Tiềm năng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam

PGS.TS. HOÀNG XUÂN LÂM (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chuyển đổi số là một yếu tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp dần dần quay trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid. Kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Bài viết này trình bày tiềm năng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế số và chuyển đổi số trong bối cảnh mới.

Từ khóa: kinh tế số, chuyển đổi số, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, đang tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu hướng phát triển mới trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP, đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Mặc dù cơ hội và tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra, trong thời gian tới cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia về phát triển nguồn nhân lực số, chuyển đổi số doanh nghiệp và phát triển thị trường số nội địa. Kinh tế số đang phát triển nhanh và trở thành xu hướng, tiềm năng phát triển mới trên phạm vi toàn cầu.

Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), kinh tế số hiện đang chiếm 15% GDP toàn cầu, tỷ lệ này của Mỹ là 21%, Trung Quốc là 30%. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh và có nhiều triển vọng. Tổng hợp từ các báo cáo trong và ngoài nước của Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP. Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, với 14 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về kinh tế số và là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%, so với Indonesia là 11%, và Thái Lan ở mức 7%. Báo cáo dự báo đến năm 2025, kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất Việt Nam trong những thập niên tới để đưa nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045. Văn kiện Đại hội XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP (hiện nay tỷ lệ này khoảng 10%), đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Để đạt mục tiêu này, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Chính vì vậy, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những quan điểm lớn của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới. 

2. Tổng quan về kinh tế số và chuyển đổi số

Việt Nam đã trải qua 4 thập kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Trong một Việt Nam mới, khoa học, công nghệ và đổi mới đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chuyển đổi số được thực hiện ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ công nghệ chế biến chế tạo tới nông nghiệp, thương mại, thanh toán, vận tải, tài chính và giáo dục. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ 38% một năm. Theo đó, khu vực số được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% GDP vào năm 2030. Kinh tế số Việt Nam năm 2019 đạt giá trị 12 tỷ USD, đóng góp 5% GDP của đất nước, cao gấp 4 lần năm 2015, theo báo cáo “e-Conomy SEA 2019”7.

Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đang được số hóa nhanh chóng, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và fin-tech. Đây là những ngành tiềm năng cho nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới. Kết quả từ các nghiên cứu điển hình trong báo cáo có tên “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới đến năm 2030 và 2045” cho thấy mức độ sẵn sàng trung bình cho chuyển đổi số. Mặc dù các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ số trong sản xuất, nhưng họ gặp khó khăn khi áp dụng công nghệ mới do các vấn đề tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, với bối cảnh và vị thế của Việt Nam trong năm 2019, nền kinh tế số của Việt Nam vẫn có tiềm năng cao - cả trong các ngành truyền thống và các ngành mới nổi. Kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy rằng, khi các ngành công nghiệp chuyển đổi, người tiêu dùng Việt Nam đang thích ứng nhanh chóng và chấp nhận các sản phẩm và dịch vụ mới của nền kinh tế số. Điều này có lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển nền kinh tế số của Việt Nam.

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Theo Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...). Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet. Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần: Kinh tế số ICT(1) viễn thông (Kinh tế số ICT); Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet); và Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành), trong đó: Kinh tế số ICT/viễn thông là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, gồm các hoạt động như: sản xuất phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ viễn thông; Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số internet) gồm các hoạt động kinh tế dựa trên mạng internet như: kinh doanh bằng nền tảng số (như Uber, Grab, Airbnb…), kinh doanh dựa trên dữ liệu số, kinh doanh các dịch vụ số trực tuyến, và các hình thức kinh doanh dựa trên mạng Internet khác; Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành) là các hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, tăng thêm, gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh… Tóm lại, kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng ICT, tức là viễn thông và công nghệ thông tin, để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế.

3. Tiềm năng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam

Năm 2021, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ XX: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á”, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là trung tâm đổi mới hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới với hoạt động thương mại, đầu tư tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục với 1,37 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục…

Hiện nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ “lõi”, phát triển khoảng 40 nền tảng “Make in Viet Nam”. Những kế hoạch, chiến lược truyền thông, xúc tiến thương mại trên không gian số đã hỗ trợ việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của người dân, địa phương, doanh nghiệp; thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường; củng cố mối quan hệ hợp tác với những đối tác trên toàn thế giới, giảm thiểu chi phí xúc tiến thương mại. Năm 2020, Bộ Công Thương và chính quyền các cấp đã tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế đa quốc gia, trên 1 triệu phiên giao dịch với những đối tác quốc tế bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Việc áp dụng khoa học - công nghệ vào quản lý giảng dạy và học tập đã giúp lĩnh vực giáo dục - đào tạo có nhiều khởi sắc, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt là quy mô giáo dục được mở rộng đến những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa. Một trong những kết quả đáng tự hào và cần được ghi nhận chính là tỷ lệ học sinh trung học phổ thông được học trực tuyến chiếm 79,7%, cao hơn 67,5% so với mức trung bình chung của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Giảng dạy và trao đổi bằng hình thức trực tuyến đã nâng cao sự tương tác giữa người dạy và người học, trở thành hoạt động cần thiết, mang lại nhiều sự thuận tiện, như giảm thời gian đi lại, tra cứu tài liệu, tăng khả năng tự học, tự đọc... Cũng qua việc áp dụng công nghệ số vào giảng dạy, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dạy và người học đều được nâng cao - đây là tín hiệu tốt, bảo đảm nguồn nhân lực tương lai sẽ nắm được công nghệ hiện đại, từ nền tảng này, nền kinh tế số quốc gia sẽ càng được phát triển và hội nhập nhanh hơn với thế giới.

Tăng trưởng kinh tế cao trong những thập kỷ gần đây đã và đang tạo ra môi trường tốt hơn cho chuyển đổi số. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh nhất Đông Nam Á, hứa hẹn tiềm năng lớn cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm. Việt Nam cũng có lợi thế lớn về nguồn nhân lực công nghệ. Có nhiều trường đào tạo ngành CNTT, đây là nguồn cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành công nghệ và khoa học dữ liệu.

Nền tảng cho số hóa ở Việt Nam gần đây đã được phát triển đáng kể. Dịch vụ Internet tốc độ cao, thiết bị thông minh và điện thoại di động ở Việt Nam đang trở nên phổ biến. Tại thời điểm tháng 1 năm 2020, có khoảng 68,17 triệu người sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam. Một kết quả thống kê đáng mừng là tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam trên tổng dân số Việt Nam đang ở mức 70% tính đến tháng 1 năm 2020. Trong tổng dân số Việt Nam, có 65 triệu người đang sử dụng mạng xã hội để giải trí, liên lạc với bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, tìm kiếm các mẹo trong cuộc sống hoặc thậm chí bán hàng, hoặc quảng cáo online. Việt Nam là một trong những nước có số lượng tên miền đăng ký cao nhất trong khu vực ASEAN. Theo Báo cáo của VNNIC, tính đến ngày 31/10/2019, số lượng tên miền tại Việt Nam đạt trên 500.000 tên miền. Tên miền “.vn” là tên miền quốc gia có số lượng người đăng ký sử dụng lớn nhất ASEAN và top 10 Châu Á - Thái Bình Dương. Có 145,8 triệu kết nối di động tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020. Số lượng kết nối di động tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020 tương đương 150% tổng dân số.

Một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số phải kể đến công nghệ điện toán đám mây (cloud computing). Chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây giúp xây dựng hệ sinh thái để các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam làm chủ công nghệ, cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây tiêu chuẩn để hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số và phục hồi tốt hơn trong thời kỳ Covid-19. Mạng di động 5G dự kiến sẽ được triển khai đầu tiên tại 4 thành phố, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. MobiFone đã sẵn sàng để có thể triển khai mạng di động 5G và các ứng dụng cho khách hàng của mình. MobiFone cũng đã lắp đặt các trạm phát sóng 5G đầu tiên tại 4 thành phố nói trên. Viettel (công ty 100% vốn nhà nước) đã đồng hành cùng Ericsson đến từ Thụy Điển trong việc triển khai thử nghiệm mạng di động 5G. Tới tháng 1/2020, Viettel đã công bố thử nghiệm thành công cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dữ liệu 5G trên thiết bị thu phát sóng do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, đánh dấu một bước quan trọng thương mại hóa mạng 5G của nhà mạng viễn thông Việt Nam. Internet vạn vật (IoT) giúp nông dân Việt trồng trọt tiết kiệm nước hơn. Giải pháp IoT đã giúp nông dân thực hiện làm ướt và làm khô luân phiên - một hệ thống tưới tiêu mà ruộng lúa được tưới và làm khô luân phiên. Có 80 nông hộ nhỏ và một doanh nghiệp trang trại đã sử dụng công nghệ IoT tại 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (Cần Thơ, Trà Vinh và An Giang) theo dự án do Quỹ Đối tác Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số là những yếu tố góp phần quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chiến lược kinh tế dẫn đến thành công và tăng trưởng GDP cao của Việt Nam trong 4 thập kỷ qua sẽ không tiếp tục mang lại sự tăng trưởng và thịnh vượng như cũ trong tương lai. Để chuyển từ trạng thái thu nhập trung bình sang thu nhập cao, Việt Nam cần phải vượt ra khỏi vị trí là một thị trường lao động chi phí thấp phụ thuộc nhiều vào FDI để tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam cần chuyển sang nâng cao năng lực sử dụng công nghệ để tăng năng suất trong tất cả các ngành công nghiệp. Con đường phía trước là thông qua cải thiện năng suất lao động và các ngành công nghiệp dựa trên tri thức thông qua áp dụng công nghệ, số hóa, cải cách hệ thống, phát triển kỹ năng và giáo dục.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số ở Việt Nam

Quá trình chuyển đổi số, kinh tế số là một chặng đường dài đầy thách thức, không chỉ đòi hỏi lớn về nhân lực chất lượng cao, mà đòi hỏi cả một nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện.

Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ số, trong đó việc chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G là cấp thiết nhằm đảm bảo được nhu cầu trao đổi thông tin, đảm bảo an toàn, an ninh. Tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng thành tựu kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược quy hoạch, kế hoạch trong các lĩnh vực, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, đối với các vùng kinh tế trọng điểm, Nhà nước sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số để góp phần phát triển các ngành công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn.

Về cải cách hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Bên cạnh các chương trình học chính quy chuẩn, cần đưa thêm các học phần về kỹ thuật CNTT gắn với xu thế công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, internet kết nối vạn vật. Ngoài ra, cần có sự kết nối giữa cơ sở giáo dục và DN. Người học được trang bị kiến thức tại cơ sở giáo dục và DN sẽ là nơi trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần có các giải pháp như đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ để vận hành và làm chủ công nghệ.

Thay đổi nhận thức của các DN về chuyển đổi số. Muốn vậy, Chính phủ cần phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam giúp người dân DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Cụ thể: Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch...; phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Giải pháp giám sát mạng, để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ điện tử, chẳng hạn như sử dụng các công nghiệp tự động hóa tiên tiến, kỹ thuật cao để phân tích dữ liệu; gia tăng sự bảo mật thông tin, dữ liệu của các cá nhân, DN, tổ chức trên các nền tảng IoT và đẩy mạnh việc thiết lập hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phùng Thị Hiền. (2022), Thực trạng và giải pháp phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-nen-kinh-te-so-tai-viet-nam.html
  2. Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  3. Thủy Diệu (2022), Ba kịch bản giúp kinh tế số đột phá vào năm 2025; Truy cập tại: https://vneconomy.vn/ba-kich-ban-giup-kinh-te-so-dot-pha-vao-nam-2025.htm.
  4. Đàm Thị Hiền (2021), Phát triển kinh tế số ở Việt Nam Thách thức và gợi ý giải pháp, Tạp chí Tài chính, truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-thach-thuc-va-goi-y-giai-phap.html.
  5. Minh Nhung (2021), Hiện trạng và giải pháp phát triển kinh tế số, Báo Đầu tư. Truy cập tại: https://baodautu.vn/hien-trang-va-giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-d154764.html.
  6. Nguyễn Thế Bình (2022), Phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính tiền tệ; Truy cập tại https://thitruongtaichinhtiente.vn/phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam-42230.html
  7. Quách Hồng Trang (2021), Tình hình phát triển kinh tế số tại Việt Nam; Truy cập tại https://aita.gov.vn/tinh-hinh-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam>
  8. Phan Văn Rân, Ngô Chí Nguyện (2019), Để phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 10/2019. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/815214/de-phat-trien-kinh-te-so-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx
  9. Tô Trung Thành (2021), Năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Potential for digital economy development and digital transformation in Vietnam

Assoc.Prof. Ph.D Hoang Xuan Lam

Hanoi University of Business and Technology

Abstract:

Digital transformation is an indispensable factor that help businesses gradually adapt to the new normal after the COVID-19 pandemic. The digital economy is the worldwide network of economic activities, commercial transactions and professional interactions that are enabled by information technology and data. With a population of nearly 100 million people, Vietnam is considered one of ASEAN countries with good digital economic development. This paper presents the potential for digital economy development and digital transformation in Vietnam, thereby proposing solutions to improve the efficiency of digital economy and digital transformation in Vietnam  the new context.

Keywords: digital economy, digital transformation, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2023]