TÓM TẮT:
Trước tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực du lịch được coi là giải pháp đột phá để tạo lợi thế thu hút du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong ngành Du lịch ở Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Bài viết nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT cũng như nêu ra những hạn chế còn tồn tại trong phát triển du lịch ở Việt Nam.
Từ khóa: Công nghệ thông tin, du lịch, cách mạng công nghiệp 4.0.
1. Đặt vấn đề
Ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội của một quốc gia, đặc biệt là trong việc phát triển ngành Du lịch. Ở Việt Nam, vai trò này đã được thể hiện thông qua Quyết định 1671/QĐ - TTg 2018 phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án nêu rõ “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.
2. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch ở Việt Nam
2.1. Những kết quả đạt được
Năm 2019, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. (Bảng 1)
Bảng 1: Thống kê du lịch Việt Nam năm 2019
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Năm 2019 |
Tăng trưởng so với năm 2018 (%) |
1. Khách du lịch quốc tế |
Triệu lượt |
18 |
16,2 |
2. Khách du lịch nội địa |
Triệu lượt |
85 |
6,3 |
3. Tổng thu từ khách du lịch |
Nghìn tỷ đồng |
726 |
17,1 |
Nguồn: Tổng cục Du lịch và tổng hợp của tác giả
Số liệu từ Bảng 1 cho thấy, du lịch ngày càng khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%. Theo một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam.
Có thể thấy, khách du lịch sử dụng Internet, các tiện ích thông minh, các thiết bị thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch của Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả sau:
- Thứ nhất, hỗ trợ cung cấp thông tin và góp phần quảng bá du lịch.
Hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất hiện nay là thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, báo điện tử. Trong những năm gần đây, 100% cơ quan quản lý du lịch và hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã có website riêng. Ngoài ra, các nhà lập trình còn thiết kế, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch, như: bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… Thậm chí, nó còn có thể tạo sự tương tác trực tiếp với khách du lịch, như: góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch. Bên cạnh các hệ thống website, mạng xã hội cũng là một trong những kênh quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, trải nghiệm và góp phần quảng bá du lịch.
- Thứ hai, hình thành và phát triển nhiều phần mềm, tiện ích thông minh trong du lịch.
Năm 2018, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 2 phần mềm hỗ trợ du khách, gồm: hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh; phần mềm du lịch “Vibrant Ho Chi Minh City” và một số phần mềm tiện ích khác, như: “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”.
Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng rất quan tâm xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”. Đặc biệt, đầu năm 2018, Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity”, đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).
Ngoài ra, một số địa phương khác - như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ…, cũng đang phối hợp tích cực với các tập đoàn viễn thông để triển khai những dự án du lịch thông minh, sản xuất các phần mềm, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch.
- Thứ ba, góp phần phát triển và hoàn thiện hạ tầng mạng.
Phát triển và hoàn thiện hạ tầng mạng là điều kiện quan trọng để triển khai các hoạt động du lịch trực tuyến. Nhận thức được điều này, nhiều điểm đến du lịch trong nước đã và đang lắp đặt các trạm phát wifi miễn phí. Tại Hà Nội, các điểm được lắp đặt trạm phát wifi miễn phí như: khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, đường hoa, chợ hoa, công viên, bến xe, tuyến buýt… hay tại một số điểm du lịch như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 100 điểm phát wifi miễn phí đã được triển khai cho 3 khu vực bệnh viện, trường học, điểm công cộng tại các quận trung tâm và gần 1000 điểm phát wifi miễn phí tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố.
