Mới đây, đơn vị tư vấn cho Ban quản lý dự án đường sắt trình bày 3 phương án nối ray giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc.
Cụ thể, phương án 1, giữ nguyên cách nối ray như hiện tại đường sắt khổ 1m qua cầu Hồ Kiều hiện nay đang khai thác; phương án 2, nối ray bằng khổ đường lồng 1,435m và 1m tại vị trí cầu Hồ Kiều mới cách cầu cũ 1km về phía thượng lưu; phương án 3, nối ray bằng khổ đường lồng 1,435m và 1m tại vị trí cầu Hồ Kiều mới cách cầu cũ 2,5km về phía thượng lưu theo hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tiêu chuẩn.
Theo đánh giá, phương án 3 có nhiều ưu điểm hơn, tuy nhiên phương án này lại đòi hỏi chi phí đầu tư lớn (hơn 2,5 nghìn tỷ đồng), gấp gần hai lần phương án 1 (1,5 nghìn tỷ đồng), gấp 3 lần phương án 2 (756 tỷ đồng).
Với phương án 3, Việt Nam sẽ nâng cấp cải tạo 200m tuyến hiện tại thành đường lồng 1,435m và 1m từ ga Lào Cai đến điểm đầu tuyến mới; làm mới 2,7km tuyến đường lồng 1,435 và 1m điểm đầu của tuyến mới đến điểm giữa cầu Hồ Kiều mới; làm mới 2,5km hầm khổ lồng 1,435m và 1m; làm mới 1/2 cầu Hồ Kiều mới. Tại ga Lào Cai sẽ cải tạo 2.786m đường ga Lào Cai hiện tại thành đường lồng 1,435m và 1m.
Phía Trung Quốc sẽ làm mới 1/2 cầu Hồ Kiều mới; làm 215m tuyến mới đường lồng 1,435m và 1m từ điểm giữa cầu Hồ Kiều mới về điểm kết nối với đường sắt hiện tại trên khu gian Sơn Yêu - Hà Khẩu; cải tạo 1,2km tuyến hiện tại thành đường lồng 1,435m và 1m từ điểm kết nối đến ga Hà Khẩu Bắc.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết nối đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu Bắc đáp ứng mong muốn của cả 2 bên. Xuất nhập khẩu là một trong những lĩnh vực đột phá của Lào Cai. Với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc cũng rất muốn kết nối ra cảng Hải Phòng qua cửa ngõ Lào Cai.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến Lào Cai vẫn chưa phát huy được hết vai trò cầu nối của mình là vận tải đường sắt Việt Nam và Trung Quốc chưa đồng khổ nên năng lực vận tải hạn chế.
Nếu không có sự đầu tư nâng cao năng lực tuyến đường sắt khổ 1m hiện có và xây dựng đấu nối mới hoặc đẩy nhanh việc đầu tư tuyến mới 1,435m Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thì tuyến hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai về Hải Phòng khi tăng lên trên 3 triệu tấn.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai kết nối với Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn trong vận tải hàng hóa của ngành đường sắt, vì vậy việc cải tạo, nâng cấp nâng cao năng lực toàn tuyến là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là việc kết nối đồng khổ với đường sắt Trung Quốc.
Hiện Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cục, vụ liên quan triển khai thủ tục, hoàn tất nghiên cứu chủ trương đầu tư để sớm phê duyệt dự án; đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án tính toán kỹ phạm vi, quy mô đầu tư, xây dựng phương án kết nối ray giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc đảm bảo hiệu quả lâu dài.