Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay

THS. HỒ THỊ MAI SƯƠNG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Kinh tế số đang có xu hướng phát triển ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, kinh tế số là một trong ba trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Bài báo nghiên cứu, đánh giá thực trạng kinh tế số ở Việt Nam thông qua một số tiêu chí, như: đóng góp của kinh tế số vào GDP chung của nền kinh tế; hoạt động thương mại điện tử, cho thấy kinh tế số đã có bước phát triển mới, thể hiện vai trò cốt lõi trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực vẫn còn là thách thức lớn đối với nền kinh tế số ở Việt Nam, cần phải có các giải pháp cơ bản để giải quyết khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: chuyển đổi số, công nghệ, hạ tầng số, kinh tế số, thương mại điện tử.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, kinh tế số có nhiều bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Công nghệ kỹ thuật số đã hỗ trợ cuộc sống của người dân và người tiêu dùng, giúp nâng cao năng suất của người lao động và doanh nghiệp, đồng thời giúp người dân có thể tiếp cận nhanh các dịch vụ từ Chính phủ (Dahlman& cộng sự, 2016). Trên thế giới, có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế số. Theo IMF (2018), số hóa hoạt động kinh tế là sự kết hợp dữ liệu và Internet vào các quy trình sản xuất sản phẩm, các hình thức mới của tiêu dùng hộ gia đình và chính phủ. Dahlman& cộng sự (2016) cho rằng kinh tế số là sự hợp nhất của một số công nghệ chung và các hoạt động kinh tế - xã hội thông qua Internet và các công nghệ liên quan, bao gồm cơ sở hạ tầng (đường băng thông rộng, bộ định tuyến), các thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh), các ứng dụng (Google, Salesforce) và chức năng (Internet vạn vật, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây). Nghiên cứu của Bukht and Heeks (2017) đưa ra quan điểm, kinh tế số là một phần của sản lượng kinh tế từ các công nghệ kỹ thuật số với mô hình kinh doanh dựa trên hàng hóa hoặc dịch vụ kỹ thuật số; bao gồm lĩnh vực kỹ thuật số cộng với các dịch vụ nền tảng và kỹ thuật số mới nổi. Các nghiên cứu về kinh tế số đã đưa ra các khái niệm có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên cũng có những góc nhìn khác nhau. Đây cũng là thách thức trong việc thống nhất cách đo lường hoạt động kinh tế số.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số quốc gia bao gồm 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã được thúc đẩy phát triển. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện rõ quan điểm thúc đẩy phát triển các trụ cột, trong đó có kinh tế số. Năm 2020, với nhiều chiến lược chính sách chuyển đổi số quốc gia, đánh dấu năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số. Năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022 thực hiện tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022, Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Chiến lược đã xác định nội dung của kinh tế số bao gồm kinh tế số công nghệ thông tin (ICT) (công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông), kinh tế số nền tảng (nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng) và kinh tế số ngành. Tuy nhiên, nền kinh tế số Việt Nam đang ở giai đoạn mới phát triển, trong khi điều kiện về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn lực,… chưa đồng bộ và đầy đủ. Do đó, cần có các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay.

2. Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Trong giai đoạn 2020 - 2022, chuyển đổi số ở Việt Nam đã từng bước phát triển. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống của người dân, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để phát triển kinh tế số. Nổi bật trong giai đoạn này chính là hoạt động mua bán trực tuyến trở nên phổ biến. Năm 2020, số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến là 49,3 triệu người, tăng gần 51% so với năm 2016; năm 2021 con số này đã tăng lên là 54,6 triệu người và năm 2022 khoảng 57 - 60 triệu người (Bộ Công Thương, 2022b). Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2021, tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam năm 2022 so với năm 2021 là 28% so với các nước Indonesia, Philippines và Singapore đều có tốc độ tăng 22%, Thái Lan tăng 17%, Malaysia tăng 13%.

