Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) giai đoạn 1995 - 2015

NGUYỄN THỊ HƯƠNG LOAN (Khoa Khoa học xã hội và Văn hóa Du lịch,Trường Đại học Hùng Vương)

TÓM TẮT:

 Cẩm Khê là một huyện nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ. Từ năm 1995 khi tái lập huyện đến năm 2015, với chủ trương khai thác mọi nguồn lực của địa phương nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế của Cẩm Khê đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bài viết này tập trung phân tích những điều kiện tiền đề, chủ trương, biện pháp và kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) nhằm giúp chúng ta hiểu rõ phần nào đường lối đổi mới kinh tế của Đảng được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn địa phương.

Từ khóa: Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập với thế giới đã, đang diễn ra mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả. Nhiệm vụ đổi mới toàn diện đất nước đòi hỏi phải đổi mới cả kinh tế địa phương hợp thành cơ cấu thống nhất, hoàn chỉnh của nền kinh tế quốc dân. Từ khi tái lập huyện (ngày 7/10/1995) đến nay, cùng với thành tựu tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức cao, cơ cấu kinh tế của huyện Cẩm Khê chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao đời sống nhân dân của địa phương.

Tìm hiểu “Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Cẩm Khê từ khi tái lập huyện  năm 1995 đến năm 2015”, trên cơ sở phân tích những điều kiện tiền đề, chủ trương, biện pháp và kết quả của quá trình thực hiện sẽ giúp chúng ta hiểu phần nào những biến đổi của cơ cấu ngành kinh tế ở Cẩm Khê trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới do Đảng đề ra và được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế địa phương.

II. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH KINH TẾ Ở HUYỆN CẨM KHÊ GIAI ĐOẠN 1995 - 2015

1. Những điều kiện tiền đề cho quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở huyện Cẩm Khê

Ngày 7 tháng 10 năm 1995, tách 10 xã của huyện Hạ Hòa cũ trở về huyện Hạ Hòa; huyện Sông Thao lúc này trở lại phạm vi địa giới của huyện Cẩm Khê cũ với 30 xã và 1 thị trấn (thị trấn Sông Thao), với tổng diện tích tự nhiên là 233.425 ha, dân số 124.610 người [3; tr.8].

 Cẩm Khê là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, có tọa độ địa lý trong khoảng 21°15' - 21°29' độ vĩ Bắc và 104°57' - 105°13' độ kinh Đông. Vị trí đại lý thuận lợi cùng hệ thống giao thông thủy, bộ phân bố hợp lý tạo cho Cẩm Khê có nhiều lợi thế trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với các tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội.

Cẩm Khê còn là một huyện nông nghiệp lớn của tỉnh Phú Thọ với nhiều sản vật phong phú, đa dạng có sản lượng lớn, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong huyện, mà còn cung cấp cho các huyện và các tỉnh khác, đồng thời hướng đến xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản suất hàng hóa và công nghiệp chế biến. Rất nhiều ngành nghề sản xuất thủ công nghiệp truyền thống như mộc, đan lát, làm nón, làm mỳ là thế mạnh phát triển kinh tế nông thôn và các ngành hàng xuất khẩu. 

Tài nguyên động thực vật phong phú là điều kiện để ngành nông, lâm nghiệp của huyện phát triển, đồng thời đây cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống của huyện phát triển. Rất nhiều làng nghề sản xuất thủ công truyền thống có từ lâu đời như làm nón, đan lát, mộc là những thế mạnh phát triển kinh tế nông thôn và các ngành hàng xuất khẩu.

Nguồn tài nguyên khoáng sản của Cẩm Khê bao gồm than nâu, quặng sắt,  cao lanh,  sét gạch ngói, sét gốm, đá vôi [1; tr.13], trong đó có một số loại với  trữ  lượng lớn, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Đây là tiềm năng để phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản ở địa phương.

