TÓM TẮT:
Hợp đồng thương mại quốc tế và giao dịch kinh doanh quốc tế là môn học nằm trong Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội được tổ chức giảng dạy cho sinh viên năm thứ ba và giảng lần đầu tiên cho sinh viên khóa 36. Cho đến nay, các phương pháp giảng dạy dần được hoàn thiện, song vẫn tồn tại nhiều vướng mắc cần khắc phục. Bài viết nêu ra ba nội dung chính: (1) Khái quát chung về các phương pháp giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và giao dịch kinh doanh quốc tế, (2) Những hạn chế trong áp dụng các phương pháp này tại Trường Đại học Luật Hà Nội và (3) đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng những phương pháp này.
Bài báo này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài của Trường Đại học Luật Hà Nội: “Hoàn thiện nội dung và phương pháp giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế trong Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội”.
Từ khóa: Hợp đồng thương mại quốc tế, phương pháp giảng dạy, giao dịch kinh doanh quốc tế, thuyết giảng (Lectures), đóng vai (role - playing), diễn án giả tưởng (moot court).
1. Nội dung
Chương trình giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế của nhiều trường đại học đào tạo ngành Luật trên thế giới, trong đó có Trường Đại học Luật Hà Nội (Việt Nam) thường đặt ra ba mục tiêu cơ bản mà sinh viên phải đạt được, gồm: (1) Về kiến thức; (2) Về kỹ năng (đàm phán hợp đồng, soạn thảo hợp đồng, ...); (3) Về năng lực thực hành (giải thích và áp dụng luật về hợp đồng, soạn thảo hợp đồng, lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp về hợp đồng...). Để đạt được những mục tiêu trên, giảng viên cần có nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp.
2. Tổng quan về các phương pháp giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế
Các phương pháp dùng để giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế bao gồm:
- Thứ nhất, thuyết giảng (Lectures)
Thuyết giảng được coi là phương pháp giảng dạy truyền thống, không mang lại nhiều hiệu quả trong đào tạo kỹ năng đối với sinh viên luật. Song, hiện nay, phương pháp thuyết giảng vẫn được nhiều giảng viên ủng hộ việc tiếp tục sử dụng với nhiều mục đích như: (1) Truyền đạt nội dung cơ bản của môn học; (2) Làm nổi bật các vấn đề để thảo luận; (3) Có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều đối tượng người học; (4) Thực hành mẫu các kỹ năng khác nhau.
- Thứ hai, hỏi - đáp (Q&A)
Hỏi - đáp là một phương pháp giảng viên sử dụng để giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế.
Có bốn loại câu hỏi thường được sử dụng trong phương pháp hỏi - đáp:
(1) Kiểm tra kiến thức của sinh viên (Knowledge);
(2) Kiểm tra mức độ hiểu biết của sinh viên (Comprehension);
(3) Kiểm tra khả năng áp dụng và phân tích (Application and Analysis);
(4) Kiểm tra khả năng tổng hợp và đánh giá (Synthesis and Evaluation).
Để tăng hiệu quả áp dụng phương pháp này, giảng viên nên gắn câu hỏi với tình huống hoặc vụ tranh chấp cụ thể.
- Thứ ba, giải quyết tình huống/vụ việc (simulation)
Đây là phương pháp dựa trên cơ sở thảo luận một tình huống mang tính thực tiễn do giảng viên thiết kế. Tình huống này là một vụ tranh chấp do giảng viên hư cấu, có nội dung gắn với bài giảng (simulation exercises hoặc hypothetical case), được giảng viên đưa ra và hướng dẫn người học giải quyết tình huống, thảo luận, từ đó rút ra những kết luận cho bài học.
Nếu được giảng viên là các chuyên gia về hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế hướng dẫn tốt, thì sau khi giải quyết tình huống, người học sẽ nâng cao được nhiều kỹ năng trong lĩnh vực hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế. Ngược lại, giảng viên - trong vai trò của người dẫn dắt - cũng sẽ tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm và những cách nhìn/giải pháp mới/kiến thức thực tiễn từ chính phía người học để làm phong phú hơn bài giảng của mình.