Đóng góp của kinh tế số vào GDP năm 2022 là 14,26%, tăng 2,35% so với năm 2021, trong đó kinh tế số ICT đóng góp 50,644%; tiếp theo là kinh tế số ngành/lĩnh vực là 30,54% và kinh tế số nền tảng là 18,82%. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEDx cũng đã có sự thay đổi lớn, tăng từ 16.000 doanh nghiệp năm 2021 lên 77.000 doanh nghiệp năm 2022 (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022). (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả hoạt động của lĩnh vực công nghiệp ICT

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

Doanh thu (triệu USD)

102.973

112.566

124.678

136.150

148.000

Đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT (triệu USD)

23.890

26.115

28.925

31.587

34.336

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử (triệu USD)

78.566

87.294

95.760

121.826

136.000

Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực ICT (%)

17,50

21,88

22,52

24,65

27,00

 Nguồn: Báo cáo Ngành Thông tin và Truyền thông 2022

Bảng 1 trên cho thấy kết quả hoạt động của ngành Công nghiệp ICT đã có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2018 - 2022, doanh thu của ngành có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, năm 2022 đạt 148.000 triệu USD tăng 8,7% so với năm 2021 và 43,7% so với năm 2018.  Đóng góp vào GDP của lĩnh vực kinh tế số ICT cũng tăng cao với giá trị năm 2022 là 34.336 triệu USD, tăng so năm 2018 gần 44%. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 tăng 73% so với năm 2018 và tăng 11,6% so với năm 2021. Trong năm 2022, có sự phát triển mạnh mẽ theo hướng làm chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy đưa công nghệ “Make in Viet Nam” vào hoạt động kinh tế, xã hội. Do đó, tỷ lệ giá trị Việt Nam trên tổng doanh thu lĩnh vực ICT năm 2022 đạt 27% so với 17,5% năm 2018 và tăng lên 27% năm 2022. Tỷ lệ giá trị Việt Nam trong doanh nghiệp FDI chiếm 31,9%. Hơn nữa, số lượng các doanh nghiệp cũng như lao động trong ngành cũng có xu hướng tăng.

Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hoạt động kinh tế số là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Trong giai đoạn 2020 - 2022, dịch bệnh diễn ra phức tạp, TMĐT là kênh kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; góp phần thúc đẩy quá trình khôi phục nền kinh tế Việt Nam. Nếu trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt 15% thì năm 2021, con số này là 20% với quy mô 16 tỷ USD (Hiệp hội Thương mại điện tử, 2022). Đến năm 2022, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Việt Nam có mức tăng trưởng TMĐT trung bình 20%/năm và đã được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (Bộ Công Thương, 2022a). (Hình 1)

Hình 1 cho thấy, giai đoạn 2018 - 2022, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) ở Việt Nam có xu hướng tăng lên. Năm 2018, doanh thu B2C đạt khoảng 8,06 tỷ USD và tăng gấp 2 lần vào năm 2022 với 16,4 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng của TMĐT có xu hướng giảm trong giai đoạn dịch bệnh với mức tăng trưởng năm 2020 là 18% và năm 2021 là 16%. Tuy nhiên, năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng là 20% do dịch bệnh được đẩy lùi tạo điền kiện tăng trưởng tốt cho nền kinh tế.

Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng đều qua các năm. Năm 2018, tỷ trọng này là 4,2% tăng lên 7,2-7,8% năm 2022. Giá trị mua sắm trực tuyến tính trên đầu người cũng có xu hướng tăng lên từ 202 USD năm 2018 lên 251 USD năm 2021 và năm 2022 đạt khoảng 260 - 285 USD. Tỷ trọng doanh thu của thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng từ 4,2% năm 2018 lên 7% năm 2021 và năm 2022 là 7,2 - 7,8% (Bộ Công Thương, 2022b). Điều này có thể thấy rằng, trong giai đoạn dịch bệnh, TMĐT là một kênh thương mại quan trọng. Trong xu hướng công nghệ 4.0 và điều kiện dịch bệnh đã được đẩy lùi thì triển vọng phát triển của TMĐT là rất lớn, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam. 

3. Những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới

3.1. Những điều kiện thuận lợi

- Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm và định hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thông qua các chiến lược, chính sách và các văn bản pháp luật trong thời gian qua. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số,… đã được ban hành. Năm 2022 đã đánh dấu là năm đầu tiên thực hiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 10 tháng 10. Đồng thời, bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số đã được ban hành nhằm đánh giá hoạt động kinh tế số của Việt Nam.

