TÓM TẮT:
Trong thời gian vừa qua, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ. Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Những chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này tiếp cận vốn, đổi mới khoa học công nghệ v.v... Để hướng tới quốc gia khởi nghiệp với 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì cần thêm nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa đối với nhóm doanh nghiệp này. Bài viết sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Từ khóa: Doanh nghiệp, khởi nghiệp, tín dụng, quỹ đầu tư mạo hiểm, vốn.
1. Đặt vấn đề
Từ những năm 2004-2005 ở nước ta đã xuất hiện một số doanh nghiệp khởi nghiệp, đến nay số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã lên tới 1.800 doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào khởi nghiệp cũng thành công bởi có trên 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại. Theo nghiên cứu của GEM với 3.200 doanh nghiệp khởi nghiệp thì chỉ có 12 doanh nghiệp tồn tại và chỉ có 1 doanh nghiệp giới thiệu thành công sản phẩm dịch vụ trên thị trường và còn tiếp tục phát triển. Còn theo số liệu thống kê thì ở Việt Nam trung bình có 70% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại ngay trong năm đầu tiên, 20% thất bại trong năm thứ 2 và chỉ có 10% thành công (Thanh Giang, 2016). Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp như ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về vốn v.v… Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể tiếp cận những nguồn hỗ trợ này. Tác giả sẽ đề cập những bất cập mà khối doanh nghiệp này gặp phải trong thời gian qua, từ đó đề xuất những giải pháp hỗ trợ.
2. Thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp
tại Việt Nam hiện nay
Trong thời gian qua, để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số chính sách tài chính hỗ trợ. Cụ thể:
Thứ nhất, ưu đãi về thuế suất nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và tiết kiệm chi phí kinh doanh.
Chính phủ đã thực hiệnưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các mức độ ưu đãi khác nhau dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc thực hiện đầu tư tại các khu vực kinh tế - xã hội kém phát triển, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Trong đó, mức độ ưu đãi cao nhất được áp dụng mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới của doanh nghiệp khởi nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển công nghệ sinh học; dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Thứ hai, hỗ trợ về vốn thông qua Ngân hàng Chính sách.
Chính phủ đã thực hiện các ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp như tín dụng hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho các DN khởi nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hiện công tác này cũng đã được đưa vào kế hoạch hàng năm của các bộ, ngành, địa phương; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã thu hút được sự tham gia của các địa phương, tổ chức hiệp hội DN ngành nghề, hỗ trợ cho hàng nghìn DNNVV; Chợ Techmart và những chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ đã giúp DN kết nối cung - cầu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ tư, hỗ trợ gián tiếp thông qua mô hình vườn ươm.
Thông qua thúc đẩy vườn ươm giúp các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tăng tính độc lập và tự chủ tài chính cho vườn ươm.
Nhờ các chương trình trợ giúp trên, các DN khởi nghiệp đã phần nào tiếp cận được nguồn tín dụng; tự tin trong kinh doanh và xây dựng chiến lược kinh doanh... phát triển ổn định. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2009-2014, DNNVV đóng góp khoảng 48 - 49% GDP. Đặc biệt là sau khi “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt theo Quyết định số 1383/QĐ-BKKHCN ngày 04/06/2013 cho đến nay đã có 9 nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp được lựa chọn từ hơn 90 dự án khởi nghiệp trên cả nước được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu. Sau 4 tháng đào tạo và cấp vốn ban đầu là 10.000 USD, đã có 4 nhóm nhận được đầu tư, 5 nhóm đang trong quá trình đàm phán với quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Ví dụ nhóm Big Time chuyên cung cấp công cụ quản lý sự kiện nhận được hỗ trợ ngay 200.000 USD và được nhà đầu tư định giá với giá trị là 1,8 triệu USD. Hay như nhóm Lozi cung cấp thông tin đa dạng về địa điểm ăn uống cho giới trẻ cũng đã gọi được hàng triệu đô la từ quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Như vậy, sau một số khóa đào tạo chuyên sâu và được cấp số vốn hỗ trợ ban đầu thì một số doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã gọi được vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhóm được định giá tăng lên gấp 5-10 lần, cho thấy triển vọng phát triển của những doanh nghiệp này nếu được hỗ trợ đúng hướng.
2. Những vấn đề còn bất cập trong cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Một là, hành lang pháp lý còn rời rạc, tồn tại sự xung đột.
