Thực trạng và giải pháp hoàn thiện phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học

PHẠM THỊ DIỆU PHÚC (Khoa Tài chính ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trước yêu cầu thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường đại học cũng đòi hỏi phải nhanh chóng và thường xuyên đổi mới để đáp ứng và thích ứng. Bài viết phân tích những vấn đề đặt ra trong giảng dạy và NCKH, đồng thời đề xuất một số giải pháp trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và NCKH tại các trường đại học trong thời gian tới.

Từ khóa: phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trường đại học.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục đại học (GDĐH) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn tri thức mới cho sự phát triển của xã hội, là nền tảng bền vững cho sự phát triển của mọi quốc gia.

Qua nhiều năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Quy mô đào tạo đại học tăng nhanh, với việc mở rộng mạng lưới các trường, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Đội ngũ giảng viên có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng; điều kiện dạy và học ở các trường đại học đã có nhiều cải thiện đáng kể.

Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong các cơ sở GDĐH. Một số trường đại học đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên. Những năm qua, chất lượng GDĐH của Việt Nam đã từng bước được thế giới công nhận thông qua kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học quốc tế. Tự chủ đại học được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Kể từ khi được giao quyền tự chủ, số lượng các đề tài khoa học đấu thầu thành công; số lượng các công trình công bố trong nước, quốc tế, các chương trình mở mới của các trường đại học đều tăng; quy mô đào tạo ổn định; thu nhập của giảng viên, người lao động tăng.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) được nâng lên và chuẩn hóa. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT giai đoạn 2018 - 2030; Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo, CBQLGD. Đồng thời, rà soát mạng lưới, quy mô, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên; Triển khai Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); Khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương làm căn cứ xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đầu ra sư phạm.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học ngày càng được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống kê; dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và CBQLGD được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa, thiếu giáo viên; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực, hiệu quả, đánh giá đúng chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng làm căn cứ để xác định chất lượng GDĐH, vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH.

Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ được ký kết. Nhiều cơ sở GDĐT đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, hợp tác nghiên cứu.

Công tác thanh tra được chú trọng, góp phần phòng ngừa, phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý và kịp thời kiến nghị xử lý vi phạm, đề xuất các biện pháp khắc phục, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giáo dục,…

Nhìn chung, hoạt động giảng dạy và NCKH tại các trường đại học trong thời gian vừa qua đã hoàn thiện và thay đổi theo xu hướng phát triển của GDĐH.

2. Sự cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học

2.1. Về đổi mới phương pháp dạy học

Với tư tưởng công nghệ dạy học hiện đại, chịu ảnh hưởng của cách mạng khoa học công nghệ, hệ thống phương pháp dạy học (PPDH) đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, loại hình và bản chất.

Một số xu hướng cơ bản của sự đổi mới có tính chất sáng tạo và học hỏi của PPDH trên thế giới và trong nước trong thời gian qua, đó là:

- Xây dựng cơ sở lý thuyết có tính phương pháp luận để tìm hiểu bản chất của PPDH.

- Tăng cường biên soạn các vấn đề kỹ năng và kỹ xảo sử dụng các PPDH, đặc biệt là vấn đề lựa chọn và phối hợp các phương pháp khi dạy học.

- Đã có 1 phương hướng quan trọng khác trong việc hiện đại hóa các PPDH, đó là cải tạo các PPDH truyền thống cho phù hợp với nội dung hiện đại và tìm kiếm những PPDH mới, bằng cách: Liên kết nhiều PPDH riêng lẻ thành tổ hợp PPDH phức hợp; Liên kết PPDH với phương tiện kỹ thuật dạy học để tạo ra các tổ hợp PPDH phức hợp có dùng phương tiện kỹ thuật; Chuyển hóa phương pháp khoa học (chung và riêng rộng) thành PPDH đặc thù của môn học; chẳng hạn như phương pháp grap dạy học,…

- Nâng cao tính độc lập, sáng tạo của người học (NH) là một phương hướng quan trọng khác của việc hiện đại hóa các PPDH.

- Về mặt chức năng, PPDH chuyển dần trọng tâm từ tính chất thông báo - tái hiện đại trà chung cả lớp, sang tính chất tìm tòi - ơrixtic, phân hóa - cá thể hóa cao độ, tiến lên theo nhịp độ cá nhân.

- Nghiên cứu mối quan hệ giữa lí luận dạy học và các PPDH bộ môn có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện các PPDH.

Trên cơ sở đó, đến nay đã hình thành khoảng 60 PPDH, trong đó có rất nhiều PPDH hiện đại, thí dụ, như: Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học hướng vào người học, dạy học tích cực, dạy học định hướng hành động, dạy học kiến tạo, dạy học theo đề án, dạy học theo tình huống, dạy học hợp tác, dạy học khám phá - phát hiện, dạy học trường hợp điển hình, dạy học mở, phương pháp xử lý tình huống - hành động,...

2.2. Về đổi mới nghiên cứu khoa học

Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ tầm quan trọng của NCKH trong phát triển GDĐH. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) đã chỉ rõ: “Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp thuộc mỗi thành phần kinh tế và cá nhân được tổ chức các hoạt động nghiên cứu, triển khai, được đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, quyền công bố, trao đổi, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu theo quy định của luật pháp”.

