TÓM TẮT:
Bài báo này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các yếu tố nhận thức chất lượng cảm tính, tính di động, tính khả dụng, niềm tin, nhận thức tính hữu dụng, nhận thức tính dễ sử dụng, tính thẩm mỹ, thái độ của khách hàng đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả sau khi phân tích SEM cho thấy, các yếu tố tính thẩm mỹ và thái độ tác động tích cực lên ý định sử dụng đồng hồ thông minh của khách hàng, trong đó tính thẩm mỹ tác động lớn nhất đến ý định sử dụng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra yếu tố nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng của khách hàng về thiết bị tác động gián tiếp lên ý định sử dụng đồng hồ thông minh thông qua yếu tố thái độ của người sử dụng. Bên cạnh đó, nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng của người dùng bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhận thức chất lượng cảm tính và nó không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tính khả dụng và niềm tin. Yếu tố thái độ và ý định sử dụng đồng hồ thông minh không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chăm sóc sức khỏe.
Từ khóa: ý định sử dụng, thái độ, nhận thức dễ sử dụng, tính thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, đồng hồ thông minh.
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, cuộc sống của con người được công nghệ kỹ thuật hỗ trợ rất nhiều. Với sự phát triển của thời đại công nghệ hiện đại, các nhà sản xuất không chỉ cung cấp máy tính cá nhân, điện thoại thông minh hay máy tính bảng, mà còn cung cấp các thiết bị công nghệ đeo, cụ thể là thiết bị công nghệ tiên tiến có thể mang và được sử dụng di động. Một trong những thiết bị công nghệ đeo gia nhập thị trường trong những năm gần đây và gây được sự chú ý đối với những người yêu thích công nghệ là đồng hồ thông minh. Trong khi các loại thiết bị đeo khác chưa trở nên quá phổ biến, thì đồng hồ thông minh được coi là thiết bị đeo được thương mại hóa đầu tiên dành cho người tiêu dùng. Đồng hồ thông minh được xem là thế hệ tiếp theo trong công nghệ tiêu dùng. Các công ty hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, chẳng hạn như Samsung và Apple,… đã phát hành các kiểu đồng hồ thông minh. Theo Jung và cộng sự (2016), người tiêu dùng đã mua 3,6 triệu đồng hồ thông minh vào năm 2014 và dự đoán rằng số lượng mua sẽ tăng lên 36 triệu vào năm 2015 và đạt 101 triệu vào năm 2020 (. Theo Kim & Shin (2015), đồng hồ thông minh không những được sử dụng cho nhiều mục đích như tập thể dục, kiểm tra sức khỏe, theo dõi vị trí, mà còn cho mục đích liên lạc và các tính năng thông minh khác (). Việc sử dụng đồng hồ thông minh được cho là đang có xu hướng tích cực. Ở Việt Nam, nhu cầu thiết bị đeo thông minh ngày càng phổ biến. Từ đây cho thấy được tiềm năng to lớn trong ngành công nghiệp đồng hồ thông minh tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về ý định mua đồng hồ thông minh ở các nước và tại Việt Nam cũng có một vài tác giả nghiên cứu về đề tài này. Tuy nhiên, nghiên cứu của tác giả kết hợp 2 mô hình của tác giả Dutot và cộng sự (2019) và Sabirra và cộng sự (2020) để tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh của người tiêu dùng tại TP.HCM.
2. Các khái niệm và mối quan hệ giữa các khái niệm
Ý định sử dụng (Intention to use)
Ý định là dự định hay kế hoạchch mà một người sẽ làm việc gì đó. Theo Ajzen (2002), ý định là trung gian dẫn đến hành vi. Ý định hành vi sử dụng trong nghiên cứu này là động lực tích cực khiến người dùng sử dụng đồng hồ thông minh (Venkatesh và cộng sự, 2003).
