Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh

Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh do Huỳnh Thị Xuân Linh (Khoa Y - Dược, Trường Đại học Trà Vinh) - Nguyễn Thị Thanh Thúy (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ) - Nguyễn Hiếu Thảo (Khoa Y - Dược, Trường Đại học Trà Vinh) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu đánh giá chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế (NVYT) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh năm 2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế có chất lượng cuộc sống tốt là 55,4% và chưa tốt là 44,6%. Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế gồm: nhóm tuổi, trình độ học vấn, thời gian công tác, thu nhập hiện tại, sống cùng, giấc ngủ, lo âu và trầm cảm. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện.

Từ khóa: chất lượng cuộc sống, nhân viên y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Chất lượng cuộc sống là một khái niệm khá rộng, đa chiều, bao gồm các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc và xã hội. Đây là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống, không chỉ ở những người bệnh, mà còn ở những người khỏe mạnh ở các độ tuổi khác nhau [7]. Nhân viên y tế - những người trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, yếu tố then chốt quyết định đến sự tồn tại và phát triển của bất kỳ tổ chức y tế nào. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội,...  đã tạo ra nhiều thách thức, khó khăn, áp lực đối với hệ thống y tế, làm tác động đến các hoạt động sống hằng ngày và chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Mạnh Tuân trên 650 nhân viên y tế tại Bệnh viện Trưng Vương cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế bị stress là 10,5%, bị trầm cảm là 20,8% và có lo âu là 31,5% [1]. Hiện nay, các nghiên cứu và báo cáo về chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế chưa được các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài quan tâm và đề cập đến nhiều.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh là bệnh viện hạng II, với quy mô bệnh viện ngày một lớn hơn và đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao nhằm mong muốn mang lại chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất cho người bệnh. Để đạt được mong muốn đó, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế cần phải được quan tâm và chú trọng nhiều hơn. Từ trước đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh cũng chưa có nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế.

Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh”, với mong muốn giúp Bệnh viện tìm ra được các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại bệnh viện.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Bao gồm các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh đồng ý tham gia nghiên cứu có thời gian làm việc hoặc có mặt tại Bệnh viện trên 6 tháng trong thời điểm nghiên cứu. Thời gian thực hiện nghiên cứu từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2022.

2.2. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu

2.2.1. Cỡ mẫu

Áp dụng công thức tính cỡ mẫu:      

nhân viên y tế

Trong đó, n là cỡ mẫu nghiên cứu. Z là trị số từ phân phối chuẩn. α = 0,05 là xác suất sai lầm loại I. Z1- α/2 = 1,96, trị số từ phân phối chuẩn với độ tin cậy 95%, d = 0,05 là độ chính xác (sai số cho phép), p là trị số mong muốn của tỷ lệ. Do chưa tìm được nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Việt Nam có sử dụng thang đo WHOQOL - BREF, nên chọn p = 0,5. Vậy cỡ mẫu tối thiểu là n = 384,2. Cỡ mẫu thực tế của nghiên cứu là 390.

2.2.2. Phương pháp chọn mẫu

- Chọn mẫu ngẫu nhiên đơn.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh có 30 khoa. Ở mỗi khoa chọn ra 13 nhân viên y tế bằng phương pháp ngẫu nhiên đơn. Trường hợp khoa không đủ 13 nhân viên y tế thì phát vấn thêm ở các khoa khác cho đủ số lượng.

2.3. Phương pháp thu thập số liệu

Công cụ thu thập số liệu: Bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên thang đo chất lượng cuộc sống WHOQOL - BREF [5] và thang đo đánh giá trầm cảm - lo âu -stress (DASS -21) [6].

Kỹ thuật thu thập số liệu: bằng hình thức phát phiếu phỏng vấn cho nhân viên y tế.

2.4. Phân tích số liệu

Số liệu được nhập, phân tích và xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20. Thống kê mô tả tính tần số, tỷ lệ (%) cho các biến định tính. Tính trung bình và độ lệch chuẩn, trung vị và khoảng tứ phân vị cho biến số định lượng. Thống kê phân tích sử dụng kiểm định chi bình phương c2, sử dụng hồi quy logistic đơn biến, sử dụng OR để đo lường độ lớn mức độ kết hợp của mối liên quan với mức ý nghĩa thống kê  α = 0,05, khoảng tin cậy 95%.

3. Kết quả

3.1. Chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh

Qua khảo sát cho thấy, các nhân viên y tế đều tự đánh giá chất lượng cuộc sống của bản thân từ Tốt trở lên, cụ thể: có 46 nhân viên đánh giá ở mức Rất tốt (chiếm 11,8%), 188 nhân viên đánh giá ở mức Tốt (chiếm 48,2%), ở mức Trung bình có 148 nhân viên (chiếm 37,9%), ở mức Không hài lòng có 5 nhân viên (chiếm 1,3%) và ở mức Rất không hài lòng có 3 nhân viên (chiếm 0,8%).

Đánh giá mức độ hài lòng về sức khỏe bản thân, có 50 nhân viên đánh giá ở mức Rất tốt (chiếm 12,8%), ở mức Tốt có 236 nhân viên (chiếm 60,5%), ở mức Trung bình có 98 nhân viên (chiếm 25,1%), mức Không hài lòng có 5 nhân viên (chiếm 1,3%) và vẫn có 1 nhân viên đánh giá ở mức Rất không hài lòng về sức khỏe bản thân (chiếm 0,3%).

Bảng 1. Điểm chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế theo các lĩnh vực (n = 390)

nhân viên y tế

Tiến hành cho điểm chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế theo các lĩnh vực, kết quả tại Bảng 1 cho thấy điểm số chất lượng cuộc sống chung trung bình của NVYT là 66,8 ± 11 theo thang điểm 100.

Đánh giá Chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện, kết quả cho thấy có 216 nhân viên ở mức Tốt (chiếm 55,4%) và 174 nhân viên được đánh giá đang có chất lượng cuộc sống ở mức Chưa tốt (chiếm 44,6%).

Đánh giá Sự hài lòng về cuộc sống của NVYT tại Bệnh viện cho thấy: có tỷ lệ NVYT hài lòng về khả năng làm việc của bản thân đạt cao nhất và tỷ lệ NVYT hài lòng về giấc ngủ của bản thân đạt thấp nhất. Cụ thể: có 239 nhân viên hài lòng về Giấc ngủ bản thân (chiếm 61,3%), có 267 nhân viên hài lòng về Khả năng thực hiện các hoạt động trong đời sống hằng ngày (chiếm 68,5%), 291 nhân viên hài lòng về Khả năng làm việc của Bản thân (chiếm 74,6%), có 282 nhân viên hài lòng về Bản thân (chiếm 72,3%), 287 nhân viên hài lòng về các mối quan hệ cá nhân (chiếm 73,6%), 268 nhân viên hài lòng về Đời sống tình dục của bản thân (chiếm 68,7%), 288 nhân viên hài lòng khi có sự giúp đỡ nhận được từ phía bạn bè (chiếm 73,8%), 272 nhân viên hài lòng về điều kiện nơi sống (chiếm 69,7%), 263 nhân viên hài lòng về Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế (chiếm 67,4%) và 267 nhân viên hài lòng về việc đi lại của bản thân (chiếm 68,55).

3.2. Một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh

Bảng 2. Một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của NVYT

nhân viên y tế

Bảng 2 cho thấy, các yếu tố nhóm tuổi, trình độ học vấn, thời gian công tác, thu nhập hiện tại, sống cùng, giấc ngủ, lo âu và trầm cảm có mối liên quan đến chất lượng cuộc sống của NVYT (p < 0,05).

4. Bàn luận

4.1. Chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh

Kết quả đánh giá Chất lượng cuộc sống của 390 NVYT tại Bệnh viện cho thấy, có 55,4% NVYT có chất lượng cuộc sống tốt. Tổng điểm chất lượng cuộc sống chung trung bình của 4 lĩnh vực đạt ở mức chất lượng cuộc sống cao (66,8 ± 11,0). Trong đó, lĩnh vực quan hệ xã hội có điểm cao nhất (75 điểm), còn lĩnh vực sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý có điểm thấp nhất (63 điểm). Kết quả này phù hợp với kết quả tự đánh giá về chất lượng cuộc sống, mức độ hài lòng về sức khỏe bản thân và sự hài lòng về cuộc sống của NVYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, điểm chất lượng cuộc sống chung trung bình trong nghiên cứu vẫn thấp hơn so với điểm chất lượng cuộc sống của y tá tại Bhutan (93 ± 11), Malaysia (89 ± 11), Thái Lan (89 ± 10), Singapore (85 ± 11) và Nhật Bản (78 ± 12) [4]. Sự khác biệt có thể do thước đo chất lượng cuộc sống, đối tượng nghiên cứu của tác giả và chúng tôi khác nhau.

