Cà Mau: Điểm đến tạo sức hút mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam

Thời gian gần đây, cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã nổ lực vượt khó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá sản phẩm góp phần cho du lịch Cà Mau đạt khá so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Với cách làm đổi mới, sáng tạo, Cà Mau đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Xây dựng du lịch Cà Mau trở thành điểm đến An toàn - thân thiện - uy tín - chất lượng

Năm 2021, ngành du lịch Cà Mau dự kiến đón 1.860.000 lượt khách, tổng thu khoảng 2.600 tỷ đồng. Để triển khai thực hiện được mục tiêu đó trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, ngành du lịch Cà Mau tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo loại hình du lịch là thế mạnh của tỉnh như: sinh thái, cộng đồng, rừng, biển đảo, gắn với hệ thống sản phẩm du lịch từ nông nghiệp (thủy, hải sản), làng nghề truyền thống,… gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau.

Đất mũi Cà Mau
Đất mũi Cà Mau

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau gắn với công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, nhằm giới thiệu về vùng đất, văn hóa và con người Cà Mau. Ngay đầu năm 2021, tỉnh đã xây dựng Chương trình “Cà Mau – Điểm đến 2021” với các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại. Chương trình này giới thiệu hình ảnh, lợi thế phát triển KT-XH, trong đó, chú trọng phát triển thương mại, thu hút đầu tư, du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên về mục tiêu của xây dựng, phát triển du lịch Cà Mau, Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Với mục tiêu xây dựng du lịch Cà Mau trở thành điểm đến An toàn – thân thiện – uy tín – chất lượng; tỉnh tập trung xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch đạt thương hiệu du lịch quốc gia theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Riêng năm 2021, với Chương trình sự kiện Cà Mau – Điểm đến 2021 với kỳ vọng Cà Mau sẽ phát triển du lịch hài hòa với phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025”.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, từ nay đến năm 2025, ngành VH-TT&DL Cà Mau tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và phát triển kinh tế biển. Trong đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón khoảng 2,7 triệu lượt khách với tổng doanh thu khoảng 7.360 tỷ đồng. Chú trọng đổi mới cơ chế, thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch quy mô lớn.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo mới, hấp dẫn. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Khu Du lịch Mũi Cà Mau. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau “An toàn – Thân thiện – Uy tín – Chất lượng” gắn với giá trị địa lý là tỉnh cực Nam Tổ quốc.

Khu du lịch Đất Mũi Cà Mau: Tạo sản phẩm khác biệt để thu hút du khách

Vượt qua những khó khăn chung, thời gian qua Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia (BQL KDLQG) Mũi Cà Mau luôn đổi mới trong công tác quản lý, điều hành để thực hiện mục tiêu đưa du lịch Đất Mũi phát triển, trở thành điểm đến có sức hút mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong đó nổi bật là những sản phẩm du lịch khác biệt, gắn với đặc trưng của vùng Đất Mũi đang ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Sở Văn hóa TT&DL tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng thuộc Sở và các cơ quan liên quan, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, BQL KDLQG Mũi Cà Mau linh hoạt, chủ động trong việc triển khai kịp thời các kế hoạch, chương trình công tác. Đội ngũ viên chức, người lao động đáp ứng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và quản lý quy hoạch đầu tư đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. BQL đã xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Mũi Cà Mau bằng nhiều hình thức... Việc thông tin, hỗ trợ du lịch tạo được thêm nhiều kênh thông tin mới.

BQL tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành, các hộ du lịch cộng đồng tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng từ đó đầu tư kinh doanh phát triển các dịch vụ như nhà nghỉ, điểm ăn uống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương, hộ du lịch cộng đồng.

Tổng lượt khách đến tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau năm 2020 là 244.631 khách (có 218 khách quốc tế, 13.313 khách tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau), qua đó góp phần tăng thu nhập kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau trở thành điểm đến có sức hút mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu xây dựng du lịch Cà Mau trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao; xây dựng sản phẩm và loại hình du lịch của tỉnh đạt thương hiệu quốc gia đó là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm, nhiều cá, có rừng, có biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt; cảnh quan thiên nhiên (miệt vườn, cây trái, hoa màu, vuông tôm,…), hệ sinh thái đa dạng, sự phong phú về ẩm thực đặc sản, sản vật đặc trưng của địa phương là những điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như:

- Trải nghiệm hệ sinh thái ngập mặn: du khách cùng cư dân địa phương đi bắt cá, vọp, ốc len, cua,... cùng chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã, thưởng thức đờn ca tài tử. Đặc biệt, là tour du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để du khách có thể tham quan hệ sinh thái đặc trưng của rừng nguyên sinh.

- Trải nghiệm hệ sinh thái ngập ngọt: Cùng người dân đi ăn ong (lấy mật ong), chụp đìa, hái rau dại,…chế biến những món ăn dân dã như cá lóc nướng trui, đọt choại xào, gỏi ong non,... nghe kể chuyện bác Ba Phi và kinh nghiệm gác kèo ong...

Bên cạnh sự đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên, Cà Mau còn có tài nguyên du lịch nhân văn với rất nhiều công trình, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất, con người, sông nước Cà Mau.

Hiện nay, Cà Mau có 12 di tích quốc và 34 di tích cấp tỉnh, hướng khai thác và phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch là một trong những chủ trương đang được tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện.

Cũng tại Mũi Cà Mau với biểu tượng Cột cờ Hà Nội đã khẳng định chủ quyền, khát vọng của hòa bình, ấm no và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và cũng là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dãi đất hình chữ “S” hướng ra biển đông thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Văn Thắng