Cẩm Khê có điểm thắng cảnh núi đồi Ba Vực (xã Văn Bán) với cảnh quan thiên nhiên khá kỳ thú là điểm có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái - văn hóa trong tương lai.

Nguồn lao động ở Cẩm Khê rất dồi dào với số lượng lao động có trình độ văn hóa ngày càng tăng. Năm 2015, Cẩm Khê  có  80.017 nghìn  người, trong độ tuổi lao động, (chiếm 61,08% dân số) [7; tr.14]. Đây là điều kiện quan trọng để hình thành đội ngũ công nhân, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và lao động chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Những tiềm năng và lợi thế đó tạo điều kiện thuận lợi cho Cẩm Khê trở thành trọng điểm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, phấn đấu trở thành huyện có công nghiệp phát triển, nông nghiệp hàng hóa gắn với dịch vụ.

Bên cạnh những thuận lợi, Cẩm Khê cũng gặp không ít khó khăn thách thức trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Vị trí địa lý của Cẩm Khê vừa tạo ra cơ hội phát triển, vừa là thách thức lớn trong sự cạnh tranh với các huyện khác trong tỉnh về khai thác và phát triển các ngành hàng có cùng lợi thế. Mặt khác, Cẩm Khê là một huyện nông nghiệp nên tỷ lệ dân số và lao động qua đào tạo thấp, kết cấu hạ tầng ở nông thôn còn nhiều hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn mới đem lại hiệu quả tích cực.

2. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở huyện Cẩm Khê

a) Chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành kinh tế

    Trước năm 1986, kinh tế tỉnh Phú Thọ nói chung và  huyện Cẩm Khê nói riêng  cơ bản vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, công  nghiệp và thủ công nghiệp còn nhỏ bé và chậm phát triển. Cơ cấu kinh tế nhìn chung còn đơn giản, chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, các ngành dịch vụ chưa có điều kiện phát triển.

 Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta từ Đại hội VI (12-1986) và nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện từ đó đến nay, kinh tế - xã hội huyện Cẩm Khê có những chuyển biến rõ rệt, cơ cấu kinh tế mới được hình thành và chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trong những năm 1986 - 1990, việc thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu đạt kết quả tốt, nông nghiệp có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu công nghiệp bước đầu chuyển đổi cả về ngành nghề và hình thức sở hữu theo hướng tăng dần công nghiệp chế biến và công nghiệp ngoài quốc doanh, cơ cấu hàng xuất khẩu thay đổi gắn với thế mạnh của huyện nông nghiệp, tăng tỷ trọng hàng nông sản thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ.

Bảng 1. Cơ cấu giá trị gia tăng tính theo ngành 1991-1994

(Theo giá 1989 - Đơn vị tính:%)

   Các ngành

 1991

 1992

 1993

 1994

Nông nghiệp, lâm nghiệp và  thủy sản

77,1

79,7

80,6

77,0

Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng

2,9

3,3

3,5

3,7

Thương mại - Dịch vụ

20,9

17,0

15,9

19,3

                                                                                            [8; tr.6]

        Nhìn vào bảng thống kê (Bảng 1), ta nhận thấy từ năm 1991 đến năm 1994, tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng có xu hướng tăng lên liên tục, nhưng ngành Thương mại - Dịch vụ và nông, lâm, thủy sản có sự tăng giảm ở mức độ không ổn định, ngành Nông, Lâm, Thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế. Điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn chưa thực sự ổn định, đòi hỏi các cấp các ngành ở địa phương phải tìm cho được cách thức và hướng đi phù hợp trong các giai đoạn sau nhằm đưa nền kinh tế của huyện phát triển.

Từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (10-1996) cho đến Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Khê lần thứ XXVIII (7/2010) mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng trong phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với chủ trương tận dụng, phát huy mọi tiềm năng thế mạnh của huyện, thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp trên và các tổ chức quốc tế, nhằm tăng cường nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Cẩm Khê đã thu được nhiều kết quả trong quá trình thực hiện.

