Các tổ chức quốc tế tiếp tục lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm là “vượt dự báo”, đồng thời nâng dự báo về tăng trưởng của Việt Nam trong cả năm 2024.
tăng trưởng kinh tế
Nhiều tổ chức quốc tế ấn tượng với kết quả phát triển kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024.

Nhiều tổ chức nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay

Ngân hàng HSBC ngày 15/7 đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm nay lên 6,5% so với dự báo trước đó là 6,0%, sau khi mức tăng trưởng kinh tế quý II vượt dự báo.

HSBC nhấn mạnh, cùng với những con số thống kê, quá trình phục hồi bắt đầu lan tỏa rộng rãi ra nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, báo cáo cho biết lạm phát dường như là mối lo ngại trước mắt khi giá thịt lợn tăng cao do dịch tả lợn châu Phi bùng phát, khiến lạm phát tháng 6/2024 ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,3% cho năm 2024 trong bản cập nhật mới nhất công bố ngày 16/7. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo 6% hồi tháng 4 và là mức cao nhất trong số các nước ASEAN cho năm 2024. Tổ chức có trụ sở tại Singapore này cũng duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ ở mức 6,5%.

Nhà kinh tế trưởng AMRO Hoe Ee Khor lưu ý rằng Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm ngoái do nhu cầu bên ngoài suy giảm nhưng dự kiến ​​sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi trong nhu cầu bên ngoài trong năm nay.

Đây sẽ là năm tăng trưởng rất mạnh mẽ đối với Việt Nam - một trong những nền kinh tế có độ mở cao và được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại”, ông Hoe Ee Khor nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra một số điểm yếu trong nền kinh tế Việt Nam do tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành. “Các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp có mục tiêu để giúp phục hồi lĩnh vực bất động sản và hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) dễ bị tổn thương, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong số đó vẫn đang tụt hậu”.

Đội ngũ chuyên gia của AMRO dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 3,8% trong năm nay, tăng so với mức 3,6% trong dự báo hồi tháng 4/2024.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Thông tấn xã Việt Nam tại Washington DC (Hoa Kỳ), ông Paulo Medas, Trưởng Phái đoàn Điều IV năm 2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhưng với tốc độ chậm hơn và có thể tăng trưởng trên 6% trong cả năm 2024.

Với chỉ số lạm phát đạt khoảng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6/2024, chuyên gia này dự đoán lạm phát cả năm 2024 của Việt Nam có thể sẽ duy trì ở mức gần với mục tiêu 4,5%.

Để vượt qua thách thức, ông Paulo Medas khuyến nghị Việt Nam cần cân bằng giữa phục hồi kinh tế và quản lý rủi ro lạm phát. Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hành động trong trường hợp lạm phát tăng mạnh.

"Việt Nam cũng cần chú trọng hơn đến tăng trưởng kinh tế trung hạn, đồng thời cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm cả năng lượng và năng lượng tái tạo, đẩy nhanh các cải cách liên quan đến khí hậu và có thị trường vốn tốt", chuyên gia IMF khuyến nghị.

Trước đó, Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho biết, chỉ số BCI quý II/2024 đạt 51,3 điểm. Mặc dù có sự giảm nhẹ so với chỉ số BCI trong quý I/2024 (đạt 52,8 điểm) nhưng theo khảo sát của EuroCham, với mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Việt Nam là 6,42% trong nửa đầu năm 2024, gần 70% doanh nghiệp châu Âu được hỏi bày tỏ sự lạc quan trong dài hạn về tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Số liệu công bố ngày 29/6 của Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam quý II/2024 tiếp tục khởi sắc sau đà tăng trưởng trong quý I. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng 6,93%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. 

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định; giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm xuất siêu 11,63 tỷ USD...

Việt Hằng