Xuất khẩu nông sản sang thị trường EU: thực trạng và giải pháp chính sách

NGUYỄN THỊ THU HIỀN (CN. Dương Thị Thu Hương - Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan khi xuất khẩu nông sản (XKNS) sang EU thể hiện ở sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu (XK), chủng loại hàng hóa và thị trường. Tuy nhiên, hàng nông sản của Việt Nam XK sang EU vẫn chủ yếu dưới dạng nông sản thô, giá trị gia tăng thấp và chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nhu cầu nhập khẩu (NK) của EU. Để đẩy mạnh XK hàng nông sản sang EU trong bối cảnh khai thác lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách để tạo môi trường thuận lợi đối với sản xuất và kinh doanh nông sản XK. Bài viết nghiên cứu khái quát tình hình XKNS của Việt Nam sang thị trường EU và đề xuất các nhóm chính sách nhằm thúc đẩy XKNS sang EU.

Từ khóa: xuất khẩu nông sản, chính sách xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu, hàng nông sản, thị trường EU.

1. Đặt vấn đề

Với 27 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, Liên minh châu Âu (EU) có nhu cầu nhập khẩu (NK) số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bảng xếp hạng của EU về những đối tác thương mại nông sản, Việt Nam xếp thứ 12 với khả năng cung ứng 2,2% nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường EU (Báo Hà Nội mới, ra ngày 8/7/2019). Về phía Việt Nam, thị trường EU là thị trường XK lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản. Khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020, XKNS của Việt Nam sang EU đã có sự gia tăng rõ rệt. Tuy nhiên, với 2,2% thị phần cho thấy giá trị và kim ngạch XK hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng XK của Việt Nam, cũng như nhu cầu NK của EU.

Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho XK hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng nông sản nói riêng. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để Việt Nam có thể gia tăng XKNS vào thị trường EU tương xứng với tiềm năng thương mại giữa 2 bên trong bối cảnh thực thi EVFTA hiện nay? Bài viết sẽ tập trung làm rõ những nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn trong XKNS của Việt Nam sang EU, từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách để thúc đẩy XKNS sang thị trường này.

2. Cơ sở lý luận về xuất khẩu và chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản

2.1. Xuất khẩu nông sản và các yếu tố ảnh hưởng đến XKNS

Theo Luật Thương mại của Việt Nam năm 2019, XK hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Như vậy, XK là một phạm trù kinh tế phản ánh hoạt động trao đổi, bán hàng hóa của một quốc gia với phần còn lại của thế giới. Xuất khẩu nông sản là XK hàng hóa, trong đó một quốc gia bán nông sản cho các quốc gia khác để thu lợi nhuận, trên cơ sở dùng tiền làm phương tiện thanh toán. 

Xuất khẩu nông sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố tác động đến cung, các yếu tố tác động đến cầu và các yếu tố hấp dẫn, cản trở (Đỗ Thị Hòa Nhã, 2019).

Các yếu tố tác động đến cung thể hiện năng lực cung ứng hàng nông sản XK của quốc gia bao gồm: (1) Các nguồn lực sản xuất của ngành Nông nghiệp (điều kiện tự nhiên, lao động, đất đai, vốn đầu tư vào nông nghiệp, công nghệ sản xuất); (2) Số lượng người bán (là số lượng các doanh nghiệp (DN) tham gia vào XKNS).  

Các yếu tố tác động đến cầu là những yếu tố của nước NK, bao gồm: (1) Quy mô kinh tế, quy mô thị trường và thu nhập của người tiêu dùng tại nước NK; (2) Thị hiếu của người tiêu dùng của nước NK; (3) Chất lượng và thương hiệu của nông sản XK; (4) Các hoạt động xúc tiến thương mại; và (5) sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Các yếu tố hấp dẫn, cản trở bao gồm: (1) Các chính sách khuyến khích, quản lý hoạt động XK (gồm chính sách hỗ trợ sản uất nông nghiệp và chính sách hỗ trợ XK); (2) Các chính sách quản lý hoạt động NK của nước NK (quy định hành chính, các quy định về TBT, SPS…); (3) Chi phí vận chuyển hàng hóa; (4) Chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh; và (5) Các yếu tố khác (quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, cơ sở hạ tầng, khoảng cách địa lý…).

