Thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021

Kết thúc năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỉ USD, thấp hơn con số 14-15 tỉ USD so với dự báo trước đó. Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng cao của khu vực trong dịch Covid-19.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 có lẽ là cú huých đáng kể với thương mại điện tử, khiến nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay mua hàng trực tuyến. Tuy vậy, sức mua thị trường vẫn bị tác động khá nặng nề bởi dịch bệnh.

Số lượng giao dịch tăng mạnh so cùng kỳ nhưng tăng trưởng về doanh thu của thị trường lại giảm do các mặt hàng giao dịch thương mại điện tử giai đoạn Covid-19 có giá trị thấp. Ảnh hưởng của dịch cũng khiến hoạt động đặt phòng, mua vé máy bay online... sụt giảm mạnh.

Hiện nay, lượng khách hàng truy cập các sàn trung bình khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày, tăng hơn 150% so với kỳ trước. Các phân tích của GlobalData’s E-Commerce Analytics cho thấy với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 18% hiện nay, dự kiến vào năm 2024 quy mô thị trường có thể đạt 26,1 tỉ USD.

thương mại điện tử
Năm 2021, sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đồng thời, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở các địa phương với tỷ lệ tăng trưởng từ 20-22%

Phân tích về thị trường thương mại điện tử trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mấu chốt, tiền đề quan trọng của nền kinh tế số mà Việt Nam đang phát triển.

Thứ trưởng nhắc lại, trong bối cảnh đại dịch, năm 2020 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử ở mức hai con số.

Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

“Chưa bao giờ sự phát triển của kinh tế số cũng như thương mại điện tử nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ như thời điểm hiện nay, thể hiện ở các chính sách đã ban hành”, Thứ trưởng nhận định.

Năm 2021, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các nội dung do Bộ Công Thương phụ trách.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở các địa phương với tỷ lệ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng là 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử là 55%; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy dịch vụ hậu cần thông minh trong thương mại điện tử…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; tăng cường tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử về tình hình giải quyết, xử lý thủ tục hành chính có liên quan giữa Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thương mại điện tử. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh tích hợp dịch vụ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Đáng lưu ý, năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, các cán bộ thực thi thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử; các doanh nghiệp, đặc biệt các chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại cũng như thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Dự kiến năm 2021, Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực, Bộ sẽ chủ trì thực thi và đẩy mạnh tuyên truyền về Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử cũng như các cam kết về thương mại điện tử tại các Hiệp định song phương và khu vực mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn. Đối với hợp tác APEC, thương mại điện tử, thương mại số, kinh tế số tiếp tục là một trong những ưu tiên của APEC 2021.

Hạ An