Năm 1995, năm đầu tiên Cẩm Khê thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội sau khi tái lập huyện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Bảng 2. Cơ cấu kinh tế theo ngành - Đơn vị tính:%

Các ngành

1995

2000

2005

2010

2015

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

69,45

67,8

55,75

43,43

37,7

Công nghiệp - Xây dựng

4,65

6,8

11,23

21,13

25,4

Thương mại - Dịch vụ

25,9

25,4

33,02

35,44

36,9

 [108] ;[113] ;[118] ;[123] ;[128]

  Nhìn vào Bảng 2, ta nhận thấy, từ năm 1995 đến năm 2015, tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ có xu hướng liên tục tăng, ngành Nông - Lâm - Thủy sản có xu hướng giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế. Điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn chưa phù hợp. Tỷ trọng ngành Thương mại và Dịch vụ cơ bản vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Cẩm Khê vẫn là huyện kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, thủy sản.

b) Chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành kinh tế

* Ngành Nông - Lâm - Thủy sản

Nhìn chung, từ năm 1995 đến năm 2015, ngành Nông - Lâm - Thủy sản của Cẩm Khê phát triển khá ổn định và toàn diện, thể hiện thế mạnh của một huyện có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi.

Bảng 3. Tỷ trọng giá trị sản xuất và cơ cấu ngành Nông, Lâm, Thủy sản

ty-trong-gia-tri-san-xuat-va-co-cau-nganh-nong-lam-thuy-san-

        Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông, Lâm, Thủy sản được thực hiện theo hướng gắn sản xuất với thị trường giảm dần tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản. Cơ cấu nông, lâm nghiệp thủy sản thay đổi từ 83,8% - 13,9% - 2,3% năm 1995 sang 77,9% - 11,6% - 10,5% năm 2015. Nhiều diện tích đất ản xuất nông nghiệp kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản làm cho diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2015 đạt 1.791,5 ha, tăng 3,74 lần so với năm 1995. Tỷ trọng ngành Thủy sản trong GDP toàn huyện tăng từ 2,3% năm 1995 lên 10,5% năm 2015.

Trong nông ghiệp, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, cơ cấu kinh tế nông ngiệp chuyển biến nhanh theo hướng giảm tỷ trọng ngành Trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp.

Bảng 4. Cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp - Đơn vị tính: %

co-cau-kinh-te-nganh-nong-nghiep

            Trong trồng trọt cơ cấu cây trồng cũng được chuyển dịch mạnh theo hướng giảm diện tích cây lương thực, tăng năng suất và sản lượng vẫn cao nhờ đưa vào giống, kĩ thuật thâm  canh mới nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Các loại cây nhãn, vải, hồng, cam, chanh, quýt  phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo cung cấp cho thị trường đạt chất lượng cao.

           Ngành Chăn nuôi cũng được phát triển và chuyển dần theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp với kỹ thuật, công nghệ mới, giống có năng suất, chất lượng cao. Cơ cấu trong nội bộ ngành Chăn nuôi được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các loại gia súc, gia cầm có tỷ lệ nạc cao.

        Nhìn chung, cơ cấu trong nội bộ ngành Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản đã chuyển dịch đúng hướng, tăng các ngành các sản phẩm có giá trị cao và đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này còn chậm, trồng trọt còn chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi qui mô còn  nhỏ, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng địa phương.

* Ngành Công nghiệp và Xây dựng

Từ năm 1995 đến năm 2015, ngành Công nghiệp - Xây dựng của Cẩm Khê cũng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành Công nghiệp tăng dần tỷ trọng ngành Xây dựng.

 Năm 1995, tỷ trọng ngành Công nghiệp đạt 62,56%, ngành Xây dựng đạt 37,44; đến năm 2015 ngành Công nghiệp giảm xuống còn 60,9%, ngành Xây dựng tăng  lên đạt 39,1%.

