các tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI, đặc biệt là yếu tố bảo vệ môi trường.
Cần một bộ tiêu chí chọn lọc tốt để các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng ít tài nguyên đất đai, ít năng lượng hơn nhưng hiệu quả đầu tư cao hơn.
Cần quy định giới hạn lượng phát thải; doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin về môi trường và giải pháp xử lý lượng phát thải. Đặc biệt phải đẩy mạnh việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn và vệ sinh môi trường đô thị... Hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật đủ sức răn đe trong lĩnh vực môi trường. Nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt theo mức xả thải thực tế thay cho mức xử phạt theo khung tối đa, tối thiểu như hiện nay.
2.3. Thu hút FDI xanh
Nhằm thúc đẩy việc thu hút FDI xanh trong thời gian tới, đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Thứ hai, xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Các yêu cầu về môi trường và đánh giá tác động về môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (như: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Luôn đảm bảo nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Thứ ba, rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.
Thứ tư, xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Thứ năm, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa FDI và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường.
Thứ tám, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý liên quan đến FDI, chú trọng cập nhật kiến thức về xu hướng vốn FDI xanh; các tiêu chí FDI xanh trên thế giới; kinh nghiệm quản lý dự án FDI xanh; kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường kể cả từ các dự án FDI đã được cam kết “xanh”,...
2.4. Tăng cường quản lý, giám sát với dự án FDI
Hoạt động của doanh nghiệp FDI trong một số ngành sẽ làm gia tăng lượng chất thải rắn và lỏng làm ô nhiễm môi trường. Do vậy, cần có những quy định cụ thể đối với các ngành khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, cần có sự kiểm tra và giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp FDI. Vai trò của lực lượng thanh tra trong công tác quản lý môi trường các doanh nghiệp FDI luôn được đánh giá cao, bản thân các doanh nghiệp cũng coi thanh tra là một áp lực để tuân thủ quy định bảo vệ môi trường. Vì vậy, Chính phủ cần nâng cao vai trò và đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, gia tăng số lượng lần thanh tra định kỳ, tích cực tổ chức thanh tra đột xuất doanh nghiệp trong khu vực FDI; đồng thời phát triển lực lượng cán bộ quản lý môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Số liệu về thu hút vốn FDI năm 2021.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020.
CURRENT IMPACT OF FOREIGN DIRECT INVESTMENT
IN THE ECOLOGICAL ENVIRONMENT IN VIETNAM
• Ph.D NGUYEN THI THUONG
National Economics University
ABSTRACT:
This study analyzes the current impact of foreign direct investment (FDI) on the ecological environment in Vietnam. Besides the achieved results, FDI has also revealed some limitations. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the FDI efficiency in terms of ecological environment conservation.
Keywords: environmental protection, ecological environment, foreign direct investment capital.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 12 năm 2022]