Xuất khẩu Lạng Sơn tìm lối ra
Phát biểu tại buổi thăm và làm việc với Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn sáng 29 Tết Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh biểu dương những nỗ lực của các cơ quan chức năng tại Lạng Sơn thời gian qua, giúp kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần thúc đẩy thương mại qua biên giới và xuất khẩu tăng trưởng.
“Chúng tôi cũng nhìn nhận đánh giá là Lạng Sơn trong năm 2019 là đã có rất nhiều nỗ lực và tích cực, thể hiện được quan điểm chỉ đạo lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong hàng loạt các vấn đề lớn của địa bàn, không chỉ các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội nói chung, mà còn cả trong những vấn đề cụ thể nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả của hợp tác kinh tế thương mại qua biên giới, cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với một tỉnh biên giới của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được trong năm vừa qua, các bên liên quan cần nhìn nhận rõ những vấn đề còn tồn tại.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 4.750 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 2.550 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2018. Các mặt hàng địa phương xuất khẩu đạt 137,5 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng 15 ngày đầu tháng 1/2020, xuất khẩu 53,1 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2019 (theo số liệu Cục Hải quan Lạng Sơn).
Lý giải về sự sụt giảm này, ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn cho biết, dù công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện được nhanh chóng, thuận lợi vẫn tạo điều kiện cho các thương nhân trao đổi thương mại qua các cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới trên địa bàn Lạng Sơn trong 2 năm gần đây cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tác động từ việc thắt chặt chính sách của Trung Quốc.
Đặc biệt giai đoạn từ giữa năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc chính thức áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa là nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.
“Trước đây, Trung Quốc là một thị trường "dễ tính" nhưng giờ không như vậy nữa, thủ tục đã bị siết chặt nhiều”, ông Nguyễn Công Trưởng khẳng định, đồng thời cho biết để hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản, có thể thuận lợi xuất khẩu sang Trung Quốc, tỉnh đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu, khi xảy ra hiện tượng ùn ứ, các lực lượng này làm việc rất tích cực, trao đổi với phía Trung Quốc nhằm hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài hoạt động thử nghiệm cũng đã cho thấy hiệu quả khi giúp cải thiện rõ rệt tốc độ thông quan, nâng số lượng xe hàng xuất khẩu trung bình qua cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày.
Đối mặt với áp lực từ thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Theo Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, nhờ các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2019 nhìn chung đã giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, theo quy luật hàng năm, thời điểm trước và trong Tết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả vẫn có xu hướng gia tăng.
Các đối tượng mang vác nhỏ lẻ hàng hóa qua một số đường mòn biên giới, sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng để lưu thông trên thị trường, vận chuyển trên các xe ô tô về các tỉnh phía sau nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng để vào sâu trong nội địa.
Trong khi đó, tình hình gian lận thương mại tại khu vực biên giới vẫn là các hành vi lợi dụng kẽ hở liên quan đến thủ tục hải quan khai báo sai về số lượng, chủng loại, lợi dụng chính sách hàng chuyển cảng, chuyển khẩu... để thực hiện các hành vi nhập lậu, gian lận thương mại hàng hóa,...
Trong khu vực nội địa, các đối tượng thường thực hiện các hành vi gian lận về số lượng, chất lượng, giá hàng hóa ghi trên hóa đơn, gian lận trong kinh doanh đa cấp, giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua ứng dụng thương mại điện tử sau đó lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua đường chuyển phát nhanh.
Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, ngay từ đầu quý 4/2019, Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn đã tổ chức đánh giá, nhận định tình hình buôn lậu dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, từ đó ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, kinh doanh bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh, các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu; tăng cường ngăn chặn việc xuất nhập cảnh, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; quản lý, cấp phát, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh, lực lượng quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, hải quan, công an cũng phối hợp thường xuyên trao đổi thông tin liên ngành cũng như với doanh nghiệp để kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phát hiện kịp thời các vi phạm và xử lý, không để hình thành đường dây, điểm nóng về buôn lậu, hàng giả.
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng rào chắn chống buôn lậu trên khu vực biên giới huyện Cao Lộc và Văn Lãng; chỉ đạo UBND huyện Văn Lãng tuyên truyền, vận động, xử lý các công trình xây dựng trái phép vì mục đích chứa chấp hàng lậu tại khu vực biên giới thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, xã Tân Thanh.
Nhờ vậy, tình hình buôn lậu trong dịp Tết Canh Tý 2020 đã giảm thiểu so với các năm trước, trong đó có mặt hàng pháo nổ.
Bộ Công Thương phát huy vai trò đồng hành
Lắng nghe ý kiến của các đơn vị chức năng tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng mỗi ý kiến đều thể hiện rõ nhận thức chung, tiếng nói chung, hành động chung hướng đến mục tiêu chung của toàn hệ thống, với quan điểm chủ động, rõ ràng, tích cực, nắm rõ những đặc trưng nổi bật của các ngành có liên quan.
“Điều đó thể hiện không phải chỉ nhận thức và hiểu biết, mà là ý thức trách nhiệm, là tiếng nói chung từ trên xuống dưới, là nền tảng để chúng ta tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả hơn các chương trình trong thời gian tới”, Bộ trưởng vui mừng bày tỏ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao công tác xây dụng những khung khổ, cơ chế hợp tác mang tính chủ động tích cực và toàn diện của lãnh đạo tỉnh nhằm tận dụng tốt lợi thế của mình trong tiếp cận thị trường, phát triển thương mại qua biên giới.
Là tỉnh biên giới còn khó khăn nhưng đã tiên phong trong hội nhập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng còn rất nhiều tiềm năng mà Lạng Sơn có thể khai thác. Trong đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đồng hành cùng tỉnh thực hiện một loạt các nội dung thúc đẩy xuất khẩu bền vững, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hướng đến con số mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng ngành Công Thương đạt được trong năm 2020 là 300 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách theo sát chiến lược phát triển lâu dài của Lạng Sơn, nhằm tiếp tục có những định hướng khai thác thương mại qua biên giới “để nó thật sự trở thành một công cụ phục vụ cho tăng trưởng bền vững của địa phương cũng như làm bền vững mối quan hệ hợp tác hữu nghị của ta với nước bạn (Trung Quốc)”.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã lên kế hoạch từ đầu năm 2020 để tổ chức các đoàn liên ngành làm việc với phía Trung Quốc, qua đó yêu cầu Chính phủ, địa phương cả hai nước hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới, đặc biệt là với mặt hàng nông sản.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch,…) sớm xây dựng các kế hoạch tiếp cận và khai thác mạnh mẽ hơn nữa thị trường Trung Quốc, phát triển xuất khẩu bền vững dựa trên thực tiễn hoạt động của Lạng Sơn.
Mặt khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý vẫn tỉnh Lạng Sơn thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy xuất khẩu qua đường chính ngạch bằng các sản phẩm hàng hóa đảm bảo đáp ứng được những tiêu chí liên quan đến an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hay điều kiện về đóng gói mẫu mã, bao bì, góp phần tăng trưởng xuất khẩu bền vững và đúng hướng.
Đồng thời, tỉnh cần tập trung triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngay sau buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa thực tế tại chợ Đông Kinh nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn.
Đi 1 vòng quanh khu vực chợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trao đổi với các tiểu thương kinh doanh nhiều loại hàng hóa, trong đó có rau củ quả, thịt lợn, gà,…
Không chỉ hỏi thăm tình hình sản xuất, kinh doanh của các chủ quầy hàng, nguồn cung giá cả vào trước và sau Tết, Bộ trưởng đã thẳng thắn đặt ra các câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm được bày bán, vấn đề chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và những vướng mắc nếu có trong quản lý thị trường.
Điểm đáng mừng là các tiểu thương đều nhận thức đầy đủ nắm rõ những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh trên thị trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng tự bỏ tiền cá nhân của mình mua 2 con gà để “kích cầu thị trường” Lạng Sơn và mừng tuổi một số bà con đang buôn bán tại chợ ngày giáp Tết, khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ người dân buôn bán tốt hơn nữa.