Canada thay đổi quy trình nhập khẩu đối với hàng hóa bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) vừa thông báo thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2 của Dự án Đánh giá và Quản lý thuế (CARM 2), dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2022.

Cụ thể, CBSA yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada đang bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA) đăng ký Mã số doanh nghiệp (Business Number) và Tài khoản SIMA (SIMA Program Account).

Sau khi Dự án CARM 2 có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu vào Canada và doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada muốn sử dụng giá trị thông thường, các khoản điều chỉnh giá xuất khẩu hay mức trợ cấp riêng biệt đối với từng lô hàng thì phải có Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA.

Nếu không, hàng hóa nhập khẩu sẽ không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp mà phải chịu mức thuế suất toàn quốc của biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng.

Để đăng ký Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA, doanh nghiệp cần hoàn thành Biểu mẫu RC1-19e và gửi tới địa chỉ email simaregistry-depotlmsi@cbsa-asfc.gc.ca trước ngày 22/6/2021.

Đồng thời, cung cấp tên và địa chỉ email của người đại diện cho doanh nghiệp khai Biểu mẫu RC1-19e.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cung cấp bản sao của các tài liệu: Điều lệ thành lập doanh nghiệp; Thỏa thuận điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC)/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan đăng ký Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA với cơ quan chức năng của Canada trước thời hạn quy định.

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu đang bị Canada áp điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm: 

  • Khớp nối bằng ống đồng: Thuế chống bán phá giá 159%; Thuế chống trợ cấp 30,6%.
  • Thép cuộn: Thuế chống bán phá giá 99,2%; Thuế chống trợ cấp 6,5%.
  • Ống thép hàn Carbon: Thuế chống bán phá giá từ 3% - 54,2%.
  • Thép tấm: Biện pháp tự vệ (Hạn ngạch thuế quan 54.699 tấn; Thuế ngoài hạn ngạch 10%)
  • Dây thép không gỉ: Biện pháp tự vệ (Hạn ngạch thuế quan 1.532 tấn; Thuế ngoài hạn ngạch 5%)
  • Thép tấm chống ăn mòn: Thuế chống bán phá giá từ 2,3% - 71,1%; Thuế chống trợ cấp 0%.
  • Thép cốt bê tông: Thuế chống bán phá giá 10,5%.
  • Ghế bọc đệm: Đang điều tra.
Thy Thảo