Bảng 5. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - xây dựng

ty-trong-gia-tri-san-xuat-nganh-cong-nghiep---xay-dung

[3] ;[4] ;[5] ;[6] ;[7]

Nguyên nhân, tỷ trọng ngành Xây dựng tăng là do trong đà phát triển chung của các hoạt động kinh tế, tốc độ xây dựng cơ bản của huyện được tăng lên rõ rệt, hướng vào các công trình thiết yếu như điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà ở của dân, hệ thống thông tin, bưu điện, nước… Do vậy, lĩnh vực xây dựng của huyện có nhiều chuyển biến tích cực.

Xu hướng chuyển dịch này phản ánh đúng tiến trình đầu tư hình thành phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng công nghiệp nói riêng trên địa bàn.

* Ngành Thương mại và Dịch vụ

          Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ đáp ứng yêu cầu của sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trong những năm qua, ngành Thương mại - dịch vụ phát triển rất đa dạng, giá trị sản xuất tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh như vận tải, kho bãi, tài chính, tín dụng. Sự chuyển dịch cơ cấu dễn ra mạnh ở các ngành đang trong quá trình đầu tư phát triển hướng tới dịch vụ chất lượng như: dịch vụ tư vấn, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bưu chính viễn thông, du lịch. Các ngành nhà hàng, khách sạn và các hoạt động thương mại khác phát triển chậm hơn và chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu ngành Thương mại - Dịch vụ.

Đóng góp của ngành Thương mại - Du lịch vào tổng sản phẩm (GDP) toàn huyện trong thời kỳ 1995 - 2015 có xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 1995, giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ chỉ đạt 76,800 triệu đồng, đến năm 2015 con số này tăng lên đạt 465,000 triệu đồng (tăng 6,1 lần so với năm 1995). Mạng lưới bán buôn, bán lẻ được mở rộng, hàng hóa phong phú, phương thức kinh doanh đa dạng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ngày một tăng. Năm 1995, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn huyện đạt 4,075 triệu đồng [3; tr.72], năm 2005 là 141 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên đạt 755,2 triệu đồng (gấp 185,3 lần so với năm 1995) [7; tr.50]. Nhiều loại hình dịch vụ mới xuất hiện mang dậm nét của nền kinh tế thị trường như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, kinh doanh bất động sản, tin học, phát triển nhưng còn chậm. Nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành Thương mại - Dịch vụ diễn ra rất ít. 

Ngành Thương mại - Dịch vụ của huyện có mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng bình quân đạt 9,42%/năm giai đoạn 1995 - 2015 và đạt 12,59%/năm giai đoạn 2005 2015. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh như vận tải, kho bãi, tài chính, tín dụng. Sự chuyển dịch diễn ra nhanh ở các ngành đang trong quá trình phát triển hướng tới dịch vụ chất lượng như: dịch vụ tư vấn, ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông. Các ngành dịch vụ truyền thống như thương mại, khách sạn, nhà hàng  phát triển chậm hơn và chiếm tỷ trọng ngày một thấp trong cơ cấu các ngành dịch vụ. Nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ khu vực dịch vụ diễn ra ít.

Sau 20 năm tái lập huyện cơ cấu ngành Thương mại - Dịch vụ có tăng chút ít. Cụ thể: năm 1995, ngành Thương mại - Dịch vụ chỉ chiếm 25,9% trong cơ cấu các ngành kinh tế của huyện; năm 2005 tăng lên đạt 33,02% và đến đến năm 2015 là 36,9%. Như vậy, trong 20 năm ngành Thương mại tăng 11%.

Xu hướng chuyển dịch này phán ánh đúng xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện là giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ.