Về kế hoạch phát triển DN khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020, nhiều chính sách mới chỉ mang tính khuyến khích chung chung, như: hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công. Hơn nữa, sự liên kết giữa các bộ, ngành cũng như sự quan tâm đối với DN khởi nghiệp của các địa phương còn thiếu.
Hai là, doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận thông tin.
Những khó khăn mà DN gặp phải khi khởi nghiệp tồn tại từ rất nhiều năm nay và hiếm có DN nào nhận được những hỗ trợ thiết thực về vốn cũng như cơ chế chính sách. Mặc dù Nghị quyết 35 có quy định Nhà nước sẽ ưu đãi cho DN khởi nghiệp về vốn, về thuế nhưng nhiều DN không biết được nhận ưu đãi này từ những đơn vị nào, ngân hàng nào đang cho vay ưu đãi, cơ quan nào đang hỗ trợ về công nghệ kĩ thuật…
Ba là, quy mô hỗ trợ DN còn hạn hẹp.
Hiện chỉ mới tập trung vào hỗ trợ vườn ươm DN, bảo lãnh tín dụng, chính sách tư vấn về quản trị kinh doanh và nâng cao hiệu quả sản xuất. Các hỗ trợ theo cơ cấu vùng, miền và ngành nghề chưa hợp lý, nhiều chính sách còn thiếu hỗ trợ đặc thù cho khu vực nông thôn, miền núi và trong các ngành nông - lâm - thuỷ sản.
Bốn là, hoạt động trợ giúp đối với các DN khởi nghiệp đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng, còn chồng chéo.
Tỷ lệ DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thấp, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV kém hiệu quả, khó khăn trong tiếp cận đất đai…
Những yếu tố trên đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của DN khởi nghiệp. Quy mô của DN đến nay vẫn còn rất nhỏ; cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của khu vực chưa hợp lý; trình độ công nghệ thấp, chưa tận dụng và tranh thủ được công nghệ của các DN đầu tư nước ngoài cũng như sự hỗ trợ của DN lớn; trình độ quản lý yếu kém; kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhằm đáp ứng nhu cầu và hoạt động khởi nghiệp một cách thực chất, các biện pháp hỗ trợ DN trong thời gian tới cần tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích để DN tận dụng, thụ hưởng. Tác giả xin đề xuất một số giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới:
3. Một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Lấy ví dụ từ kinh nghiệm của quốc gia Singapore. Trước đây, ở Singapore, tình hình khởi nghiệp diễn ra rất trầm lặng, tuy nhiên chỉ sau 5 năm cải cách, Singapore đã trở thành một trong 10 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Có được kết quả đó là do chính phủ Singapore cải cách mạnh mẽ về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nhân. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích tinh thần kinh doanh trong dân chúng, các chính trị gia nước này đã không ngừng tuyên dương tinh thần doanh nhân; hãng truyền hình nhà nước MediaCorp cũng chạy những chương trình truyền hình biểu dương tinh thần doanh nhân, từ đó làm thay đổi nhận thức trong xã hội về vai trò của các doanh nhân.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cần nêu rõ tên từng ngành được ưu tiên phát triển, hỗ trợ; ngân hàng là đầu mối hỗ trợ về vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Có thể thấy sự vào cuộc của Nhà nước sát sao trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho DN khởi nghiệp thông qua Nghị quyết 35. Tuy nhiên, để Nghị định này thực sự đạt được hiệu quả, cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả cho DN khởi nghiệp. Đồng thời cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính. Nghị quyết 35 đã đề cập tới vấn đề này nhưng vẫn còn chung chung, cần nêu tên cụ thể những ngân hàng sẽ cho vay vốn, cho vay bao nhiêu tiền, lãi suất ưu đãi như thế nào…
Ba là, Chính phủ cũng nên có chính sách khuyến khích các DN lớn mạnh, có tiềm lực tài chính tham gia tích cực tư vấn, hỗ trợ tài chính đối với các chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp.
Bốn là, về định hướng phát triển mô hình vườn ươm: Theo kinh nghiệm của các nước như Hoa Kỳ, Isarel, Úc, Malaysia..., để vườn ươm công lập hoạt động có hiệu quả thì Nhà nước sẽ thực hiện các hỗ trợ ban đầu như cấp đất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và kinh phí vận hành, sau đó để vườn ươm hoạt động theo cơ chế tự chủ theo hướng các doanh nghiệp sẽ trả kinh phí cho vườn ươm khi bắt đầu có doanh thu. Cơ chế này góp phần tạo động lực thúc đẩy vườn ươm tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối ưu để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế chính sách cho sự ra đời và phát triển của các vườn ươm tư nhân.
Năm là, nâng cao vai trò của các hiệp hội nông dân, hiệp hội kinh doanh, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề cần nâng cao uy tín năng lực và tầm ảnh hưởng các tổ chức. Phát huy vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Sáu là, phát triển thêm các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng kênh huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán.
Có thể thấy đặc điểm của các doanh nghiệp khởi nghiệp là tạo ra dòng sản phẩm mang tính mới, sáng tạo, thậm chí là mang tính đột phá. Chính vì vậy, đôi khi phương thức quản lý truyền thống có thể sẽ không thích hợp đối với nhóm doanh nghiệp này. Thậm chí những ưu đãi về thuế suất cũng không mang lại nhiều hiệu quả, hay đạt mục đích là khuyến khích doanh nhân khởi nghiệp. Bởi lẽ hoạt động của các doanh nghiệp này trong giai đoạn 2 - 3 năm đầu tiên kể từ khi thành lập là rất khó khăn, từ khi đưa được sản phẩm mới đến người tiêu dùng và đến khi được thị trường chấp nhận thì thông thường sẽ không có nhiều lợi nhuận thậm chí là thua lỗ. Do vậy, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất - kinh doanh thông qua các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu dịch vụ dùng chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp như hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng… sẽ là giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp này phát triển được thì việc hỗ trợ mang tính then chốt nhất vẫn là hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm quản lý cho các doanh nghiệp này. Do tính chất rủi ro cao của loại hình doanh nghiệp này cho nên Nhà nước hỗ trợ trên khía cạnh đó là tạo dựng khung pháp lý:
(i) Bảo lãnh tín dụng cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đi kèm các cam kết về sử dụng khoản vay, vốn đối ứng tối thiểu…
(ii) Hình thành quỹ đầu tư khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng nhằm huy động vốn cho khởi nghiệp. Cho phép hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần cho doanh nghiệp khởi nghiệp như một số nước đã áp dụng.
Ngoài ra có thể thành lập sàn giao dịch chứng khoán nhằm huy động vốn dành riêng cho đối tượng là doanh nghiệp khởi nghiệp như Hàn Quốc đã thực hiện (Sàn Konex). Ví dụ nâng cấp sàn chứng khoán phi tập trung Upcom lên thành sàn chứng khoán dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần ban hành quy định về mô hình gọi vốn cộng đồng theo hướng tạo khung pháp lý để quản lý, đặc biệt là mức trần đầu tư nhằm bảo vệ các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc đưa ra các quy định chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính mạnh mới được tham gia vào thị trường rủi ro này.
Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp nếu phát triển thành công sẽ tạo động lực phát triển đất nước. Tuy nhiên do tính rủi ro cao nên việc kêu gọi vốn cho các doanh nghiệp này cũng cần thận trọng. Các giải pháp nêu trên có mối quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau. Do đó, việc thực hiện đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2009), Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Chính phủ (2016), Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
3. Thanh Giang (2016), Khởi nghiệp đang cần vốn, Báo Đại đoàn kết. http://m.daidoanket.vn/kinh-te/khoi-nghiep-dang-can-von/104957.
4. Hoàng Thị Tư, “Cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 9/2016.
5. Nhật Minh (2016), Hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp: Nghị quyết 35 cần cụ thể hơn nữa, Báo Hải quan, tháng 6/2016.
POLICY FOR STARTUPS
PhD. BACH THI THANH HA
Faculty of Business Finance, Academy of Finance (AOF)
ABSTRACT:
In recent times, the wave of start-ups has been developed strongly. The government has many solutions to help startups. Policies to support start-up businesses have been emphasized in Resolution 35/NQ-CP dated 16 May 2016 to facilitate the access to capital, technological innovation, etc. In order to become a startup-country with 1 million businesses by 2020, more support is needed for this group of enterprises. The paper will propose some solutions to support the development of startup businesses.
Keywords: Start-up businesses, support start-up businesses, venture capital funds, capital.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây