Chuyển đổi số - một nhiệm vụ trọng tâm của quản lý thị trường

Năm 2023 này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong tình hình mới.
quản lý thị trường
Nhập dữ liệu trên hệ thống hiện đại INS

 

Ổn định thị trường

Năm 2022, công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố. Trong năm đã ban hành gần 200 văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, mặt hàng như: hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; xăng dầu; khí dầu mỏ hóa lỏng; vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; đường cát; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; bánh kẹo, đồ chơi dịp Tết Trung thu; phương tiện PCCC...

Đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai 2 Đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; triển khai Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, kịp thời xử lý những biến động bất thường trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, nguồn cung cho thị trường được đảm bảo, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ găm hàng, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết. Trong năm 2022, lực lượng QLTT thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng.

Lực lượng QLTT theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, chú trọng ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua đó, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm: năm 2022, lực lượng QLTT đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra khoảng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ vi phạm; tổng số tiền thu nộp NSNN 348,2 tỷ đồng.

Hoàn thành công tác số hóa

Năm 2023 này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT trong tình hình mới.

Trong chuyển đổi số, hoàn thành công tác số hóa các cơ sở dữ liệu về thương nhân và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng. Xây dựng hạ tầng, cải tiến công nghệ, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại; xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử (TMĐT) được quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức thực thi công vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên TMĐT.

Đồng thời, các mặt công tác khác cũng được triển khai toàn diện, như xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu,hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết hoặc thiên tại, dịch bệnh. Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.

Lực lượng QLTT đặc biệt chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, như: thương mại điện tử, rượu, nguyên liệu thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng, điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, đường cát, hóa chất... và nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Trong năm 2023 sẽ tổ chức triển khai một số Đề án trọng tâm: Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; Đề án nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Đan Sâm