2.2. Chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Chính sách được hiểu là “tổng thể các hành động, các quan điểm với công cụ, phương tiện, biện pháp mà chủ thể ban hành chính sách sử dụng để theo đuổi các mục tiêu đã định trong một khoảng thời gian xác định” (Trịnh Thị Ái Hoa, 2007). Trên góc độ vĩ mô chủ thể đưa ra chính sách là Chính phủ, chính sách xác định những chỉ dẫn chung cho quá trình ra quyết định, đưa ra phạm vi hay giới hạn cho phép của các quyết định là có thể và không thể. Theo đó, chính sách hướng suy nghĩ và hành động của mọi thành viên trong tổ chức nào đó vào việc thực hiện các mục tiêu chung của tổ chức, quốc gia.  

Chính sách thúc đẩy xuất khẩu là một hệ thống các quan điểm, đường lối, thể chế hóa của Nhà nước, các quy định hướng dẫn, khuyến khích và tăng cường mặt hàng và thị trường xuất khẩu cho phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế hiện hành.

Chính sách thúc đẩy XKNS là một bộ phận của chính sách thúc đẩy XK, nó khác biệt duy nhất ở đối tượng chính sách. Đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các chính sách trong lĩnh vực XKNS được nhóm thành một chính sách riêng và được gọi là chính sách thúc đẩy XKNS. Theo đó, “chính sách thúc đẩy XKNS là tổng thể các quan điểm, các chủ trương, các quy hoạch, nguyên tắc, công cụ, biện pháp mà các cơ quan nhà nước lựa chọn để tác động vào lĩnh vực XKNS làm cho việc XKNS diễn ra theo hướng tích cực trong một thời kì nhất định nhằm đạt được những mục tiêu đã định” (Trịnh Thị Ái Hoa, 2007).

Chính sách thúc đẩy XKNS có thể được phân nhóm theo các khâu trong chuỗi sản xuất và phân phối hàng nông sản XK, gồm:

Một là, chính sách tác động ở khâu sản xuất nông sản XK, gồm: chính sách trợ giá sản phẩm nông sản XK, chính sách tín dụng có mục tiêu đối với các yếu tố đầu vào của sản xuất nông sản XK, chính sách trợ cấp vốn đầu tư vào máy móc, hệ thống thủy lợi, chính sách đất đai, khuyến nông…

Hai là, chính sách tác động ở khâu tiêu thụ tại thị trường nội địa, gồm: chính sách định giá sàn thu mua nông sản XK, chính sách thuế sản phẩm nông sản XK, chính sách trợ cấp cho ngành công nghiệp có liên quan tới sản xuất nông sản XK, chính sách đầu tư vào nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông sản, chính sách đầu tư xây dựng sản xuất và chế biến nông sản XK.

Ba là, chính sách tác động ở khâu tiêu thụ tại biên giới quốc gia, gồm: chính sách thuế quan, hạn ngạch NK đối với vật tư phục vụ sản xuất nông sản XK, trợ cấp XK, thuế XK khác, các hàng rào phi thuế quan, chính sách tỷ giá…

Chính sách là công cụ quan trọng góp phần định hướng hành vi của các chủ thể kinh tế, xã hội. Chính sách thúc đẩy XK đề ra những giới hạn cho phép của các quyết định làm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra cho các tổ chức, cá nhân tham gia XK. Bên cạnh đó, chính sách nhằm điều tiết các cân đối cung cầu, khắc phục tình trạng mất cân đối trong việc sử dụng các nguồn lực, điều tiết những hành vi không phù hợp trong XK hàng hóa. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy XK còn điều tiết việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực trong nước để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường. Và cuối cùng, chính sách thực hiện chức năng tạo tiền đề và khuyến khích phát triển (Trịnh Thị Ái Hoa, 2007).

3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Nguồn dữ liệu: Tác giả thực hiện khảo cứu các tài liệu có liên quan đến nội dung đề tài. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn: các dữ liệu phản ánh thực trạng sản xuất và XKNS của Việt Nam sang EU được lấy từ Tổng cục Thống kê; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan. Các số liệu xuất NK được lấy từ nguồn dữ liệu xuất NK UNComtrade. Các dữ liệu khác liên quan đến nội dung nghiên cứu của bài viết như chính sách phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông nghiệp,… được thu thập từ các trang web của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cổng thông tin điện tử của Chính phủ, các nguồn khác như Hiệp hội Chè, Cà phê, Rau quả, các đề tài khoa học, bài báo khoa học.

Phương pháp nghiên cứu: Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để giải quyết các vấn đề nghiên cứu. Trước hết bằng phương pháp tổng quan tài liệu, tác giả tổng hợp khung lý luận về XK và chính sách thúc đẩy XK. Tiếp đến, bằng phương pháp tổng hợp, so sánh và phân tích và diễn giải, tác giả khái quát thực trạng XKNS của Việt Nam sang EU, làm rõ những tồn tại trong XKNS vào thị trường này. Đồng thời, tóm lược những nội dung chính của các chính sách thúc đẩy XKNS của Việt Nam. Cuối cùng, thông qua tổng quan tài liệu và suy luận, tác giả phân tích những yêu cầu đặt ra và đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy XKNS vào EU.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Khái quát tình hình XKNS của Việt Nam sang thị trường EU

a) Về kim ngạch và giá trị XKNS sang EU

EU là thị trường lớn thứ 3 với tỷ trọng XK dao động từ 11% - 19% tổng kim ngạch XKNS của Việt Nam và giá trị XK khoảng trên 3 tỷ USD/năm. Việt Nam đã XKNS tới hầu hết thành viên của EU, trong đó thị trường XK tập trung chủ yếu vào một số nước gồm Đức, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Balan. Hàng nông sản của Việt Nam chiếm 2,2% thị trường NK nông sản của EU. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt 2,91 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2019. Những sản phẩm XK chính sang EU bao gồm: cà phê, trái cây, hạt tiêu, hạt điều. Tỷ trọng XK của nhóm này chiếm hơn 80% kim ngạch XKNS của Việt Nam sang EU. (Bảng 1)

b) Tình hình XK một số hàng nông sản chính sang EU như sau:

Cà phê: Là nhóm hàng nông sản có kim ngạch XK sang EU lớn nhất của Việt Nam, chiếm 8,5% tổng KNNK của EU và gần 40% lượng cà phê XK của Việt Nam. Giá trị XK cà phê XK sang EU dao động từ 1,0 - 1,5 tỉ USD/năm giai đoạn 2016 - 2020. Cà phê XK sang EU chủ yếu là cà phê nguyên liệu, chiếm hơn 90% tổng giá trị XK.

Bảng 1. Kim ngạch NK một số hàng nông sản của EU từ Việt Nam

(2016 - 2020)

Đơn vị: triệu USD

Mã HS

Mặt hàng

2016

2017

2018

2019

2020

07

Rau củ

14,3

15,0

12,9

15,2

  14,9

08

Trái cây

 769,6

977,9

954,7

 896,1

861,3

080132

Điều nhân

 721,3

920,1

887,3

823,5

789,0

0901

Cà phê

1.375,0

 1.528,7

1.485,1

1.249,4

1.094,5

0902

Chè

  6,2

6,9

6,6

5,0

3,0

0904

Hạt tiêu

241,6

178,2

119,7

112,6

97,8

1006

Gạo

18,0

11,4

15,6

31,9

43,4

Nguồn: UN Comtrade (2020) https://comtrade.un.org/data

Hạt tiêu: Kim ngạch NK của EU từ Việt Nam khoảng 40 nghìn tấn mỗi năm, chiếm 23% tổng lượng XK của Việt Nam và đáp ứng 53% nhu cầu của EU. Việt Nam XK chủ yếu là tiêu hạt (chiếm 90% tổng lượng XK) và chỉ 10% tiêu đã qua chế biến. Tuy nhiên, giá trị XK hạt tiêu có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020, từ mức 241,6 triệu USD năm 2016 còn 97,8 triệu USD vào năm 2020. Sự sụt giảm này chủ yếu là do giá giảm, mặc dù lượng XK tăng.

Hạt điều: EU hiện nay là thị trường lớn thứ 2 của hạt điều Việt Nam, chiếm trên 23% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Kim ngạch XK hạt điều khá ổn định trong khoảng từ 700 - 900 triệu USD/năm. Năm 2020, KNXK đạt 112 tấn, tương đương 789 triệu USD, tăng 5,76% về lượng nhưng giảm 4,19% về giá trị so với năm 2019. Các quốc gia NK chính của VN là Hà Lan, Đức, Pháp.

Rau quả: EU là thị trường XK lớn thứ tư của Việt Nam nhưng rau quả của Việt Nam cũng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) so với nhu cầu NK rau quả của EU. Rau quả Việt Nam chủ yếu XK sang EU ở dạng tươi và sơ chế. Trái cây là nhóm sản phẩm có kim ngạch cao XK nhất. Các mặt hàng chủ lực gồm: dứa, thanh long, cơ dừa, chôm chôm và xoài. Năm 2020, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU đạt 876,2 triệu USD, giảm 3,8% so với 2019.

Gạo: Gạo của Việt Nam đã thâm nhập được vào toàn bộ thị trường EU. Tuy nhiên, XK gạo sang EU chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,7%) trong tổng kim ngạch XKNS của Việt Nam sang EU. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang EU 66 nghìn tấn gạo, kim ngạch đạt 43,4 triệu Euro; trong khi EU NK tổng cộng khoảng 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,4 tỷ Euro. So với các nước ASEAN, XK gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan, bằng 1/10 Myamnar và bằng 1/4 Campuchia.

Chè: EU 27 là thị trường NK chè lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, EU vẫn chỉ là thị trường tiềm năng và quan trọng của ngành Chè Việt Nam, bởi nhu cầu NK chè của EU 27 rất lớn, nhưng tỷ trọng NK từ Việt Nam vẫn còn rất thấp.

Nhận xét chung về tình hình XKNS sang EU: mặc dù Việt Nam đã XKNS sang hầu hết các nước EU nhưng thị phần nông sản Việt Nam trên thị trường EU còn rất nhỏ, hàng nông sản XK chủ yếu dưới dạng thô, cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp. Các nhóm hàng nông sản XK sang EU tập trung vào 3 nhóm cà phê, trái cây và hạt tiêu. Thực tế này cho thấy, Việt Nam chưa khai thác được tối ưu những lợi thế để XK sang thị trường EU.

4.2. Khó khăn và những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu nông sản sang EU

Được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng sản xuất nông nghiệp nhưng XKNS của Việt Nam nói chung và XKNS vào EU nói riêng vẫn chỉ đạt được những kết quả còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng XKNS của Việt Nam và nhu cầu NK của EU. Kết quả này xuất phát từ việc XKNS của Việt Nam hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn này đến từ nội tại ngành Nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp XKNS, chính sách của Nhà nước cũng như từ những nguyên nhân từ bên ngoài.

Thứ nhất, hàng nông sản XK chưa đạt được sự đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa đảm bảo các điều kiện về truy suất nguồn gốc. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU, không xâm nhập được vào thị trường này hoặc vào được thị trường xong bị trả lại. Nguyên nhân của thực trạng này trước hết xuất phát từ nội tại của ngành Nông nghiệp Việt Nam chưa chú trọng khai thác lợi thế để đáp ứng các tiêu chuẩn khi XK sang EU. Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, nguồn lực dành cho sản xuất NSXK (vốn, lao động, đất đai) còn hạn chế. Người nông dân chưa am hiểu sâu về các kỹ thuật tiến bộ để nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như chưa tiếp cận nhiều với công nghệ trong việc xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mối liên kết giữa người nông dân với các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước còn lỏng lẻo.

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là cần phải khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất NSXK, đầu tư nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao trình độ của người nông dân và tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất và XK nông sản. Đồng thời, để tăng tính đồng nhất của sản phẩm, nâng cao giá trị XK, Việt Nam cũng cần phải mở rộng và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa khâu chế biến các loại sản phẩm nông sản.

Thứ hai, khó khăn từ phía các DNXK trong việc tiếp cận thị trường nông sản EU. Ngay cả khi chúng ta đã có nông sản để XK thì các DNXK cũng gặp khó khăn khi XK sang EU do thiếu thông tin thị trường này. Nguyên nhân của thực trạng này là do năng lực nội tại về vốn, con người,… của các DNXK còn thấp. Về phía Nhà nước cũng chưa có tổ chức hỗ trợ thực chất và chưa có nhóm nghiên cứu riêng về thị trường EU (Hoàng Minh Chiến, 2020). Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) sang thị trường EU chưa mở rộng sang tất cả các nước thành viên và chưa đi sâu vào đối tượng thụ hưởng (Đỗ Thị Hòa Nhã, 2019).

Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao năng lực của các DNXK, đồng thời thúc đẩy các hoạt động XTTM đối với hàng nông sản tại thị trường này.

Thứ ba, XKNS gặp trở ngại từ phía EU. EU là một thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn,… (Bộ Công Thương, 2020). Ngoài ra, EU cũng yêu cầu hàng nông sản NK phải có nguồn gốc xuất xứ đầy đủ. Hàng nông sản của Việt Nam thường bị cảnh cáo vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, mặc dù EVFTA được thực thi với việc dỡ bỏ hầu hết các rào cản thuế quan và hạn ngạch, hàng nông sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật để thâm nhập mạnh hơn vào thị trường này.

Để hàng nông sản Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường EU, vấn đề đặt ra là một mặt Việt Nam cần phát triển sản xuất hàng nông sản XK chú trọng gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực theo tiêu chuẩn khắt khe của EU ; mặt khác, ở góc độ quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại, đàm phán để tránh việc bị EU áp các rào cản kỹ thuật không hợp lý. Bên cạnh đó, người nông dân và doanh nghiệp phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong quá trình sản xuất NSXK.

Ngoài ra, XKNS của Việt Nam còn gặp khó khăn do chi phí logictics trong XK nói chung và XKNS nói riêng còn cao và chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Braxin,... (Hoàng Minh Chiến, 2020).   

5. Một số đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy XKNS sang EU

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường EU. Mục này xin đề xuất một số định hướng giải pháp về chính sách để khắc phục những khó khăn, nhằm thúc đẩy XKNS sang EU trong bối cảnh hiện nay.

Về định hướng XKNS. Việt Nam đã xác định nhóm ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, từ đó tập trung thúc đẩy XK vào EU gồm: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, trái cây, gạo. Để thúc đẩy XK các mặt hàng nông sản này sang thị trường EU, chúng ta cần phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan của EVFTA đối với nông sản đã qua chế biến. Vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.

Về nhóm chính sách khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của EU: (1) Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng khuyến khích tích tụ đất đai để sản xuất với quy mô lớn. Trong đó, hoàn thiện các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất và chế biến nông sản XK, đặc biệt là các dự án đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm, cụm liên hoàn sản xuất - sơ chế - bảo quản - chế biến nông sản; (2) Hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất nông sản sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; (3) Hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các mối liên kết giữa người sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ; giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối; giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp nông nghiệp; (4) Tiếp tục xây dựng các chính sách toàn diện về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, các trung tâm thử nghiệm và các tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn; cần có các quy định về nhãn hiệu hàng hóa thân thiện với môi trường; xây dựng và áp dụng các chính sách về tiêu chuẩn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế.

Về xúc tiến thương mại. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới sản xuất và phân phối ở ngoài nước.

Về truy xuất nguồn gốc: Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất quan trọng để tiếp cận các thị trường khó tính, nên Nhà nước và các cơ quan quản lý cần đưa truy xuất nguồn gốc thành quy định bắt buộc và chuẩn hóa. Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vực và tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường XK để có những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp. Ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch thực vật, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi để kiểm soát chất lượng nông sản hiệu quả.

Về chính sách tháo gỡ những khó khăn từ phía EU. Chính phủ cần tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; Kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản xuất khẩu; Thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với EU đối với các sản phẩm nông nghiệp; Hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU, tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai chứng nhận xuất xứ, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tận dụng ưu đãi của Hiệp định EVFTA.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Minh Chiến (2020), Nghiên cứu giải pháp xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang EU trong điều kiện thực thi EVFTA, Báo cáo tổng hợp Kết quả khoa học công nghệ. Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương. Hà Nội.
  2. Trịnh Thị Ái Hoa (2007), Chính sách xuất khẩu nông sản Việt Nam Lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
  3. Đỗ Thị Hòa Nhã (2019), Các yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào thị trường EU - cách tiếp cận từ mô hình trọng lực, Đề tài NCKH cấp Đại học Thái Nguyên, ĐH2017-TN08-02. Thái Nguyên.
  4. Bộ Công Thương (2020), Thông tin xuất khẩu ngành hàng café vào EU, NXB Công Thương. Hà Nội.
  5. Bộ Công Thương, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2020, NXB Công Thương, Hà Nội, 2021.
  6. Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (2021), Chuyên san Thương mại Việt Nam - EU. Hà Nội.
  7. Gustaf Svenungsson (2016), Trade barriers on EU’s agricultural market,: https://stud.epsilon.slu.se/9416/1/svenungsson_g_160831.pdf
  8. International Trade Centre. (2011). National Trade Policy for Export Success. Geneva: International Trade Centre.

Exporting agricultural products to the EU: Current situation and policy recommendations

 Ph.D Nguyen Thi Thu Hien 1

Duong Thu Thu Huong 1

1 Thuongmai University

ABSTRACT:

Vietnam has initially achieved encouraging results of exporting agricultural products to the EU with increases in export turnover, product categories and market expansion. However, Vietnam still mainly exports raw agricultural products which has low added values to the EU and the country’s exports account for a very small proportion of the EU’s total import demand. In order to effectively take advantages of the EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) and to boost Vietnam’s agricultural products to the EU, it is important for Vietnam to keep improving its policies to creat a favorable business environment for producing and exporting agricultural products. This paper presents an overview about Vietnam’s agricultural exports to the EU and proposes some groups of policies to promote the country’s agricultural exports to the EU.

Keywords: agricultural product export, export policy, export promotion, agricultural products, the EU market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]