Ngày 28/9/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc thuộc các mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.21.90 (nhôm thanh đùn ép).
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm Trung Quốc là 2,49% - 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.
Thuế chống bán phá giá có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng chính thức có hiệu lực (tức kể từ 28/9/2019).
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017. Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5.000 tấn.
Ngày 20/4/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1282/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Mức thuế chống bán phá giá sau rà soát đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc đã tăng lên, ở mức 4,39% - 35,58%. Số lượng doanh nghiệp bị điều tra ở đợt rà soát này cũng nhiều hơn so với lần điều tra chính thức năm 2019.
Mức thuế có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày kể từ ngày Quyết định về kết quả rà soát có hiệu lực (tức kể từ 20/4/2021).
Trên cơ sở xem xét Hồ sơ do bên liên quan nộp theo đúng quy định của pháp luật, ngày 10/6/2022, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 1149/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Để đảm bảo lợi ích cho tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các tổ chức, cá nhân đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc rà soát để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình tiến hành rà soát, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung rà soát. Đồng thời, hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra rà soát.