TÓM TẮT:

Bài viết phân tích những điểm bất cập trong Luật Du lịch 2017, cụ thể là điều khoản về hợp đồng lữ hành và giải quyết tranh chấp, bảo vệ khách du lịch trước các rủi ro như tình trạng đặt phải dịch vụ của các công ty mạo danh, kém uy tín và những tình huống khác trong thực tế. Những phân tích cho thấy sự bất cập về quản lý dịch vụ du lịch, từ đó nêu ra kiến nghị và hướng hoàn thiện.

Từ khóa: hợp đồng du lịch lữ hành, hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng.

1. Đặt vấn đề

Luật Du lịch 2005 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005. Sau 15 năm triển khai thực hiện, trước tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, Luật Du lịch 2005 đã cho thấy những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực thi, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch. Trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc ban hành Luật Du lịch 2017 với sự điều chỉnh toàn diện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực và môi trường thuận lợi, thúc đẩy du lịch phát triển là điều hết sức cần thiết.

Luật Du lịch 2017 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/06/2017, có hiệu lực ngày 01/01/2018 là khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của ngành du lịch ở nước ta. Những vấn đề bất cập của Luật Du lịch 2005 đã được bổ sung cụ thể,  như: lấy khách hàng làm trung tâm; các chính sách về phát triển du lịch và sản phẩm du lịch; những quy định về điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng được đơn giản hóa; quy định về cơ sở lưu trú du lịch, cấp biển hiệu cho phương tiện vận tải; quy định về điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên; quy định về các dịch vụ khác; quy định về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Bên cạnh những điểm mới mà Luật Du lịch 2017 đã bổ sung, vẫn còn một số nội dung còn chưa được đề cập, như: vấn đề hợp đồng lữ hành, việc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng lữ hành và điều khoản về việc miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng.

1.1. Hợp đồng lữ hành

Điều 39 Luật Du lịch 2017 quy định, hợp đồng lữ hành là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và khách du lịch hoặc người đại diện khách du lịch. Hợp đồng phải lập thành văn bản với đầy đủ các nội dung, như: mô tả rõ ràng số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch; giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán; điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng; điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng; điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch.[1] Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện ký kết hợp đồng lữ hành giữa doanh nghiệp còn nhiều vấn đề bất cập.

Thứ nhất, hình thức giao kết hợp đồng, mặc dù Luật Du lịch 2017 quy định hợp đồng phải lập thành văn bản, nhưng trên thực tế, một số doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về việc ký hợp đồng bằng văn bản nhằm mục đích trốn thuế. Trường hợp doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng bằng văn bản với những đối tượng như các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị có nhu cầu tổ chức tour du lịch cho nhân viên, lúc đó các doanh nghiệp lữ hành mới xác lập hợp đồng bằng văn bản với những thông tin chung như quy định. Ngoài ra, hầu hết cá nhân mua tour riêng lẻ còn không được ký hợp đồng.

Điều 385 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự[2]. Về đề nghị giao kết hợp đồng: theo quy định tại Khoản 1 Điều 386 BLDS 2015, đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị). Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 388 BLDS 2015 có quy định thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau: do bên đề nghị ấn định, nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Việc trả lời chấp nhận đề nghị là sự bày tỏ ý chí của người được đề nghị đồng ý ký kết hợp đồng với những điều kiện của bên đề nghị đưa ra thông qua hình thức lời nói, văn bản, hành vi. Như vậy, trong trường hợp các cá nhân mua tour riêng lẻ thông thường, thời điểm được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là khi ghi tên vào danh sách đăng ký và đóng tiền mua tour.

Vậy vấn đề ở đây là khi xác lập hợp đồng, doanh nghiệp sẽ căn cứ theo Luật nào, Luật Du lịch hay Luật Dân sự để xác lập. Nếu dựa vào thời điểm phát sinh hiệu lực, hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng ưng thuận và hợp đồng thực tế. Trong đó, hợp đồng ưng thuận là những hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh ngay sau khi các bên đã thỏa thuận xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng. Vậy, trường hợp các cá nhân đăng ký mua tour có phải là nằm trong hình thức hợp đồng ưng thuận này? Trường hợp các doanh nghiệp lữ hành ký hợp đồng với các tổ chức khác thì hình thức của hợp đồng đó là hợp đồng thực tế. Khác với hợp đồng ưng thuận là có hiệu lực ngay khi thỏa thuận xong những nội dung của hợp đồng, hợp đồng thực tế là những hợp đồng mà sau khi thỏa thuận, hiệu lực của nó chỉ phát sinh tại thời điểm khi các bên đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng.