- Hạ tầng số đã được quan tâm phát triển và xác định là phải đi trước một bước. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, hệ thống 5G đã triển khai thử nghiệm ở hơn 40 tỉnh/thành phố trong cả nước; hệ thống cáp quang được xây dựng tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học. Mạng truyền số liệu chuyên dụng được kết nối tới 100% cấp xã. Trong năm 2022, số người sử dụng internet là 72,1 triệu người. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet có xu hướng tăng lên từ 60% năm 2018 đến 75% năm 2022. Giao thức liên mạng thế hệ 6 (IPv6) đã được triển khai, đạt trên 50% tỷ lệ sử dụng, đứng thứ 10 thế giới. Tên miền quốc gia “.vn” 564.444 tên miền, tỷ lệ tăng trưởng 3,1%, đứng thứ 2 ASEAN, đứng thứ 11 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 43 toàn cầu.

- Hoạt động an toàn thông tin mạng ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện, đảm bảo tốt cho các hoạt động kinh tế số. Đây cũng là một điểm sáng trong năm 2022, giúp nâng cao thứ hạng quốc gia ở mức tốt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng. Năm 2022, tỷ lệ lây nhiễm mã độc giảm gần 50% so với năm 2018; và có hơn 4,33 triệu người tiêu dùng được bảo vệ trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

- Tỷ lệ giá trị Việt Nam trong các sản phẩm công nghệ số tăng dần, có khoảng 60% doanh nghiệp đang làm gia công chuyển từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm giá trị cao. Các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin có doanh thu đạt 2,2 tỷ USD ở thị trường nước ngoài và lần đầu tiên có một doanh nghiệp số ở Việt Nam có doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD. Năm 2022, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển hướng từ đầu tư gia công sản xuất sang đầu tư nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

- Các doanh nghiệp đã thay đổi và thích ứng với mô hình kinh doanh mới, quan tâm đầu tư phát triển kinh doanh trực tuyến, khai thác ở nhiều kênh khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, với độ phủ rộng của Internet ở Việt Nam, người dân đã dần quen với kênh mua hàng trực tuyến. Điều này được thể hiện thông qua tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử qua các năm. Thương mại điện tử có sự phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.

3.2. Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vấn đề phát triển kinh tế số vẫn còn một số tồn tại liên quan đến thể chế, hạ tầng số, nguồn nhân lực,…

- Thể chế, chính sách vẫn còn chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ như các quy định liên quan đến quản lý hoạt động thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, các quy định đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong môi trường số,… Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số đã được ban hành nhưng chưa hoàn thiện do chưa có phương pháp đo lường thống nhất trên thế giới và Việt Nam.

- Hạ tầng số mặc dù đã có sự phát triển, tuy nhiên vẫn đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế số. So với khu vực và thế giới, tốc độ mạng băng rộng cố định, di động ở Việt Nam đạt ở mức trung bình khá. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ ngành, địa phương với dữ liệu quốc gia chưa đầy đủ và sẵn sàng. Nguyên nhân là do hệ thống thông tin chưa đồng bộ, nên việc chia sẻ dữ liệu chưa hiệu quả; đồng thời tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước còn thấp, mới chỉ đạt 9%. Vấn đề bảo mật thông tin còn nhiều thách thức.

- Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số vẫn còn thiếu. Theo báo cáo xu hướng tuyển dụng nhân sự năm 2022 của TopCV, trong năm 2021, có 43% doanh nghiệp thiếu nhân sự, trong đó doanh nghiệp công nghệ thông tin/phần mềm thuộc nhóm có tỷ lệ thiếu nhiều nhất. Năm 2022, có khoảng 65% doanh nghiệp có kế hoạch tăng nhu cầu tuyển dụng ngành Công nghệ thông tin. Nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin cũng còn thiếu, nhân lực hiện tại chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có kinh nghiệp thực tế trong việc rà soát đánh giá xử lý các sự cố an toàn thông tin.

4. Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế số là một nội dung được quan tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của Việt Nam đặt ra về đóng góp của kinh tế số vào GDP đạt 20% vào năm 2025 và 30% năm 2030. Để đạt được các mục tiêu cũng như phát triển kinh tế số ở Việt Nam thì các giải pháp cơ bản về thể chế chính sách, hạ tầng số, nguồn nhân lực phải được thực hiện đồng bộ.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số.

- Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế liên quan đến các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số.

- Tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ đối với các mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ các sản phẩm Make in Viet Nam. Thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng TMĐT và công nghệ số.

- Thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư vốn trong hoạt đông nghiên cứu phát triển R&D trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số.

- Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí phù hợp với thực tế ở Việt Nam và cách đo lường trên thế giới nhằm thống nhất cách đánh giá kết quả hoạt động của kinh tế số, tạo thuận lợi cho sự so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyển đổi số; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm,… nhằm kết nối chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức đến các địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số.

- Nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G. Thúc đẩy nhanh tỷ lệ sử dụng giao thức internet thế hệ mới IPv6. Đảm bảo doanh nghiệp, người dân tiếp cận với internet tốc độ cao, thúc đẩy các doanh nghiệp phổ cập điện toán đám mây.

- Thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư phát triển hạ tầng số hướng tới phát triển hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kết nối thông tin, lưu trữ và xử lý dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong môi trường số.

- Thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán điện tử.

Thứ ba, thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.

- Thúc đẩy hỗ trợ các hình thức hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số; hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế ở các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chuyển đổi số.

- Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân thực hiện, triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người lao động.

- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp về an toàn thông tin. Đồng thời có các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực có chất lượng cao liên quan đến an toàn thông tin.

- Xây dựng mạng lưới, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học nhằm thúc đẩy gắn kết nghiên cứu, chia sẻ tri thức về hoạt động chuyển đổi số.

Thứ tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần chủ động tham gia vào các hoạt động kinh tế số.  

- Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và nhận thức trong đổi mới, sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh số. Nhận thức vai trò quan trọng của hoạt động chuyển đổi số hướng tới tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh.

- Doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Doanh nghiệp, người tiêu dùng cần tích cực tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chia sẻ thông tin, hoạt động đào tạo về chuyển đổi số.

5. Kết luận

Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển nền kinh tế số. Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GDP có xu hướng tăng; thương mại điện tử ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng. Các điều kiện về thể chế, hạ tầng, nhân lực là nền tảng của kinh tế số, đã có nhiều bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, đây cũng là những khó khăn, thách thức lớn được đặt ra trong việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Các giải pháp để vượt qua các khó khăn nhằm phát triển kinh tế số tập trung ở các khía cạnh, như: hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số; phát triển hạ tầng số; thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số và cần có sự chủ động của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương, (2022a). Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương.
  2. Bộ Công Thương. (2022b). Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Hà Nội: NXB Công Thương.
  3. Bộ Thông tin và Truyền thông. (2022). Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023: NXB Truyền thông và Thông tin.
  4. Bukht, R., & Heeks, R. (2017). Defining, conceptualising and measuring the digital economy. Development Informatics working paper(68).
  5. Dahlman, C., Mealy, S., & Wermelinger, M. (2016). Harnessing the digital economy for developing countries.
  6. Hiệp hội Thương mại điện tử. (2022). Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022.
  7. (2018) Measuring the Digital Economy. In. Policy Papers.

The current situation and solutions for the development of digital economy in Vietnam

Master. Ho Thi Mai Suong

Thuongmai University

Abstract:

Digital economy is emerging in developing countries  including Vietnam. In Vietnam, the  digital economy is one of the three pillars of national digital transformation and it plays an important role in the country’s economic development. This study explores and evaluates the current development of digital economy in Vietnam through a number of criteria, such as: the contribution of the digital economy to the national GDP and the e-commerce activities. This study is to point out that the digital economy in Vietnam has gained achievements and has played a core role in the country’s economic growth. However, issues related to institutions, policies, infrastructure, and human resources are still hindering the development of digital economy in Vietnam. It is necessary for Vietnam to have feasible solutions to facilitate the growth of digital economy in the coming time.

Keywords: digital transformation, technology, digital infrastructure, digital economy, e-commerce.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]