Nhận thức chất lượng cảm tính (Perception affective quality)
Theo Russell (2003), chất lượng cảm tính (Affective quality) là khả năng gây ra sự thay đổi trong ảnh hưởng cốt lõi, còn nhận thức chất lượng cảm tính là nhận thức của một cá nhân về khả năng gây ra sự thay đổi trong ảnh hưởng cốt lõi của đối tượng. Khi một cá nhân cảm nhận một công nghệ là dễ dàng và thú vị, họ cũng sẽ có nhận thức cao hơn về tính hữu dụng và tính dễ sử dụng của công nghệ đó. Trong nghiên cứu của Dutot và cộng sự (2019), nhận thức chất lượng cảm tính ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng. Do đó, các giả thuyết sau được đề xuất:
H1a: Nhận thức chất lượng cảm tính sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính hữu dụng của đồng hồ thông minh.
H1b: Nhận thức chất lượng cảm tính sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính dễ sử dụng của đồng hồ thông minh.
Tính di động (Mobility) và Tính khả dụng (Availability)
Một trong những điểm mạnh của thiết bị công nghệ đeo là tính di động và tính khả dụng. Cụ thể, tính di động là mức độ mà người dùng tin rằng họ có thể di chuyển vị trí và có thể dễ dàng mang theo thiết bị (Kim & Shin, 2015). Tính khả dụng được định nghĩa theo mức độ mà người dùng tin rằng thiết bị của họ mang lại cho họ khả năng kết nối thông tin và dịch vụ theo thời gian thực tế (Kim & Shin, 2015; Shin, 2012). Tính di động và tính khả dụng có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng trong việc sử dụng đồng hồ thông minh (Dutot và cộng sự, 2019). Do đó, tác giả đề xuất các giả thuyết sau:
H2a và H3a: Tính di động và tính khả dụng có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính hữu dụng của đồng hồ thông minh.
H2b và H3b: Tính di động và tính khả dụng có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính dễ sử dụng của đồng hồ thông minh.
Niềm tin (Trust)
Trong lĩnh vực công nghệ, niềm tin có thể được coi là điều kiện tiên quyết cần thiết cho
việc thu thập thông tin cá nhân. Niềm tin theo Flavián và cộng sự (2006) là sự sẵn sàng tin cậy vào đối tác. Mối tương quan giữa niềm tin và nhận thức tính hữu dụng trước đây đã được xác định là tích cực, tương tự niềm tin được khám phá có mối tương quan tích cực với nhận thức tính dễ sử dụng (Dutot và cộng sự, 2019). Do đó, các giả thuyết được hình thành như sau:
H4a: Niềm tin có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính hữu dụng của đồng hồ thông minh.
H4b: Niềm tin có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính dễ sử dụng của đồng hồ thông minh.
Nhận thức tính hữu dụng (Perceived usefulness) và Nhận thức tính dễ sử dụng (Perceived ease of use)
Trong mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) của Davis (1989), nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng đối với công nghệ có ảnh hưởng đến thái độ. Theo Davis (1989) nhận thức tính hữu dụng là mức độ mà một người tin rằng việc sử dụng một hệ thống cụ thể sẽ nâng cao hiệu suất công việc của họ. Nhận thức tính dễ sử dụng là mức độ mà một người tin rằng việc sử dụng một hệ thống cụ thể sẽ không tốn công sức. Chính vì thế, tác giả đưa ra các giả thuyết sau:
H5a: Nhận thức tính dễ sử dụng có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính hữu dụng của người sử dụng đồng hồ thông minh.
H5b và H6: Nhận thức tính dễ sử dụng và nhận thức tính hữu dụng có ảnh hưởng tích cực đến thái độ của người sử dụng đồng hồ thông minh.
Tính thẩm mỹ (Aesthetic Appea)
Jung và cộng sự (2016) chỉ ra rằng tính thẩm mỹ là một đặc tính quan trọng của thiết
bị công nghệ đeo. Bên cạnh đó, Jung và cộng sự (2016) nhận thấy rằng hình dạng của thiết bị sẽ thể hiện tính thẩm mỹ và có tác động đáng kể đến việc sử dụng đồng hồ thông minh. Do đó, nghiên cứu này có giả thuyết sau:
H7: Tính thẩm mỹ có ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh.
Thái độ (Attitude)
Lee (2009) cho rằng thái độ trong mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) là sự đánh giá
của một cá nhân về những gì họ thích hoặc không thích. Trong lĩnh vực công nghệ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái độ tích cực làm tăng khả năng ý định sử dụng. Từ đó, giả thuyết sau được hình thành:
H8: Thái độ có ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh.
Chăm sóc sức khỏe (Healthology)
Các sản phẩm công nghệ đeo có thể cung cấp các chỉ số liên quan đến sức khỏe có độ chính xác cao, cho phép các cá nhân đóng vai trò tích cực hơn trong việc theo dõi sức khỏe và thể trạng của họ (Kaplan và Stone, 2013). Sabbira và cộng sự (2020) đã chứng minh yếu tố chăm sóc sức khỏe có tác động tích cực đến thái độ của người sử dụng đồng hồ thông minh và ý định sử dụng đồng hồ thông minh. Do đó, tác giả hình thành nên 2 giả thuyết sau:
H9a: Chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng tích cực đến thái độ của người sử dụng đồng hồ thông minh.
H9b: Chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tiến hành qua 2 giai đoạn: (1) Nghiên cứu định tính bằng cách phỏng vấn 10 khách hàng. (2) Nghiên cứu định lượng bằng bản câu hỏi phỏng vấn trực tiếp các khách hàng có ý định mua đồng hồ thông minh tại TP. Hồ Chí Minh.
Thang đo trong nghiên cứu này chủ yếu dựa trên cơ sở thang đo gốc từ các nghiên cứu trước nhưng có hiệu chỉnh sao cho phù hợp tại Việt Nam. Cụ thể các thang đo nhận thức chất lượng cảm tính; tính di động, tính khả dụng được lấy từ thang đo của tác giả Kim và Shin (2015); thang đo niềm tin được sử dụng từ thang đo gốc của Dutot (2015); thang đo nhận thức tính dễ sử dụng, nhận thức tính hữu dụng tham khảo từ thang đo của Chuah và cộng sự (2016); các thang đo tính thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, thái độ, ý định sử dụng được lấy từ thang đo gốc của Sabbira và cộng sự (2020).
4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận kết quả
4.1. Mô tả mẫu
Sau khi làm sạch dữ liệu có 253 bản câu hỏi hợp lệ được sử dụng làm dữ liệu nghiên cứu. Trong đó, nam chiếm tỷ lệ 58,1%; nữ chiếm 41,9%. Mẫu nghiên cứu bao gồm học sinh, sinh viên (40,3%); nhân viên văn phòng (32,4%); kinh doanh (22,9%); khác (4,3%). Mức thu nhập của nhóm mẫu nghiên cứu chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở nhóm có mức thu nhập 5 đến dưới 10 triệu đồng (41,5%); thứ nhì là nhóm có thu nhập từ 10 đến dưới 15 triệu đồng (21,7%); thứ ba là nhóm thu nhập từ 15 đến dưới 20 triệu đồng (17,4%), thứ tư là nhóm thu nhập dưới 5 triệu đồng chiếm 12,6% và cuối cùng là nhóm có mức thu nhập trên 20 triệu đồng (6,7%).
4.2. Kết quả nghiên cứu
Kiểm định thang đo
Trong nghiên cứu này, các thang đo đều đảm bảo độ tin cậy cho phép: Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0,6; các tương quan biến tổng lớn hơn 0,3. Sau khi phân tích EFA và độ tin cậy, có 3 trong số 35 biến quan sát ban đầu của 10 thang đo bị loại. Tiếp theo, 32 biến còn lại được kiểm định bằng CFA và đưa vào trong mô hình nghiên cứu. Kết quả kiểm định mô hình đo lường có: Chi-square = 528,57; df = 421; p = 0,000; chi-square/df = 1,256; GFI = 0,889; TLI = 0,955; CFI = 0,962; RMSEA = 0,032. Trong đó, hệ số tải của các nhân tố có giá trị từ 0,539 đến 0,942; độ tin cậy tổng hợp có giá trị từ 0,691 đến 0,869 và phương sai trích có giá trị từ 0,45 đến 0,697. Tuy có một vài nhân tố có phương sai trích nhỏ hơn 0,5 và không nhỏ hơn 0,5 quá nhiều nên vẫn xem như đạt giá trị hội tụ. Ngoài ra, các nhân tố này đều đạt giá trị phân biệt (do giá trị căn bậc hai của phương sai trích đều lớn hơn hệ số tương quan của các khái niệm), đồng thời hệ số tin cậy của chúng lớn hơn 0,6 nên các nhân tố này vẫn được giữ lại trong mô hình. Do đó, các thang đo nghiên cứu thỏa mãn yêu cầu về độ tin cậy, độ giá trị hội tụ và độ giá trị phân biệt.