Hội nghị TW2 khóa VIII đã xác định khoa học và công nghệ phải gắn với giáo dục - đào tạo: “Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Văn kiện Đại hội XI nêu rõ: “Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững”.

Điều 12 Luật Khoa học và Công nghệ quy định nhiệm vụ khoa học và công nghệ của trường đại học, trong đó lưu ý đến hoạt động NCKH trong nhà trường.

Điều lệ Trường Đại học ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 20/07/2003 của Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến một trong các nhiệm vụ của trường đại học là tiến hành NCKH và phát triển công nghệ; kết hợp đào tạo với NCKH và sản xuất, dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục và các quy định khác của pháp luật (Điều 9, Nhiệm vụ của trường đại học).

Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay càng thể hiện rõ chức năng quan trọng nhất của trường ĐH là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu). Trong đó, NCKHluôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Sự hình thành các nhà nghiên cứu trong các trường ĐH như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Chính vì vậy, danh tiếng của các trường ĐH lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi các nhà khoa học phát minh ra chúng. Các nhà khoa học uy tín làm nên tên tuổi trường đại học.

Xu thế phát triển hoạt động NCKH hiện nay là gắn liền với thực tiễn. Việc gắn kết đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của thực tiễn mà điển hình là nhu cầu của doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng và quyết định đến sự phát triển ổn định của các trường đại học.

3. Giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học

Để đổi mới phương pháp giảng dạy và NCKH nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Cụ thể như sau:

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới phương pháp giảng dạy và NCKH

Nâng cao nhận thức hơn nữa cho cán bộ giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy và NCKH đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, để mọi giảng viên thấy được việc giảng dạy và NCKH là hai nhiệm vụ có quan hệ chặt chẽ với nhau. NCKH có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phát huy và bồi dưỡng tiềm lực để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tạo thương hiệu trường. Từ đó, từng cá nhân, tự giác, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ NCKH, phát huy được tính sáng tạo và tiềm năng của từng người.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm

Phương pháp giảng dạy “lấy người học làm trung tâm” không có nghĩa là loại trừ phương pháp thuyết giảng. Thực chất đó là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa thuyết giảng và đối thoại với mục tiêu phát huy cao độ tính tích cực, năng động, độc lập, kinh nghiệm thực tiễn, sáng tạo của học viên. Với phương pháp này yêu cầu giảng viên không chỉ nắm vững những vấn đề cần trình bày mà còn phải rất năng động nhạy bén và sáng tạo ngay trong giờ giảng, trên cơ sở đó giảng viên có thể truyền thụ những vấn đề cần thiết cơ bản đến học viên.

- Nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH

Chất lượng giảng dạy và NCKH có thể được đánh giá từ kết quả học tập của học viên, từ những đánh giá dành cho giảng viên, từ nhận xét của quản lý và sử dụng học viên..., cần có những tiêu chí để đánh giá chất lượng và lấy đó làm cơ sở để đánh giá chất lượng giảng dạy và NCKH.

- Sử dụng hiệu quả các phương tiện giảng dạy và NCKH hiện đại

Trong giảng dạy phải chuẩn bị chu đáo và sử dụng hợp lý các phương tiện trợ giảng. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng có thể gây phản tác dụng.

Đề xuất Trung tâm Thông tin - Thư viện của các trường thường xuyên bổ sung tài liệu mới, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của giảng viên và sinh viên dưới mọi hình thức: tài liệu dạng in, mạng thông tin, tóm tắt, thông báo nhanh,… đảm bảo có đủ sách giáo khoa quan trọng, tạp chí các chuyên ngành.

Vận động giảng viên đóng góp tài liệu chuyên ngành vào tủ sách để các giảng viên khác và sinh viên có nguồn tài liệu tham khảo.

Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất tốt, mạnh để phục vụ cho nghiên cứu khoa học như: Trung tâm Thông tin - Thư viện, phòng thực hành, phòng internet,…

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Trần Khánh Đức (2013), Lý luận và PPDH hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Đinh Văn Tiến - Ulrich Lipp (2003), Cẩm nang phương pháp sư phạm, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
  3. Lê Công Triêm (chủ biên), Nguyễn Đức Vũ, Trần Thị Tú Anh (2002), Một số vấn đề hiện nay của PPDH đại học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Phùng Quốc Việt (2021), Một số phương pháp đổi mới dạy học, trích nguồn từ https://www.hvu.edu.vn/images/uploaded/doimoipp.pdf
  5. Website Trường Cán bộ Thanh tra: http://truongcanbothanhtra.gov.vn/
  6. Website Tạp chí Tài chính: https://tapchitaichinh.vn/

 The current situation of Vietnamese universities’ teaching and scientific research methods and solutions

Pham Thi Dieu Phuc

Lecturer, Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

To meet practical requirements of the industrial revolution 4.0, it is necessary for universities to change and upgrade their teaching methods and scientific research methods rapidly and frequenttly. This paper analyzes the teaching and scientific research problems facing by Vietnam’s universities. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help universities to change and upgrade their teaching and scientific research methods in the coming time.

Keywords: teaching methods, scientific research, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]