4.2. Một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh

Nghiên cứu đã tìm thấy được mối liên quan giữa nhóm tuổi, trình độ học vấn, thời gian công tác, thu nhập hiện tại, sống cùng, giấc ngủ, lo âu và trầm cảm với chất lượng cuộc sống của NVYT. Cụ thể:

Những NVYT từ 35 tuổi trở xuống có chất lượng cuộc sống tốt bằng 0,55 lần so với những NVYT trên 35 tuổi (p = 0,004; KTC 95%: 0,37-0,83). Kết quả nghiên cứu của tác giả Andrades Barrientos L và cộng sự cũng tìm thấy mối liên quan giữa độ tuổi với chất lượng cuộc sống của NVYT [2]. Điều này có thể lý giải, những NVYT lớn hơn 35 tuổi là những người có thời gian công tác trên 5 năm, có nhiều kinh nghiệm trong công việc, đã quen dần với môi trường làm việc, có khả năng chịu được áp lực công việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn so với những người từ 35 tuổi trở xuống. Những yếu tố này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NVYT.

Những NVYT có thời gian công tác dưới 1 năm và từ 3-5 năm có chất lượng cuộc sống tốt tương ứng bằng 0,35 lần và 0,54 lần so với những NVYT có thời gian công tác trên 5 năm (p < 0,05). Những NVYT có thu nhập hiện tại từ 3-5 triệu đồng/tháng có chất lượng cuộc sống tốt bằng 0,60 lần so với những NVYT có thu nhập hiện tại trên 5 triệu đồng/tháng (p = 0,034; KTC 95%: 0,38-0,96). Trong một nghiên cứu tại Trung Quốc của tác giả Qing-Qing Wang và cộng sự cũng tìm ra được mối liên quan giữa chất lượng cuộc sống và thu nhập của hơn 2504 Y tá ở miền Đông Trung Quốc [8].

Những NVYT có trình độ học vấn đại học có chất lượng cuộc sống tốt bằng 0,37 lần so với những NVYT có trình độ học vấn sau đại học (p = 0,032; KTC 95%: 0,15-0,92). Những NVYT có trình độ học vấn sau đại học là những người có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, nhiều mối quan hệ, thu nhập cao hơn, do đó chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao.

Những NVYT sống cùng với vợ/chồng và con/cháu có chất lượng cuộc sống tốt bằng 4,93 lần so với những NVYT sống cùng con/cháu (p = 0,024; KTC 95%: 1,23-19,69). Kết quả này có thể thấy được sống cùng người thân trong gia đình sẽ làm cho NVYT không cảm thấy cô đơn, có người chia sẻ, giúp đỡ ở các lĩnh vực,... Đặc biệt, sống trong gia đình có vợ chồng và con cháu sống chung càng tăng thêm chỉ số hạnh phúc, gia đình hạnh phúc được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng trên hết là yếu tố về chất lượng mối quan hệ của các thành viên gia đình, bao gồm sự yêu thương, gắn kết, chia sẻ, hòa thuận, chăm sóc giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia đình; từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những NVYT có giấc ngủ dưới 7 giờ/ngày có chất lượng cuộc sống tốt bằng 0,64 lần so với những NVYT có giấc ngủ từ 7 giờ/ngày trở lên (p = 0,028; KTC 95%: 0,43-0,95). Nếu ngủ ngon và đủ giấc sẽ sống khỏe mạnh hơn, giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ, sảng khoái và tràn đầy năng lượng để bắt đầu vào công việc. Trong một nghiên cứu của tác giả Sujin Lee và cộng sự cũng đã tìm ra được mối liên quan giữa và giấc ngủ và chất lượng cuộc sống [3].

NVYT có lo âu có chất lượng cuộc sống tốt bằng 0,46 lần so với những nhân viên y tế không có lo âu (p < 0,001; KTC 95%: 0,30-0,71). NVYT có trầm cảm có chất lượng cuộc sống tốt bằng 0,41 lần so với những NVYT không có trầm cảm (p < 0,001; KTC 95%: 0,25-0,68). Có thể thấy, lo âu và trầm cảm là 2 yếu tố tác động mạnh về mặt tinh thần, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của NVYT. Sự ảnh hưởng này là do đặc thù của công việc, hằng ngày NVYT phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, môi trường làm việc khép kín, phải chịu nhiều áp lực, ít có thời gian và không gian riêng cho các hoạt động vui chơi giải trí. Cùng với việc chăm sóc những bệnh nhân trong bệnh viện, NVYT còn phải quan tâm, chăm sóc những người thân trong gia đình. Đây cũng là những yếu tố làm cho NVYT dễ rơi vào trạng thái lo âu và trầm cảm. Vì thế, lãnh đạo bệnh viện, đồng nghiệp, người thân của NVYT,… cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với NVYT, tạo điều kiện tốt nhất để họ có tinh thần thoải mái, phấn khởi, cải thiện về mặt tâm lý cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.

5. Kết luận và khuyến nghị

Chất lượng cuộc sống tốt của NVYT đạt 55,4%. Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống bao gồm nhóm tuổi, trình độ học vấn, thời gian công tác, thu nhập hiện tại, sống cùng, giấc ngủ, lo âu và trầm cảm. Vì thế, bệnh viện cần khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để NVYT có thể bồi dưỡng, nâng cao trình chuyên môn; chủ động khen thưởng nhân viên, tập thể có thành tích tốt; lắng nghe ý kiến nhân viên; động viên, an ủi, giúp đỡ kịp thời các nhân viên gặp khó khăn; tổ chức các hoạt động dã ngoại, du lịch nhằm khuyến khích NVYT. Đồng thời, sắp xếp lịch làm việc, lịch trực khoa học để giảm bớt áp lực và không ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của NVYT.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Mạnh Tuân, Đàm Thị Tám Hương và cộng sự (2018). Stress, trầm cảm, lo âu của nhân viên y tế Bệnh viện Trưng Vương năm 2018. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 22(6), 71- 79.
  2. Lenka Andrades Barrientos,Sandra Valenzuela Suazo (2007). Quality of life associated factors in Chileans hospitals nurses. Rev Latino-Am Enfermagem, 15(3), 480-486.
  3. Sujin Lee,Ji Hyun Kim,Jae Ho Chung (2021). The association between sleep quality and quality of life: a population-based study. Sleep Medicine, 84, 121-126.
  4. Sachiko Makabe, et. al. (2018). Investigation of the key determinants of Asian nurses' quality of life. Ind Health, 56(3), 212-219.
  5. S. M. Skevington, M. Lotfy, K. A. O'Connell (2004). The World Health Organization's WHOQOL-BREF quality of life assessment: psychometric properties and results of the international field trial. A report from the WHOQOL group. Qual Life Res., 13(2), 299-310.
  6. Thach Duc Tran, Tuan Tran, Jane Fisher (2013). Validation of the depression anxiety stress scales (DASS) 21 as a screening instrument for depression and anxiety in a rural communitybased cohort of northem Vietnamese women. BMC psychiatry, 13(1), 01- 07.
  7. World Health Organization (1995). The World Health Organization Quality of Life assessment (WHOQOL): Position paper from the World Health Organization. Soc Sci Med, 41(10), 403-409.
  8. Qing-Qing Wang, Rui-Lian Qian, Yan-Hong Zhang, (2019). Job burnout and quality of working life among Chinese nurses: A cross-sectional study. J. Nurs. Manag, 27(8), 1835-1844.

FACTORS AFFECTING THE QUALITY

OF LIFE OF MEDICAL STAFF WORKING

FOR TRA VINH PROVINCE GENEAL HOSPITAL

• HUYNH THI XUAN LINH1

• NGUYEN THI THANH THUY2

• NGUYEN HIEU THAO1

1Faculty of Medicine and Pharmacy, Tra Vinh University

2Can Tho Stroke International Services  

Abstract:

This study assesses the quality of life of medical staff working for Tra Vinh Province Geneal Hospital in 2022. The study finds that the percentage of medical staff with a good quality of life, good quality of life, and not good, is 55.4%, 55.4%, and 44.6%, respectively. The study also finds that the factors affecting the medical staff’s quality of life are: age group, education level, years of employment, income, cohabitation, sleep, anxiety and despression. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the quality of life of medical staff working for Tra Vinh Province Geneal Hospital.

Keywords: life quality, medical staff, Tra Vinh Province Geneal Hospital.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương