TÓM TẮT:
Nghiên cứu này xem xét tác động của các yếu tố đến chất lượng đào tạo tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Tin học - Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh (FLIC), bằng việc khảo sát 429 học viên. Thang đo HEdPERF được sử dụng có điều chỉnh, cùng với phương pháp phân tích độ tin cậy Cronbachs Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy bội, với phương tiện SPSS 20.0.
Kết quả xử lý hồi quy bội cho thấy có 05 thành phần tác động đến chất lượng đào tạo tiếng Anh, sắp theo thứ tự độ mạnh giảm dần, gồm: Chương trình đào tạo, Cơ sở vật chất, Công tác giảng dạy, Tiếp cận và Khía cạnh phi học thuật. Từ đó, nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị đối với Ban Quản lý FLIC nhằm giúp nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh.
Từ khóa: Chất lượng đào tạo, tiếng Anh, Trung tâm Ngoại ngữ Tin học - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, thang đo HEdPERF.
1. Giới thiệu nghiên cứu
Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và việc có thể sử dụng thông thạo tiếng Anh đã trở thành một lợi thế hiện nay. Tại Việt Nam, tiếng Anh cũng đã được đưa vào giảng dạy từ rất sớm trong hệ thống giáo dục quốc gia, nhất là tại các trường đại học, cao đẳng. Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (Foreign Languages - Informatics Center, gọi tắt là FLIC) bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2006. Tuy vậy, tình hình đào tạo tiếng Anh tại FLIC có xu hướng giảm mạnh, năm 2016 giảm 147% so với năm 2015. Việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC trở nên cần thiết.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
2.1. Chất lượng đào tạo
Hiện nay, chất lượng đang được quan tâm nhiều trên thế giới, trong đó, khái niệm chất lượng trong giáo dục đã được đưa ra từ nhiều góc độ khác nhau (Vroeijenstijn, 2002). Theo Green & Harly (1993), “chất lượng đào tạo” được thực hiện ở năm khía cạnh: sự xuất sắc, sự hoàn hảo, sự phù hợp với mục tiêu, sự đánh giá với chi phí bỏ ra và sự chuyển đổi về chất. Theo Cheng & Tam (1997), chất lượng đào tạo là tập hợp các yếu tố đầu vào, quy trình và đầu ra của hệ thống giáo dục để cung cấp các dịch vụ thỏa mãn hoàn toàn khách hàng nội bộ và bên ngoài nhằm đáp ứng các kỳ vọng hiện tại và tiềm ẩn của họ.
2.2. Đo lường chất lượng đào tạo
Mustafa & Chiang (2006) đã chứng minh mối quan hệ của chất lượng đào tạo với các biến sau: giáo viên giảng dạy (khả năng và thái độ), nội dung khóa học (tài liệu và thời lượng), chất lượng đào tạo (lượng kiến thức thu được). Abdullah (2006) đã phát triển thang đo HEdPERF dùng để đo chất lượng dịch vụ giáo dục đại học, bao gồm 38 biến quan sát và có cấu trúc 5 thành phần là: (1) Khía cạnh phi học thuật (Non-academic aspect): Các khía cạnh liên quan đến nhiệm vụ được thực hiện bởi đội ngũ nhân viên phục vụ công tác đào tạo, (2) Khía cạnh học thuật (Academic aspect): Thái độ tích cực, kỹ năng giao tiếp tốt, đủ tư vấn, thông tin phản hồi thường xuyên đến sinh viên và khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, (3) Danh tiếng (Reputation): Các mục quan trọng đối với tổ chức học tập trong tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, (4) Tiếp cận (Access): Cách tiếp cận và phương pháp tiếp cận dễ dàng trong việc liên lạc của cả hai đội ngũ phục vụ công tác đào tạo, (5) Chương trình đào tạo (Program issues): Chương trình có cấu trúc linh hoạt, dịch vụ tư vấn. Một số nghiên cứu có liên quan đến chất lượng đào tạo được nhóm tác giả tổng hợp tại Bảng 1.
2.3. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
Căn cứ vào các nghiên cứu nêu trên, cùng căn cứ vào kết quả nghiên cứu định tính (Yếu tố “các khía cạnh học thuật” đổi tên thành “công tác giảng dạy”, yếu tố “danh tiếng” đổi tên thành “cơ sở vật chất”, do được đo lường bằng các phát biểu có nội dung đề cập về cơ sở vật chất. Mô hình nghiên cứu được đề xuất: Chất lượng đào tạo tiếng Anh tại FLIC = f (Khía cạnh phi học thuật, Công tác giảng dạy, Cơ sở vật chất, Tiếp cận, Chương trình đào tạo) cùng với các giả thuyết nghiên cứu:
H1: Khía cạnh phi học thuật có ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC.
