Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

NGUYỄN THỊ THANH THỦY - TRẦN THỊ KIM CHI (Giảng viên Trường Đại học Trà Vinh) - NGUYỄN TRƯỜNG GIANG - BÀNH QUỐC THÀNH (Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Thuế luôn là vấn đề cốt lõi của mọi quốc gia là một công cụ điều tiết kinh tế của mỗi quốc gia và các chính sách thuế được xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn.

Hiện nay, cơ chế tự khai tự nộp được xem là cơ chế hiệu quả, nâng cao tính pháp lý và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tuân thủ thuế tự nguyện. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về thuế của người dân còn kém nên việc gian lận thuế, thất thoát nguồn thu là việc khó tránh khỏi. Để thúc đẩy quản lý thuế với mục tiêu nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, hạn chế gian lận thuế của người nộp thuế hiện nay ở Việt Nam nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, bài viết sẽ nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 nhân tố tác động đến hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV tại tỉnh Trà Vinh, gồm: Yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất là “Cơ hội gian lận”, “Động cơ (áp lực) gian lận” ảnh hưởng mạnh thứ hai và “Khả năng hợp lý hóa hành vi” ảnh hưởng mạnh thứ ba. Riêng yếu tố “Ý thức thuế” không có ý nghĩa thống kê. Ngoài ra, một số hàm ý nhằm nâng cao công tác quản lý và nhận diện sớm các hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV tỉnh Trà Vinh cũng được nêu ra vào cuối bài nghiên cứu này.

Từ khóa: Gian lận, thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Trà Vinh.

1. Cơ sở lý thuyết về hành vi gian lận thuế GTGT

1.1. Các dấu hiệu nhận biết gian lận

Trong kiểm toán, dấu hiệu nhận biết trong kiểm toán điều tra có tính chất khác nhau và bao gồm các yếu tố bất thường về kế toán, giao dịch hoặc sự kiện không giải thích được. Dựa trên tam giác gian lận với 3 chân là áp lực, thái độ cá tính, cơ hội để phạm tội. Trong đó, 2 yếu tố áp lực và thái độ thuộc về yếu tố bên trong của chủ thể gian lận, yếu tố cơ hội thuộc về yếu tố bên ngoài chủ thể gian lận, đó chính là hệ thống kiểm soát nội bộ tại đơn vị.

Các dấu hiệu nhận biết gian lận thuế GTGT: tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ; giảm thuế GTGT đầu ra; điều chỉnh thuế GTGT đầu vào và đầu ra không đúng quy định.

1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gian lận thuế GTGT

(1) Cơ hội gian lận: Richard M. Bird & Oliver Oldman (1990), không phải mọi bản kê khai thuế đều được kiểm toán nên người nộp thuế sẽ hưởng lợi không chỉ từ thời giá của tiền tệ, mà còn hưởng lợi trong những trường hợp họ làm sai nhưng không bị phát hiện. Khi những cách diễn giải của người nộp thuế trở nên ngày càng gượng ép và khi người nộp thuế ngày càng dựa dẫm nhiều hơn vào “việc kiểm toán được chọn ngẫu nhiên như xổ số” để tránh thuế, thì việc tránh thuế tiến gần hơn đến hành vi trốn thuế.

(2) Động cơ (áp lực) gian lận: Allingham & Sandmo (1972), hình phạt và nhận thức về việc phạm tội có tác động đến tuân thủ thuế. Ý nghĩ sợ hình phạt sẽ ngăn chặn hành vi trốn thuế. Thiết lập một hệ thống hiệu quả xử lý hành vi trốn thuế là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tuân thủ thuế. Người nộp thuế sẽ có nhiều khả năng tuân thủ nếu hành vi không tuân thủ tất yếu sẽ bị phạt. Ngoài ra, người nộp thuế cũng nhận thấy rằng khi họ không bị phát hiện vì cơ quan thuế ít khi kiểm tra hoặc thanh tra thuế, họ có thể thực hiện những hành vi trốn thuế phức tạp hơn để hạn chế số thuế phải nộp. Những phát hiện này phù hợp với các đề xuất lý thuyết cho rằng việc lo sợ bị phát hiện sẽ tác động đến các mức độ của hành vi tuân thủ thuế, cũng có nghĩa là những người trốn thuế sẽ đề phòng cẩn thận hơn khi họ nhận thấy rủi ro bị phát hiện cao.

(3) Khả năng hợp lý hóa hành vi gian lận: Benno Torgler (2003) “Người nộp thuế có khả năng khác nhau để bày tỏ thái độ của họ đối với một hệ thống thuế. Trong khi văn hóa tuân thủ thuế chủ yếu tập trung vào các chiến lược bất hợp pháp hành vi trốn thuế, một khả năng khác là để tránh thuế”.

