Chỉ thị nêu rõ, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung cụ thể.
Trong đó, yêu cầu quán triệt thực hiện nghiêm, quyết liệt và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới; chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại các Quyết định phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024, Kế hoạch cấp khí cho sản xuất điện năm 2024 và các văn bản chỉ đạo điều hành khác liên quan.
Sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ sự cố trên hệ thống điện
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
a) Chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất thường, cực đoan có thê xảy ra, đảm bảo cung ứng điện; đồng thời phải bám sát diễn biến thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tình hình vận hành các nguồn điện để điều chinh, điều tiết hợp lý các hồ thủy điện lớn miền Bắc đảm bảo dự phòng cho hệ thống điện trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. Trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương để xem xét, chỉ đạo.
b) Chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia: i) cập nhật, lập phương thức vận hành bám sát thực tế, phù hợp với diễn biến thực tế của phụ tải điện, tình hình thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), các điều kiện vận hành hệ thống điện, thị trường điện và huy động hợp lý các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân; đảm bảo phù hợp với cam kết tại Hợp đồng/Thỏa thuận thương mại mua bán điện, cung cấp nhiên liệu đã ký kết (đặc biệt là các Hợp đông/Thỏa thuận thương mại với các Dự án nhà máy điện BOT), định hướng tại các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hê thống điện quốc gia năm 2024, Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện trong năm 2024, Kế hoạch cấp khí cho sản xuất điện năm 2024; ii) Tăng cường kiểm tra, rà soát các hệ thống rơ le bảo vệ, các mạch sa thải đặc biệt trên hệ thống điện quốc gia đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành, đảm bảo các hệ thống rơ le bảo vệ hoạt động tin cậy, sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ sự cố trên hệ thống điện.
c) Tăng cường công tác phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) trong việc tính toán, cập nhật và công bố nhu cầu huy động điện đảm bảo bám sát thực tế; đảm bảo đủ thời gian để các chủ đầu tư NMNĐ chuẩn bị đủ nguồn than cho sản xuất điện theo kế hoạch, đồng thời duy trì đủ lượng than tồn kho theo định mức (đặc biệt là đối với các NMNĐ BOT và các NMNĐ sử dụng than nhập khẩu).
d) Chỉ đạo, đôn đốc công tác giám sát, kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện; Rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; Chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng cho các thiết bị của nhà máy điện để kịp thời khắc phục sự cố và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
đ) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tập trung cao độ chỉ đạo các Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, bảo đảm chất lượng kỹ thuật để hoàn thành sớm nhất có thể đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối (phấn đấu nhất định hoàn thành và đóng điện trong tháng 6/2024).
e) Chi đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực tăng cường kiểm tra tất cả các tuyến đường dây, những khu vực hành lang tuyến có nguy cơ cháy cao, các khu vực có nhiều cây, cỏ khô, thực bì dễ gây cháy rừng, khu vực mà người dân có tập quán đốt nương làm rẫy để có biện pháp xử lý kịp thời.
g) Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội:
- Tiếp tục rà soát, chuẩn bị các phương án điều chỉnh phụ tải điện, tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện (sắt thép, xi măng...) để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Bắc.
- Chủ động thống nhất, thỏa thuận với Khách hàng sử dụng điện về kế hoạch cung cấp điện hàng tháng, đặc biệt là trong các tháng mùa khô và thông báo trước cho các khách hàng để khách hàng biết và chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất.
- Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình cung ứng điện và các giải pháp cần thực hiện.
- Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh trên phạm vi cả nước để đẩy mạnh tuyên truyền về kế hoạch cung ứng điện năm 2024, những khó khăn trong việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt cho miền Bắc năm 2024 để toàn xã hội hiểu, chia sẻ khó khăn với ngành điện, thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.
Đảm bảo cung cấp nhiên liệu đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
a) Tăng cường phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ đầu tư NMNĐ đảm bảo cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện và thực hiện nghiêm cam kết tại hợp đồng/thỏa thuận thương mại mua bán, cung cấp nhiên liệu đã ký kết.
b) Chỉ đạo, đôn đốc công tác giám sát, kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện; Rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thông rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; Chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng cho các thiết bị của nhà máy điện để kịp thời khắc phục sự cố và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Đối với các đơn vị phát điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
a) Tuyệt đối tuân thủ lệnh điều độ của cấp điều độ có quyền điều khiển; thực hiện chế độ trực ca vận hành và báo cáo tình hình vận hành, sự cố của nhà máy điện theo đúng quy định hiện hành.
b) Chủ động đàm phán với các đơn vị cung cấp nhiên liệu thống nhất kế hoạch cung cấp nhiên liệu (có tính toán dự phòng hợp lý cho mùa khô) để đảm bảo đáp ứng đủ, liên tục và ổn định nhu cầu nhiên liệu cho sản xuất điện, phù hợp kế hoạch huy động điện do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cập nhật, công bố. Chủ đầu tư NMNĐ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tổ máy sẵn sàng phát điện nhưng lại thiếu nhiên liệu dẫn đến không phát đủ công suất hoặc phải dừng tổ máy.
c) Tăng cường giám sát, kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, hệ số sẵn sàng, nâng cao khả năng phát điện; Rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; Chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng cho các thiết bị của nhà máy điện để kịp thời khắc phục sự cố và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.