Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên - Nghiên cứu các sinh viên khối kinh tế các trường đại học khu vực Hà Nội

Đề tài Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên - Nghiên cứu các sinh viên khối kinh tế các trường đại học khu vực Hà Nội do ThS. Đào Ngọc Linh*1 - TS. Đặng Thu Hương2 - ThS. Trần Hải Yến3 - ThS. Đào Thị Nguyệt Thanh4 (123Bộ môn Quản trị chất lượng, Khoa Marketing, Đại học Thương mại - 4 Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết xác định 7 yếu tố ảnh hưởng tới ý định chia sẻ tri thức, từ đó ảnh hưởng tới hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên các trường đại học khối kinh tế tại Hà Nội, bao gồm: Sự hỗ trợ của nhà trường; Sự hỗ trợ của giảng viên; Môi trường vật lý; Niềm vui trong giúp đỡ người khác; Tự tin vào năng lực bản thân; Niềm tin và nhận thức của bản thân; Nhân tố về công nghệ. Nghiên cứu được thực hiện với 434 phiếu khảo sát với sinh viên từ 11 trường đại học khối kinh tế tại Hà Nội từ tháng 8/2023 đến hết tháng 1/2024. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hỗ trợ các trường có thể gia tăng khả năng thực hiện hoạt động này trong tương lai.

Từ khóa: quản trị tri thức, chia sẻ tri thức, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Sự ra đời của Internet và mạng toàn cầu đã cho phép mọi người tiếp cận với nguồn tri thức không giới hạn, điều này đã thay đổi cách mọi người suy nghĩ, làm việc và sản xuất xã hội. Yếu tố tri thức là một trong những yếu tố nổi lên cùng với xu thế này và có vai trò quan trọng trong sản xuất. Nó cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu. Nền kinh tế được thúc đẩy bởi tri thức. Các ngành nghề, lĩnh vực của một quốc gia phát triển nhờ tri thức, từ sản xuất và kinh doanh đến y tế và giáo dục. Tri thức chính là yếu tố góp phần tác động tới sự phát triển và khả năng trong lĩnh vực giáo dục.

Lĩnh vực giáo dục những năm qua đã và đang thực hiện việc chuyển đổi quá trình đào tạo sang tự đào tạo. Điều đó đòi hỏi các trường không chỉ quan tâm đến nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn quan tâm đến sự tham gia tích cực của người học. Lợi thế cạnh tranh của các trường đại học hiện đại là họ có thể đào tạo được những thế hệ người học có kiến thức, kỹ năng và đảm bảo chất lượng học tập của mình. Từ nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng, với kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp và thúc đẩy quốc gia phát triển, đặc biệt theo định hướng bền vững.

Chia sẻ tri thức cải thiện hiệu suất, mở rộng mạng lưới và không gian mở, khuyến khích sự đổi mới và hợp tác hơn trong công việc, v.v. Việc sinh viên được khuyến khích chia sẻ tri thức sẽ thúc đẩy văn hóa trao đổi, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phát triển cá nhân, cũng như thúc đẩy dòng tri thức thông suốt và sự chủ động trong việc tiếp cận kiến thức và kỹ năng mới. Có thể thấy vai trò của hoạt động chia sẻ tri thức trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt gắn với đối tượng là sinh viên là vô cùng quan trọng. Vì vậy, bài viết tập trung đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức trong sinh viên. Kết quả nghiên cứu này giúp xác định được những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến động lực, khả năng và kết quả chia sẻ tri thức của sinh viên trong học tâp và nghiên cứu, từ đó đề xuất một số giải pháp để giúp các trường đại học, đặc biệt các trường đại học thuộc khối kinh tế có thể thúc đẩy khả năng chía sẻ tri thức trong sinh viên. Đồng thời, các trường nhanh chóng chuyển quá trình đào tạo sang tự đào tạo, giảm bớt gánh nặng đào tạo từ nhà trường, cải thiện chất lượng học tập của người học và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. 

