TÓM TẮT:
Nội dung bài viết này hướng đến việc nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên khi tham gia học trực tuyến tại các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) hiện nay. Mục đích của bài viết nhằm đưa ra những vấn đề, như: thực trạng vấn đề tự học, tự nghiên cứu của sinh viên các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh; phương pháp tự học, tự nghiên cứu của sinh viên khi học trực tuyến; cách đánh giá phù hợp khi học trực tuyến; và cuối cùng là những việc làm cụ thể của giảng viên giúp sinh viên phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu khi học trực tuyến.
Từ khóa: nâng cao, tự học, tự nghiên cứu, học trực tuyến, sinh viên, đại học, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi các môn học từ hình thức học tập trung trên lớp, giảng đường sang hình thức online là một trong những công việc mà rất nhiều trường đang triển khai. Trước khi triển khai học tập theo hình thức trực tuyến, các phương pháp học tập của sinh viên tại các trường ĐH hiện nay đã tương đối đa dạng, như: sinh viên tham gia giờ học lý thuyết trên giảng đường; tham gia thực hành ở phòng thí nghiệm; phòng mô phỏng, thực tập môn học tại nhà xưởng; tham gia nghiên cứu khoa học; tham gia các diễn đàn, hội thảo khoa học; tự học ở thư viện,… Trong các hình thức đó, giảng viên luôn đóng vai trò là người cố vấn, định hướng cho quá trình lĩnh hội, tiếp thu kiến thức của sinh viên. Đối với sinh viên, cần chủ động, tự giác học tập, rèn luyện những kĩ năng tự học để thích nghi với môi trường giáo dục đại học. Vì vậy, tự học có vai trò rất quan trọng trong chương trình đào tạo. Nâng cao khả năng tự học của sinh viên khi học tập trung đã là một vấn đề nan giải, thì việc sinh viên nhận thức đúng về vai trò của việc tự học và có phương pháp tự học hiệu quả khi học tập trực tuyến lại là vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Bởi vậy, cần phải có giải pháp cải tiến phương pháp tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, đặc biệt trong giai đoạn sinh viên học tập trực tuyến để có thể trang bị cho mình những hành trang đáp ứng được những yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
2. Cơ sở lý thuyết về tự học và giảng dạy trực tuyến
2.1. Khái niệm về tự học
Khái niệm “tự học” được hiểu theo nhiều quan điểm. Theo Nguyễn Hiến Lê, “Tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm. Người tự học hoàn toàn làm chủ mình, muốn học môn nào tùy ý, muốn học lúc nào cũng được: đó mới là điều kiện quan trọng”. Theo Lê Khánh Bằng, “Tự học là tự mình suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ và phẩm chất tâm lí để chiếm lĩnh một lĩnh vực khoa học nhất định”. Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng: “Tự học là tự mình dùng các giác quan để thu nhận thông tin rồi tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (so sánh, quan sát, phân tích, tổng hợp,…) và có khi cả cơ bắp (khi phải sử dụng công cụ) cùng các phẩm chất của mình, cả động cơ, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan (như trung thực, khách quan, có chí tiến thủ, không ngại khó,…) để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình.”. Phạm Viết Vượng đưa ra quan điểm: “Tự học là hình thức học sinh học ngoài giờ lên lớp bằng nỗ lực cá nhân theo kế hoạch học tập trung và không có mặt trực tiếp của giáo viên”.
Theo Rubakin, phương pháp tự học là: “Hãy mạnh dạn tự mình đặt ra câu hỏi rồi tự mình tìm lấy câu trả lời - đó chính là phương pháp tự học”. Phương pháp tự học là cách thức, con đường, phương tiện mà người học vận dụng trong quá trình tự học để đạt được hiệu quả học tập.
Tự học có nghĩa là sinh viên phải độc lập, tự xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập cho mình, tự năng động tìm tòi, nghiên cứu sách vở, tài liệu tham khảo, tiến tới làm chủ tri thức, kỹ năng trên cơ sở hướng dẫn của giảng viên. Nghĩa là học không bị bắt buộc, mà phải là một hoạt động tự giác, học hỏi để biết thêm.