3. KẾT LUẬN

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Cẩm Khê từ khi tái lập huyện năm 1995 đến 2015 đã diễn ra theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế của huyện Cẩm Khê chuyển dịch theo xu hướng chung và theo định hướng chung của tỉnh là giảm dần tỷ trọng nông chiều sâu và cao hơn hẳn so với giai đoạn trước.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển mạnh ở các ngành Nông, Lâm, Thủy sản và Công nghiệp, Xây dựng, theo hướng đẩy mạnh các ngành các lĩnh vực sản xuất có nhiều tiềm năng, lợi thế và mang lại hiều quả kinh tế cao gắn sản xuất với thị trường. Chuyển dịch cơ cấu ngành Thương mại - Dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình thương mại - dịch vụ nhăm đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân diễn ra chậm hơn.

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế của các ngành vẫn đạt mức cao và ổn định góp phần làm chuyển biến kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung.

Kết quả đạt được trên đây của Cẩm Khê góp phần khẳng định đường lối đổi mới kinh tế của Đảng với chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là hoàn toàn đúng đắn. Điều này cũng cho thấy sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào hoàn cảnh thực tế Cẩm Khê đã được thực hiện có hiệu quả với những cách thức và bước đi phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cẩm Khê: Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Khê 1947 -2005, Huyện ủy Cẩm Khê xuất bản năm 2005.
  2. Ban chấp hành Đảng bộ Huyện Cẩm Khê: Đảng bộ Huyện cẩm Khê trong sự nghiệp đổi mới một chặng đường xây dựng, phát triển (1986 - 2106), Huyện ủy Cẩm Khê xuất bản năm 2017.
  3. Chi cục Thống kê huyện Cẩm Khê (1995), Niên giám thống kê 1995.
  4. Chi cục Thống kê huyện Cẩm Khê (2000), Niên giám thống kê 2000
  5. Chi cục Thống kê huyện Cẩm Khê (2005), Niên giám thống kê 2005
  6. Chi cục Thống kê huyện Cẩm Khê (2010), Niên giám thống kê 2010
  7. Chi cục Thống kê huyện Cẩm Khê (2015), Niên giám thống kê 2015.
  8. Đảng bộ huyện Sông Thao, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ huyện tại Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 1991-1995).
  9. Huyện ủy Cẩm Khê, Báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cẩm Khê (nhiệm kỳ 2010-2015).
  10. Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê (2005), Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005. Phương hướng nhiệm vụ năm 2006, Số 149/BC - UBND, lưu tại Văn phòng UBND huyện Cẩm Khê.
  11. Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê (2010), Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2010. Phương hướng nhiệm vụ năm 2011, Số 158/BC - UBND, lưu tại Văn phòng UBND huyện Cẩm Khê.
  12. Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê (2015), Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2015. Phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Số 297/BC - UBND, lưu tại Văn phòng UBND huyện Cẩm Khê
  13.  Huyện ủy Sông Thao (1989), Báo cáo của ban chấp hành Đảng bộ huyện tại Đại hội lần thứ V.
  14. Ủy ban nhân dân huyện Sông Thao (2000), Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội - anh ninh quốc phòng năm 1999 - Phương hướng nhiệm vụ năm 2000, Số 02/BC, lưu tại Văn phòng UBND huyện Sông Thao.

 

THE ECONOMIC RESTRUCTURING PROCESS BY ECONOMIC SECTOR

IN CAM KHE DISTRICT (PHU THO PROVINCE)

IN THE PERIOD 1995 - 2015

NGUYEN THI HUONG LOAN

Faculty of Social Sciences and Culture, Tourism

Hung Vuong University

ABSTRACT:

 Cam Khe is an agricultural district of Phu Tho province with great potentials and advantages for the development of industries and services. Under the policy of exploiting all local resources in order to accelerate the socio-economic development process, Cam Khe district's economic structure has shifted towards industrialization and modernization since its re-establishment in 1995. This article focuses on analyzing the prerequisite conditions, guidelines, measures and results of the economic restructuring process of Cam Khe district’s in the period 1995 - 2015 to gain more understanding about how the Communist Party of Vietnam’s innovation approach has been applied creatively to local practical situations of Cam Khe district.

Keywords: Economic restructuring, Cam Khe district, Phu Tho province.