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Tri thức là một thuật ngữ khó để xác định, cũng như đo lường. Tri thức thường được hiểu là sự phức tạp và không chắc chắn. Nó có mức độ trừu tượng cao hơn trong tâm trí con người. Khi tiếp cận tới thuật ngữ “tri thức”, có nhiều cách để định nghĩa cụm từ này. Theo Tiwana (2000), tri thức được định nghĩa như là “thông tin có thể hành động (có liên quan) có sẵn theo đúng định dạng, vào đúng thời điểm và ở đúng nơi để ra quyết định”. Nonaka và Takuchi (1995) đã khái niệm tri thức là “một quá trình năng động của con người để chứng minh niềm tin cá nhân đối với sự thật”, hay “tri thức là sự hiểu biết của con người về một lĩnh vực quan tâm cụ thể đã được thu nhận thông qua nghiên cứu và kinh nghiệm”. Từ các khái niệm, định nghĩa về tri thức của các nhà nghiên cứu, học giả trên thế giới, nhìn chung, tri thức có thể được hiểu một cách đơn giản đó là “một hỗn hợp của kinh nghiệm, giá trị, thông tin theo bối cảnh, chuyên môn sâu sắc và trực giác cơ bản cung cấp môi trường và khuôn khổ để đánh giá và kết hợp những kinh nghiệm và thông tin mới”.

Chia sẻ tri thức có thể được tiếp cận, khái niệm theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện, cũng như quan điểm khác nhau. Qua quá trình nghiên cứu, có nhiều định nghĩa được đưa ra để cụ thể hóa cho thuật ngữ chia sẻ tri thức. Theo Wang (1999), chia sẻ tri thức là sự chuyển đổi từ tri thức ẩn thành tri thức hiện với sự chuyển giao giữa cá nhân và tổ chức và ngược lại. Theo Lee (2001) thì chia sẻ tri thức là các hoạt động chuyển giao hoặc phân phối tri thức ẩn và hiện giữa các cá nhân, nhóm, hay tổ chức. Hay theo Demirel và Seckin (2011), chia sẻ tri thức là một trong những yếu tố cần thiết, quan trọng và hiệu quả để tổ chức có thể đạt được các mục tiêu của mình. Với đa dạng khái niệm liên quan tới chia sẻ tri thức, có thể thấy có nhiều cách tiếp cận tới thuật ngữ này. Điển hình trong đó, khi đề cập tới quản trị tri thức, các học giả thường đề cập tới hoạt động chia sẻ tri thức.

Cũng trong các nghiên cứu trước đây, có nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới chia sẻ tri thức. Mô hình nghiên cứu nhóm tác giả đề xuất 7 yếu tố tác động tới ý định chia sẻ tri thức, từ đó hình thành hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên: sự hỗ trợ của nhà trường, sự hỗ trợ của giảng viên, môi trường vật lý, sự thích thú trong việc giúp đỡ người khác, tự tin vào năng lực bản thân, niềm tin và nhận thức của bản thân, nhân tố về công nghệ. Những yếu tố này được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận từ các nghiên cứu trước, sau đó, 8 giả thuyết được phát triển:

H1: Ý định chia sẻ tri thức sẽ có ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức.

H2: Sự hỗ trợ của nhà trường có ảnh hưởng đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên.

H3: Sự hỗ trợ của giảng viên có ảnh hưởng đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên.

H4: Môi trường vật lý có ảnh hưởng đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên.

H5: Sinh viên thấy niềm vui trong việc giúp đỡ người khác có ảnh đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên.

H6: Tự tin vào năng lực của bản thân sinh viên có ảnh hưởng đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên.

H7: Niềm tin và nhận thức cá nhân của sinh viên có ảnh hưởng đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên.

H8: Yếu tố thuộc về công nghệ có ảnh hưởng đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu của các tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp giữa định tính và định lượng qua hai giai đoạn: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Dựa trên việc tổng quan các nghiên cứu có liên quan để hệ thống các vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động chia sẻ tri thức. Đồng thời, trên cơ sở tổng quan nghiên cứu, các tác giả thực hiện thảo luận nhóm và lấy phỏng vấn sâu chuyên gia, qua đó xây dựng một mô hình lý thuyết theo cách tiếp cận phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và đặt ra các giả thuyết nghiên cứu.  