- Thứ tư, nghiên cứu và phân tích án lệ (Case-study)
Phương pháp nghiên cứu và phân tích án lệ được Giáo sư Christopher Columbus Langdell, Hiệu trưởng Trường Luật Harvard đưa vào áp dụng từ những năm 1870. Ông cho rằng, thay vì phải ghi nhớ các nguyên tắc pháp luật từ các giáo trình, bài giảng lý thuyết, sinh viên có thể tự hiểu được pháp luật thông qua các án lệ. Với nhiều ưu điểm, hiện nay phương pháp này đã được các trường đại học trên thế giới sử dụng rộng rãi trong đào tạo ngành Luật.
Có hai cách sử dụng án lệ trong giảng dạy là:
(1) Cách thứ nhất, tường thuật lại đầy đủ án lệ: Giảng viên sẽ cung cấp thông tin, nguồn tài liệu để sinh viên nắm được toàn bộ án lệ, sau đó yêu cầu sinh viên phân tích các kết quả trong vụ án và giải thích lý do đằng sau kết quả đó.
(2) Cách thứ hai, giảng viên đưa ra cho sinh viên các sự kiện pháp lý, thông tin về án lệ, nhưng không cung cấp kết quả cuối cùng, sau đó yêu cầu sinh viên tự xác định, trình bày các giải pháp để giải quyết vấn đề tốt nhất.
- Thứ năm, đóng vai (Role-playing)
Đóng vai là phương pháp hiệu quả không chỉ trong các lớp học diễn xuất, mà còn hiệu quả với giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế. Đóng vai trong lớp học đòi hỏi sinh viên chủ động trong quá trình học tập bằng cách cho phép họ đặt mình vào vị trí của các nhân vật trong một kịch bản giả tưởng hoặc có thực. Thông qua đóng vai, sinh viên tự tiếp nhận kiến thức, thể hiện được quan điểm riêng thông qua nhân vật của họ.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong phương pháp này, giảng viên sẽ gặp và phải vượt qua những trở ngại nhất định:
(1) Giảng viên phải tạo ra một kịch bản khả thi, phù hợp với chủ đề, nội dung của bài học;
(2) Giúp sinh viên hiểu đây không chỉ đơn thuần là “diễn kịch”, mà là một cơ hội để thực hành chuyên môn;
(3) Khi đóng vai, sẽ chỉ có một số ít sinh viên thực tế tham gia đóng vai, vậy những sinh viên còn lại sẽ làm gì? Đó là vấn đề giảng viên cần giải quyết, để tạo cơ hội tham gia học tập công bằng cho tất cả sinh viên.
- Thứ sáu, tranh luận (Discussion)
Tranh luận là một phương pháp giảng dạy thông qua sự tương tác bằng lời nói, không có thứ bậc giữa các nhóm sinh viên về một chủ đề nhất định, có mục đích.
Hạn chế lớn nhất của phương pháp này là cuộc tranh luận có thể không đoán trước được kết quả, không kiểm soát được kết quả. Để khắc phục vấn đề này, giảng viên cần kiểm soát nhất định đối với luồng thông tin được đưa ra và lập kế hoạch giảng dạy cẩn thận.
- Thứ bảy, diễn án giả tưởng (Moot Court)
Diễn án giả tưởng (Moot Court) là việc sinh viên trình bày lập luận dựa trên một vụ tranh chấp có sẵn, tương tự như việc trình bày lập luận trước tòa phúc thẩm. Thời gian trình bày khoảng mười lăm phút, trong thời gian đó, sinh viên trình bày lập luận của mình và trả lời các câu hỏi đặt ra bởi ban giám khảo. Trong Moot Court, không có nhân chứng và không có bằng chứng được đưa ra. Các lập luận được đánh giá dựa trên hiệu quả của việc áp dụng pháp luật vào các sự kiện của vụ tranh chấp.
