Tóm tắt:
Nghiên cứu nhằm khám phá ra các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử thông qua vai trò trung gian của thái độ đối với sử dụng ví điện tử của người dân tại thành phố Phan Thiết. Nghiên cứu với 306 mẫu hợp lệ tại thành phố Phan Thiết sử dụng phương pháp EFA, CFA và SEM đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân, sắp xếp theo mức độ giảm dần như sau: (1) Nhận thức hữu ích, (2) Nhận thức riêng tư/bảo mật, (3) Nhận thức dễ sử dụng, (4) Ảnh hưởng xã hội và (5) Niềm tin vào ví điện tử. Dựa trên kết quả này, nhóm tác giả đề xuất các chiến lược quản trị nhằm tăng cường ý định sử dụng ví điện tử tại Thành phố Phan Thiết.
Từ khóa: SEM, ý định sử dụng ví điện tử, thanh toán, các yếu tố ảnh hưởng, người dân, thành phố Phan Thiết.
1. Đặt vấn đề
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau đợt dịch Covid-9 khiến mua sắm online tăng cao. Điều này đã thúc đẩy sự chuyển đổi của người tiêu dùng sang mô hình mua sắm trực tuyến. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam. Giao dịch điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang ngày càng phổ biến. Thanh toán điện tử trở nên phổ biến hơn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mặc dù thanh toán bằng ví điện tử đang phổ biến, song vẫn có nhiều người chưa sử dụng. Nghiên cứu về "Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại Thành phố Phan Thiết" nhằm khám phá những yếu tố này thông qua vai trò trung gian của thái độ đối với ý định sử dụng sản phẩm. Nghiên cứu này có thể hỗ trợ đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử ở thành phố Phan Thiết đề xuất chiến lược để đáp ứng nhu cầu, tăng sự hài lòng và thúc đẩy ý định sử dụng.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất
Theo Ajzen (1988), ý định hành vi là khả năng chủ quan của con người dự định đạt được trong một khoảng thời gian nhất định.Ông cho rằng, ý định là yếu tố đánh giá khả năng thực hiện hành vi trong tương lai bị ảnh hưởng bởi thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Ý định được coi là tiền đề trung gian của hành vi (Ajzen, 1991).
Nghiên cứu của Peña-García và cộng sự (2020) chỉ ra rằng ý định hành vi sẽ tác động tích cực đến việc sử dụng công nghệ và giả định rằng ý định này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc sử dụng ví điện tử trong tương lai.
Dựa vào cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước của Nguyễn Thị Linh Phương (2013), Bùi Nhất Vương (2021), Nguyễn Minh Kha (2020) , Nguyễn Văn Sơn và cộng sự (2021), Madan và Yadav (2016), Oliveira và cộng sự (2016), Singh và cộng sự (2017), nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả
3. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả đã gửi 320 phiếu khảo sát tới người dân có ý định sử dụng ví điện tử sống tại thành phố Phan Thiết. Kết quả thu về có 306 phiếu đáp ứng tiêu chí đưa vào nghiên cứu, phân tích. Nghiên cứu sử dụng mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM).
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo
Sau khi kiểm định thang đo bằng phương pháp hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha (Bảng 1) cho thấy, không có biến nào bị loại. Mức độ hội tụ của các biến quan sát đối với các thành phần nghiên cứu tiếp tục được đánh giá thông qua phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA).
Bảng 1. Kết quả kiểm định thang đo
4.2. Kết quả EFA
Kết quả EFA các biến độc lập cho thấy có 5 nhân tố được trích tại eigenvalue có giá trị là 1,836 (>1) và phương sai trích đạt yêu cầu 66,160% (>50%) với chỉ số KMO là 0,843 (0,5 ≤ KMO ≤ 1), Sig.=0,00 (<0,05). Như vậy, phân tích nhân tố EFA phù hợp và đạt được độ tin cậy về mặt thống kê. Phân tích EFA tương tự với biến phụ thuộc cũng cho thấy, kết quả phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá của phương pháp phân tích yếu tố. Vì thế, kết quả EFA là đáng tin cậy.
4.3. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình CFA
Dựa trên kết quả có được, ta thấy TLI, CFI đều đạt yêu cầu là lớn hơn 0,9; CMIN/df = 1,016 < 3, RMSEA = 0,07 < 0,08. Vì vậy, có thể kết luận là mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường.
Thang đo của nghiên cứu đạt giá trị hội tụ theo yêu cầu do các trọng số chuẩn hóa của thang đo đều lớn hơn 0,5. Ngoài ra, P-value đều nhỏ hơn 0,05, có ý nghĩa thống kê.
Hình 2: Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA
Nguồn: Kết quả phân tích CFA
4.4 . Kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Hình 3: Kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM
Nguồn: Kết quả phân tích Amos
Kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM được thể hiện ở Hình 3 cho thấy TLI= 0,967, CFI=0,971 đều xấp xỉ 1; CMIN/df = 1,334< 3, RMSEA = 0,033 < 0,08. Vì vậy, có thể kết luận là mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường.
4.5. Vai trò trung gian của biến TD đối với sử dụng ví điện tử
Bảng 2. Kết quả vai trò trung gian của biến TD đối với sử dụng VĐT
Kết quả ở Bảng 2 cho thấy HI ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định sử dụng ví điện tử ở Phan Thiết với tổng ảnh hưởng là 0,588. SD đứng thứ ba với tổng ảnh hưởng là 0,504, trong khi BM đứng thứ hai với tổng ảnh hưởng là 0,516. XH ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử thông qua cơ chế gián tiếp và trực tiếp, với tổng ảnh hưởng là 0,475, xếp hạng thứ tư. NT chỉ ảnh hưởng gián tiếp, với tổng ảnh hưởng là 0,273, đứng cuối cùng trong 5 yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại thành phố Phan Thiết.
5. Kết luận và hàm ý quản trị
5.1. Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân, sắp xếp theo mức độ giảm dần như sau: (1) Nhận thức hữu ích, (2) Nhận thức riêng tư/bảo mật, (3) Nhận thức dễ sử dụng, (4) Ảnh hưởng xã hội và (5) Niềm tin vào ví điện tử. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm gia tăng ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại Thành phố Phan Thiết. Kết quả nghiên cứu cũng đã xác nhận vai trò trung gian của TD đối với sử dụng ví điện tử trong mối quan hệ giữa 5 biến độc lập (HI, SDL, BM, XH, NT) và YD sử dụng.
5.2. Hàm ý quản trị
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất hàm ý quản trị như sau:
Nhận thức về hữu ích: là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định sử dụng ví điện tử. Đơn vị cung ứng cần nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng. Liên kết chặt chẽ với sàn thương mại điện tử, cung cấp giá và ưu đãi hấp dẫn. Tăng cường ưu đãi, tiện ích và quảng bá qua hoạt động khuyến mãi.
Nhận thức dễ sử dụng: Tác động mạnh đến ý định sử dụng dịch vụ ví điện tử tại thành phố Phan Thiết. Tập trung vào nâng cao chất lượng kĩ thuật, cải thiện quy trình và mở rộng tính năng. Giảm thời gian giao dịch, đơn giản hóa quy trình đăng ký. Cung cấp hướng dẫn chi tiết trước, trong và sau thanh toán bằng ví điện tử.
Nhận thức về riêng tư: Chiếm vị trí quan trọng thứ hai đối với ý định sử dụng ví điện tử. Tăng cường biện pháp bảo mật: mã hóa, xác thực thông tin, đào tạo đội ngũ an ninh mạng. Đầu tư vào công nghệ, sử dụng công cụ an ninh hiệu quả, hợp tác với bên thứ ba giám sát và bảo vệ an ninh thông tin.
Ảnh hưởng xã hội: Yếu tố quan trọng thứ tư đối với ý định sử dụng ví điện tử. Tập trung vào chiến lược truyền thông và quảng cáo trên mạng xã hội. Sử dụng nhân vật nổi tiếng để thu hút và tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Niềm tin vào ví điện tử: Mức độ ảnh hưởng thấp nhất đối với ý định sử dụng. Người dùng đánh giá và tin tưởng vào tính an toàn và tiện ích của ví điện tử. Tuy nhiên, cần duy trì và nâng cao hình ảnh ví điện tử, tăng cường bảo mật và an ninh dữ liệu thông tin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bùi Nhất Vương (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại thành phố Cần Thơ: Ứng dụng mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, số 5D, tháng 10, trang 242- 258.
- Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Trúc Ngân, Nguyễn Thành Long (2021). Những yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử MOMO khi mua sắm trực tuyến của sinh viên Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Khoa học và Công nghệ, Số 50, tháng 5/2021.
- Nguyễn Minh Kha (2020). Các yếu tố tác động đến ý định sử dụng và ý định giới thiệu dịch vụ ví điện tử trên điện thoại di động của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thị Linh Phương (2013). Nghiên cứu các nhân tố tác động đến ý định sử dụng ví điện tử tại Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
- Singh N., Srivastava S., & Sinha N. (2017). Consumer preference and satisfaction of M-wallets: a study on North Indian consumers. International Journal of Bank Marketing, 35(6), 944-965.
- Oliveira T., Thomas M., Baptista G., & Campos F. (2016). Mobile payment: Understanding the determinants of customer adoption and intention to recommend the technology. Computers in human behavior, 61, 404-414.
- Madan K., & Yadav R. (2016). Behavioral intention to adopt mobile wallet: A developing country perspective. Journal of Indian Business Research, 8(3), 227-244.
Factors affecting the intention of people to use e-wallets in Phan Thiet city
Master. Luong Quoc Vu1
PhD. Vo Khac Truong Thanh1
PhD. Vo Khac Truong Thi1
Master. Do Thi Minh Quyen1
Luong Hoai Trinh1
1Phan Thiet University
ABSTRACT:
This study explored the factors affecting the intention of people living in Phan Thiet city to use e-wallets through the mediating role of attitudes toward using e-wallets. The study was conducted with 306 valid samples, and the analysis methods of EFA, CFA, and SEM were employed. The study found that there are five factors affecting the intention of people in Phan Thiet city to use e-wallets. These factors, listed in descending order of impacting level, are: (1) Perceived usefulness; (2) Perceived privacy or security; (3) Perceived ease of use; (4) Social influence; and (5) Trust in e-wallets. Based on these results, some management strategies are proposed to encourage more people in Phan Thiet city to use e-wallets.
Keywords: SEM, intention to use e-wallet, payment, impacting factor, residents, Phan Thiet city.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]