Giai đoạn nghiên cứu chính thức được thực hiện với công cụ đo lường sử dụng thang đo Likert 5 mức độ, kế thừa từ các nghiên cứu điển hình trước đây với 57 thang đo đo lường 7 yếu tố độc lập và 2 yếu tố biến phụ thuộc. Theo Hair và cộng sự (1998), số lượng khảo sát tối thiểu cần thiết để phục vụ phân tích nhân tố khám phá EFA là N = 5 x số biến quan sát. Theo đó, với nghiên cứu này, kích cỡ quan sát lớn hơn đảm bảo độ tin cậy tốt hơn. Nghiên cứu chính thức được thực hiện với 445 bảng hỏi khảo sát và được thu thập mẫu ngẫu nhiên. Các mẫu khảo sát này được thu thập đầy đủ để đưa vào phân tích chính thức.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Mô tả đặc điểm mẫu nghiên cứu

Đối tượng khảo sát là sinh viên khối kinh tế hiện đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông tin về đặc điểm mẫu cụ thể như trình bày tại Bảng 1.

Bảng 1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Biến

Phân loại nhóm

Tần số

Tỷ lệ (%)

Giới tính

Nam

Nữ

136

298

31.3

68.7

Năm học

SV năm thứ nhất

SV năm thứ hai

SV năm thứ ba

SV năm thứ tư

102

128

114

90

23.5

29.5

26.3

20.7

Trường

Đại học Thương mại
Đại học Kinh tế quốc dân

Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Học viện Tài chính

Học viện Ngân hàng

Đại học Ngoại thương

Đại học Dân lập Phương Đông

Đại học Tài chính - Ngân hàng

Đại học Thành Đô

Đại học Thăng Long

Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

131

30

25

20

05

10

21

95

15

20

62

30.2

6.9

5.8

4.6

1.2

2.3

4.8

21.9

3.5

4.6

14.3

                                                           Nguồn: Dữ liệu khảo sát của nhóm tác giả, 2023

4.2. Kiểm định độ tin cậy thang đo

Từ kết quả nghiên cứu, các hệ số Cronbach’s Alpha tổng của các biến độc lập và biến phụ thuộc đều trên 0.6, dao động từ 0.603 đến 0.808. Đồng thời, các biến quan sát có hệ số tương quan biến thành phần - biến tổng lớn hơn 0.3. Tất cả các biến quan sát này được tiếp tục sử dụng trong phân tích EFA. (Bảng 2)

Bảng 2. Hệ số độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Biến quan sát

Số biến quan sát

Hệ số tương quan biến thành phần - biến tổng

Cronbach’s Alpha

Sự hỗ trợ của nhà trường

5

0.588

0.622

Sự hỗ trợ của giảng viên

5

0.773

0.690

Môi trường vật lý

4

0.734

0.647

Niềm vui trong việc giúp đỡ người khác

5

0.768

0.745

Tự tin vào năng lực bản thân

4

0.670

0.769

Niềm tin và nhận thức của cá nhân

10

0.747

0.808

Nhân tố về công nghệ

13

0.625

0.773

Ý định chia sẻ tri thức

4

0.631

0.603

Hành vi chia sẻ tri thức

7

0.611

0.672

                                                                     Nguồn: Dữ liệu phân tích từ khảo sát, 2023

4.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Kết quả phân tích EFA cho các biến độc lập có 7 nhân tố hình thành với 46 biến quan sát đạt yêu cầu. Hệ số KMO = 0.980 (>0.5) nên thỏa mãn điều kiện để phân tích nhân tố. Kiểm định Barlett có ý nghĩa Sig. = 0.000 < 0.05 nên các biến quan sát có sự tương quan với nhau. Giá trị tổng phương sai trích của các nhân tố đạt 67.879% > 50%. Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha và EFA nêu trên cho thấy thang đó các yếu tố độc lập và phụ thuộc đều đạt yêu cầu về giá giá trị và độ tin cậy, phù hợp để tiếp tục nghiên cứu định lượng tiếp theo.

4.4. Phân tích tương quan

Các hệ số tương quan có ý nghĩa thống kê và có thể được đưa vào phân tích hồi quy vì mức ý nghĩa của chúng rất nhỏ (sig = 0 <0,05). Kiểm tra các giả định vi phạm hồi quy cũng cho thấy kết quả phù hợp.

4.5. Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính

Bảng 3. Kết quả hồi quy

Giả thuyết

β chuẩn hóa

p

Chấp nhận/bác bỏ

H1: Ý định chia sẻ tri thức có tác động tích cực tới hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên.

0.194

0.000

Chấp nhận

H2: Sự hỗ trợ của nhà trường có tác động tích cực đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên

0.128

0.001

Chấp nhận

H3: Sự hỗ trợ của giảng viên có tác động tích cực đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên

0.044

0.011

Chấp nhận

H4: Môi trường vật lý có tác động tích cực đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên

0.278

0.001

Chấp nhận

H5: Sinh viên thấy niềm vui trong việc giúp đỡ người khác có tác động tích cực đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên

0.104

0.000

Chấp nhận

H6: Tự tin vào năng lực của bản thân sinh viên có tác động tích cực đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên

0.113

0.002

Chấp nhận

H7: Niềm tin và nhận thức cá nhân của sinh viên có tác động tích cực đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên

0.211

0.001

Chấp nhận

H8: Yếu tố thuộc về công nghệ có tác động tích cực đến ý định chia sẻ tri thức của sinh viên

0.399

0.001

Chấp nhận

                                                           Nguồn: Kết quả xử lý từ phần mềm AMOS, 2023

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ảnh hưởng của các biến là khác nhau. Thứ nhất, ảnh hưởng lớn nhất là “Yếu tố thuộc về công nghệ” với hệ số beta là 0.399; thứ hai là “Môi trường vật lý” với hệ số beta là 0.278, thứ ba là “Niềm tin và nhận thức của sinh viên” với hệ số beta là 0.211; tiếp theo là “Sự hỗ trợ của nhà trường” với hệ số beta là 0.128, “Tự tin vào năng lực của bản thân sinh viên” với hệ số beta là 0.113, “ Sinh viên thấy niềm vui trong việc giúp đỡ người khác” với hệ số beta là 0.104; cuối cùng, có tác động thấp nhất với ý định chia sẻ tri thức là “Sự hỗ trợ của giảng viên” với hệ số beta =0.044. Ngoài ra, ý định chia sẻ tri thức cũng có tác động tích cực tới hành vi chia sẻ tri thức với hệ số beta = 0.194.

5. Đề xuất giải pháp

Từ kết quả phân tích và nghiên cứu ở trên có thể củng cố thêm lý thuyết của các nghiên cứu trước đây. Đồng thời, nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sau:

Thứ nhất, Nhà trường cần chú trọng tăng cường các hoạt động giáo dục nhằm gia tăng niềm vui trong chia sẻ kiến thức của sinh viên. Theo đó, khi sinh viên được đào tạo nhận thức về tinh thần làm việc, sự tương trợ lẫn nhau trong quá trình học tập, sẽ giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc chia sẻ và trao đổi kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nhằm hoàn thiện các công việc trao đổi giữa các cá nhân. Đồng thời, tự tin vào năng lực bản thân là yếu tố cốt lõi để sinh viên quyết định có hay không hành vi chia sẻ tri thức. Việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo hướng tích cực, đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn cho sinh viên sẽ giúp sinh viên thêm tự tin vào năng lực của bản thân trong việc xử lý, giải quyết vấn đề, cũng như khả năng cung cấp được chắc chắn hơn các giải pháp, góp ý từ kiến thức của bản thân sinh viên để tăng cường khả năng học tập của sinh viên.

