Chuyển đổi số của chính quyền và doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và những lợi ích chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp

TS. TRẦN VĂN THIỆN - ThS. PHẠM KIÊN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Là thành phố lớn, năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh nắm bắt xu hướng chuyển đổi số nhằm xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố nhằm hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Chương trình chuyển đổi số nhắm đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số, hướng tới nền kinh tế và xã hội số.

Chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh. Tầm quan trọng của chuyển đổi số được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Cắt giảm chi phí, cải biên lợi nhuận, xác định chính xác phân khúc thị trường và khách hàng tiềm năng, tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, sự ủng hộ của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh sự đổi mới và sáng tạo.

Từ khóa: Chuyển đổi số, công nghệ cao, doanh nghiệp, đô thị thông minh.

 1. Chuyển đổi số là gì?

Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số (CĐS) mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây với nhiều định nghĩa, cách hiểu khác nhau. Sau đây là một số định nghĩa chuyển đổi số (CĐS) để tham khảo.

Theo Gartner - Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về CĐS như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.

Còn Microsoft cho rằng: “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp con người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”.

Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud),… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

2. Tại sao phải chuyển đổi số?

Sự thay đổi của công nghệ và xã hội nhanh chóng tạo ra ngành/nghề và mô hình sản xuất/kinh doanh mới. Các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức chuyển đổi nhằm đáp ứng xu thế thay đổi đó. Ngoài ra, với những doanh nghiệp xem cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng là một mục tiêu then chốt thì CĐS chính là một phần quan trọng trong các hoạt động của doanh nghiệp. Việc cải thiện chất lượng khách hàng theo Hinchcliffe chính là “yếu tố phân biệt quan trọng nhất đối với cách một doanh nghiệp sẽ hoạt động như thế nào”.

Thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi nhanh với ngày càng nhiều yêu cầu về tiện ích sản phẩm, dịch vụ. Đối thủ cạnh tranh cũng đã thay đổi, ngày càng mạnh lên. Việc sở hữu nền tảng số hóa cho phép họ triển khai vận hành hiệu quả hơn, tiết kiệm và chất lượng hơn. Điều này khiến mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Vì vậy, việc CĐS là bắt buộc với các doanh nghiệp.

Chuyển đổi số chính là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược cụ thể cùng sự đầu tư tương xứng mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Theo “Hướng dẫn chi tiêu cho chuyển đổi kỹ thuật số bán kỳ trên toàn thế giới (IDC)” dự báo rằng, chi tiêu trên toàn thế giới cho các công nghệ và dịch vụ cho phép chuyển đổi kỹ thuật số sẽ đạt 1,97 nghìn tỷ đô la vào năm 2022.

3. Chuyển đổi số ở TP. Hồ Chí Minh

Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh phải “căng” mình chống dịch Covid-19, nhiều thành phần kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư sụt giảm. Bước sang năm 2021, để khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, Thành phố xác định kinh tế số là trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ tới. Trong đó, việc chuyển đổi số là hoạt động phải triển khai quyết liệt. Đây được xem là quyết sách đột phá vào năm 2021 để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Trong chương trình chuyển đổi số, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, tất cả hồ sơ cấp quận, huyện và 95% hồ sơ cấp phường được giải quyết qua mạng.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng nhờ nền tảng công nghệ chính là một nội dung của quá trình CĐS. Quá trình này còn bao gồm cả thay đổi cách thức quản lý, thay vì điều hành chủ yếu là thủ công, dựa vào sức người thì nay đã được thay bằng ứng dụng khoa học - công nghệ.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhận thức rõ và tích cực khuyến khích, thúc đẩy việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân. Người dân cũng cần phải hiểu và yêu cầu được thụ hưởng lợi ích từ việc CĐS đem lại. Từ đó, thúc đẩy ngược lại các cơ quan công quyền đẩy mạnh chuyển đổi số.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi số tại TP. Hồ Chí Minh không gặp khó khăn gì. Cái gốc của vấn đề chuyển đổi số nằm ở chính quyền. Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được giao xây dựng kế hoạch chung, trên cơ sở đó các Sở, ngành, quận, huyện sẽ triển khai. Khi Thành phố đẩy mạnh công tác số hóa thì sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin như hướng TP. Hồ Chí Minh sắp tới xây dựng. Đó là không cần người dân phải kê khai nhiều lần mà chỉ một lần trên cổng dịch vụ công của Thành phố, và dữ liệu đó sẽ được sử dụng lại.

Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030, Thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, các doanh nghiệp số thể hiện sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt hơn 50%; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân và doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu nằm trong nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Đến năm 2030 sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh, phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

TP. Hồ Chí Minh cũng đồng thời phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu.

3. Chuyển đối số của doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh

3.1. Lợi ích của việc chuyển đổi số ở doanh nghiệp

Chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh. Tầm quan trọng của CĐS được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Cắt giảm chi phí trên đường dài, cải biên lợi nhuận, xác định chính xác phân khúc thị trường và khách hàng tiềm năng, tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh sự đổi mới và sáng tạo. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Một doanh nghiệp số được chuyển đổi thành công thường nhận được rất nhiều lợi ích.

Sự tương tác giữa các phòng, ban: Thực tế ở các doanh nghiệp chưa CĐS, hầu như không có sự liên kết thông tin giữa các phòng ban với nhau, phòng ban nào làm việc của phòng ban đó bởi mỗi bộ phận sử dụng một phần mềm riêng lẻ. Chính điều này đã khiến cho công việc thường xuyên bị tắc nghẽn không rõ nguyên nhân, kéo theo hàng loạt các tác động xấu đến doanh nghiệp như: Phục vụ khách hàng chậm hơn, bán được ít hàng hơn, doanh thu đi xuống…. Khi áp dụng CĐS, có nghĩa là doanh nghiệp đã tạo ra một nền tảng kết nối được tất cả các phòng ban nội bộ lại với nhau. Mỗi phòng ban vẫn có công cụ để phục vụ nghiệp vụ chuyên môn đồng thời vẫn có thể giao tiếp với các bộ phận khác. Thông qua việc kết nối này, các vấn đề được nhận dạng, phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra để xử lý nhanh chóng và phối hợp cùng nhau.

Tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị. Thay vì phải ngồi chờ nhân viên gửi báo cáo qua đường email hoặc báo cáo bản cứng, các nhà quản lý hoàn toàn có thể chủ động xem các loại báo cáo mà mình muốn bất cứ lúc nào. Đây là lợi ích vô cùng to lớn do CĐS mang lại. Mọi hoạt động của công ty từ việc có khách hàng tìm hiểu sản phẩm, nhân viên kinh doanh bán hàng, kế toán ghi nhận doanh số hay biến động nhân sự ở các bộ phận như thế nào đều được thể hiện trên các công cụ số, mà cụ thể ở đây là các phần mềm quản trị doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, CĐS sẽ làm tăng năng suất lao động trong năm 2020 là 21%. Quyết định thuê nhân viên vào làm việc, doanh nghiệp nào cũng muốn khai thác được tối đa năng lực của họ trong công việc, CĐS sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện điều này. Thứ nhất, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không cần tốn chi phí trả lương cho nhân viên thực hiện; Thứ hai, nhờ vậy nhân viên sẽ có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các công việc có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của nhân viên thay vì chỉ chú trọng đến thời gian đầu vào như trước đây.

Nâng cao khả năng cạnh tranh: Doanh nghiệp nào sở hữu nền tảng số hóa thì có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng hơn. Các giải pháp quản trị và vận hành số hóa gia tăng hiệu quả từ 30 - 40% cho tới 100%. Để so sánh tác động của doanh nghiệp CĐS và truyền thống có lẽ giống như cuộc chiến của người khổng lồ và kẻ tí hon vậy. CĐS giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh còn thể hiện ở việc tương tác nhanh chóng với khách hàng, chăm sóc cá nhân hóa khách hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn.

3.2. Chìa khóa cho sự thành công trong việc áp dụng chuyển đổi số ở doanh nghiệp

Để việc CĐS thành công doanh nghiệp cần hội tụ đủ 3 yếu tố then chốt:

Thứ nhất: Quyết tâm thay đổi của lãnh đạo và toàn thể cộng sự của mình.

Thứ hai: Trang bị cho đội ngũ nhân sự đù trình độ về công nghệ thông tin để tiếp nhận và sử dụng các công cụ chuyển đổi số hiệu quả.

Thứ ba: Nghiêm túc tìm kiếm cho mình một đối tác chiến lược, một nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số phù hợp phải thỏa 3 điều kiện sau:

  • Nhà cung cấp phải là nhà tư vấn chuyển đổi số, tư vấn về cách thức chuyển đổi số trong doanh nghiệp thay vì bán phần mềm, bán giải pháp.
  • Nhà cung cấp dịch vụ có uy tín và kinh nghiệm lâu năm để đồng hành lâu dài cùng với doanh nghiệp.
  • Các sản phẩm của nhà cung cấp dịch vụ phải kết nối với nhau thành một hệ sinh thái phục vụ công việc CĐS, để doanh nghiệp không phải sử dụng nhiều phần mềm rời rạc, không liên kết được với nhau.

4. Kết luận

Dịch Covid-19 vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là thời cơ để thúc đẩy quá trình CĐS. Trong đó, người dân và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, là trung tâm của cả quá trình. Để việc CĐS diễn ra nhanh hơn, thì chính quyền thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện.

TP. Hồ Chí Minh hiện đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Thành phố sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh với nhiệm vụ và chức năng quan trọng, đặc biệt có thể thay đổi tư duy và thống nhất nhận thức về CĐS thông qua việc người dân và doanh nghiệp được trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ, tiện ích do CĐS mang lại. Từ đó, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong việc giám sát, góp ý cho chính quyền số, hướng đến xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh.

Thực tế, CĐS trong doanh nghiệp sản xuất khó hơn nhiều so với các ngành thương mại dịch vụ. Vì vậy, cần có sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các viện, trường thì công cuộc chuyển đổi số mới thành công. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp số cũng cần được nâng cao. Khuynh hướng sản xuất lúc nào cũng tồn tại những thách thức như cần tăng năng suất, giảm chi phí, đáp ứng cạnh tranh cao. Các thiết bị di động, công nghệ thông tin, AI, IoT ngày càng phổ biến. Các công nghệ này giúp doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu đầy đủ để sản xuất, báo cáo, phân tích và xử lý nhanh chóng, kịp thời đưa ra quyết định giúp tối ưu hóa sản xuất và giảm sai sót, giúp giám sát linh hoạt thông qua thiết bị di động, đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy trình quản lý, hiệu quả năng suất.

Ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp vẫn đang mơ hồ về công tác CĐS. Việc này đòi hỏi tổ chức, doanh nghiệp phải có quyết tâm thay đổi từ nhận thức, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Nhiều đơn vị chật vật trong quá trình CĐS vì khó bỏ được những thói quen sản xuất truyền thống. Nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm trong quản trị, thiếu sự đầu tư cho chuyển đổi. Để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh cần tổ chức phổ biến kiến thức để doanh nghiệp nhỏ và vừa tự đánh giá mô hình kinh doanh, nhằm tìm ra phương thức CĐS phù hợp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2020). Quyết định số 2392/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/07/2020 về cập nhật Kiến trức chính quyền điện tử thành phố Hồ Chí Minh.
  2. UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2020). Quyết định số 2393/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/07/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số của thành phố Hồ Chí Minh.
  3. UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2017). Quyết định số 6179/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/11/2017 về phê duyệt đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
  4. Các thông tin về Chuyển đổi số ở các hội thảo và trên Internet.

 

THE DIGITAL TRANSFORMATION OF AUTHORITIES AND ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY AND BENEFITS OF DIGITAL TRANSFORMATION FOR ENTERPRISES

Ph.D. TRAN VAN THIEN 1

Master. PHAM KIEN 1

1 Van Lang University

ABSTRACT:

Ho Chi Minh City which is considered the country’s economic engine has focused on the e-government development and the digital transformation trends. One of the city’s key goals is to become a smart city. The city’s digital transformation program aims to fundamentally and comprehensively innovate the digital government apparatus and digital enterprises towards the digital economy and digital society.

The digital transformation brings many considerable benefits to all aspects of businesses from management to research. The advantages of digital transformation are reflected in different aspects such as lowering costs, improving profitability, accurately identifying market segments and potential customers, increasing productivity, creating new products and services, effectively supporting customers, improving business efficiency, and promoting innovation and creativity.

Keywords: digital transformation, high technology, enterprise, smart city.