Ở các trường Đại học tại Hoa Kỳ đã áp dụng khá phổ biến phương pháp này và nó đã tỏ ra khá thành công. Sinh viên năm thứ nhất buộc phải tham gia cuộc thi Moot Court do trường tổ chức. Hiện nay, nhiều cuộc thi Moot Court ở tầm khu vực và tầm quốc tế đã và đang được tổ chức để phổ biến phương pháp này. Và cuộc thi Moot Court liên quan trực tiếp đến môn hợp đồng thương mại quốc tế và giao dịch kinh doanh quốc tế rất nổi tiếng hiện nay là Willem C. Vis International Commercial Arbitration Moot được tài trợ tổ chức bởi Trường Đại học Pace (Hoa Kỳ).
Trong bảy phương pháp trên, thuyết giảng được coi là phương pháp truyền thống, các phương pháp còn lại được coi là phương pháp giảng dạy hiện đại. Tuy nhiên, truyền thống không đồng nghĩa với lỗi thời và hiện đại cũng không đồng nghĩa với hiệu quả. Bởi phương pháp giảng dạy hiện đại không thể giúp đạt được mọi mục tiêu của hoạt động giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế. Ngược lại, nếu sử dụng phương pháp truyền thống quá nhiều thì không đủ để thúc đẩy mức độ và chất lượng học tập của sinh viên. Và thực chất, phương pháp này không mang đến kỹ năng thực sự cho sinh viên luật.
Do đó, giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và giao dịch kinh doanh quốc tế cần áp dụng kết hợp các phương pháp sáng tạo với phương pháp truyền thống. Việc áp dụng kết hợp các phương pháp giảng dạy có thể theo hai mô hình:
- Một là, tách biệt hoàn toàn giờ lý thuyết và giờ thảo luận (seminar) về mặt thời gian: Giờ lý thuyết được tiến hành trước, vài ngày sau đó sẽ tiến hành giờ thảo luận (seminar). Trong giờ lý thuyết, sinh viên sẽ chỉ nghe giảng viên thuyết giảng, được cung cấp tài liệu, tình huống, án lệ để sinh viên tự chuẩn bị cho giờ seminar tiếp theo. Đến giờ seminar sẽ sử dụng các phương pháp còn lại như thảo luận, đóng vai, nghiên cứu và phân tích án lệ...
- Hai là, không có sự tách biệt rõ ràng về giờ lý thuyết và giờ thảo luận (seminar) về mặt thời gian: Với mô hình này, điều quan trọng nhất là phải loại bỏ sự phân chia nghiêm ngặt giữa giờ giảng lý thuyết và các giờ seminar, thực hiện giờ lý thuyết cũng có sự tham gia của sinh viên. Trong một giờ học, giảng viên có thể giảng vấn đề lý thuyết, đồng thời, sử dụng thêm các phương pháp hỏi - đáp, giải quyết tình huống, tranh luận,...
3. Thực tiễn áp dụng các phương pháp giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội
Hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế trong Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội được tổ chức giảng dạy cho sinh viên năm thứ ba và giảng lần đầu tiên cho sinh viên khóa 36 (niên khóa 2011 - 2015). Cho đến nay, các phương pháp giảng dạy được áp dụng hiệu quả hơn và sử dụng thêm nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo được triển khai, bao gồm: Thuyết giảng (Lectures); Hỏi - đáp (Q&A); Giải quyết tình huống (simulation); Nghiên cứu và phân tích án lệ (Case-study); Đóng vai (Role-playing); Tranh luận (Discussion); Diễn án giả tưởng (Moot Court). Song, không phải tất cả các phương pháp trên đều được áp dụng cho trong một khóa sinh viên học môn hợp đồng thương mại quốc tế và giao dịch kinh doanh quốc tế. Phương pháp nào được sử dụng, cường độ mỗi phương pháp được sử dụng như thế nào là không giống nhau.
Trong các phương pháp trên, có ba phương pháp được coi là điển hình nhiều nhất trong quá trình giảng hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế:
(1) Thuyết giảng: Là phương pháp được dùng thường xuyên trong hầu hết các giờ lý thuyết;
(2) Đóng vai: Được áp dụng cho thuyết trình bài tập nhóm. Sinh viên được giao bài tập, được hướng dẫn phương pháp làm bài tập nhóm và thuyết trình từ tuần đầu tiên của môn học. Trong quá trình học, sinh viên cũng sẽ được làm quen với hình thức thuyết trình thông qua giờ seminar.
(3) Diễn án giả tưởng: Được sử dụng trong giờ ngoại khóa. Đến 2017, có ba khóa sinh viên của Khoa Pháp luật thương mại quốc tế (Khóa 36, 37, 38) được huấn luyện để tham gia cuộc thi Willem C. Vis International Commercial Arbitration Moot.
Các phương pháp còn lại được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với hai phương pháp trên.
Tuy nhiên, việc thực hành các phương pháp giảng dạy hiện đại của giảng viên vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, như:
(1) Một số giảng viên còn chưa áp dụng thành thạo các phương pháp giảng dạy hiện đại;
(2) Khi sử dụng các phương pháp giảng dạy, giảng viên còn thiếu sự chuẩn bị kỹ càng cả về chuyên môn và kỹ năng;
(3) Nguồn học liệu cho môn học còn thiếu nhiều, cả học liệu về lý thuyết và hệ thống các án lệ, tình huống giả định phục vụ cho môn học;
(4) Chưa khuyến khích được tất cả các sinh viên tham gia vào giờ học trên lớp;
(5) Quy mô lớp thảo luận khá lớn (30 - 40 sinh viên), tâm lý sinh viên chưa tích cực tham gia vào các phương pháp giảng dạy mới;
(6) Nhiều sinh viên không chịu rèn luyện kỹ càng các kỹ năng đã được trang bị như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng chuẩn bị bài thuyết trình, tác phong thuyết trình, viết bản memo,…
(7) Ít khi có phòng học trống để cho sinh viên luyện tập, làm việc nhóm và tự thực hành các kỹ năng với nhau.
4. Kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng các phương pháp giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội
Nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội, chúng tôi đề xuất thực hiện đồng thời một số giải pháp như sau:
(1) Xây dựng hệ thống giáo trình, học liệu, tài liệu tham khảo đầy đủ, đây là điều kiện không thể thiếu để áp dụng các phương pháp giảng dạy mới. Với thời lượng hạn chế cho mỗi môn học, khi đã có giáo trình, học liệu đầy đủ, giảng viên yêu cầu sinh viên đọc tài liệu, lý thuyết trước khi đến lớp, như vậy mới có nhiều thời gian trên lớp dành cho thực hành. Để làm được điều đó, cần trang bị cho giảng viên và sinh viên cơ sở dữ liệu về các án lệ, các bài viết tạp chí và các công trình khoa học về luật nói chung và luật thương mại quốc tế nói riêng tại nước ngoài. Ví dụ, các trường có thể mua quyền truy cập các cơ sở dữ liệu online như Westlaw, LexisNexis… trước hết cho giáo viên để có thêm dữ liệu phục vụ việc xây dựng bài giảng, học liệu, tình huống…
(2) Tăng cường bồi dưỡng năng lực của giảng viên: Có chương trình đào tạo, tái đào tạo chuyên sâu, cập nhật kiến thức về chuyên môn thông qua quá trình thâm nhập thực tiễn, tham gia tư vấn, tăng cường kết nối giữa giảng dạy, nghiên cứu và thực tiễn. Các trường cần có sự hỗ trợ các giảng viên nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy, ví dụ bằng cách tạo điều kiện để giảng viên tham gia hội thảo, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy; tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các trường đại học có đào tạo về luật thương mại quốc tế tại Việt Nam và trên thế giới. Tham khảo kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp giảng dạy hiện đại ở nước ngoài thông qua khảo sát thực tế, tổ chức hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm.
(3) Không bắt buộc giảng viên phải sử dụng tất cả các phương pháp giảng dạy cho một khóa học, việc lựa chọn phương pháp cần linh hoạt, nhằm khuyến khích sinh viên yêu thích, tích cực tham gia giờ học.
(4) Khi sử dụng phương pháp nào cũng cần có kế hoạch bài giảng cẩn thận, lưu ý các hạn chế cần khắc phục đối với từng phương pháp cụ thể.