Thứ hai, dành sự công nhận, lời khen cho những sinh viên có đóng góp các sáng kiến, sự hiểu biết của mình cho quá trình học tập của các cá nhân khác, cũng như cho các công việc chung của tập thể nơi các cá nhân tham gia như các thành viên của nhóm. Việc công nhận những đóng góp của sinh viên trong việc chia sẻ kiến thức giúp thúc đẩy niềm tin và sự nhận thức về bản thân của sinh viên. Từ đó gia tăng nhận thức về vai trò của bản thân trong hỗ trợ các sinh viên khác trong quá trình học tập của họ. Thêm nữa, các nhà trường và giảng viên nên tăng cường các hoạt động thảo luận nhóm, trao đổi giữa các sinh viên trong quá trình học tập trên lớp, qua các bài tập nhóm. Đồng thời, các nhà trường và giảng viên cũng nên triển khai những cơ chế, chính sách cộng điểm thưởng, điểm rèn luyện cho sinh viên khi sinh viên có những chia sẻ kiến thức phù hợp, bổ trợ, đóng góp cho các nội dung bài học. Từ đó, thúc đẩy hành vi chia sẻ tri thức trong sinh viên thường xuyên và hiệu quả hơn.

Thứ ba, khuyến khích sinh viên sử dụng công nghệ thông tin để chia sẻ tri thức. Với bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, đồng thời với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và Internet đã làm thay đổi các cách thức chia sẻ tri thức. Các nhà trường nên có các biện pháp nhằm cung cấp mạng với cơ sở hạ tầng để sinh viên trao đổi tri thức, đồng thời xây dựng các nền tảng mạng trực tuyến để giúp sinh viên trao đổi và chia sẻ kiến thức thuận tiện hơn.

