TÓM TẮT:
Từ việc phân tích ở góc độ lý luận và các quy định của pháp luật hiện hành về quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bài viết làm sáng tỏ bản chất pháp lý của bầu cử chính là một trong những hình thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.
Từ khóa: bầu cử, đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, quyền lực nhà nước, quyền bầu cử.
1. Khái quát về bầu cử và một số quy định của pháp luật về bầu cử
1.1. Khái quát về bầu cử
“Bầu cử là phương thức lựa chọn người đại biểu, thay mặt thực hiện quyền lực nhà nước trong các xã hội dân chủ theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[1]. “Bầu cử có một vị trí quan trọng trong nền chính trị hiện đại. Nhìn vào hệ thống bầu cử có thể hiểu được tính chất dân chủ của hệ thống chính trị mỗi nước”[2]. Bầu cử là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân. Quyền bầu cử bao gồm: quyền bầu cử chủ động (quyền bầu cử) và quyền bầu cử bị động (quyền ứng cử). Quyền bầu cử là qui định của pháp luật thể hiện khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước (cơ quan đại diện). Quyền bầu cử bao gồm: quyền đề cử, quyền bỏ phiếu và quyền được bầu vào cơ quan đại diện. Quyền ứng cử là qui định của pháp luật về khả năng của công dân thể hiện nguyện vọng của mình được bầu làm đại biểu. Quyền ứng cử bao gồm quyền tự ứng cử và quyền chấp nhận cho người khác đề cử mình.
1.2. Một số quy định của pháp luật về bầu cử
Thứ nhất, về độ tuổi, tiêu chuẩn bầu cử, ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.
“Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.[3]
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, công dân đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên thì có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Điều này có nghĩa là chỉ có công dân Việt Nam, những người mang quốc tịch Việt Nam, đáp ứng về độ tuổi thì sẽ có quyền bầu cử và ứng cử. Tuy nhiên, để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử thì luật sẽ có những quy định cụ thể trong việc thực hiện quyền này.
Hình thức ghi nhận quyền bầu cử chính là danh sách cử tri. Nếu một người đáp ứng điều kiện về độ tuổi nhưng rơi vào trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Luật Bầu cử) “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự” thì không được ghi tên vào danh sách cử tri và không thể thực hiện quyền bầu cử. Nếu rơi vào những trường hợp được quy định tại Điều 37 Luật Bầu cử “Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Người đang bị khởi tố bị can; Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án; Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích; Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn” thì không thể thực hiện quyền ứng cử.
Ngoài ra, để có thể ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) cần đáp ứng tiêu chuẩn của ĐBQH, ĐBHĐND được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, đã được sửa đổi bổ sung năm 2020. Điều 7 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2019. Một trong các tiêu chuẩn đó là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”[4].
Điều 4 Luật Quốc tịch năm 2008, đã được sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Trong trường hợp một người có nhiều hơn một quốc tịch, trong đó có 1 quốc tịch Việt Nam, họ có quyền bầu cử nhưng không có quyền ứng cử.
Thứ hai, về các nguyên tắc bầu cử.
“Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.[5] Theo Hiến pháp năm 1946, bên cạnh các nguyên tắc bầu cử: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín còn có nguyên tắc bầu cử tự do “Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín”[6]. “Nguyên tắc bầu cử tự do có nghĩa là cử tri tự quyết định có tham gia vào quá trình bầu cử hay không và nếu tham gia thì mức độ nào.”[7] Các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013 nguyên tắc bầu cử tự do không được quy định trong Hiến pháp. Do đó, mặc dù bầu cử được Hiến pháp năm 2013 quy định là một trong những quyền chính trị quan trọng của công nhân, nhưng mô hình chung bầu cử đã trở thành quyền và trách nhiệm của công dân.
Thứ ba, về thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử.
Các tổ chức phụ trách bầu cử bao gồm: Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (Ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử). “Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”[8]. Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Hội đồng bầu cử quốc gia là một trong những thiết chế Hiến định độc lập, một thiết chế giúp kiểm soát quyết quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, trong thành phần của Hội đồng bầu cử quốc gia có các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thứ tư, về tự ứng cử và hiệp thương.
Trong tiến trình bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình.
