TÓM TẮT:
Mục đích của nghiên cứu nhằm xác định những rào cản trong giảng dạy online mà giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế gặp phải trong quá trình chuyển đổi hình thức học tập mới; từ đó đề xuất hàm ý quản trị góp phần khắc phục rào cản trong giảng dạy online của giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, 3 yếu tố rào cản lớn nhất trong giảng dạy online của giảng viên là thời gian, tương tác trong giảng dạy và sự hỗ trợ hạ tầng công nghệ.
Từ khóa: giảng viên, giảng dạy online, rào cản, Trường Du lịch - Đại học Huế.
1. Đặt vấn đề
Xây dựng và phát triển theo phương thức đào tạo online tại các trường học là một xu hướng tất yếu ở cả Việt Nam và trên thế giới. Trước tác động của đại dịch Covid-19, giảng dạy online trở thành phương thức chính và được áp dụng rộng rãi ở các trường học. Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hàng Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT vẫn cho phép giảng dạy trực tuyến tối đa 30% tổng khối lượng chương trình đào tạo. Theo chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Du lịch - Đại học Huế đã triển khai giảng dạy và học tập theo hình thức online nhằm đảm bảo tiến độ đào tạo. Ở bước đầu triển khai, việc áp dụng hình thức này gây ra một số thách thức và rào cản cho cả người học lẫn người dạy. Đặc biệt với chương trình đào tạo chuyên sâu về các kiến thức trong lĩnh vực du lịch càng đòi hỏi giảng viên cần nhiều kiến thức và kỹ năng để đáp ứng hình thức giảng dạy mới. Xuất phát từ thực tiễn đó, nghiên cứu này được thực hiện với mục đích xác định những rào cản trong giảng dạy online mà các giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế gặp phải; từ đó đưa ra các hàm ý quản trị khắc phục các rào cản trong giảng dạy online của giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế.
2. Cơ sở lý thuyết
Nhiều nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề rào cản thời gian trong giảng dạy online chẳng hạn như: hạn chế về thời gian trong việc sắp xếp đủ thời gian sử dụng máy tính (Bingimlas, 2009; Al-Senaidi & cộng sự, 2009; Becta, 2004; Sicilia, 2005); yêu cầu khối lượng công việc lớn hơn nhiều so với lớp học truyền thống (Cavanaugh, 2005); không đủ thời gian để lên kế hoạch cho các bài học áp dụng công nghệ, khám phá các website/phần mềm giáo dục (Sicilia, 2005); hay phải mất gấp 2 lần thời gian bình thường để chuẩn bị và giảng dạy online (Cavanaugh, 2005).
Một trong những rào cản lớn nhất trong giảng dạy online là tương tác trong giảng dạy. Giảng viên phải cố gắng để sinh viên tương tác với họ và các sinh viên khác trong lớp (Haber & Mills, 2008). Các tương tác trong lớp học online không hiệu quả và không khuyến khích sự tương tác giữa những người học để giúp họ học tốt hơn (Huỳnh Đình Lệ Thu, 2023). Do thiếu sự tiếp xúc trực tiếp và trực quan với sinh viên, nhiều giảng viên gặp khó khăn trong việc cung cấp nội dung và tăng cường sự tham gia của sinh viên trong lớp học (Crawley & cộng sự, 2009).
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng rào cản ngăn cản giảng viên sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong giảng dạy là rào cản về tâm lý. Dưới những áp lực của việc chuyển đổi hình thức giảng dạy online, đội ngũ giảng viên ứng phó bằng cách duy trì các phương pháp giảng dạy truyền thống, tuy nhiên việc sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống ở môi trường học tập mới đã gây ra nhiều bất cập (Littlejohn & cộng sự, 2021). Mặc dù nhiều trường đại học đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ cần thiết để phục vụ cho giảng dạy online, nhưng phần lớn phản hồi của giảng viên đều xoay quanh đến niềm tin với chất lượng của học tập online (Littlejohn, 2020).
Từ những rào cản trong giảng dạy online được trình bày ở trên, căn cứ vào tình hình thực tế trong giảng dạy online của giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế, nghiên cứu đề xuất 5 nhóm rào cản trong giảng dạy online, gồm: (1) rào cản tâm lý, (2) rào cản thời gian, (3) rào cản khả năng sử dụng công nghệ, (4) rào cản tương tác trong giảng dạy, và (5) rào cản hỗ trợ hạ tầng công nghệ.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để đánh giá các yếu tố rào cản trong giảng dạy online của giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế. Số liệu sơ cấp được thu thập bằng bảng hỏi theo phương pháp điều tra toàn bộ đối với giảng viên của trường có tham gia giảng dạy online. Bảng hỏi được thiết kế theo 5 nhóm yếu tố rào cản trong giảng dạy online của giảng viên dựa theo mô hình đã đề xuất và thang đo Likert xây dựng theo 5 mức từ 1 - Rất không đồng ý đến 5 - Rất đồng ý.
Có 70/77 bảng hỏi thu về đủ thông tin để đưa vào phân tích. Dữ liệu được tổng hợp và phân tích trên phần mềm SPSS 26.0. Để đạt được mục đích nghiên cứu, bài viết sử dụng kết hợp các phương pháp: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích phương sai một chiều và kiểm định Independent Sample T Test.
4. Kết quả và thảo luận
4.1. Mô tả mẫu nghiên cứu
Trong tổng số 70 giảng viên tham gia khảo sát, giảng viên nữ chiếm tỷ lệ 64.3%. Giảng viên ở độ tuổi từ 25 - 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 51.7% và phần lớn có trình độ thạc sĩ chiếm 82.9%.
Số lớp học online mà giảng viên đã và đang tham gia giảng dạy trên 7 lớp học chiếm 57.1%. Đa số giảng viên sử dụng các ứng dụng như Google Meet (91.4%); Google Classroom (71.4%) và Zoom (62.9%) để giảng dạy online. Laptop là phương tiện chủ yếu giảng viên sử dụng để giảng dạy online (100%).
4.2. Phân tích các yếu tố rào cản trong giảng dạy online của giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế
Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo của các nhóm yếu tố rào cản trong giảng dạy online của giảng viên cho thấy tất cả các biến đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,7. (Bảng 1)
Bảng 1. Đánh giá của giảng viên về rào cản trong giảng dạy online
Nội dung |
GTTB |
Biến độc lập |
||||
Giới tính |
Độ tuổi |
Học vấn |
Khoa |
Kinh nghiệm |
||
I. Rào cản tâm lý |
||||||
Lo lắng về việc sử dụng các thiết bị, ứng dụng giảng dạy online |
2.96 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Không tự tin với phương pháp giảng dạy online |
3.13 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
Không tự tin có thể tự xử lý được những sự cố xảy ra |
3.41 |
Ns |
Ns |
** |
Ns |
Ns |
Lo ngại về hiệu quả của việc giảng dạy online |
3.96 |
Ns |
* |
Ns |
Ns |
Ns |
Cảm thấy chưa sẵn sàng tham gia giảng dạy online |
3.04 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
II. Rào cản thời gian |
||||||
Không có đủ thời gian để soạn bài giảng online |
3.36 |
Ns |
Ns |
* |
Ns |
Ns |
Mất nhiều thời gian để tìm hiểu về CNTT-TT |
3.34 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
Mất nhiều thời gian để áp dụng CNTT-TT |
3.30 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
Việc trao đổi online giữa giảng viên và sinh viên mất nhiều thời gian hơn trao đổi trực tiếp |
3.99 |
Ns |
** |
Ns |
Ns |
Ns |
Giảng dạy online mất nhiều thời gian giảng dạy hơn hình thức trực tiếp |
3.77 |
Ns |
* |
*** |
Ns |
Ns |
Các ứng dụng giảng dạy online bị giới hạn thời gian giảng dạy |
4.29 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
III. Rào cản khả năng sử dụng công nghệ |
||||||
Khó khăn trong việc sử dụng các phương tiện, thiết bị CNTT-TT trong giảng dạy online |
3.04 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Khó khăn trong việc sử dụng các ứng dụng CNTT-TT trong giảng dạy online |
3.02 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Hạn chế trong việc sử dụng có hiệu quả CNTT-TT trong giảng dạy online |
3.31 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
Các ứng dụng CNTT-TT không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy |
3.73 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
IV. Rào cản tương tác trong giảng dạy |
||||||
Chỉ là bài giảng một chiều |
3.74 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
* |
Thiếu sự tương tác qua lại giữa giảng viên và sinh viên |
3.80 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Thiếu sự tương tác giữa các sinh viên khác với nhau |
4.24 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
** |
Lớp học có tỷ lệ phản hồi thấp và thời gian phản hồi chậm |
4.14 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
** |
Giảng viên không quản lý được lớp học |
3.84 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
V. Rào cản hỗ trợ hạ tầng công nghệ |
||||||
Việc giảng dạy online phụ thuộc vào điện và kết nối Internet |
4.51 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
Chất lượng đường truyền - tốc độ mạng internet/wifi không đáp ứng |
4.19 |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Ns |
Các ứng dụng giảng dạy online bị hạn chế thời gian và chức năng phục vụ giảng dạy online |
4.19 |
Ns |
Ns |
** |
Ns |
Ns |
Các nguồn tài nguyên/tài liệu của học online khó tiếp cận/truy cập |
3.56 |
Ns |
Ns |
- |
Ns |
Ns |
Thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật |
4.04 |
Ns |
** |
*** |
Ns |
Ns |
Nguồn: Số liệu điều tra, 2023
Chú thích: Ns: p-value (sig.) > 0,1: không có sự khác biệt; 0,05 < Sig. (Value) ≤ 0,1 (*): Khác biệt có ý nghĩa thống kê thấp; 0,01< Sig. (Value) ≤ 0,05 (**): Khác biệt có ý nghĩa thống kê trung bình; Sig. (Value) ≤ 0,01 (***): Khác biệt có ý nghĩa thống kê cao.
1) Rào cản tâm lý: Phần lớn giảng viên đánh giá những tiêu chí ở nhóm yếu tố tâm lý không phải là rào cản quá lớn trong giảng dạy online của mình. Chỉ riêng với tiêu chí Lo ngại về hiệu quả của việc giảng dạy online thì giảng viên đánh giá với GTTB cao nhất (3.96). Kết quả phân tích cũng cho thấy, giảng viên có trình độ học vấn khác nhau thì có sự khác biệt trong đánh giá ở mức trung bình với tiêu chí Không tự tin có thể tự xử lý được những sự cố xảy ra, cụ thể giảng viên là có trình độ học vấn phó giáo sư, tiến sĩ đánh giá ở mức rào cản thấp nhất (1.67), và ngược lại nhóm thạc sĩ đánh giá mức rào cản cao nhất (3.55).
(2) Rào cản thời gian: Đối với rào cản về thời gian để tìm hiểu, áp dụng để chuyển đổi bài giảng online thì giảng viên của trường đánh giá đây không phải là các rào cản trong giảng dạy online. Vấn đề rào cản về thời gian mà các giảng viên gặp phải liên quan đến việc quản lý thời gian trong quá trình giảng dạy online để điểm danh, trao đổi nội dung bài học, xử lý các sự cố bất ngờ,... Trong đó, Các ứng dụng giảng dạy online bị giới hạn thời gian giảng dạy có GTTB cao nhất nhóm (4.29).
Việc trao đổi online giữa giảng viên và sinh viên mất nhiều thời gian hơn trao đổi trực tiếp và Giảng dạy online mất nhiều thời gian giảng dạy hơn hình thức trực tiếp có sự khác biệt trong đánh giá của các nhóm giảng viên có độ tuổi khác nhau. Cụ thể, nhóm giảng viên có độ tuổi trên 55 tuổi đều đánh giá 2 tiêu chí này với mức độ đồng ý cao nhất (GTTB lần lượt là 3.67 và 4.33); và nhóm độ tuổi từ 46 đến 54 tuổi cùng đánh giá mức rào cản thấp nhất (2.50).
(3) Rào cản khả năng sử dụng công nghệ: Giảng viên đánh giá các tiêu chí trong nhóm rào cản về khả năng sử dụng công nghệ không phải là rào cản quá lớn trong giảng dạy online. Kết quả phân tích sự khác biệt cũng cho thấy không có sự khác biệt trong đánh giá của các nhóm giảng viên.
(4) Rào cản tương tác trong giảng dạy: Kết quả phân tích cho thấy mức độ đồng ý cao trong đánh giá của giảng viên đối với các tiêu chí trong nhóm rào cản về tương tác trong giảng dạy. Trong đó, Thiếu sự tương tác giữa các sinh viên khác với nhau chính là tiêu chí được giảng viên đánh giá rào cản cao nhất (4.24) trong nhóm.
Có sự khác biệt trong đánh giá của các nhóm giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy khác nhau. Cụ thể, với 3 tiêu chí Chỉ là bài giảng một chiều, Thiếu sự tương tác giữa các sinh viên khác với nhau, và Lớp học có tỷ lệ phản hồi thấp và thời gian phản hồi chậm đều được nhóm giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy dưới 5 năm đánh giá với mức độ đồng ý cao nhất (GTTB lần lượt là 4.27; 4.73 và 4.64). Ngược lại, với nhóm giảng viên với kinh nghiệm giảng dạy từ 5 đến 10 năm đánh giá thấp nhất (GTTB lần lượt là 3.42; 4.13 và 3.83).
(5) Rào cản hỗ trợ hạ tầng công nghệ: giảng viên đánh giá cao các tiêu chí trong nhóm rào cản về sự hỗ trợ hạ tầng công nghệ trong giảng dạy online của mình. Trong đó Việc giảng dạy online phụ thuộc vào điện và kết nối Internet là tiêu chí được giảng viên đánh giá với GTTB cao nhất (4.51). Có sự khác biệt trong đánh giá các tiêu chí trong nhóm rào cản hỗ trợ hạ tầng công nghệ của các nhóm giảng viên có độ tuổi và học vấn khác nhau.
