Theo Ban Chỉ đạo 389/TP, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng gây khó khăn cho công tác thanh kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của dịch vụ công nghệ thông tin cùng với nhu cầu mua bán của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên môi trường mạng internet gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên. Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Một bộ phận lực lượng chức năng chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, sẽ là nguy cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Do vậy, Ban Chỉ đạo 389/TP chỉ đạo các lực lượng chức năng xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.
Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với tuyến, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Trung thu, Tết Dương lịch và dịp cuối năm; cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn; để cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.
Tại hội nghị, ông Cao Văn Lộc, Phó Trưởng phòng PC03 (Công an thành phố Hà Nội) đã chia sẻ và nêu rõ, nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tới mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội; tăng cường công tác trao đổi thông tin.
Đồng thời, cần bổ sung các quy định về việc cấp giấy phép hoạt động có điều kiện theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh kho tàng, bến bãi; có chế tài xử lý đối với các chủ kinh doanh nếu các kho, bến bãi phát hiện là nơi tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị, cần tập trung phối hợp thông tin về hàng hóa nhập lậu, sàng lọc đối tượng để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Ký quy chế phối hợp hoạt động với các tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa về Hà Nội lớn để chia sẻ thông tin kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389/TP chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn có trọng điểm, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hoá có số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.
Đồng thời, các đơn vị khẩn trương triển khai thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác; tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, thực chất và bài bản, kiên quyết ngăn chặn, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá trốn thuế.
Trưởng ban Chỉ đạo 389/TP Nguyễn Mạnh Quyền cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý.
Tại hội nghị, Phó Chỉ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội cho 15 tập thể, 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả năm 2021.