Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau đại dịch Covid-19 lần một và các cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc trên thế giới, Việt Nam được xem là một điểm đến vô cùng tiềm năng của các công ty công nghệ lớn, các tập đoàn sản xuất đa quốc gia trên thế giới, họ có xu thế chuyển sản xuất từ các nước khác về Việt Nam. Đây là cơ hội hiếm có để phát triển kinh tế và ngành công nghiệp của nước nhà.
“Tuy nhiên để đón được các “Đại bàng” này chúng ta cần phải xây dựng hạ tầng cơ sơ đáp ứng được yêu cầu “làm tổ của các Đại bàng”, ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong nhưng yếu tố then chốt tạo nên hạ tầng cơ sở đó”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của công nghiệp hỗ trợ trong phát triển nền kinh tế, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, ngày 6/8/2020 Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ như là một chỉ đạo vô cùng cấp thiết trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Theo Nghị quyết 115/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thành lập 5 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng, trong đó 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, điện tử và 2 trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghiệp lĩnh vực dệt may, da giầy nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, sản xuất thử nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Và theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Trung tâm kỹ thuật khuôn mẫu được khai trương hôm nay chính là bước đầu của quá hiện thực hóa mục tiêu đó.
Cơ sở máy móc trang thiết bị bước đầu được trang bị đúng mục tiêu đề ra, đảm bảo tính tiên tiến về kỹ thuật, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao năng lực cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao về hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Ngoài ra, để hoàn thiện cơ sở vật chất các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật theo Nghị quyết 115, ông Phạm Tuấn Anh cho biết Cục Công nghiệp đang từng bước khảo sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để có phương án đầu tư hiệu quả, đúng và trúng các nhu cầu thực của công đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế thử và kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm các ngành sản xuất được ưu tiên và ưu đãi phát triển theo Nghị định 111/2015/ND-CP.
Lãnh đạo Bộ Công Thương và Cục Công nghiệp cũng không quên nhấn mạnh, cần có kế hoạch, phương pháp vận hành hiệu quả nhằm phát huy tối đa chức năng của tài sản được trang bị, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng tầm nhìn dài hạn, tìm kiếm thêm các nguồn lực từ nước ngoài cũng như từ chính các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước để tự bổ sung, hoàn thiện các hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu, chưa kịp trang bị từ Chính phủ để phát huy tối đa vai trò hỗ trợ phát triển công nghiệp của mình, từng bước đưa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tham gia và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
[Quảng cáo]