(5) Giảng viên không nên cứng nhắc trong việc phân chia giờ lý thuyết và seminar. Có thể cho sinh viên seminar ngay trong giờ lý thuyết để sinh viên được củng cố kiến thức và có nhiều thời gian thực hành ngay tại lớp.
(6) Tạo ra và duy trì phong trào học tập cho sinh viên theo các phương pháp giảng dạy hiện đại ngay từ năm thứ nhất, cho đến khi sinh viên tốt nghiệp;
(7) Trong quá trình áp dụng các phương pháp nhằm giảng dạy kỹ năng cho sinh viên, các giảng viên cũng cần lưu ý thêm về hai điểm hạn chế lớn thường gặp trong đào tạo luật, đó là: Thứ nhất, chỉ tập trung vào việc dạy sinh viên cách sử dụng tư duy pháp luật; Thứ hai, không tập trung đến việc phát triển các kỹ năng xã hội cũng rất cần thiết đối với những người thực hành nghề luật như giáo dục đạo đức nghề luật, kỹ năng xã hội và văn hoá.
(8) Tạo các điều kiện phục vụ giảng dạy và học tập cho tốt, ví dụ giảng đường, các thiết bị hỗ trợ giảng dạy như máy chiếu… Đối với các lớp học tín chỉ lớn, cần chia nhỏ lớp thì mới có thể áp dụng hiệu quả các phương pháp mới. Đối với phương pháp diễn án giả tưởng (Moot Court), nếu áp dụng ở quy mô trường hay quốc gia, khu vực thì cần có sự đầu tư tài chính nhất định thì mới có thể áp dụng được.
Việc sử dụng từng phương pháp, cũng như kết hợp các phương pháp giảng dạy hợp đồng thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế cần có sự linh hoạt và điều chỉnh cho phù hợp trong từng thời kỳ, từng mục tiêu đào tạo, từng đối tượng và điều kiện cơ sở vật chất cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Quang Đăng, Sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại trong dạy học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông, Tạp chí Khoa học và Công nghệ số 98(10).
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Đề cương môn học Hợp đồng thương mại quốc tế và giao dịch kinh doanh quốc tế, Hà Nội, 2016.
3. Daniel A. Goodenough, in Education for Judgment, Teaching with Case Studies, Stanford University newsletter on teaching, Winter 1994, Vol.5, No.2.
4. Gurpreet Kaur, Study and Analysis of Lecture Model of Teaching, International Journal of Educational Planning & Administration. Volume 1, Number 1 (2011), Research India Publications.
5. Lee S. Shulman (2016), What Teachers Should Know and Be Able to Do, National Board for Professional Teaching Standards.
6. http://www.law.du.edu/
7. http://law2.umkc.edu/
6. http://conference.pixel-online.net/
9. https://www.cmu.edu/
10. https://vismoot.pace.edu/
11. http://kurser.ku.dk/
12. http://www.uu.se/
13. http://www.uib.no/
PERFECTING THE TEACHING METHODS OF INTERNATIONAL TRADE CONTRACTS AND INTERNATIONAL BUSINESS TRANSACTIONS AT HANOI LAW UNIVERSITY
MA. TAO THI HUE
Faculty of International Trade Law - Hanoi Law University
ABSTRACT:
International Trade contracts and international business transactions are subjects within the International Trade Law Degree Program at the Hanoi Law University, which are taught to third year students and for the first time for 36th academic year. Up to now, teaching methods have been gradually improved, but there are still many obstacles to overcome. The paper outlines three main areas: (1) Overview of teaching methods of international trade contracts and international business transactions, (2) Limitations in the application of these methods at the Hanoi Law University and (3) provide solutions to improve the efficiency of these methods.
This paper is implemented within the framework of the Hanoi Law University: "Improving the content and teaching method of international trade contracts and international business transactions in the International Trade Law Bachelor Degree Program at Hanoi Law University".
Keywords: International trade contracts, teaching methods, international business transactions, lectures, Role-Playing, Moot Court.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.