Mặc dù cùng điều chỉnh chung một vấn đề về hợp đồng, nhưng ở Luật Du lịch thì bắt buộc hợp đồng phải lập thành văn bản, còn Bộ luật Dân sự là bộ luật chung thì quy định về hình thức của hợp đồng có nhiều dạng hợp đồng, như: hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng miệng, hợp đồng có công chứng,… Về nguyên tắc, áp dụng Luật thì nguyên tắc “Ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” đã được quy định tại nhiều văn bản luật. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng khẳng định mình là bộ luật chung tại Khoản 1 Điều 4 BLDS 2015 “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự[3]. Vì thế, khi xác lập quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực du lịch, nên bắt buộc áp dụng luật chuyên ngành, tức là hợp đồng lữ hành phải được lập thành văn bản không phân biệt giữa tổ chức hay cá nhân mua tour trong việc xác lập hợp đồng.

Thực tế cho thấy, các cá nhân khi mua tour du lịch, họ hướng sự quan tâm nhiều hơn tới là giá cả, hình thức thoanh toán, điểm đến, dịch vụ đi lại, nghỉ dưỡng thế nào, còn lại hầu như không quan tâm đến hợp đồng hay những điều khoản bắt buộc trong hợp đồng. Chính vì vậy, việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng nói riêng và người tiêu dùng nói chung không được đảm bảo, những vấn đề phát sinh sau đó rất khó để giải quyết một cách thỏa đáng. Có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp lữ hành mở bán những tour du lịch với giá cả, địa điểm và tất cả các dịch vụ theo quảng cáo thì rất tuyệt vời, khách hàng khi nghe được những quảng cáo như vậy thì chấp nhận giao kết mua tour bằng hành động đăng ký danh sách và trả tiền. Nhưng thực tế trải nghiệm tour du lịch đó lại không như những gì quảng cáo, không như những gì đã nói với nhau khi xác lập giao dịch. Khi đó, khách hàng, người tiêu dùng cũng không thể làm gì được. Thậm chí, những trường hợp có tranh chấp xảy ra sẽ giải quyết như thế nào? Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào sẽ đại diện người tiêu dùng để bảo vệ họ? Muốn làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải xác định được tranh chấp trong hợp đồng du lịch nói chung và hợp đồng du lịch lữ hành nói riêng thuộc hợp đồng thương mại hay dân sự?.

Thứ hai, nội dung của hợp đồng thương mại nói riêng và hợp đồng nói chung là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận, các điều khoản này xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản về nội dung hợp đồng thương mại là hoạt động thương mại. Về chủ thể của hợp đồng thương mại, hợp đồng thương mại được kí kết giữa các bên là thương nhân, hoặc có một bên là thương nhân. Vậy, hoạt động du lịch lữ hành có phải là hoạt động thương mại? Khi xác lập hợp đồng thì có căn vào Luật Thương mại hay không, hay chỉ căn cứ Luật Dân sự và Luật Du lịch?.

Điều 398 BLDS 2015 quy định, nội dung hợp đồng phải bao gồm những nội dung như: đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phương thức giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, Điều 39 Luật Du lịch 2017 quy định hợp đồng du lịch lữ hành phải có đủ các nội dung, như: mô tả rõ ràng số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch; giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán; điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng; điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng; điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch.

Hai điều luật này về cơ bản là giống nhau. Bộ luật Dân sự là bộ luật chung, quy định chung, còn Luật Du lịch là luật chuyên ngành quy định cụ thể từng nội dung trong lĩnh vực du lịch. Nhưng ở Luật Du lịch, điều khoản về giải quyết tranh chấp đã không được đưa vào hợp đồng, dẫn đến khi giải quyết tranh chấp gặp nhiều bất cập.