Tại Đà Nẵng, từ năm 2012, Thành phố đã đầu tư gần 2 triệu USD cho dự án phủ sóng wifi. Đến nay, trên địa bàn đã có tới gần 500 trạm phát trên tất cả các tuyến đường phố chính, các điểm du lịch dọc bờ biển, các điểm du lịch dọc bờ sông Hàn, các trung tâm mua sắm, trung tâm hành chính, các điểm du lịch và các điểm công cộng khác. Ngoài ra, rất nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang tích cực triển khai phủ sóng wifi miễn phí, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Quảng Bình, Đà Lạt, Cần Thơ…
Năm 2016, sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Đặc biệt, Tripi còn cho phép khách hàng tìm kiếm, so sánh giá các sản phẩm du lịch và cập nhật chính xác 24/24 tình trạng sản phẩm. IVIVU (ivivu.com) cũng là một trong những sàn giao dịch du lịch lớn, cho phép khách du lịch tìm kiếm thông tin, so sánh, lựa chọn và thực hiện các giao dịch đặt tour, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn với hơn 300 tour du lịch, hơn 5.000 khách sạn tại Việt Nam và 345.000 khách sạn toàn thế giới. Đến nay, Việt Nam có khoảng 10 sàn giao dịch du lịch.
2.2. Những hạn chế còn tồn tại
Ngành Du lịch Việt Nam đang từng bước tiếp cận và ứng dụng rộng rãi CNTT trong phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:
- Mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa cao.
Điều này thể hiện thông qua chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 chỉ xếp ở vị trí trung bình khá trong tổng số 19 bộ, ngành. Đặc biệt, các chỉ số về hạ tầng kỹ thuật và chỉ số ứng dụng CNTT nhiều năm xếp ở vị trí trung bình yếu.
Đối với cấp địa phương, ngoại trừ 5 địa phương có du lịch phát triển - gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế - đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, còn nhiều địa phương có du lịch phát triển nhưng chỉ số xếp hạng lại rất thấp, như: Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lào Cai,…
- Trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế.
So với các quốc gia trên thế giới, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp. Do đó, việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ ứng dụng cho du lịch còn nhiều hạn chế.
- Tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp du lịch còn thấp.
Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay, các hệ thống khách sạn cao cấp, thương hiệu quốc tế và các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel, Vietnamtourism… đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch với khối lượng sản phẩm phong phú, có thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, các dịch vụ.
Với các doanh nghiệp du lịch khác hay các điểm tham quan, các đơn vị vận chuyển, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh du lịch chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ, lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao.
- Thị trường du lịch trực tuyến chưa phát triển.
Các công ty lữ hành online thương hiệu toàn cầu - như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com - đang độc chiếm thị trường Việt Nam với khoảng 80% thị phần. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến, như Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, vntrip.vn… Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách nội địa với số lượng giao dịch còn thấp.
Thời gian qua, có thể thấy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch đã mang lại những kết quả đáng kể cho sự tăng trưởng ấn tượng của ngành. Mặc dù vậy, việc ứng dụng CNTT trong phát triển du lịch mới chỉ dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành kinh doanh du lịch. Vì vậy, các cơ quan quản lý, các địa phương đến các đơn vị kinh doanh cần tăng cường hiệu quả hơn nữa việc ứng dụng CNTT để quảng bá du lịch Việt Nam và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- TS. Lê Quang Đăng (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch - Tổng cục du lịch.
- Chính phủ (2018), Quyết định 1671/QĐ - TTg 2018 phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
- Tổng cục Du lịch (2019), Tình hình hoạt động ngành du lịch năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
The current status of implementing advancements in information technology into Vietnam’s tourism development
Master. Pham Thi Thuy Linh
Faculty of Fundamental Economics
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
Amid the rapid development of Industry 4.0, the application of advancements in information technology in the tourism sector of Vietnam is considered a breakthrough solution to create advantages to attract more tourists, improve competitiveness of the country’s tourism sector and also promote the country’s international integration. However, Vietnam’s toursim sector has not fully exploited advancements in information technology. This article present the status quo of the implementation of advancements in information technology into the tourism sector of Vietnam and also other existing limitations in developing the country’s tourism sector.
Keywords: Information technology, tourism, Industry 4.0.