Về tự ứng cử: Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 chưa có các quy định cụ thể về tự ứng cử, quy trình tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân. Mà chủ yếu quy định về giới thiệu ứng cử từ các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương. Tỉ lệ đại biểu tự ứng cử chiếm tỉ lệ khá thấp trong cơ cấu. Trong cơ cấu Đại biểu Quốc hội do UBTVQH phân bổ theo Nghị quyết số 1185 ngày 11 tháng 01 năm 2021. Tổng số ĐBQH khóa XV là 500 người. Trong đó, số lượng đại biểu ở các cơ quan trung ương là 207 đại biểu (41,4%), số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%). Trong tổng số 293 đại biểu Quốc hội ở địa phương, cơ cấu định hướng gồm 220 đại biểu (44%), cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu 73 đại biểu (14,6%). “Cơ cấu hướng dẫn là cơ cấu linh hoạt để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử tiêu biểu, gồm đại diện các ngành: khoa học - công nghệ, lao động, thương binh - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa - nghệ thuật, đại diện Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên... Trong cơ cấu này, cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử”[9]. Cơ cấu định hướng chiếm 14,6% bao gồm cả các đại biểu địa phương giới thiệu, phụ nữ, ngoài đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử.
Về hiệp thương: Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương, địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương, địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương, địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tỉnh, cấp huyện thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính, cấp dưới trên địa bàn. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp xã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thứ năm, về vận động bầu cử.
Vận động bầu cử là giai đoạn quan trọng để các đảng chính trị, các ứng cử viên quảng bá quan điểm, cương lĩnh và chương trình hành động của mình đến với cử tri và công chúng, từ đó xây dựng hình ảnh và uy tín chính trị nhằm giành sự ủng hộ của cử tri. Hình thức vận động tranh cử đa dạng. Tự do tranh cử thể hiện rõ nét, tập trung nhất nguyên tắc tự do bầu cử. Chính vì vậy, nhiều nước quy định rất cụ thể về hoạt động tranh cử trong đạo luật về bầu cử hoặc ban hành luật riêng về vận động tranh cử. Pháp luật bầu cử hiện hành ở nước ta chỉ quy định hai hình thức vận động bầu cử là gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng[10].
Ứng cử viên ĐBQH và ĐBHĐND không trực tiếp, chủ động vận động bầu cử mà thông qua Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Ban thường trực UBMTTQVN các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Thứ sáu, về xác định kết quả bầu cử.
Chế độ bầu cử ở nước ta áp dụng phương pháp đa số tuyệt đối để xác định người trúng cử. Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ. Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn. Ưu điểm của phương pháp xác định kết quả bầu cử này đó là người trúng cử là người nhận được sự tín nhiệm của đa số cử tri, tuy nhiên trong nhiều trường hợp không xác định đủ số lượng đại biểu cho một đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử đầu tiên.
2. Bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân là hình thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước
Nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là nguyên tắc được thể hiện xuyên suốt, nhất quát trong nội dung của các bản Hiến pháp Việt Nam. Qua các bản Hiến pháp, chủ quyền của nhân dân luôn được khẳng định. Tuy nhiên, mỗi bản Hiến pháp lại có những cách thể hiện khác nhau. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[11]. “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức[12]”. Nhân dân chính là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Trong 5 bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện đầy đủ và rõ ràng các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân. “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước[13]”.
Hình thức thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. “Ở các quốc gia trên thế giới, người dân thực hiện quyền lực của mình bằng hai phương thức cơ bản là dân chủ đại diện (hay dân chủ gián tiếp - thông qua các cơ quan đại diện) và dân chủ trực tiếp. Dân chủ trực tiếp được hiểu là sự thể hiện ý chí trực tiếp của người dân để quyết định một vấn đề của nhà nước hay của cộng đồng mà không cần thông qua một thiết chế trung gian, cụ thể là cơ quan đại diện do dân lập ra qua bầu cử. Sự thể hiện ý chí này thông thường có ý nghĩa quyết định, bắt buộc phải được thi hành ngay mà không phụ thuộc vào mong muốn của chính quyền”[14]. Dân chủ đại diện được hiểu là nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua khâu trung gian (thông qua cơ quan đại diện).
Với hình thức dân chủ trực tiếp nhân dân trực tiếp tham gia vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, trong đó có tham gia thảo luận dự thảo Hiến pháp và luật, trực tiếp thể hiện ý chí của mình khi có trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhân dân trực tiếp bầu ra các ĐBQH, ĐBHĐND, có quyền bãi nhiệm các ĐBQH, ĐBHĐND. Nhân dân có quyền kiến nghị, đề đạt nguyện vọng, yêu cầu của mình trước cơ quan nhà nước, có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền khiếu nại, tố cáo đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân.
Với hình thức dân chủ đại diện nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua cơ quan đại diện, mà trước hết đó là những cơ quan do chính nhân dân thành lập nên thông qua con đường bầu cử, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Để đảm bảo thực hiện tốt việc thực hiện quyền lực nhà nước thông qua hình thức dân chủ đại diện nhất thiết phải nâng cao hình thức hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Mà trước hết chính là cách thức hình thành các cơ quan này. Vì vậy, việc lựa chọn để bầu các ĐBQH và ĐBHĐND có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Mặc dù bầu cử là phương thức thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, là hình thức để nhân dân chuyển giao quyền lực của mình cho nhà nước (quyền lực nhân dân - quyền lực nhà nước), bầu cử cũng chính là con đường để nhân dân hình thành các cơ quan đầu tiên trong Bộ máy nhà nước (cơ quan đại diện). Thông qua những cơ quan này nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ đại diện. Cơ quan đại diện có thể hiện được ý chí, nguyện vọng, bảo vệ được lợi ích của nhân dân hay không còn phụ thuộc vào con đường hình thành ra các cơ quan này. Chất lượng của chế độ bầu cử cũng chính là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc tổ chức quyền lực nhà nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2016). Từ điển Luật học. Nxb Tư pháp, Hà Nội. Từ điển Bách khoa năm 2006, tr.52.
[2] Lưu Văn Quảng (2009). Hệ thống bầu cử ở Anh, Mỹ và Pháp - Lý thuyết và hiện thực. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2009, tr.5.
[3] Điều 27 Hiến pháp năm 2013.
[4] Khoản 1a Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, đã được sửa đổi bổ sung năm 2020, Khoản 1a Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2019.
[5] Khoản 1 Điều 7 Hiến pháp năm 2013.
[6] Điều thứ 17 Hiến pháp năm 1946.
[7] Thái Vĩnh Thắng (2012), Giáo trình Luật Hiến pháp nước ngoài, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
[8] Khoản 1 Điều 117 Hiến pháp năm 2013.
[9] Điểm b Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021.
[10] Điều 65 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015.
[11] Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp 2013.
[12] Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
[13] Điều 6 Hiến pháp 2013.
[14] Hoàng Thị Thu Thủy (2020). Các hình thức dân chủ trực tiếp ở một số nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (418), tháng 9/2020.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lưu Văn Quảng (2009). Hệ thống bầu cử ở Anh, Mỹ và Pháp - Lý thuyết và hiện thực. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội (1946). Hiến pháp. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội (2013). Hiến pháp. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội (2014). Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội (2015). Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Thái Vĩnh Thắng (2012). Giáo trình Luật Hiến pháp nước ngoài. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
- Hoàng Thị Thu Thủy (2020). Các hình thức dân chủ trực tiếp ở một số nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (418), tháng 9/2020.
- Viện Khoa học pháp lý - Bộ tư pháp (2006). Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2021). Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 Về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu quốc hội khóa XV. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
VOTING FOR FOR DEPUTIES TO THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM AND THE PEOPLE'S COUNCILS – ACTIVITY FOR THE PEOPLE TO EXERCISE STATE POWER
Master. NGUYEN THI PHI YEN
University of Law, Hue University
ABSTRACT:
By analyzing the theoretical perspectives and the provisions of Vietnam’s law on the right to vote for deputies to the National Assembly of Vietnam and the People's Councils at all levels, this paper clarifies the legal nature of the election which is one of the forms for the people to exercise state power.
Keywords: election, deputies to the National Assembly of Vietnam, deputies to the People's Council, state power, election right.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 12, tháng 5 năm 2021]