5. Kết luận
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những yếu tố rào cản ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thời gian, sự tương tác trong giảng dạy và sự hỗ trợ hạ tầng công nghệ là những rào cản trong giảng dạy online của giảng viên. Đây là những rào cản mà giảng viên khó có thể quản lý và khắc phục trong khoảng thời gian ngắn. Các rào cản thuộc về cá nhân như tâm lý và khả năng sử dụng công nghệ không thực sự là những rào cản lớn trong giảng dạy online của họ.
Kết quả này sẽ góp phần đưa ra hàm ý nhằm khắc phục các rào cản trong giảng dạy online của giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế. Cụ thể:
Thứ nhất, hạn chế các rào cản về tương tác trong lớp học bằng cách khuyến khích sử dụng các câu hỏi giả định hoặc kích thích tư duy về các chủ đề liên quan đến thực tế bài học để thúc đẩy học tập cá nhân, cũng như khuyến khích sinh viên trao đổi kiến thức và kỹ năng với nhau. Giảng viên cần tạo ra một môi trường học tập có sự gần gũi và thoải mái trong việc chia sẻ ý kiến và quan điểm của mình, kết nối và tương tác trở thành một mục tiêu quan trọng trong lớp học. Tận dụng tối đa các tính năng nâng cao của các ứng dụng học tập hoặc kết hợp thêm nền tảng mạng xã hội để tăng cường trao đổi và hỗ trợ kịp thời. Xây dựng một nhóm trao đổi giữa các giảng viên để họ có môi trường chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy hay các “bí kíp” tăng tương tác trong lớp học online,… một cách liên tục.
Thứ hai, giảng viên có thể khắc phục rào cản về quản lý thời gian trong quá trình giảng dạy online bằng cách tạo ra một mô-đun/diễn đàn cho phép sinh viên làm quen với nhau và thực hành một số kỹ năng cần thiết trong lớp trước thời gian lớp học diễn ra. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo/hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến học tập online để giảng viên có thêm kinh nghiệm làm việc và xử lý các sự cố trong giảng dạy online. Nâng cấp tài khoản của giảng viên để họ có thể sử dụng tối đa thời gian cũng như chức năng của các ứng dụng giảng dạy.
Thứ ba, tăng cường sự hỗ trợ hạ tầng công nghệ cho cả giảng viên lẫn sinh viên, chú ý đến nhóm giảng viên ở độ tuổi trên 55 tuổi cũng như nhóm giảng viên trình độ thạc sĩ. Việc có sự hỗ trợ của một cán bộ chuyên phụ trách kỹ thuật là điều cần thiết. Ngoài ra, Nhà trường cần hỗ trợ nâng cấp các gói truy cập internet và các tài nguyên công nghệ cần thiết cho giảng viên. Sự hỗ trợ về hạ tầng công nghệ cũng là giải pháp góp phần giải quyết các rào cản về mặt thời gian trong giảng dạy online.
Tài liệu tham khảo:
- Al-Senaidi S, Lin L, & Poirot J (2009). Barriers to adopting technology for teaching and learning in Oman. Computers & education, 53(3), 575-590.
- Balanskat A, Blamire R, & Kefala S (2006). A review of studies of ICT impact on schools in Europe.
- Cavanaugh J (2005). Teaching online-A time comparison. Online Journal of Distance Learning Administration, 8(1), 1-9.
- Empirica (2006). Benchmarking access and use of ICT in European schools 2006: Final report from Head Teacher and Classroom Teacher Surveys in 27 European countries. Germany: European Commission.
- Haber J, & Mills M (2008). Perceptions of barriers concerning effective online teaching and policies: Florida community college faculty. Community College Journal of Research and Practice, 32(4-6), 266-283.
- Ko S, & Rossen S (2017). Teaching online: A practical guide. Taylor & Francis.
- Littlejohn A, Gourlay L, Kennedy, E el al (2021). Moving teaching online: Cultural barriers experienced by university teachers during covid-19. Journal of Interactive Media in Education, 2021(1).
- Sicilia C (2005). The Challenges and Benefits to Teachers' Practices in Constructivist Learning Environments Supported by Technology. Unpublished master’s thesis, McGill University, Montreal.
- Varvel V.E (2007). Master online teacher competencies. Online Journal of Distance Learning Administration, 10(1), 1-41.
Online teaching barriers facing lecturers at the School of Hospitality and Tourism of Hue University
Hoang Thi Mong Lien
Faculty of Tourism Management, School of Hospitality and Tourism, Hue University
Abstract:
This study identifies the online teaching barriers that lecturers at the School of Hospitality and Tourism of Hue University face when they shift to online teaching. Based on the study’s findings, three management implications are proposed to help lecturers overcome barriers in online teaching. The study finds that there are three major barriers to online teaching, including time, interaction in teaching, and IT infrastructure support.
Keywords: lecturers, online teaching, barriers, School of Hospitality and Tourism - Hue University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]