H2: Công tác giảng dạy có ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC.
H3: Cơ sở vật chất có ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC.
H4: Tiếp cận có ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC.
H5: Chương trình đào tạo có ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC.
H6: Có sự khác biệt về Chất lượng đào tạo tiếng Anh giữa giới tính, giữa các loại hình đào tạo, giữa các năm học, giữa các ngành học, giữa các chương trình học.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thống kê mẫu nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện với đối tượng khảo sát là học viên đã và đang theo học tiếng Anh tại FLIC. 450 bảng câu hỏi được phát ra, thu về 435 bảng, loại ra 6 bảng không đạt yêu cầu, còn lại 429, đạt tỷ lệ 98,62%. (Xem bảng 2)
3.2. Đánh giá thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbachs Alpha (Xem bảng 3)
Bảng 3 cho thấy các thang đo trên đều có hệ số Cronbachs Alpha khá cao (> 0,6). Tất cả các biến quan sát của thang đo này đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3, do đó, chúng đều được sử dụng cho phân tích EFA tiếp theo.
3.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Phương pháp EFA được sử dụng cho 25 biến quan sát, sử dụng phương pháp Principal Component Analysis với phép quay Varimax và điểm dừng khi trích các yếu tố có Eigenvalues là 1. Kết quả phân tích EFA với 25 biến quan sát còn lại, hệ số KMO = 0, 920 đạt yêu cầu > 0,5 giải thích được kích thước mẫu phù hợp cho phân tích nhân tố và hệ số Barlett có mức ý nghĩa Sig = 0,000 < 0,5 (có sự tương quan giữa các biến) đã khẳng định rằng phương pháp phân tích trên là phù hợp. Tổng phương sai trích là 63,077% tức là 25 biến rút trích ra giải thích được khoảng 63,077% biến thiên của các biến quan sát và hệ số tải nhân số đều lớn hơn 0,5 nên đạt yêu cầu (Bảng 4).
Kết quả phân tích nhân tố biến phụ thuộc với 4 biến quan sát, hệ số KMO = 0,821 và hệ số Barlett có mức ý nghĩa Sig = 0,000 < 0,5, phương sai trích 75,488% và các biến đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5. Như vậy, nhân tố chất lượng đào tạo gồm 4 biến.
3.4 . Kiểm định tương quan
Kết quả phân tích tương quan qua ma trận Pearson cho thấy tất cả các biến đều có tương quan với nhau tại mức ý nghĩa 1%.
3.5. Kết quả hồi quy
Từ Bảng 5, kết quả ANOVA cho thấy trị thống kê F của mô hình = 87,091 với mức ý nghĩa 1% (sig = 0,000), cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính bội phù hợp với tập dữ liệu hay các biến độc lập có quan hệ tuyến tính với biến phụ thuộc và mô hình có thể sử dụng được. Mô hình có hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,507, hay 50,7% mức độ biến thiên chất lượng đào tạo của FLIC được giải thích bởi các biến độc lập.
Kết quả hồi quy cũng cho thấy: Cả 5 biến có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (Sig. β 0,01), mô hình lý thuyết phù hợp với dữ liệu nghiên cứu và cả 05 giả thuyết nghiên cứu được chấp nhận. Phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa có dạng: CL = 1,085 + 0,116*DV + 0,137*GD +0,134*CS + 0,169*TC + 0,135*ĐT (Xem bảng 5)
Trong việc dò tìm sự vi phạm các giả định hồi quy tuyến tính: Biểu đồ phân tán Scatterplot cho thấy phần dư không thay đổi theo một trật tự nào đối với giá trị dự đoán, chúng phân tán ngẫu nhiên, giả thuyết về liên hệ tuyến tính không bị vi phạm. Hệ số tương quan hạng Spearman của giá trị tuyệt đối phần dư và các biến độc lập: giá trị Sig. của các hệ số tương quan với độ tin cậy 95% đều lớn hơn 0,05, cho thấy phương sai của sai số không thay đổi, giả định không bị vi phạm. Biểu đồ Histogram cho thấy, phần dư có phân phối chuẩn với giá trị trung bình rất nhỏ gần bằng 0 (Mean = -8,80E-15) và độ lệch chuẩn của nó gần bằng 1 (SD = 0,994), đồ thị P-P plot biểu diễn các điểm quan sát thực tế tập trung khá sát đường chéo những giá trị kỳ vọng, có nghĩa là dữ liệu phần dư có phân phối chuẩn. Hệ số 1 < Durbin - Watson = 1,991 < 3 là thỏa điều kiện, hệ số phóng đại phương sai VIF < 10 cho thấy các biến độc lập không có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Như vậy, mô hình hồi quy tuyến tính được xây dựng theo phương trình trên không vi phạm các giả định hồi quy.
3.6. Kiểm định sự khác biệt
Kiểm định giả thuyết về trị trung bình của hai tổng thể với trường hợp mẫu độc lập (Independent-samples T-test) được sử dụng, kết quả cho thấy không có sự khác biệt về đánh giá chất lượng đào tạo tiếng Anh tại FLIC giữa giới tính, chương trình học, năm học, ngành học, chương trình đào tạo.
4. Kết luận và đề xuất hàm ý quản trị
4.1. Kết luận
Mục tiêu của nghiên cứu là xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC. Nghiên cứu được thực hiện qua hai bước: định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu định lượng với kích thước mẫu hợp lệ là 429 học viên đã cho thấy các thang đo đã đảm bảo độ tin cậy, độ giá trị cho phép và các giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận. Cụ thể là 5 yếu tố đều ảnh hưởng tích cực đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC, xếp theo mức tác động giảm dần: Chương trình đào tạo (β5 = 0,366), Cơ sở vật chất (β3 = 0,331), Công tác giảng dạy (β2 = 0,328), Tiếp cận (β4 = 0,290), Khía cạnh phi học thuật (β1 = 0,224). Kết quả kiểm định đã cho thấy không có sự khác biệt về đánh giá chất lượng đào tạo tiếng Anh tại FLIC giữa giới tính, chương trình học, năm học, ngành học, chương trình đào tạo.
4.2. Hàm ý quản trị
+ Chương trình đào tạo
Kết quả nghiên cứu cho thấy “Chương trình đào tạo” có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của FLIC, với mean = 3,86, học viên đánh giá chưa cao Chương trình đào tạo của FLIC. Trung tâm cần rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo, kết hợp với nhu cầu của người học, thiết kế thêm nhiều chương trình đào tạo mới như tiếng Anh chuyên ngành báo chí, tiếng Anh trong lĩnh vực du lịch, tiếng Anh chuyên về kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh, tiếng Anh ngành Y… Thời lượng giảng dạy đảm bảo đúng và kịp tiến độ để tránh ảnh hưởng đến dự định của học viên. Cần chọn lọc nội dung trọng tâm, kết hợp với kiến thức thực tế nhằm tạo sự mới mẻ cho bài giảng và sự hứng thú cho học viên. FLIC cần tổ chức tốt đội ngũ tư vấn viên tốt, nên có các bài kiểm tra nhằm đánh giá hiệu quả học tập, từ đó, đưa ra được những hướng giúp đỡ kịp thời và tạo được động lực học cho người học trong các khóa học tiếp theo.
+ Cơ sở vật chất
Mean của nhóm yếu tố này là 3,17, học viên đánh giá chưa cao về cơ sở vật chất. FLIC cần trang bị thêm phòng tự học để người học có thể tự học, học nhóm. FLIC nên trang bị phòng Lap cùng các trang thiết bị cần thiết hỗ trợ kỹ năng nghe cho học viên. FLIC cần trang bị một thư viện sách báo, tài liệu tham khảo ngoại ngữ để học viên khi cần có thể tham khảo nhằm kích thích khả năng tìm tòi, học hỏi của học viên. Cần tạo một không gian học gần gũi, thân thiện, thoáng mát, sạch đẹp.
+ Công tác giảng dạy
Mean của nhóm yếu tố này là 2,75, học viên đánh giá không cao về công tác giảng dạy. Giáo viên cần phải có những kỹ thuật kiểm tra nhỏ trong quá trình giảng dạy, sau đó, phản hồi kết quả đó cho học viên. Việc chọn giáo viên có trình độ chuyên môn cao và chuẩn bị bài giảng tốt là yếu tố quan trọng tạo ra hình ảnh chuyên nghiệp trong tâm trí người học tiếng Anh tại FLIC. Giáo viên cần chú ý và nắm bắt được tình trạng học tập của từng học viên để có những điều chỉnh bổ sung bài giảng cho phù hợp. Giáo viên cần tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện, thảo luận về bài học nhằm nâng cao chất lượng, cũng như hiệu quả học tập.
+ Tiếp cận
Mean của nhóm yếu tố này là 3,85, học viên đánh giá ở mức trung bình đối với yếu tố Tiếp cận. FLIC phải đào tạo cho đội ngũ tư vấn nắm vững nghiệp vụ, ghi nhận thông tin về nhu cầu học, tư vấn chính xác khóa học. FLIC nên thiết kế bài kiểm tra trình độ đầu vào ngắn gọn, có thời gian làm bài nhanh, nhưng thể hiện được chính xác định trình độ của người học để tránh làm mất thời gian khi người học đến đăng ký học. FLIC cần cải thiện lại môi trường học tập, cần thường xuyên trao đổi với người học bằng cách thực hiện khảo sát cuối khóa học. FLIC cố gắng phát huy tốt việc liên hệ qua điện thoại của văn phòng FLIC qua đường dây nóng.
+ Khía cạnh phi học thuật
Mean của nhóm yếu tố này là 2,95, học viên đánh giá thấp yếu tố Khía cạnh phi học thuật. FLIC phải huấn luyện nhân viên có phong cách làm việc chuyên nghiệp và uy tín, thái độ chuẩn mực, lịch sự trong giao tiếp. FLIC cần phải tăng cường công việc hỗ trợ học viên hơn nữa bằng cách quan tâm đến việc chuyên cần của người học. FLIC nên áp dụng công nghệ thông tin trong khâu lưu trữ và truy lục hồ sơ để học viên có thể tự thao tác. Hơn nữa, FLIC cần thường xuyên cập nhật các thông tin cần thiết trên trang web để tăng sự hấp dẫn cũng như uy tín cho trung tâm.
4.3. Hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo
Nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế: (1) Đối tượng nghiên cứu là học viên đã và đang theo học tiếng Anh tại FLIC với phương pháp lấy mẫu thuận tiện, do đó tính đại diện chưa cao, (2) Còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiếng Anh mà nghiên cứu chưa đề cập đến. Đó cũng chính là gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Abdullah, F. (2006), The development of HEdPERF: a new measuring instrument of service quality for the higher education sector, International Journal of Consumer Studies, 30, pp. 569-581.
2. Cheng Yin Cheong, Wai Ming Tam, (1997), Multi#models of quality in education, Quality Assurance in Education, 5(1), pp.22-31, doi: 10.1108/09684889710156558.
3. Green, D., & Harvey, L. (1993), Defining quality, Assessment and Evaluation in Higher Education, 18, pp. 16 - 23.
4. Hà Nam Khánh Giao và Nguyễn Phạm Hạnh Phúc (2015), Sự hài lòng sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo của khoa Du lịch Trường Đại học Tài chính - Marketing giai đoạn 2010 - 2013, Tạp chí nghiên cứu Tài chính - Marketing, 28, tr. 67 - 76.
5. Lại Xuân Thủy và Phạm Thị Minh Lý (2011), Đánh giá chất lượng đào tạo tại Khoa Kế toán Tài chính, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, Tạp chí KH&CN Đại học Đà Nẵng, 44, pp. 230-237.
6. Mustafa, S. T., & Chiang, D. (2006), Dimensions of Quality in Higher Education: How Academic Performance Affects University Students' Teacher Evaluation, Journal of American Academy of Business, 8, pp. 294 - 314.
7. Randheer, K. (2015), Service Quality Performance Scale in Higher Education: Culture as a New Dimension, International Business Research, 8, pp. 29 - 41.
8. Vrana, V.G., Dimitriadis, S.G. and Karavassilis, G.J. (2015), Studentsperceptions of service quality at a Greek higher education institute, Int. J. Decision Sciences, Risk and Management, 6, pp.80-100.
9. Vroeijenstijn, A., I. (2002), Improvement and accountability: Navigating between Scylla and Charybdis. Higher Education Policy Series, London: Jessica Kingsley.
THE FACTORS AFFECTING THE QUALITY OF ENGLISH TRAINING AT THE FOREIGN LANGUAGES - INFORMATICS CENTER, BANKING UNIVERSITY OF HO CHI MINH CITY
Assoc. Prof. PhD. HA NAM KHANH GIAO
Head of Postgraduate Falcuty - University of Finance and Marketing
LE THI PHUONG LIEN
Expert of Foreign Languages - Informatics Center, Banking University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
The research investigates how the factors affect the quality of English training at Foreign Languages - Informatics Center, Banking University of Ho Chi Minh city (FLIC), by interviewing 429 students. The HEdPERF scale was used with Cronbach's Alpha reliability analysis, exploratory factor analysis (EFA), multiple regression analysis, and SPSS 20.0.
The analysis shows that there are five factors that affect the quality of English language training, organized in descending order: Curriculum, facilities, teaching methods, accessibility and non-academic aspects. Hence, the research team has proposed some management implications for FLIC to improve the quality of English language training.
Keywords: Quality of English training, Foreign Languages - Informatics Center, University of Banking Ho Chi Minh city (FLIC), HEdPERF measuring scale.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây