Các nhân tố ảnh hưởng đến mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

ThS. NGUYỄN THỊ PHÚC - ThS. CÔ HỒNG LIÊN (Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu phân tích tác động của các nhân tố đến tổ chức mô hình kế toán trách nhiệm (KTTN) trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gồm: Sự hài hòa giữa chi phí và lợi ích; Xu hướng phát triển của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; Yêu cầu trình độ quản lý; Mô hình tổ chức quản lý; Cơ chế quản lý của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng mô hình KTTN phù hợp và hiệu quả tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Từ khóa: kế toán trách nhiệm, doanh nghiệp sản xuất, tỉnh Trà Vinh.

1. Tổng quan về KTTN

1.1. Bản chất, vai trò và nhiệm vụ KTTN trong doanh nghiệp

1.1.1. Bản chất của KTTN trong doanh nghiệp

KTTN là một trong những nội dung cơ bản của kế toán quản trị, dựa trên cơ sở lý thuyết tổ chức và nhu cầu về quản lý, nhằm đo lường, kiểm soát và đánh giá kết quả  hoạt động của các bộ phận.

1.1.2. Vai trò và nhiệm vụ của KTTN trong các doanh nghiệp

KTTN là công cụ để đo lường kết quả hoạt động của từng khu vực bộ phận trong tổ chức, qua đó giúp nhà quản trị kiểm soát và đánh giá trách nhiệm quản trị ở các cấp khác nhau.

KTTN giúp xác định sự đóng góp của từng đơn vị bộ phận vào lợi ích toàn tổ  chức. Cung cấp một cơ sở cho việc đánh giá chất lượng về kết quả hoạt động của những nhà quản lý bộ phận.

KTTN được sử dụng để đo lường kết quả hoạt động của các nhà quản lý, do đó ảnh hưởng đến cách thức thực hiện hành vi của các nhà quản lý này. Thúc đẩy các nhà quản lý bộ phận điều hành bộ phận của mình theo hướng phù hợp với mục tiêu chung của toàn tổ chức.

1.1.3. Các mô hình KTTN tại doanh nghiệp

Cơ cấu đơn giản: Là phương thức tổ chức đơn giản nhất. Trong tổ chức không hình thành nên các bộ phận. Người lãnh đạo trực tiếp quản trị tất cả các thành viên trong tổ chức. Người lao động được tuyển để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Theo cơ cấu này, trong doanh nghiệp không phân chia trách nhiệm quản lý, do vậy, không hình thành nên các trung tâm trách nhiệm.

Kiểu cơ cấu quản lý chức năng: Là cơ cấu được tổ chức dựa trên chuyên môn hóa theo chức năng công việc. Những nhiệm vụ quản trị của doanh nghiệp được phân chia cho các đơn vị riêng biệt, từ đó hình thành những người lãnh đạo đảm nhận thực hiện một chức năng nhất định. Trong kiểu cơ cấu này, các đơn vị chức năng có quyền chỉ đạo các đơn vị trực tuyến, do đó mỗi người cấp dưới có thể có nhiều cấp trên trực tiếp. Những người thừa hành nhiệm vụ ở cấp dưới ngoà nhận mệnh lệnh từ người lãnh đạo doanh nghiệp, còn nhận mệnh lệnh từ người lãnh đạo các chức năng khác nhau. Bởi vậy, vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp là phải phối hợp nhịp nhàng giữa những người lãnh đạo chức năng, đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo, tránh tình trạng mâu thuẫn, trái ngược nhau.

Cơ cấu tổ chức phân chia theo địa dư: Theo cơ cấu này, các bộ phận của tổ chức được hình thành nhờ hợp nhóm theo từng khu vực và giao cho một người quản lý lãnh đạo khu vực đó. Mục đích của phân chia theo địa dư là nhằm khuyến khích sự tham gia của địa phương, những ưu thế trong các hoạt động ở địa phương.

Cơ cấu tổ chức phân chia theo sản phẩm: Theo cơ cấu này, ban quản trị cao nhất trao các quyền hạn lớn hơn cho ban quản lý bộ phận theo các chức năng sản xuất, bán hàng, dịch vụ và kỹ thuật liên quan đến một sản phẩm hay dây chuyền sản phẩm cho trước và chỉ rõ mức trách nhiệm chính về lợi nhuận của  người quản lý mỗi bộ phận này.

Cơ cấu tổ chức phân chia theo khách hàng: Để phục vụ khách hàng một cách hữu hiệu, người ta chia khách hàng thành từng nhóm nhỏ có những vấn đề giống nhau về nhu cầu và được giải quyết bởi chuyên viên của ngành đó.

Cơ cấu tổ chức bộ phận theo đơn vị chiến lược: Mỗi đơn vị chiến lược là một phân hệ độc lập đảm nhận một hay một số ngành nghề hoạt động khác nhau, có thể cạnh tranh với các đơn vị khác trong cùng tổ chức. Đặc trưng cơ bản để phân biệt đơn vị chiến lược với tổ chức độc lập là người lãnh đạo đơn vị chiến lược phải báo cáo với cấp lãnh đạo cao nhất của tổ chức.

Cơ cấu tổ chức quản lý theo ma trận: Mô hình này là sự kết hợp của 2 hay nhiều mô hình tổ chức khác nhau. Ở đây, các cán bộ quản trị theo chức năng và theo sản phẩm đều có vị thế ngang nhau. Họ chịu trách nhiệm báo cáo cho cùng một cấp lãnh đạo và có quyền ra quyết định thuộc lĩnh vực mà họ phụ trách.

Cơ cấu quản lý trực tuyến: Cơ cấu quản lý trực tuyến là một kiểu tổ chức bộ máy mà một cấp quản lý chỉ nhận mệnh lệnh từ một cấp trên trực tiếp. Hệ thống trực tuyến hình thành một đường thẳng rõ ràng về quyền ra lệnh và trách nhiệm từ lãnh đạo cấp cao đến cấp cuối cùng. Cơ cấu này đòi hỏi người quản lý ở mỗi cấp phải có những hiểu biết tương đối toàn diện về các lĩnh vực.

Cơ cấu trực tuyến - chức năng: Trong hệ thống trực tuyến - chức năng, quan hệ quản lý trực tuyến từ trên xuống dưới vẫn tồn tại, vẫn có các phòng, ban chức năng nhưng chỉ đơn thuần về chuyên môn, không có quyền chỉ đạo các đơn vị trực tuyến. Những người lãnh đạo trực tuyến chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và được toàn quyền quyết định trong đơn vị mình phụ trách.

2. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên cơ sở kết hợp các lý thuyết có liên quan và kế thừa các nghiên cứu khảo sát để rút ra các nhân tố tác động đến mô hình kế toán trách nhiệm trong các DNSX trên địa bàn thành phố Trà Vinh, từ đó, xây dựng bảng câu hỏi khảo sát và chọn mẫu. Các biến được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp bằng hình thức thảo luận nhóm theo các nội dung chuẩn bị trước dựa theo thang đo có sẵn. Sau khi thảo luận nhóm, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến mô hình KTTN trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Số liệu được thu thập vào tháng 3/2021 với đối tượng được phỏng vấn ngẫu nhiên 200 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tác giả sử dụng thang đo Likert 5 điểm: 1 là hoàn toàn không đồng ý; 2 là không đồng ý; 3 là không ý kiến; 4 là đồng ý; 5 là hoàn toàn đồng ý. Nghiên cứu được tiến hành qua 2 bước: (1) Nghiên cứu định tính bằng cách xây dựng thang đo và các biến quan sát phù hợp; (2) Nghiên cứu định lượng thông qua sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 20.0 bằng việc sử dụng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha để kiểm tra mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương đương với nhau; phân tích nhân tố khám phá (EFA) được kiểm định các nhân tố tác động và nhận diện các yếu tố được cho là phù hợp; đồng thời sử dụng phân tích hồi quy đa biến để xác định các nhân tố và mức độ tác động của từng nhân tố đến mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mô hình nghiên cứu cụ thể như sau:

MHKTTN = β0 + β1MH + β2YC + β3HH + β4CC+ β5XH + e

Trong đó: βI là trọng số hồi quy; biến MH là mô hình tổ chức quản lý tại doanh nghiệp; biến YC là yêu cầu trình độ quản lý; biến HH là sự hòa hợp giữa chi phí và lợi ích; biến CC là cơ chế quản lý của nền kinh tế; biến XH là xu hướng phát triển của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; biến MHKTTN là mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; e là hệ số nhiễu.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha

Kết quả chạy Cronbach’s Alpha của thang đo cho 5 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc như sau: Mô hình tổ chức quản lý (MH) có Cronbach’s Alpha = 0.798; Yêu cầu trình độ quản lý (YC) có Cronbach’s Alpha = 0.800; Sự hòa hợp giữa chi phí và lợi ích (HH) có Cronbach’s Alpha = 0.818; Cơ chế quản lý của nền kinh tế (CC) có Cronbach’s Alpha = 0.778; xu hướng phát triển ngành nghề, lĩnh vực (XH) có Cronbach’s Alpha = 0.742; mô hình kế toán trách nhiệm (MHKTTN) có Cronbach’s Alpha = 0.749.

Tất cả các thang đo của các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 và hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0.6. Điều này cho thấy, các biến quan sát của tất cả các thang đo đảm bảo độ tin cậy. Do đó, cả 22 biến quan sát cho 5 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc đều được giữ lại để phân tích EFA.

3.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Phân tích khám phá EFA cho biến độc lập (MH, YC, HH, CC, XH): Kết quả EFA cho thấy hệ số KMO = 0.662 và kiểm định Barlett có sig. = 0.000 (<0.05) cho thấy phân tích nhân tố là thích hợp với dữ liệu nghiên cứu.

Bảng 1. KMO and Bartlett's Test của biến độc lập

KMO and Bartlett's Test của biến độc lập

Nguồn: Kết quả phân tích phiếu khảo sát doanh nghiệp, 2021

Phân tích khám phá EFA cho biến phụ thuộc (MHKTTN): Kết quả EFA cho thấy hệ số KMO = 0.675 và kiểm định Barlett có sig. = 0.000 (<0.05) cho thấy phân tích EFA là thích hợp với dữ liệu nghiên cứu.

Bảng 2. KMO and Bartlett's Test của biến phụ thuộc

KMO and Bartlett's Test của biến phụ thuộc

Nguồn: Kết quả phân tích phiếu khảo sát doanh nghiệp, 2021

3.3. Phân tích tương quan

Xét ma trận tương quan: Các biến có giá trị Sig. (2-tailed) < 0.05 theo hàng biến phụ thuộc được chọn làm các biến độc lập để chạy hàm hồi quy đa biến. Kết quả, tất cả 5 biến có giá trị sig. (2-tailed) < 0.05 nên được chọn làm các biến độc lập để chạy mô hình hồi quy đa biến.

Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến: Kết quả kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến của mô hình, ta thấy hệ số phóng đại phương sai (VIF) của các khái niệm độc lập trong mô hình đều nhỏ hơn 2; chứng tỏ các khái niệm độc lập không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Kiểm định về tính độc lập của phần dư: Đại lượng thống kê Durbin - Watson (d) của hàm hồi quy có giá trị 1.887 < 3, cho thấy: Không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc 1, hay nói cách khác, các phần dư ước lượng của mô hình độc lập không có mối quan hệ tuyến tính với nhau.

3.4. Kết quả chạy mô hình hồi quy

Bảng 3. Model summaryb

Model summaryb

Bảng 4. ANOVAa

ANOVAa

Bảng 5. Coefficientsa

Coefficientsa

Nguồn: Kết quả phân tích phiếu khảo sát doanh nghiệp, 2021

Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình có độ phù hợp đạt yêu cầu ( R2 hiệu chỉnh = 0.669) điều này có nghĩa 66,9% sự biến thiên của mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được giải thích bởi sự biến thiên của 5 biến độc lập; còn lại 33,1% được giải thích bởi các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.

Phương trình hồi quy được viết như sau:

MHKTTN = 0.411*HH + 0.407*XH + 0.325YC + 0.247*MH + 0.171*CC

Như vậy, cả 5 nhân tố đều được chấp nhận có tác động cùng chiều với mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong đó, nhân tố tác động mạnh nhất là yếu tố hài hòa giữa chi phí và lợi ích của doanh nghiệp khi thiết kế mô hình kế toán trách nhiệm.

Ý nghĩa: Trong điều kiện các nhân tố khác không thay đổi khi các nhân tố: Sự hài hòa giữa chi phí và lợi ích; Xu hướng phát triển của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; Yêu cầu trình độ quản lý; Mô hình tổ chức quản lý và cơ chế quản lý của nền kinh tế tăng 1 thì mô hình kế toán trách nhiệm tại doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tăng lên tương ứng 0.411, 0.407, 0.325, 0.247 và 0.171 đơn vị.

4. Kết luận và đề xuất hàm ý quản trị

4.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như sau: Sự hài hòa giữa chi phí và lợi ích; Xu hướng phát triển của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; Yêu cầu trình độ quản lý; Mô hình tổ chức quản lý và Cơ chế quản lý của nền kinh tế.

4.2. Đề xuất hàm ý quản trị

Mục tiêu của nhà quản trị là duy trì chi phí ở mức hợp lý, tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh. Khi xây dựng mô hình KTTN tại đơn vị, nhà quản lý doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn mô hình KTTN phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp mình, tránh trường hợp KTTN được tổ chức riêng lẻ, cồng kềnh nhưng không phát huy được hiệu quả, hoặc không cần thiết với doanh nghiệp mình.

Mô hình KTTN ngoài việc phù hợp với mô hình cơ cấu tổ chức tại đơn vị, yêu cầu và trình độ của các  cấp quản lý, còn phải mang tính hiệu quả cao cho công ty. Hệ thống KTTN ngoài chức năng đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích cho việc kiểm soát hoạt động cũng như đánh giá trách nhiệm quản lý còn phải đảm bảo không chiếm tỷ lệ chi phí quá lớn, có thể chấp nhận được. Các nhà quản trị cần cân nhắc để tổ chức mô hình KTTN cho phù hợp không nên quá đơn giản với doanh nghiệp có qui mô hoạt động lớn phức tạp, nhưng cũng không nên quá lớn với các doanh nghiệp nhỏ, như vậy sẽ không hiệu quả và gây tốn kém.

Mô hình KTTN có mối quan hệ mật thiết với mô hình cơ cấu tổ chức tại doanh nghiệp, do vậy khi xây dựng hệ thống KTTN trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cần đảm bảo tính phù hợp với mô hình quản lý của doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức quản lý được thực hiện thông qua việc giao quyền và trách nhiệm cho các bộ phận khác nhau. Vì vậy, mô hình KTTN thích hợp sẽ phát huy được nhiệm vụ kiểm soát và đánh giá kết quả hoạt động cũng như trách nhiệm quản lý của các cấp quản trị. Từ đó, cung cấp các thông tin hữu ích cho các nhà quản trị ra quyết định kinh doanh.

Mỗi nhà quản lý có một trình độ quản lý, một nguyên tắc làm việc, một kinh nghiệm điều hành khác nhau. Thêm vào đó, mỗi doanh nghiệp cũng có trình độ kế toán, khả năng trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ xử lý và cung cấp thông tin, quy mô số liệu không giống nhau. Vì vậy, mô hình KTTN được xây dựng phải phù hợp với nguồn lực cụ thể ở từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, kế toán quản trị và kế toán tài chính là 2 bộ phận cơ bản của hệ thống kế toán tại doanh nghiệp. KTTN được vận hành và đánh giá dựa trên cơ sở ghi chép, phản ánh và phân tích số liệu của kế toán tài chính. Vì vậy, ngoài việc phù hợp với hoàn cảnh nội tại tại doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí thì mô hình KTTN được thiết lập còn phải đảm bảo phù hợp với cơ chế quản lý của nền kinh tế Việt Nam.

Theo xu thế hội nhập, thị phần kinh doanh ngày càng mở rộng, phương thức kinh doanh cũng được trở nên đa dạng hóa. Mô hình KTTN được thiết lập cũng nên được chọn lọc, kế thừa, học hỏi kinh nghiệm của thế giới để mô hình KTTN sau khi được triển khai vừa phù hợp với nhu cầu hội nhập, vừa mang nét văn hóa riêng của từng doanh nghiệp.

Tổ chức mô hình KTTN mang tính linh hoạt cao, giúp cho nhà quản lý có thể điều hành, giám sát công việc từ xa. Nhân viên kế toán có thể truy cập, xử lý, hạch toán và phân tích số liệu trực tuyến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ahmed Riahi-Belkaoui. (2002). Behavioral management accounting. USA: Wiley Publishing Inc.
  2. Bộ tài chính (2014). Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp, ban hành ngày ngày 22 tháng 12 năm 2014.
  3. Bộ Tài chính (2006). Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp, ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2006.
  4. David F.Hawkins, V.G. Narayanan, Jacob Cohen, Michele Jurgens. (2004). Introduction to Responsibility Accouting Systems, Online Tutorial. [Online] Avalabile at http://hbr.org/product/introduction-to-responsibility-accounting-systems-/an/105703-HTM-ENG.
  5. Đoàn Ngọc Quế, Đào Tất Thắng, Lê Đình Trực (2015), Kế toán quản trị. Hà Nội: NXB Lao động.
  6. Emelie Johansson, Sara Lundstrưm. (2011). Management Accounting Change within a Shipyard - a case study. [Online] Avalabile at https://gupea.ub.gu.se/bitstream/2077/26572/1/gupea_2077_26572_1.pdf
  7. Kapan, R.S., & Norton, D.P. (1996a). The balance Scorecard: Translating strategy into action (1st edition). USA: Harvard Business Review.
  8. Kapan, R.S., & Norton, D.P. (1996b). Using the balance Scorecard as a Strategy management system. USA: Harvard Business Review.
  9. Kapan, R.S., & Norton, D.P. (2000). The Strategy focus organization: How Balanced Scorecard companies thrive in the new business. USA: Harvard Business Review.
  10. Nguyễn Thị Minh Phương (2013), Xây dựng mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

FACTORS AFFECTING THE RESPONSIBILITY

ACCOUNTING MODEL OF MANUFACTURING ENTERPRISES

 IN TRA VINH PROVINCE

• Master. NGUYEN THI PHUC

• Master. CO HONG LIEN

Faculty of Economics and Law, Tra Vinh University 

ABSTRACT:

This research is to analyze the impact of factors on the organization of responsibility accounting models in manufacturing enterprises in Tra Vinh Province. The research’s results show that there are 5 factors affecting the responsibility accounting models in manufacturing enterprises located in Tra Vinh Province including the harmony between costs and benefits, the dvelopment trends of industries and business fields, the required management level, and the organizational management model and management mechanism of the economy. Based on these findings, some solutions are proposed to help manufacturing enterprises in Tra Vinh Province build suitable and effective responsibility accounting models.

Keywords: responsibility accountant, manufacturing enterprise, Tra Vinh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2021]