TÓM TẮT:
Cùng với xu thế hội nhập và phát triển kinh tế hiện nay, ngành Du lịch ngày càng khẳng định được vị trí là một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế của các nước, mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo giữa các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, TP. Cần Thơ có thuận lợi về phát triển du lịch sinh thái miệt vườn (DLSTMV), trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, DLSTMV ở TP. Cần Thơ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có. Đây chính là vấn đề cần được các cấp chính quyền TP. Cần Thơ chú trọng và cân nhắc đưa ra các chính sách phù hợp để phát triển DLSTMV.
Từ khóa: Ngành công nghiệp không khói, du lịch sinh thái miệt vườn, TP. Cần Thơ.
1. Đặt vấn đề
DLSTMV từ lâu đã là một loại hình du lịch hấp dẫn, đặc biệt phát triển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dọc theo các nhánh sông Mekong, trong đó có TP. Cần Thơ.
Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ là thành phố vừa mang dáng dấp của một đô thị sông nước miệt vườn, vừa có tầm vóc của một thành phố công nghiệp hiện đại, với những nỗ lực của các cấp nhằm vươn lên trở thành thành phố chủ lực của vùng Tây Nam Bộ. Do vậy, để tận dụng những thế mạnh sẵn có của mình, Cần Thơ đang phát triển mạnh loại hình DLSTMV, một loại hình du lịch khá phổ biến tại vùng Tây Nam Bộ. Trong thời gian gần đây, DLSTMV tại Cần Thơ đã có nhiều bước tiến và đạt được kết quả đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Cần Thơ. Tuy nhiên, DLSTMV Cần Thơ vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết và tồn tại nhiều hạn chế. Vì vậy, bài viết nghiên cứu thực trạng hiện nay của DLSTMV Cần Thơ, các điều kiện nhằm phát triển loại hình du lịch này và đề xuất một số giải pháp để thu hút khách du lịch (KDL), từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Thành phố.
2. Những vấn đề chung về du lịch miệt vườn
2.1. Miệt vườn
2.1.1. Khái niệm miệt vườn
Miệt vườn là danh từ xuất hiện rất lâu đời trong văn hóa người dân Nam bộ. Ngày nay, danh từ này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có lĩnh vực du lịch. Trong nhiều nghiên cứu, miệt vườn còn được định nghĩa là một dạng đặc biệt của hệ sinh thái nông nghiệp với các khu chuyên canh trồng cây ăn quả, hoa và cây cảnh… hấp dẫn với KDL. Đồng thời, miệt vườn còn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở ĐBSCL, tạo nên những giá trị bản địa riêng biệt được gọi là "văn minh miệt vườn" và trở thành một dạng tài nguyên du lịch sinh thái đặc sắc.
2.1.2. Đặc điểm miệt vườn
Miệt vườn là những hệ sinh thái nhân tạo thuộc kiểu vườn nhà với một căn nhà bao quanh bởi mảnh đất được trồng nhiều loại hoa màu, cây ăn trái nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của nhà vườn, công lao động chủ yếu do những thành viên trong gia đình thực hiện, diện tích khoảng vài trăm mét vuông đến 1 - 2 mẫu.
Do đặc điểm đất thấp, mức nước ngầm cao, sông rạch nhiều, mùa mưa bị ngập úng nên hầu hết diện tích vườn đều được đào mương liên tiếp phục vụ tưới tiêu, chống úng vào mùa mưa lũ, nuôi thủy sản tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, một số mô hình vườn nhà được thiết kế kết hợp với hoạt động DLSTMV.
2.2. Du lịch sinh thái miệt vườn
2.2.1. Khái niệm
Cho đến nay, chưa có khái niệm thống nhất về DLSTMV. Vì vậy, có thể hiểu "DLSTMV là hình thức du lịch cung cấp các sản phẩm tự nhiên sẵn có của địa phương phục vụ cho sự phát triển du lịch và góp phần cải thiện kinh tế, tôn vinh bảo tồn giá trị truyền thống của cư dân địa phương". Hình thức du lịch này có nhiều ở miền Nam - Việt Nam, hình thành nên một nét đặc trưng cho du lịch vùng Nam Bộ, trong đó có TP. Cần Thơ.