1.2. Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng lữ hành

Tranh chấp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc phát sinh mâu thuẫn trong quá trình thực hiện hoạt động du lịch (có hợp đồng hoặc không có hợp đồng) làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Vấn đề tranh chấp trong du lịch lữ hành không hiếm gặp trước tình hình thực tế ngành du lịch đang phát triển mạnh. Là ngành kinh tế chủ chốt như hiện nay, việc xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực du lịch ngày càng nhiều. Những tranh chấp nổi bật trong thời gian qua là  lừa đảo bán tour du lịch. Trước tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, tại Hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp khôi phục du lịch sau dịch Covid-19 giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) với Hiệp hội Du lịch các địa phương trên cả nước diễn ra chiều ngày 6/5/2020, VITA đã thống nhất triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc, từng bước chuẩn bị cho lữ hành quốc tế để phục hồi du lịch sau Covid-19. Lợi dụng hoạt động kích cầu du lịch nội địa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành đã mở bán nhiều tour ảo hoặc kém chất lượng cho khách hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Khi quyền lợi bị xâm phạm, mâu thuẫn sẽ xảy ra. Vấn đề đặt ra là khi mâu thuẫn, tranh chấp trong du lịch lữ hành xảy ra sẽ giải quyết như thế nào? Thông thường có 2 phương thức giải quyết: thương lượng và ra Tòa.

Một là thương lượng:Hầu hết các doanh nghiệp sẽ tự thỏa thuận với khách hàng (không có hợp đồng), trường hợp có hợp đồng, điều khoản này sẽ được ghi cụ thể nếu trong quá trình thực hiện có xảy ra tranh chấp thì hai bên sẽ giải quyết bằng phương thức tự thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khi giải quyết bằng phương thức thỏa thuận thì quyền lợi đôi bên không cân đối, không có lợi cho khách hàng, bên doanh nghiệp sẽ có rất nhiều lý do để đối phó và trốn tránh trách nhiệm, giành phần lợi ích về phía mình.

Hai là ra tòa: Thông thường sau khi đã thương lượng nhưng không thành, một trong hai bên sẽ đề nghị ra Tòa án để giải quyết. Vậy khi ra Tòa, vấn đề tranh chấp trong du lịch lữ hành được giải quyết theo luật nào? Thực tế, các Tòa hầu như đều áp dụng Bộ luật Dân sự để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực du lịch lữ hành, trong khi, về bản chất hoạt động du lịch lữ hành là hoạt động kinh doanh dịch vụ có lợi nhuận. Khi giải quyết, hầu hết các Tòa điều cho rằng những hợp đồng dịch vụ du lịch đó mang bản chất là hợp đồng dân sự (tức là những hợp đồng du lịch được ký kết giữa cá nhân khách du lịch) - người tiêu dùng dịch vụ du lịch với một bên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch.

Việc phân biệt hợp đồng du lịch là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại còn phụ thuộc vào mục đích của các chủ thể khi giao kết hợp đồng. Đối với hợp đồng du lịch được giao kết giữa một cá nhân với bên cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của cá nhân thì đó được xem là hợp đồng dân sự. Còn đối với hợp đồng du lịch được giao kết giữa một tập thể người sử dụng dịch vụ du lịch với một bên là người cung ứng dịch vụ mà cả hai bên đều nhằm mục đích thương mại thì đó được coi là hợp đồng thương mại. Trường hợp hợp đồng du lịch được ký kết giữa một tập thể người sử dụng dịch vụ với một bên là người cung ứng dịch vụ nhưng không vì mục đích thương mại thì có được coi là hợp đồng thương mại? Xét về mặt chủ thể Luật Thương mại, cá nhân là khách du lịch khi tham gia hoạt động thương mại không phải là chủ thể của Luật Thương mại, nhưng xét về mặt tổng thể của hoạt độngthì đây cũng là hoạt động thương mại vì mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Nếu không có cá nhân là khách du lịch, hoạt động này không thể thực hiện được và doanh nghiệp sẽ không thu được lợi nhuận từ hoạt động này. Có thể hiểu theo cách khác là “nhập gia tùy tục”, khi bạn tham gia vào hoạt động thương mại thì bạn đã là thành viên của “gia đình thương mại” đó, do đó, việc thưởng hay phạt như thế nào là do gia đình đó quyết định, chứ không thể nào do một gia đình khác quyết định chuyện đó. Khi chủ thể là các cá nhân tham gia vào hợp đồng lữ hành,họ là một chủ thể của hoạt động thương mại.

Điều 513 BLDS 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ: hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Về quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ được quy định tại Điều 517, 518 BLDS. Theo đó, nội dung của quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ được quy định trong luật dân sự hướng đến là một công việc cụ thể, ví dụ như dịch vụ dọn vệ sinh, dọn cây xanh,… những công việc mang tính chất lao động chân tay, lao động phổ thông và bản chất của hợp đồng dịch vụ trong BLDS 2015 là mang mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và con người cần những dịch vụ đó để hỗ trợ những công việc hàng ngày. Khác với bản chất của hợp đồng dịch vụ trong BLDS, hợp đồng du lịch lữ hành mang tính chất kinh doanh lợi nhuận dựa vào nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của một số cá nhân. Nhu cầu nghỉ dưỡng du lịch không phải là nhu cầu thiết yếu, không phải ai cũng có nhu cầu này, tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế sở thích của cá nhân mà nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng được hình thành. Nắm bắt được nhu cầu thị trường về du lịch nghỉ dưỡng, các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ra đời ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các công ty này hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào lượng khách du lịch, nếu không có khách du lịch thì các công ty đó không thể có lợi nhuận và không thể hoạt động.

1.3. Miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Khoản 1 Điều 156: “Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí của con người khiến chúng ta không thể lường trước và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép”, Điều này mang tính khái quát cao và thiếu tính cụ thể, dễ tranh chấp. Điều khoản quy định về vấn đề miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng được quy định trong nội dung của Điều 39 về hợp đồng du lịch. Điều khoản về miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng là một điều kiện bắt buộc phải có trong hợp đồng. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ không phải chịu trách nhiệm về những tình huống bất khả kháng. Nếu trong lúc thực hiện hợp đồng mà gặp trường hợp bất khả kháng, làm cho việc thực hiện hợp đồng không thể thực hiện được, doanh nghiệp sẽ giải quyết như thế nào? Trong Luật quy định, trong trường hợp đó, doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm.

Vậy doanh nghiệp sẽ bỏ mặc khách hàng trong khi họ đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ? Ví dụ, trường hợp vì lý do thời tiết hay kỹ thuật nào đó mà máy bay bị trễ, không về được như lịch trình tour, có rất nhiều khách hàng phải nằm la liệt trong nhà ga sân bay chờ đợi, chả lẽ doanh nghiệp không có một động thái nào để hỗ trợ? Thực tế, hãng máy bay có thể hỗ trợ thông tin dời lịch bay để khách hàng chủ động được thời gian và thu xếp chỗ nghỉ ngơi. Nhưng phần chi phí nghỉ ngơi trong thời gian đó,doanh nghiệp sẽ hỗ trợ một phần cho khách. Như vậy, sự việc bất khả kháng xảy ra ngoài dự định và không một ai mong muốn, nhưng không thể vì quy định của Luật  mà các doanh nghiệp bỏ mặc khách hàng, không chịu trách nhiệm.

2. Kết luận và kiến nghị

Trước thực tế ngành Du lịch nước ta đang phát triển mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho đất nước, việc chú trọng đến hoạt động của ngành du lịch là hết sức cần thiết, nhất là các vấn đề giải quyết tranh chấp, cụ thể là tranh chấp trong hợp đồng du lịch lữ hành.

Để hoàn thiện hơn Luật Du lịch nói chung và hợp đồng trong du lịch lữ hành nói riêng, chúng ta nên quy định cụ thể:

Về mặt hình thức, hợp đồng du dịch lữ hành bắt buộc phải được lập thành văn bản, không phân biệt giữa chủ thể là cá nhân hay tập thể.

Về mặt nội dung,

+ Trong hợp đồng phải ghi căn cứ xác lập hợp đồng du lịch lữ hành là Luật Du lịch và Luật Thương mại;

+ Điều khoản giải quyết tranh chấp phải ghi là bằng hình thức nào và nếu thỏa thuận không được thì đưa ra cơ quan có thẩm quyền nào giải quyết;

+ Điều khoản về trường hợp bất khả kháng nên quy định: ngoài việc doanh nghiệp không có trách nhiệm trong các trường hợp bất khả kháng, nhưng phải có những biện pháp bảo đảm việc hỗ trợ khách hàng trong việc lưu trú và đi lại trong thời gian này.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Du lịch 2017.

2. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (20105), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

Protecting customers' interests in travel contracts

 Master. Nguyen Thi Ngoc Ha

Kien Giang University

ABSTRACT:

This paper analyzes the shortcomings of the 2017 Law on Tourism, Vietnam, especially regulations on travel contracts and dispute resolutions which protect travelers against risks. This paper points out the law’s shortcomings, thereby proposing recommendations to strengthen the law’s effectiveness.

Key word: travel contract, civil contract, economic contract, indemnity in case of force majeure.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]