Vải thiều Thanh Hà lần đầu lên sàn điện tử: Liên kết "kim cương" trên nền tảng "vàng"

Ngày 18/5 đã trở thành dấu mốc đặc biệt đối với tỉnh Hải Dương khi Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử chính thức được khởi động, với nhiều thoả thuận hợp tác được ký kết giữa cơ quan nhà nước - doanh nghiệp thương mại điện tử - các doanh nghiệp, nhà sản xuất vải thiều và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương.
Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều Thanh Hà bên lề Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021
Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều Thanh Hà bên lề Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021

Hải Dương đang đi đúng hướng

Phát biểu tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 sáng 18/5, ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Với trên 60% diện tích đất nông nghiệp và trên 70% dân số sống ở nông thôn, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng và sản lượng cao. Sản xuất nông nghiệp Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. 

Đặc biệt, với sản phẩm vải thiều, những năm qua Hải Dương không chỉ thành công thúc đẩy tiêu thụ ổn định tại thị trường trong nước, mà còn “khơi thông” dòng chảy xuất khẩu đến loạt thị trường cao cấp như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore. Mùa vụ 2020, tổng lượng quả vải xuất khẩu của Hải Dương đạt khoảng gần 25.000 tấn, chiếm hơn 25% tổng lượng xuất khẩu vải mùa vụ 2020 của cả nước.

Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương
Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, với 450 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. 

Trong đó, huyện Thanh Hà có hơn 3.300ha vải thiều, với 35 vùng vải được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Vải thiều Thanh Hà cũng là sản phẩm duy nhất của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2007, lọt top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng. 

Những kết quả này có được phải kể đến sự năng động, tích cực của tỉnh Hải Dương trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm thị trường thời gian qua nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung và quả vải nói riêng.

Tư lệnh ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp trực tiếp trải nghiệm thu hái tại vườn vải thiều thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
Tư lệnh ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp trực tiếp trải nghiệm thu hái tại vườn vải thiều thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. 

Hải Dương đã tìm cho mình một hướng đi mới để dòng chảy tiêu thụ nông sản không ngưng trệ. Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 chính là sự kiện quan trọng hướng đến mục tiêu này.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hải Dương và kết nối trực tuyến với 5 địa phương khác trong nước (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh) và nhiều điểm cầu liên kết tại Việt Nam; cùng 31 điểm cầu chính và các điểm cầu liên kết tại 12 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc).

Toàn cảnh Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021
Toàn cảnh Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021

Đáng chú ý, các điểm cầu không chỉ có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, doanh nghiệp sản xuất, phân phối trong và ngoài nước, mà còn có các Đại sứ quán Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam, các tham tán Việt Nam và một số cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, một số tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, các nhà nhập khẩu cũng như đối tác lớn của nước ngoài. 

“Việc chúng ta tổ chức Hội nghị ở đây với rất nhiều điểm cầu khắp thế giới, một lần nữa cho thấy không gì là không thể, nếu chúng ta nghĩ khác đi, hành động khác đi. Và lãnh đạo tỉnh Hải Dương chính là những người tiên phong nghĩ khác, hành động khác đi như vậy”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ xúc động tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Liên kết “kim cương” trên nền tảng “vàng”

Theo ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, thành công của tỉnh có vai trò rất quan trọng từ các doanh nghiệp thương lái, sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các cơ quan truyền thông đã giới thiệu sản phẩm của Hải Dương đến người tiêu dùng trong cả nước.

Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của tỉnh triển khai nhiều hoạt động, tiêu biểu như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản và quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc… 

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, tại Hội nghị ngày 18/5, Lễ khởi động chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ đã diễn ra, đánh dấu mốc son mới cho sản phẩm tiềm năng của Xứ Đông khai thác cơ hội từ nền tảng “vàng” là thương mại điện tử.

Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư tỉnh ủy Hải Dương
Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư tỉnh ủy Hải Dương

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021.

“Tôi rất vui mừng được biết năm nay tỉnh Hải Dương tiếp tục chào đón một vụ mùa vải thiều và nhiều nông sản khác với chất lượng cao nhờ chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, điều chỉnh thời vụ, xuất khẩu dạng tươi đến các thị trường nước ngoài. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Hải Dương. Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng tỉnh Hải Dương trong việc tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản nói chung.”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Sự thúc đẩy tích cực của Bộ Công Thương và chủ động kết nối của Hải Dương đã trở thành động lực cho hàng loạt doanh nghiệp vào cuộc nâng tầm thương hiệu vải thiều Thanh Hà. 

Theo bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, năm ngoái doanh nghiệp này bắt đầu xuất khẩu vải thiều Thanh Hà vào thị trường Nhật Bản và đã được người tiêu dùng ở nước này đánh giá cao, tiêu thụ tốt. Năm nay doanh nghiệp này dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản. 

Các đại biểu bấm nút khởi động Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia
Các đại biểu bấm nút khởi động Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia

Trong khi đó, đại diện một trong những Tập đoàn sở hữu hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam hiện nay là Central Retail cho hay đã lên kế hoạch tổ chức tuần hàng trái cây quy mô tại hệ thống siêu thị GO!, Big C và Tops của mình để kích cầu tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ngay khi sản phẩm này “cập bến”. Tất nhiên, các siêu thị vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán hàng online, vận chuyển tận nhà để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

“Mặt khác, chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với đội ngũ thu mua tại Thái Lan để xuất khẩu vải thiều đến thị trường này thông qua hệ thống bán lẻ của Central Retail, nhằm mang sản phẩm này đến với người tiêu dùng Thái Lan”, ông Paul Le - Giám đốc Kiến tạo giá trị chia sẻ Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam thông tin thêm.

Ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn TMĐT giữa đại diện các sàn thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với cơ quan quản lý nhà nước
Ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn TMĐT giữa đại diện các sàn thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với cơ quan quản lý nhà nước
Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các sàn thương mại điện tử với đại diện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất vải thiều và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương
Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các sàn thương mại điện tử với đại diện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất vải thiều và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương

Hợp tác ba bên Bộ - doanh nghiệp - địa phương sẽ là liên kết “kim cương” bền vững chấp cánh cho quả vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung, đặc biệt với những cơ hội mở ra từ nền tảng trực tuyến mới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ mạnh mẽ các sản phẩm này tại nội địa cũng như mở rộng xuất khẩu tới nhiều thị trường hơn trong thời gian tới.

Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 là sự kiện đánh dấu nhiều “lần đầu” trong hoạt động xúc tiến thương mại:

- Lần đầu tiên Hội nghị có sự tham dự lớn nhất tham tán Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm;

- Lần đầu tiên số lượng lớn nhất các nhà nhập khẩu cũng như đối tác nước ngoài tham dự; 

- Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, phối hợp với các sàn thương mại điện tử, đưa vải thiều và nông sản của tỉnh Hải Dương lên sàn, ứng dụng thí điểm truy suất nguồn gốc sản phẩm theo chương trình của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Thy Thảo