(4) Ý thức thuế: Feld, L.P. and Frey, B.S. (2007), cho rằng việc tuân thủ thuế là kết quả của một sự tương tác phức tạp giữa ý thức thuế và biện pháp răn đe của cơ quan thuế. Ý thức thuế không chỉ tăng lên nếu người nộp thuế cảm nhận được hàng hóa công mà họ nhận được là tốt khi đổi lấy tiền thuế của họ và nó cũng có thể giảm nếu các cá nhân nhận thấy các quyết định của cơ quan chính phủ cho các hoạt động công hay sự cư xử của cơ quan thuế đối với người nộp thuế là không công bằng.

2. Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở kết hợp các lý thuyết có liên quan, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gồm 4 nhân tố như Bảng 1:

Bảng 1. Tổng hợp cơ sở hình thành thang đo và chiều tác động Richard M. Bird & Oliver Oldman (1990)

Tổng hợp cơ sở hình thành thang đo và chiều tác động Richard M. Bird & Oliver Oldman (1990)

Số liệu được thu thập vào tháng 5/2019 với đối tượng được phỏng vấn ngẫu nhiên 165 DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tác giả sử dụng thang đo Likert 5 điểm: 1 là hoàn toàn không đồng ý; 2 là không đồng ý; 3 là không ý kiến; 4 là đồng ý; 5 là Hoàn toàn đồng ý. Nghiên cứu được tiến hành qua 2 bước: (1) Nghiên cứu định tính bằng cách xây dựng thang đo và các biến quan sát phù hợp; (2)  Nghiên cứu định lượng thông qua sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 20.0 bằng việc sử dụng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha để kiểm tra mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương đương với nhau; phân tích nhân tố khám phá (EFA) được kiểm định các nhân tố ảnh hưởng và nhận diện các yếu tố được cho là phù hợp; đồng thời sử dụng phân tích hồi quy đa biến để xác định các nhân tố và mức độ tác động của từng nhân tố đến hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV tại tỉnh Trà Vinh. Mô hình nghiên cứu cụ thể như sau: HV = β0 + β1*CH + β2*KN + β3*ĐC + β4*YT + ε

Trong đó: βi là trọng số hồi quy; CH là cơ hội gian lận; KN là khả năng hợp lý hóa hành vi; ĐC là động cơ gian lận; YT là ý thức thuế; HV là hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; ε là hệ số nhiễu.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach's Alpha

Kết quả chạy Cronbach’s Alpha của thang đo cho 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc như sau: Cơ hội gian lận (CH) có Cronbach’s Alpha= 0.876; Khả năng hợp lý hóa hành vi (KN) có Cronbach’s Alpha = 0.646; Động cơ gian lận (ĐC) có Cronbach’s Alpha = 0.725; Ý thức thuế (YT) có Cronbach’s Alpha = 0.725; Hành vi gian lận thuế GTGT (HV) có Cronbach’s Alpha = 0.870.

Tất cả các thang đo của các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 và hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0.6. Điều này cho thấy các biến quan sát của tất cả thang đo đảm bảo độ tin cậy. Do đó, cả 18 biến quan sát cho 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc đều được giữ lại để phân tích EFA.

3.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Phân tích khám phá EFA cho biến độc lập (CH, KN, ĐC, YT): kết quả EFA cho thấy hệ số KMO = 0.750 và kiểm định Barlett có Sig.= .000 (< 0.05) cho thấy phân tích EFA là thích hợp.

Phân tích khám phá EFA cho biến phụ thuộc (HV): kết quả EFA cho thấy hệ số KMO = 0.783 và kiểm định Barlett có Sig.= .000 (<0.05) cho thấy phân tích EFA là thích hợp.

3.3. Kiểm định các giả thiết cần thiết trong mô hình phân tích hồi quy

Xét ma trận tương quan: Các biến có giá trị sig. (2 - tailed) < 0.05 theo hàng biến phụ thuộc được chọn làm các biến độc lập để chạy hàm hồi quy đa biến. Kết quả có 4 biến có giá trị sig. (2 - tailed) < 0.05 nên được chọn làm các biến độc lập để chạy hàm hồi quy đa biến.

Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến: Kết quả kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến của mô hình, ta thấy hệ số phóng đại phương sai (VIF) của các khái niệm độc lập trong mô hình đều nhỏ hơn 2; chứng tỏ giữa các khái niệm độc lập không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Kiểm định về tính độc lập của phần dư: Đại lượng thống kê Durbin - Watson (d) của hàm hồi quy có giá trị là 1.600 < 3. cho thấy: không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc 1 hay nói cách khác các phần dư ước lượng của mô hình độc lập, không có mối quan hệ tuyến tính với nhau.

3.4. Kết quả chạy mô hình hồi quy

Bảng 2. Mô hình hồi quy

Mô hình hồi quy

Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình có độ phù hợp đạt yêu cầu (R2 hiệu chỉnh = 0.604, điều này có nghĩa 60.4% sự biến thiên của hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được giải thích bởi sự biến thiên của 3 biến độc lập với độ tin cậy 95%; còn lại 39.6% được giải thích bởi các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.

Phương trình hồi quy được viết như sau: HV = 0.449*CH + 0.411*ĐC + 0.256*KN

Như vậy, trong 4 nhân tố trong mô hình nghiên cứu thì có 3 nhân tố được chấp nhận gồm CH, KN, ĐC, riêng nhân tố YT không có ý nghĩa thống kê vì Sig. = .070 > .05 và 3 nhân tố được chấp nhận đều có tác động cùng chiều với hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Ý nghĩa: Trong các điều kiện các nhân tố khác không thay đổi, khi Cơ hội gian lận, Động cơ (áp lực) gian lận và Khả năng hợp lý hóa hành vi tăng lên 1 thì hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tăng lên tương ứng 0.449, 0.411 và 0.256 đơn vị.

4. Kết luận và đề xuất hàm ý quản trị

4.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gồm: (1) Cơ hội gian lận; (2) Động cơ (áp lực) gian lận; (3) Khả năng hợp lý hóa hành vi. Trong đó, nhân tố Cơ hội gian lận có mức độ tác động mạnh nhất đến hành vi gian lận thuế GTGT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

4.2. Đề xuất hàm ý quản trị

Thứ nhất, cơ hội gian lận: Tăng cường chế tài xử lý cán bộ có liên quan đến hành vi gian lận của DN; Tập huấn kiến thức cho cán bộ làm công tác liên quan đến thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường; Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, đảm bảo các nguồn hàng ra vào đều có hóa đơn chứng từ rõ ràng.

Thứ hai, động cơ (áp lực) gian lận: Hoàn thiện chính sách pháp luật, kịp thời phát hiện, sửa đổi các kẽ hở chính sách pháp luật; Cắt giảm các loại thuế phí không cần thiết, tạo nhiều ưu đãi thuế đối với DN, thúc đẩy DN phát triển, đủ sức cạnh tranh với các DN lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài; Tăng cường công tác thanh tra các DN, đưa ra những đãi ngộ đối với các cá nhân, tổ chức phát hiện và khai báo các DN vi phạm chính sách, pháp luật.

Thứ ba, khả năng hợp lý hóa hành vi: Sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể rõ ràng luật thuế, triển khai hướng dẫn nhất quán để tránh trường hợp hiểu sai và cố tình hiểu sai nội dung luật thuế; Tăng cường chế tài xử lý đối với kế toán trực tiếp vi phạm, tăng cường xử lý đối với các cấp quản lý và doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức vi phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. B.Kamleitner, C.Korunka and E.Kirchler (2010), “Tax compliance of small business owners”, Emerald, vol.18, pp.130 - 135.

2. Benno Torgler (2003), “Tax Morale and Institutions”, Crema no. 2003-09

3. Gruber J, (2010), “The Equity Implications of Taxation: Tax Incidence”, Public Finance and Public Policy, 3rd edn, Worth Publishers, New York.

4. Richard M. Bird và Oliver Oldman (1990), Thuế ở các nước đang phát triển, Ấn bản lần 4, Baltimo, NXB Johns Hopkins phát hành.

5. Allingham & Sandmo (1972), Income Tax Evasion: A Theoretical Analysis, Braithwaite, V. (2001), A new approach to tax compliance, Australian.

6. Feld, L.P. and Frey, B.S. (2007). Tax Compliance as the Result of a Psychological Tax Contract: The Role of Incentives and Responsive Regulation. Law and Policy, 29, 102 - 120.

FACTORS INFLUENCING THE VALUE ADDED

TAX FRAUD OF SMALL AND MEDIUM-SIZED

ENTERPRISES OF TRA VINH PROVINCE

● NGUYEN THI THANH THUY - TRAN THI KIM CHI

Lecturer, Tra Vinh University

● NGUYEN TRUONG GIANG - BANH QUOC THANH

Student, Tra Vinh University

ABSTRACT:

Taxation is always considered as a core issue of every country, a tool to regulate the economy of each country. Tax policies have been perfected gradually. Currently, the mechanism of self-declaration is considered as an effective mechanism, improving the legal status and the initiative of enterprises in compliance with tax policies voluntarily. However, the people's awareness of complying with tax policies is quite poor, hence tax frauds still occure. The result is losses for the government.  To promote tax management with the goal of improving the voluntary compliance with tax policies, limiting tax frauds in Vietnam in general and Tra Vinh province in particular, the study entitled “Factors influencing the value added tax (VAT) fraud of small and medium-sized enterprises (SMEs) of Tra Vinh province” was carried out. The study’s result shows that there are three factors influencing the value added tax fraud of SMEs located in Tra Vinh province. The most influential factor is "Cheating opportunity", followed by “Fraud motivation / opportunity” and “The ability to rationalize frauds”. The “tax consciousness” factor is not statistically significant. The study also presents some implications for improving the management and early detecting the VAT fraud of SMEs operating in Tra Vinh province.

Keywords: Fraud, value added tax, small and medium-sized enterprises, Tra Vinh province.