Tiếp theo, mô hình lý thuyết được kiểm định bằng SEM. Kết quả cho thấy mô hình này phù hợp với dữ liệu thị trường, với Chi-square = 699,095; df = 451; p = 0,000; chi-square/df = 1,550; GFI = 0,848; TLI = 0,903; CFI = 0,912; RMSEA = 0,047. (Xem Bảng)
4.3. Thảo luận kết quả
Dựa vào Bảng kết quả trên ta thấy có 7 giả thuyết H1a, H1b, H2b, H5b, H6, H7, H8 được ủng hộ, 8 giả thuyết H2a, H3a, H3b, H4a, H4b, H5a, H9a, H9b bị bác bỏ.
Ở Bảng, chúng ta thấy rằng, nhận thức chất lượng cảm tính có tác động tích cực đến nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng; tính di động có tác động tích cực đến nhận thức dễ sử dụng; nhận thức tính dễ sử dụng và nhận thức tính hữu dụng có tác động tích cực đến thái độ của người sử dụng đồng hồ thông minh; tính thẩm mỹ và thái độ có tác động tích cực đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh. Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra tính thẩm mỹ có tác động mạnh nhất đến ý định sử dụng (beta = 0,568). Như vậy, có thể thấy rằng tính thẩm mỹ của thiết bị đeo tay đóng vai trò quan trọng trong ý định sử dụng đồng hồ thông minh của khách hàng. Ngoài ra, thái độ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ý định sử dụng của người tiêu dùng với beta = 0,168. Bên cạnh đó, nhận thức tính dễ sử dụng (beta = 0,258) cũng như nhận thức tính hữu dụng (beta = 0,168) có ảnh hưởng đến thái độ của người sử dụng đồng hồ thông minh và có khả năng dự báo về ý định sử dụng đồng hồ thông minh. Nhận thức chất lượng cảm tính của người dùng có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức tính hữu dụng (beta = 0,203) và nhận thức tính dễ sử dụng (beta = 0,352). Trong khi đó, tính di động chỉ ảnh hưởng đến nhận thức tính dễ sử dụng của sản phẩm (beta = 0,264). Như vậy, thái độ của người dùng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi nhận thức chất lượng cảm tính, tính di động thông qua yếu tố gián tiếp là nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng. Có nghĩa là khi người tiêu dùng cảm thấy đồng hồ thông minh tiện lợi, hấp dẫn và thú vị thì họ sẽ cảm thấy việc sử dụng đồng hồ thông minh dễ dàng và hữu ích hơn. Từ đó, thái độ người dùng đối với đồng hồ thông minh tích cực hơn và ý định mua sử dụng đồng hồ thông minh sẽ cao hơn.
5. Kết luận và hàm ý quản lý
Qua tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh, kết quả nghiên cứu cho thấy tính thẩm mỹ của thiết bị và thái độ của người dùng có ảnh hưởng đến ý định sử dụng đồng hồ thông minh. Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu của các tác giả trước như Dutot và cộng sự (2019), Sabbira và cộng sự (2020). Còn thái độ của người sử dụng bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhận thức tính dễ sử dụng và nhận thức tính hữu dụng. Đồng thời, tính hữu dụng và tính dễ sử dụng bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhận thức chất lượng cảm tính. Các kết quả này đều giống với nghiên cứu của Sabbira và cộng sự (2020).
Như vậy, kết quả nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản lý trong các công ty sản xuất đồng hồ thông minh. Vì là thiết bị công nghệ đeo nên tính thẩm mỹ của dây đeo và bề mặt đồng hồ rất quan trọng. Do đó, để người dùng có ý định mua sử dụng đồng hồ thông minh, các nhà thiết kế nên thiết kế đồng hồ với dây đeo và mặt đồng hồ đa dạng, hợp thời trang và phong cách. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng cần quan tâm đến chất lượng của các chất liệu làm dây đeo, vì nó sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của dây đeo trong quá trình khách hàng sử dụng.
