Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, cơ quan quản lý nhà nước đã khảo sát 1.300 doanh nghiệp để phân tích các rào cản, khó khăn, cũng như nhu cầu giải pháp trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Căn cứ trên kết quả khảo sát đã xây dựng, hoàn thiện Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2021: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số nhằm cung cấp thông tin của Báo cáo tới cộng đồng. Báo cáo thường niên công bố là một hoạt động của Chương trình nhằm cung cấp những thông tin tổng quát về những khó khăn, thách thức, nhu cầu chuyển đổi số cùng các hoạt động thực tiễn của chương trình như hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số đào tạo, tư vấn doanh nghiệp.
Từ năm 2020, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và Nâng cao năng lực kết nối cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) đã phối hợp chặt chẽ với bên Việt Nam tập trung vào khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Kết quả, hơn 1.000 doanh nghiệp đã trả lời khảo sát về động lực và khó khăn họ gặp phải trong quá trình chuyển đổi số và đưa ra nhiều thông tin chuyên sâu về chủ đề mà cách đây vài năm chúng ta còn ít biết đến.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận nhanh chóng và coi chuyển đổi số là ưu tiên trong quá trình phát triển của mình. Xác định việc ứng dụng CNTT vào tổ chức sản xuất có ý nghĩa sống còn đối với một doanh nghiệp bưu chính trong kỷ nguyên số hiện nay, Bưu điện Việt Nam đã ban hành khung kiến trúc CNTT tổng thể.
Theo đó, các hoạt động của đơn vị sẽ lấy CNTT làm nền tảng và là công cụ và giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa SXKD, nâng cao năng suất, chất lượng.
Đồng thời, chú trọng tới việc tối ưu hóa và tự động hóa lĩnh vực bưu chính chuyển phát, logistics cũng như chăm sóc khách hàng. CNTT chính là nền tảng và công cụ đắc lực giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng khai thác, khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng thương mại điện tử (TMĐT) cũng như chuyên nghiệp hóa việc tổ chức sản xuất trong giai đoạn ngành logistics và TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Bưu điện Việt Nam đã mở rộng hệ thống dây chuyên khai thác, chia chọn tự động tại các trung tâm khai thác vận chuyển với công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng bưu gửi trên 30%, đảm bảo chất lượng dịch vụ và cập nhật thông tin tự động để hỗ trợ hoạt động điều hành kịp thời.
Các dây chuyền này có thể chia chọn hàng hóa chi tiết đến tận cấp huyện, xã thông qua việc đọc mã vạch và phân tích hình ảnh bưu gửi, đồng thời tích hợp với các hệ thống CNTT của Bưu điện Việt Nam như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode,… xây dựng quy trình liên hoàn, đồng bộ, tối ưu từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn đến phát hàng hóa tại địa chỉ khách hàng.
Hiện Bưu điện Việt Nam đang triển khai gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng CNTT, tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi-phát hàng; chăm sóc khách hàng; đối soát, thanh toán,… Trong đó, nổi bật nhất là dự án CNTT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay - dự án “Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam” (MPITS). Đây được coi là “con át chủ bài” của khi không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ mà còn giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm tại quầy giao dịch.
Một ví dụ khác, Becamex IDC đã triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0 dựa theo mô hình kinh doanh, phát triển công nghiệp, đô thị và chú trọng phát triển dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế cân bằng. 100% hoạt động tại Tổng công ty Becamex IDC và một số công ty thành viên đã được số hoá. Hiện tại, các dự án chiến lược của Becamex IDC đang được triển khai gồm: Chuyển đổi số công tác quản trị và vận hành doanh nghiệp; VNTT – Trung tâm dữ liệu, an ninh mạng và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT); WTC – Kết nối đối tác, phát triển dịch vụ và lan tỏa chuyển đổi số; BIM - Chuyển đổi số trong xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC cho biết, công tác số hóa, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, sống còn của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0. Xác định được tầm quan trọng đó, Becamex IDC đã triển khai chuyển đổi số từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện từ các quy trình hành chính, đến các quy trình xây dựng và lĩnh vực chuyên môn.
Becamex IDC đã đồng hành cùng tỉnh Bình Dương thông qua các dự án, các chiến lược rất cụ thể nhằm phát triển Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Để công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, Becamex IDC sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ về mặt công nghệ, kinh nghiệm.
Để số hóa hoạt động thành công, theo các chuyên gia, hướng tiếp cận của doanh nghiệp sản xuất trước hết cần đánh giá hiện trạng của công tác sản xuất, xác định vấn đề tồn tại; xác định mục tiêu cụ thể dựa trên công tác quản lý sản xuất; xây dựng các giải pháp để hoàn thành những mục tiêu cụ thể, …
Những kinh nghiệm thành công và thất bại trong chuyển đổi số cho thấy, điểm yếu của các doanh nghiệp chính là thiếu vai trò của lãnh đạo số; xác định mục tiêu chưa phù hợp; chiến thuật triển khai không hợp lý. Muốn chuyển đổi số thành công thì cần phải nâng công nghệ trở thành chiến lược, không chỉ là công cụ hỗ trợ; cần có lãnh đạo số; uyển chuyển lựa chọn cách tiếp cận, chuyển đổi số.