2.2. Khái niệm về giảng dạy và giảng dạy trực tuyến
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, giảng dạy là quá trình tác động đến một con người nhằm làm cho người đó lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo,... một cách có hệ thống, để chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng nhận một sự phân công lao động nhất định, góp phần của mình vào việc phát triển xã hội và phát triển nền văn minh của loài người. Giảng dạy là hoạt động truyền thụ kiến thức, huấn luyện kỹ năng, giáo dục thái độ, nhằm giúp người học chiếm lĩnh được năng lực một nghề nghiệp, hoặc một năng lực liên quan đến những mặt khác của cuộc sống.
Theo Karl (2001) cho rằng, giảng dạy trực tuyến là việc giao tiếp trong môi trường học tập mà người dạy và người học có sự cách biệt về thời gian hay không gian, hoặc cả hai. Người dạy cung cấp nội dung khóa học thông qua các ứng dụng quản lý học tập (LMS, LCMS), các nguồn tài nguyên đa phương tiện, mạng internet, hội thảo trực tuyến,… còn người học nhận nội dung khóa học và tương tác với người dạy thông qua cùng các phương tiện kỹ thuật đó. Theo Elliott và Healy (2001), giảng dạy trực tuyến là “việc áp dụng công nghệ để cung cấp, chọn lựa, quản trị, hỗ trợ và mở rộng cách học truyền thống”. Tóm lại, giảng dạy trực tuyến được xác định là quá trình giảng dạy học có sử dụng các phương tiện điện tử, CNTT và truyền thông, nhằm thực hiện việc chuyển giao, chia sẻ kiến thức giữa người dạy và người học, xóa bỏ những giới hạn về thời gian và không gian.
3. Phương pháp nghiên cứu và phân bổ mẫu điều tra
Khảo sát được thực hiện dưới các hình thức: Phát phiếu khảo sát trực tiếp; Phát phiếu khảo sát trực tuyến thông qua email với sự hỗ trợ bởi phần mềm tạo biểu mẫu khảo sát của google, phiếu trả lời được tổng hợp để thu nhận dữ liệu thông qua công cụ hỗ trợ từ google.
Số liệu sau khi trải qua các bước trên sẽ được sử dụng để thống kê các chỉ tiêu nhằm đáp ứng được mục tiêu phân tích đề ra. Cụ thể, để phù hợp với mục tiêu này, phương pháp phân tích được sử dụng theo công thức sau:
Đánh giá điểm trung bình có trọng số (mean):
Trong đó: x1, x2, …, xn là n phần tử trong tập mẫu.
ai là trọng số của phần tử xi.
N là tổng số số phân tử trong mẫu.
Đánh giá kết quả lựa chọn từng nội dung theo điểm trung bình như sau:
Số phiếu tác giả phát ra là 1.200 phiếu, thu về 1.064 phiếu hợp lệ, mẫu của nghiên cứu được lấy ở đây chủ yếu dựa vào mẫu thuận tiện.
4. Kết quả nghiên cứu
Thực tế cho thấy, bản chất của sư phạm là một quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Vì vậy, trong các nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, đa phần đều có một kết luận chung rằng chính sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công đối với chất lượng dạy và học ở đại học, đặc biệt là khi sinh viên học trực tuyến. Nhưng trong thực tế, đa số sinh viên chưa biết cách tự học, khi học theo hình thức trực tuyến, sinh viên vẫn còn mang nặng cách học thụ động, chăm chú ghi chép, chưa quan tâm đến việc tương tác với giảng viên.
Kết quả cho thấy, kết quả khảo sát mức độ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên khi học trực tuyến đánh giá về tỷ lệ tham gia học trực tuyến (Điểm trung bình = 2,84; Độ lệch chuẩn = 0,96); khả năng tự học của sinh viên theo yêu cầu môn học đạt mức độ khá tốt (ĐTB = 2.86; ĐLC = 0,94). Tuy nhiên, kết quả học tập của sinh viên còn tiệm cận ở mức trung bình (ĐTB = 2,75; ĐLC = 1,02). Đối với sự tương tác giữa giảng viên - sinh viên cho kết quả tỷ lệ chưa cao so với các nội dung khác (ĐTB = 2,48; ĐLC = 0,90). Qua tìm hiểu thông qua phỏng vấn sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý một số trường, có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân, như: sinh viên tự học qua hệ thống bài giảng, tài liệu tham khảo và luyện tập đã đạt được kiến thức cần thiết và hiểu bài, nên ít tham gia diễn đàn; giảng viên chưa có các chủ đề hoặc tình huống thảo luận thu hút người học tham gia; sinh viên ngại đưa ra ý kiến tại diễn đàn,… Tuy nhiên, các trường đang nỗ lực đổi mới để tăng cường việc giao tiếp và tương tác giữa người học và người dạy trên môi trường trực tuyến để thu hút sự tham gia của sinh viên nhiều hơn, cởi mở hơn. Bên cạnh đó, cần thiết tăng cường hơn hoạt động giám sát, hỗ trợ của đội ngũ hỗ trợ, phục vụ đào tạo.
5. Những công việc giảng viên cần lưu ý khi giảng dạy trực tuyến
5.1. Lựa chọn phần mềm phù hợp
Ngày nay, sử dụng công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến đem lại những tiện ích vượt trội. Giúp giảm tải các khó khăn và bất lợi so với các phương pháp dạy học truyền thống. Cùng với nhu cầu giảng dạy trực tuyến trong thời gian qua tăng cao, các phần mềm hỗ trợ livestream và lưu trữ bài giảng online ngày càng phát triển. Những phần mềm chính là công cụ hỗ trợ cần thiết cho các giảng viên. Một số phần mềm dạy học trực tuyến giảng viên có thể sử dụng, như: Google Meet, Microsoft Teams, Zoom Meeting, Edubit.vn, Schoolbus, Udemy, Camfrog.
5.2. Thông báo đầy đủ cho sinh viên về đề cương chi tiết học phần
Tận dụng tính năng của mạng xã hội, các giảng viên cũng có thể trao đổi với sinh viên qua các hình thức: Fanpage; trang cá nhân, các nhóm chat, Group lớp. Giảng viên có thể sử dụng 5 mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, đó là Facebook, Skype, Zalo, Youtube và Twitter để hỗ trợ cho việc giảng dạy trực tuyến. Giảng viên sẽ thông tin đến sinh viên về đề cương môn học. Trong đề cương có đầy đủ mục tiêu, yêu cầu theo từng nội dung của buổi học. Đặc biệt, đề cương giới thiệu chi tiết các tài liệu học tập, trong đó chỉ rõ giáo trình chính và tài liệu tham khảo phục vụ cho môn học. Điều đó giúp cho sinh viên sẽ sắp xếp được thời gian học tập, nội dung học tập của mình.
5.3. Hướng dẫn sinh viên tự hoàn thiện bài học
Khi hướng dẫn sinh viên tự học ở nhà, giảng viên cần lưu ý nhiệm vụ cơ bản sau:
- Sinh viên tự hoàn chỉnh bài học qua việc đọc tài liệu, giáo trình. Có nghĩa là bắt buộc sinh viên đọc tài liệu ít nhất là 2 lần: lần 1 đọc để nắm vấn đề, ghi chép những vấn đề quan trọng, những vấn đề chưa hiểu, chuẩn bị tâm thế chủ động để học trên lớp; lần 2 đọc để củng cố kiến thức đã học trên lớp, bổ sung những kiến thức mà giảng viên không có thời gian trình bày, hoặc những vấn đề tham khảo mà giảng viên gợi ý, giải quyết những vấn đề thắc mắc ở lần đọc thứ nhất.
- Giao các bài tập để sinh viên vận dụng lý thuyết vào thực hành và giảng viên trao đổi, sửa bài tập vào buổi sau.
5.4. Hướng dẫn sinh viên làm các bài tập nghiên cứu và kiểm tra đánh giá
Đây là một việc làm có thể phát huy cao nhất ý thức tự học của sinh viên, đồng thời tạo hứng thú và óc sáng tạo của sinh viên.
- Giảng viên chọn trong môn học những nội dung, vấn đề (ngoài những nội dung vấn đề đã được thảo luận trực tuyến) sau đó chỉ rõ mục đích, yêu cầu, cách thức thực hiện để giao cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu.
- Công khai các tiêu chí đánh giá, xác định thời gian sinh viên nộp báo cáo kết quả tự học, tự nghiên cứu cho GV.
- Cung cấp tài liệu và giới thiệu địa chỉ tìm tài liệu cho sinh viên đọc, tự nghiên cứu. Hướng dẫn cách thức tìm kiếm, xử lý thông tin khi tự học, tự nghiên cứu.
- Tạo điều kiện cho sinh viên được trao đổi dễ dàng với giảng viên qua các ứng dụng miễn phí như: Zalo, Viber,… để nhận các chỉ dẫn cần thiết hoàn thành bài tập nghiên cứu đúng hướng.
- Đánh giá, nhận xét kết quả tự học, tự nghiên cứu của sinh viên một cách cụ thể và đưa vào kết quả cuối cùng của môn học. Đánh giá cũng chính là yếu tố quyết định sự đổi mới, bởi vì nó nằm trong quy trình đào tạo: mục tiêu - nội dung - phương pháp - đánh giá.
- Việc thi, kiểm tra phải thật sự nghiêm túc, vì chất lượng, vì sự tồn tại của nhà trường.
- Đề thi phải đảm bảo tính toàn diện, khách quan, cần quan tâm những giá trị cốt lõi của môn học: cần kiểm tra theo diện rộng cả kiến thức lẫn kỹ năng để tránh tình trạng học tủ của sinh viên.
- Trong đề thi, nên có một phần yêu cầu về kiến thức tự đọc, tự học của sinh viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lê Khánh Bằng (1998). Đặc điểm của phương pháp dạy học ở đại học, tập 1. NXB Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Nguyễn Hiến Lê (1992). Tự học một nhu cầu của thời đại. NXB Giáo dục.
- Nguyễn Cảnh Toàn (2009). Tự học thế nào cho tốt. NXB Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.
- Phạm Viết Vượng (1996). Giáo dục học đại cương. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Elliott, K.M. and Healy, M.A. (2001). Key factors influencing student satisfaction related to recruitment and retention. Journal of Marketing for Higher Education, 10 (4), p.1-11.
- Karl, K. (2001). Virtuality on the Students' and on the Teachers' sides: A Multimedia and Internet based International Master Program. Proceedings on the 7th International Conference on Technology Supported Learning and Training - Online Educa, Berlin, pp. 133-136.
- Rubakin, A.N. (1982). Tự học như thế nào. Nxb Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh.
IMPROVING THE SELF-STUDY AND SELF-LEARNING ABILITIES OF
STUDENTS WHEN LEARNING ONLINE AT UNIVERSITIES
IN HO CHI MINH CITY
Ph.D student TRAN NAM TRUNG
Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology
ABSTRACT:
This paper is to improve self-study and self-learning abilities of students when learning online at universities in Ho Chi Minh City. This paper presents the current situation of self-study and self-learning abilities of university students in Ho Chi Minh City, the self-study and self-learning methods of students when they learn online, and appropriate assessment for online learning. The paper also highlights specific activities that lecturers can do to promote the self-study and self-learning abilities of their students when learning online.
Keywords: improve, self-learning, self-study, online learning, student, universiy, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 25, tháng 10 năm 2021]