Mặt khác, khi người dùng có thái độ tích cực đối với đồng hồ thông minh thì họ sẽ có ý định sử dụng đồng hồ thông minh hơn so với những người khác. Chính vì thế, để nâng cao thái độ tích cực của người dùng về đồng hồ thông minh, các nhà sản xuất nên cung cấp các thông tin quan trọng về sự hữu ích mà đồng hồ thông minh mang lại cho người sử dụng. Từ đó, người dùng sẽ có nhận thức tốt hơn về việc sử dụng nó. Ngoài ra, muốn khách hàng cảm nhận việc sử dụng đồng hồ thông minh là tiện lợi, không tốn nhiều thời gian khi sử dụng các tính năng của thiết bị, đồng hồ thông minh nên có cấu hình và giao diện đơn giản phù hợp với mọi lứa tuổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ajzen, I. (2002). Perceived behavioral control, self‐efficacy, locus of control, and the theory of planned behavior 1. Journal of applied social psychology, 32(4), 665-683.
- Chuah, S. H. W., Rauschnabel, P. A., Krey, N., Nguyen, B., Ramayah, T., & Lade, S. (2016). Wearable technologies: The role of usefulness and visibility in smartwatch adoption. Computers in Human Behavior, 65, 276-284.
- Davis, F. D. (1989). Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology. MIS quarterly, 319-340.
- Dutot, V. (2015). Factors influencing near field communication (NFC) adoption: An extended TAM approach. The Journal of High Technology Management Research, 26(1), 45-57.
- Dutot, V., Bhatiasevi, V., & Bellallahom, N. (2019). Applying the technology acceptance model in a three-countries study of smartwatch adoption. The Journal of High Technology Management Research, 30(1), 1-14.
- Flavián, C., Guinaliu, M., & Torres, E. (2006). How bricks-and-mortar attributes affect online banking adoption. International Journal of Bank Marketing, 24 (6), 406-423.
- Jung, Y., Kim, S., & Choi, B. (2016). Consumer valuation of the wearables: The case of smartwatches. Computers in Human Behavior, 63, 899-905.
- Kaplan, R. M., & Stone, A. A. (2013). Bringing the laboratory and clinic to the community: mobile technologies for health promotion and disease prevention. Annual review of psychology, 64, 471-498.
- Kim, K. J., & Shin, D. H. (2015). An acceptance model for smart watches: Implications for the adoption of future wearable technology. Internet Research, 25(4), 527-541.
- Lee, S. Y., & Lee, K. (2018). Factors that influence an individual's intention to adopt a wearable healthcare device: The case of a wearable fitness tracker. Technological Forecasting and Social Change, 129, 154-163.
- Russell, J. A. (2003). Core affect and the psychological construction of emotion. Psychological review, 110(1), 145.
- Sabbir, M., Akter, S., Khan, T. T., & Das, A. (2020). Exploring Factors Affecting Consumers’ Intention to Use Smartwatch in Bangladesh: An Empirical Study. Asia Pacific Journal of Information Systems, 30(3), 636-663.
- Shin, D. H. (2012). What makes consumers use VoIP over mobile phones? Free riding or consumerization of new service. Telecommunications Policy, 36(4), 311-323.
- Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., & Davis, F. D. (2003). User acceptance of information technology: Toward a unified view. MIS quarterly, 425-478.
Factors affecting customers’ intention to use smart watches
in Ho Chi Minh City
Hang Le Cam Phuong
Ho Chi Minh City University of Technology – Vietnam National University Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study explores the impacts of factors such as perception affective quality, mobility, availability, trust, perceived usefulness, perceived ease of use, aesthetic appeal, and attitude on the intention of people in Ho Chi Minh City to use smart watches. The study’s SEM analysis show that the factors of aesthetic appeal and attitude positively affect the intention of customers to use smart watches. In addition, the study also finds out that the factors of perceived usefulness and perceived ease of use indirectly impact the the intention of customers to use smart watches through the attitude factor. The perceived usefulness and the perceived ease of use of customers are affected by the perception affective quality but these two factors are not impacted by the factors of availability and trust. The attitude and intention of customers to use smart watches are not affected by the factor of health care.
Keywords: intention to use, attitude, perceived ease of use, aesthetics appea, hospital, smart watches.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2022]