2.2.2. Đặc điểm của du lịch sinh thái miệt vườn
DLSTMV đưa KDL đến với môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thơ mộng, con người thân thiện, món ăn dân dã, cùng các loại trái cây ăn trái đặc sản nổi tiếng mỗi vùng, các tour du lịch thường kết hợp dã ngoại, thăm vườn và tham quan các di tích văn hóa lịch sử.
DLSTMV là nét đặc trưng độc đáo của vùng sông nước ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng. Với những khu du lịch, khu miệt vườn được thiết kế hết sức hấp dẫn, mang đậm phong cách vùng sông nước như vườn cây ăn trái, vườn cây cảnh Bonsai, ao thả cá, kết hợp với các hoạt động như hái quả và thưởng thức các món ăn địa phương.
3. Thực trạng nhu cầu DLSTMV tại TP. Cần Thơ
3.1. Nguồn khách
Từ kết quả khảo sát có thể thấy nhu cầu chung của KDL đến với DLSTMV là muốn được hòa mình vào môi trường thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng, phong cảnh tự nhiên của bản địa, được tham gia các hoạt động ngoài trời của vùng sông nước, vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt về số lần ghé thăm giữa du khách quốc tế và du khách trong nước, như sau:
Bảng 1. Tỉ lệ số lần khách du lịch đến miệt vườn
Số lần | Khách du lịch quốc tế | Khách du lịch nội địa | ||
Số người (n) | Tỉ lệ (%) | Số người (n) | Tỉ lệ (%) | |
1 lần | 43 | 78.2 | 12 | 21.8 |
2 lần | 4 | 19 | 17 | 81 |
3 lần | 3 | 14.3 | 18 | 85.7 |
Trên 3 lần | 0 | 0 | 3 | 100 |
Nguồn: Số liệu tác giả thu thập
Kết quả Bảng 1 cho thấy, đối với du khách quốc tế, đa số đều là lần đầu tiên đi DLSTMV tại TP. Cần Thơ, chiếm tỷ lệ 78.2% (n = 43), chỉ có 19% (n = 4) là lần thứ 2, 14% (n = 3) lần thứ 3, và chưa có ai tham gia phỏng vấn trên 3 lần đến du lịch tại Cần Thơ. Ngược lại, du khách trong nước được phỏng vấn cho kết quả 21,8% (n = 12) là lần thứ nhất, chỉ có 81% (n = 17) là lần thứ 2, 85.7% (n = 18) lần thứ 3, và phỏng vấn có trên 3 lần khách nội địa đi DLSTMV tại Cần Thơ là 100%.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trên là do: xu hướng khách nội địa thường đi DLSTMV vào những kỳ nghỉ lễ ngắn ngày với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện đi lại (sự chủ động về phương tiện cá nhân) và sự am hiểu về địa lý, vùng; còn đối với du khách quốc tế thường là các kỳ nghỉ dài ngày, vừa kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và DLSTMV, họ muốn khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán và ẩm thực tại vùng sông nước Cần Thơ nên số lần đến với DLSTMV lần thứ nhất thường nhiều hơn so với những lần tiếp theo.
3.2. Nguồn thông tin
Bảng 2. Tỉ lệ số lần du khách tìm hiểu thông tin qua các kênh thông tin
Nguồn thông tin khảo sát | Khách du lịch quốc tế | Khách du lịch nội địa | ||
Số người (n) | Tỉ lệ (%) | Số người (n) | Tỉ lệ (%) | |
Công ty lữ hành | 15 | 88.2 | 2 | 11.8 |
Bạn bè, người thân, đồng nghiệp | 14 | 27.5 | 37 | 72.5 |
Sách, báo, internet | 14 | 58.3 | 10 | 41.7 |
Khác | 7 | 87.5 | 1 | 12.5 |
Nguồn: Số liệu tác giả thu thập
Từ Bảng 2 cho thấy, đa phần KDL quốc tế tìm hiểu thông tin qua các công ty lữ hành (chiếm 88.2% với n = 15) và các phương tiện thông tin khác (chiếm 87.5% với n = 7). Trong khi đó, đối với KDL nội địa, đa phần tìm hiểu thông tin qua bạn bè và người thân, đồng nghiệp với tỷ lệ 72.5% (n = 37) và qua phương tiện sách, báo, mạng internet là 41.7% (n = 10).
Điều này hoàn toàn dễ lý giải bởi du khách quốc tế thường có sự cách biệt về địa lý, quốc gia, vùng lãnh thổ nên phương tiện tìm hiểu chủ yếu qua các công ty du lịch lữ hành, qua mạng internet, các phương tiện khác cao hơn so với KDL nội địa. Còn với KDL nội địa, đa phần thường đi du lịch qua kinh nghiệm chia sẻ của bạn bè, người thân, đồng nghiệp khá cao và các thông tin đọc được thông qua mạng internet, sách, báo.
3.3. Tiếp cận điểm đến
Bảng 3. Tỉ lệ số lần du khách tiếp cận điểm đến DLSTMV
Khả năng tiếp cận điểm đến DLSTMV | Khách du lịch quốc tế | Khách du lịch nội địa | ||
Số người (n) | Tỉ lệ (%) | Số người (n) | Tỉ lệ (%) | |
Rất thuận lợi | 17 | 73.9 | 6 | 26.1 |
Thuận lợi | 33 | 44.6 | 41 | 55.4 |
Không thuận lợi | 0 | 0 | 3 | 100 |
Nguồn: Số liệu tác giả thu thập
Bảng 3 cho thấy dù có lợi thế du lịch nội địa nhưng KDL nội địa tiếp cận DLSTMV ít có điều kiện thuận lợi hơn so với KDL quốc tế, đặc biệt du khách quốc tế không gặp phải khó khăn nào khi tiếp cận DLSTMV Cần Thơ, trong khi du khách trong nước vẫn còn gặp những điều kiện không thuận lợi. Cụ thể: Về khả năng tiếp cận rất thuận lợi, trong khi KDL quốc tế đạt 73.9% (n = 17) thì KDL trong nước chỉ đạt 26.1% (n = 6); Ở mức thuận lợi lần lượt là 44.6% (n = 33) và 55.4% (n = 41); Ở mức không thuận lợi là 0% và 100% (n = 3).
3.4. Phương tiện di chuyển DLSTMV
Bảng 4. Tỉ lệ sử dụng phương tiện của du khách
Phương tiện di chuyển | Khách du lịch quốc tế | Khách du lịch nội địa | ||
Số người (n) | Tỉ lệ (%) | Số người (n) | Tỉ lệ (%) | |
Ô tô | 36 | 81.8 | 8 | 18.2 |
Xe gắn máy | 1 | 2.4 | 40 | 97.6 |
Xe đạp | 4 | 100 | 0 | 0 |
Đi bộ | 4 | 100 | 0 | 0 |
Phương tiện khác | 5 | 83.3 | 1 | 16.7 |
Nguồn: Số liệu tác giả thu thập
Bảng 4 cho thấy, KDL nội địa thường lựa chọn xe gắn máy khi đi du lịch với tỉ lệ 97,6% (n = 40), trong khi KDL quốc tế lại chọn sử dụng ôtô và phương tiện khác với tỉ lệ lần lượt là: 81,8% với n = 36 và 83,3% với n =5, nguyên nhân do sự thuận lợi về điều kiện giao thông và sự chủ động về phương tiện cá nhân. Đặc biệt, trong khi KDL trong nước hoàn toàn không sử dụng xe đạp và đi bộ để tham quan tại Cần Thơ thì vẫn có KDL quốc tế lựa chọn phương thức di chuyển này.
3.5. Lý do khách du lịch chọn các điểm DLSTMV
Bảng 5. Tỉ lệ lý do du khách chọn các điểm DLSTMV
Lý do khách du lịch chọn các điểm DLSTMV | Khách du lịch quốc tế | Khách du lịch nội địa | ||
Số người (n) | Tỉ lệ (%) | Số người (n) | Tỉ lệ (%) | |
Tìm hiểu về sinh thái miệt vườn | 24 | 32 | 32 | 47.1 |
Cơ sở hạ tầng hiện đại | 1 | 1.3 | 1 | 1.5 |
Giá cả dịch vụ thấp hơn | 3 | 4.0 | 6 | 8.8 |
Tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt người dân vùng sông nước | 42 | 56 | 20 | 29.4 |
Có nhiều khu vui chơi giải trí, nhiều hoạt động hấp dẫn | 5 | 6.7 | 9 | 13.2 |
Nguồn: Số liệu tác giả thu thập
Bảng 5 cho thấy, DLSTMV tại Cần Thơ thu hút KDL quốc tế và KDL nội địa vì Cần Thơ có hệ sinh thái miệt vườn trong lành mát mẻ, lý do này chiếm tới 32% đối với khách quốc tế và 41,1% khách nội địa; Lý do thứ hai là vì du khách muốn tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước, đối với KDL quốc tế chiếm 56% và KDL nội địa 29,4%. Các lý do khác như: có nhiều khu vui chơi giải trí hoạt động hấp dẫn KDL quốc tế 6,7% và KDL nội địa 13,2%, cơ sở hạ tầng hiện đại KDL quốc tế 1,3% và KDL nội địa 1.5%. Do vậy, ngành Du lịch Cần Thơ cần phải có những giải pháp phát huy và bảo tồn thế mạnh cảnh quan tự nhiên, sông nước miệt vườn của mình, hướng đến sự phát triển bền vững lâu dài.
4. Các giải pháp nhằm thu hút KDL đến với DLSTMV TP. Cần Thơ
4.1. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương
Du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế đòi hỏi cần phải có sự liên kết, liên ngành và có tính xã hội hóa cao, cần phải có sự tham gia phối hợp của cộng đồng địa phương. Đồng thời, cần phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên môi trường và văn hóa bản địa, đảm bảo việc khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch trong quá trình tham gia hoạt động DLSTMV. Do vậy, cần:
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển DLSTMV để người dân thấy được những lợi ích mà du lịch mang lại và có sự hợp tác với nhà quản lý, nhà kinh doanh du lịch.
Hướng cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch phát triển ngành Du lịch, lựa chọn những phương án tốt nhất đáp ứng những mong đợi của họ.
Có những cơ chế chính sách phù hợp để cộng đồng địa phương tham gia vào các tổ chức kinh doanh du lịch, có sự chia sẻ lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương như: ưu tiên được tuyển chọn vào làm việc trong các tổ chức doanh nghiệp, đóng góp bắt buộc cho công tác bảo tồn tài nguyên, nâng cao trình độ dân trí, sử dụng các công trình của đơn vị kinh doanh.
Nghiên cứu, chỉ rõ và đặt hàng cho các cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề truyền thống của cộng đồng phục vụ cho ngành Du lịch.
Khuyến khích phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương phục vụ du lịch. Thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, hướng nghiệp và tuyển dụng người dân địa phương vào làm du lịch.
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch như: đầu tư, tham gia trực tiếp làm du lịch, tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch, sản xuất hàng hóa bán cho khách và các đơn vị kinh doanh du lịch.
Khuyến khích người dân địa phương duy trì và phát triển mô hình dịch vụ nghỉ đêm lại nhà dân (homestay) nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Hướng du khách tham gia vào các hoạt động du lịch khám phá dân dã như ăn, ngủ, sinh hoạt hái trái cây, thả lưới bắt cá,… giống người nông dân địa phương.
Thường xuyên trao đổi với người dân để lấy ý kiến về hoạt động phát triển du lịch. Mời đại diện của cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình thẩm định, xét duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Mở lớp tập huấn cho người dân địa phương về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc vườn cây ăn trái, bảo vệ môi trường sinh thái tài nguyên du lịch cũng như kỹ năng giao tiếp để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, đem lại sự hài lòng tuyệt đối cho du khách khi chọn tham gia loại hình du lịch này.
4.2. Thu hút đầu tư vào kinh doanh miệt vườn
Thu hút đầu tư vào kinh doanh miệt vườn là giải pháp then chốt đối với phát triển DLSTMV Cần Thơ, vì vậy:
Cần đầu tư xây dựng quy hoạch dự án các khu, điểm du lịch miệt vườn trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển các khu, điểm du lịch, làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư. Đồng thời phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao phù hợp; bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử, các lễ hội truyền thống.
Đầu tư xây dựng đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch với các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển du lịch đô thị nhằm khẳng định vị trí và phát huy vai trò của đô thị trung tâm vùng.
Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng và các công trình dịch vụ du lịch bổ trợ phù hợp với từng khu vực cụ thể.
Đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên tự nhiên, các hệ sinh thái và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.
4.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Về nhận thức: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao nhận thức du lịch bằng nhiều hình thức cho cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động du lịch.
Về quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng nhân lực sau đào tạo và phải theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch theo từng giai đoạn; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có năng lực đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của thành phố nói chung.
Về tài chính và cơ chế, chính sách: Rà soát cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ cho nhân sự đi học, chính sách luân chuyển thu hút cán bộ để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương. Tăng cường đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; thu hút nguồn kinh phí xã hội hóa phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ nguồn ngân sách nhà nước, các chương trình, đề án và xã hội hóa.
Về quản lý, đào tạo và sử dụng: Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà khoa học và các đơn vị du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch phát triển du lịch nhanh và bền vững. Các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình hợp tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn và sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với vị trí việc làm và nhu cầu của xã hội. Rà soát hiện trạng nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo, để xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả.
4.4. Công tác quảng bá hình ảnh DLSTMV TP. Cần Thơ
Từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Cần Thơ tại các chương trình, sự kiện, lễ hội lớn trong và ngoài thành phố. Đổi mới, nâng tầm các hoạt động điểm nhấn du lịch tổ chức thường niên của thành phố; Sáng tạo, đổi mới phương thức tuyên truyền, cổ động trực quan, sản phẩm trưng bày, nhằm nâng cao hiệu quả gian hàng quảng bá du lịch.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lữ hành tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch TP. Cần Thơ tại các sự kiện, hội chợ lớn về du lịch trong và ngoài nước và tại các thị trường du lịch trọng điểm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến. Phối hợp Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường nước ngoài có tiềm năng: Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch. Phát huy hiệu quả Cổng thông tin điện tử du lịch TP. Cần Thơ. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa tin, bài viết, phóng sự về du lịch Cần Thơ trên các báo, tạp chí, chương trình truyền hình chuyên đề về du lịch.
5. Kết luận
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và những giá trị văn hóa nổi bật, TP. Cần Thơ có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là DLSTMV. Trong những năm qua, DLSTMV Cần Thơ đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, từng bước tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ, nhận thức về DLSTMV được nâng lên, người dân hiểu về ý nghĩa của phát triển DLSTMV gắn với phát triển kinh tế; tạo được nhiều việc làm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để phát triển bền vững DLSTMV, Cần Thơ cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế và khai thác hợp lý các điều kiện phát triển DLSTMV Cần Thơ, có chính sách quảng bá hình ảnh du lịch miệt vườn phù hợp, tăng cường khuyến khích sự tham gia cộng đồng vào hoạt động du lịch miệt vườn, xây dựng tuyến điểm du lịch miệt vườn để phát triển DLSTMV Cần Thơ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Thúy Anh (Chủ Biên), Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Anh Hoa (2004), Ứng xử văn hóa trong du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái, Nxb Giáo dục.
3. Trần Phỏng Diều (2009), Văn hóa sông nước Cần Thơ, Nxb Văn Nghệ, TP. HCM.
4. Nguyễn Đình Hòe (2008), Môi trường và phát triển bền vững, Nxb Giáo dục.
5. UBND TP. Cần Thơ (2014), Báo cáo tổng hợp điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP. Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
THE CONDITIONS FOR DEVELOPING ECOTOURISM IN CAN THO CITY
● MA. DO NGOC HAO
Ho Chi Minh City Industry and Trade College
ABSTRACT:
Along with the current trend of integration and economic development, the Tourism Industry has increasingly affirmed its position as one of the important economic sectors, contributing effectively to the economic development of other countries. broad cultural, economic, political and religious exchanges between countries around the world as well as in Vietnam in general and Can Tho city in particular. With the advantages of natural conditions, Can Tho city can facilitate the development of ecotourism, thus helping the city becoming a tourist attraction. However, ecotourism in Can Tho currently has many limitations undermining its true potential. It is urgent that the authority of Can Tho considers appropriate policies to develop ecotourism.
Keywords: Smokeless industry, ecotourism, Can Tho city.