Nghiên cứu mới chỉ lấy mẫu từ một số trường đại học thuộc khối kinh tế trên địa bàn Hà Nội và số mẫu quan sát còn khá hạn chế. Khi nghiên cứu các các trường đại học thuộc khối kinh tế khác được mở rộng với quy mô rộng hơn, độ tin cậy và tính phổ quát sẽ tăng lên. Tất cả các vấn đề trong nghiên cứu này đều được xây dựng dựa trên thang đo định lượng từ các mô hình nghiên cứu trước đây, nên có thể còn có các yếu tố khác có tác động đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên khối kinh tế các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I., and Fishbein, M. (1980). Understanding Attitudes and Predicting Social Behavior. New Jersey: Prentice Hall, Englewood Cliffs.
  2. Ajzen, I., and Fishbein, M. (1988). Understanding Attitudes and Predicting Social Behavior. New Jersey: Prentice Hall, Englewood Cliffs.
  3. Ali Jolaee, K. M. (2014). Factor affecting knowledge sharing intention among academic staff. International Journal of Educational Management, Vol 28, Iss 4, 413-431, http://dx.doi.org/10.1108/IJEM-03-2013-0041.
  4. Al-Qadhi, Y. H., Md Nor, K., Ologbo, A. C., and Knight, M. B. (2015). Knowledge sharing in a multi-nationality workforce: Examining the factors that influence knowledge sharing among employees of diverse nationalities. Human Systems Management, 34(3), 149-165.
  5. Bartol, K. a. (2002). Encouraging knowledge sharing: The role of organizational reward systems. Journal of Leadership and Organizational Studies, 9(1), 64-76.
  6. Binsawad, M., Sohaib, O., and Hawryszkiewycz, I. (2017). Knowledge Sharing in Technology Business Incubator. 26th international conference on information systems development.
  7. Bock, G. Z. (2005). Behavioural intention formation in knowledge sharing: Examining the roles of extrinsic motivators, social-psychologial forces, and organizational climate. MIS quarterly, 87-111.
  8. Bulan, S. J., and Sensuse, D. I. (2013). Knowledge Sharing Model Among Academic Staffs in Universities. Journal Sistem Informasi, 8(2), 133-139.
  9. Cheng, M. Y., Ho, J. S. Y., and Lau, P. M. . (2009). Knowledge sharing in academic instituitions: A study of Multimedia University Malaysia. Electronic Journal of Knowledge Management, 7(3).
  10. Davis, F. (1986). User acceptance of information systems: the technology acceptance model (TAM). University of Michigan Business School.
  11. Demirel, Y. a. (2011). The impact of organizational justice on knowlegde sharing: Research on drug industry employees. BILIG, 56, 99-119.
  12. Do Thi Chung & Pham Thi Tram Anh. (2022). Factor affecting knowledge sharing behaviour in public higher education institutions: An empirical study of Vietnam. Cogent Business & Management, 9(1), https://doi.org/10.1080/23311975.2022.2155002.
  13. Hair J.F., T. R. (1998). Multivariate Data Analysis, 5th Edition. New Jersey: Prentice-Hall, Inc.
  14. Igbaria, M. P. (1996). A motivation model of microcomputer usage. Journal of Management Systems, 13(1), 145-157, https://doi.org/10.1080/07421222.1996.
  15. Ismail, M. B., and Yusof, Z. M. (2009). The impact of individual factors on knowledge sharing quality. Journal of Organizational Knowledge Management, 13, 1-12.
  16. Kankanhalli, A. T. (2005). Contributing knowledge to electronic knowledge repositories: an empirical investigation. MIS quaterly, 113-143.
  17. Kim, S. a. (2008). An analysis of faculty perceptions: attitudes toward knowledge sharing and collaboration in an academic institution. Library and Information Science Research, 30(4), 282-290.
  18. Lee, H., and Choi, B. (2003). Knowledge management enablers, processes, and organizational performance: An integrative view and empirical examination. Journal of management information systems, 20(1), 179-228.
  19. Lin, H. F. . (2007). Effects of extrinsic and intrinsic motivation on employee knowledge sharing intentions. Journal of information science, 33(2), 135-149.
  20. Nonaka, I., and Takeuchi, H. (1995). The knowledge-creating company: How Japanese companies create the dynamics of innovation. Oxford university press.
  21. Podrug, N. F. (2017). Knowledge sharing and firm innovation capability in Croatian ICT companies. International Journal of Manpower, 38(4), 632-644.
  22. Reige, A. (2005). Three-dozen knowledge-sharing barriers managers must consider . Journal of knowledge management, 9(3), 18-35.
  23. Reychav, I., and Weisberg, J. . (2010). Bridging intentioin an behavior of knowledge sharing. Journal of knowledge management, 14(2), 285-300.
  24. Sajeva, S. (2014). Encouraging knowledge sharing among employees: how reward matters. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 156, 130-134.
  25. Seba, I., Rowley, J., and Lambert, S. (2012). Factors affecting attitudes and intention towards knowledge sharing in the Dubai Police Force. International Journal of Information Management, 32(4), 372-380.
  26. Soudergaard, S., Kerr, M., and Clegg, C. (2007). Sharing knowledge: contextualising socio-technical thinking and practice. The Learning Organization, 14(5), 423-435.
  27. Taylor, W. A., and Wright, G. H. (2004). Organizational readiness for successful knowledge sharing: Challenges for public sector managers. Information resources management journal, 17(2), 22.
  28. Tiwana, A. (2000). The knowledge management toolkit: orchestrating IT strategy, and knowledge platform. Pearson Education India.
  29. Tohidinia, Z., and Mosakhani, M. (2010). Knowledge sharing behavior and its predictors. Industrial Management and Data Systems, 110(4), 611-631.
  30. Wang, X. Z. (1999). Data Mining and Knowledge Discovery - an Overview. Data Mining and Knowledge Discovery for Process Monitoring and Control, 13-28.

Factors influecing the knowledge-sharing intention of university students: Case study of economics students in Hanoi

Master Dao Ngoc Linh1

Ph.D Dang Thu Huong1

Master. Tran Hai Yen1

Master. Dao Thi Nguyet Thanh2

1Department of Quality Control, Faculty of Marketing, Thuongmai University

2Department of Industry and Trade of Quang Binh Province

Abstract:

This study identified seven factors influencing the knowledge-sharing intention of economics students in Hanoi. These factors are the school’s support, the faculty’s support, the physical environment, the joy of helping others, the self-confidence, the self-beliefs and perceptions, and the technological factor. The study conducted 434 surveys with economics students at 11 economic universities in Hanoi from September 2023 to February 2024. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to encourage university students to share their knowledge.

Keywords: knowledge management, knowledge sharing, university students.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương