Cơ hội và thách thức trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam

ThS. LÊ NGỌC THƠM (Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh)

TÓM TẮT:

Với nhiều lợi thế của mình, Việt Nam hiện nay đã và đang là một điểm sáng thu hút vốn đầu tư đối với các nhà đầu tư trong khu vực và thế giới. Việt Nam có rất nhiều cơ hội thuận lợi mang tính chiến lược để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia khi ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cũng như sự nỗ lực thay đổi chính bản thân mình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp phải một số vần đề khi thu hút nguồn vốn này. Nội dung bài viết sẽ đề cập đến một số cơ hội và thách thức của Việt Nam khi thu hút vồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Từ khóa: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hội nhập, kinh tế thế giới.

1. Tình hình thu hút vốn FDI

Năm 2015 đánh dấu cho sự quay trở lại của nền kinh tế Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng GDP cao, đạt được 6,5 - 7%. Cùng với các liên kết kinh tế quan trọng, Việt Nam tham gia đến giai đoạn 2020 như Hiệp định thương mại tự do TPP, các tổ chức kinh tế như ASEAN, ASEAN +3, ASEAN - Trung Quốc… sẽ mang lại những tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, là sự cải cách các điều kiện trong nước, như Luật đầu tư 2014, hay sự quan tâm chú trọng đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo nên nhiều cơ hội cho Việt Nam trở mình.

Với những tác động đó, kết thúc năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký là 22,757 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2014), vốn thực hiện là 14,5 tỷ USD (tăng 17,4% so với năm 2014). Nhiều dự án FDI có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.

Năm 2016, vốn FDI tiếp tục theo đà tăng lên với tổng vốn đăng ký là 24,373 tỷ USD. Với nhiều hành động thiết thực, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt năm 2016 là năm khởi đầu của Chính phủ “Kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp”. Với những nỗ lực trên, nền kinh tế nói chung và thu hút FDI nói riêng đã đạt được nhiều thành công và sẽ là tiền đề quan trọng mở ra triển vọng mới trong những năm tới.

Năm 2017, tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, kết quả thu hút FDI tăng lên đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp đó là Hàn Quốc. Về thu hút FDI theo ngành, có 18 ngành, lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư, trong đó đứng đầu vẫn là lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (49,3% tổng vốn đăng ký). Về địa phương, FDI có mặt tại 60 tỉnh, thành phố và trong 6 tháng đầu năm, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước, với tổng số vốn đăng ký là 3,06 tỷ USD. Đặc biệt, đầu năm 2017 có những dự án FDI có lượng vốn lớn, như: Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, dự án Aeon Mall Hà Đông cũng được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký là 250 triệu USD, dự án sân golf Sakura ở Hải Phòng cũng đã nhận giấy phép chính thức…

2. Cơ hội và thách thức

2.1. Cơ hội

Để đạt được mục tiêu đặt ra vào năm 2020: Vốn đầu tư xã hội từ 32 - 34% GDP, thì trung bình hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 Việt Nam sẽ phải huy động khoảng 23 - 25 tỷ USD/năm vốn nước ngoài, trong đó có khoảng 18 tỷ USD là vốn FDI.

Có thể nói, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thực hiện được mục tiêu thu hút FDI:

Thứ nhất, trong những năm gần đây xu hướng của FDI vào châu Á đang có hướng đi mới, chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác, mà Việt Nam lại là một quốc gia được đánh giá cao trong khu vực được nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn. Từ năm 2015, Trung Quốc có nhiều dấu hiệu đi xuống khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm, môi trường đầu tư không được cải thiện,… dẫn đến sự rút vốn khỏi Trung Quốc trong những năm tới.

Thứ hai, báo cáo công bố ngày 24/6/2015 của UNCTAD cho biết, với 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện năm 2015, vốn FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu. Như vậy, dư địa để thu hút thêm FDI còn khá lớn. Và trong giai đoạn tiếp theo, với dư địa này thì Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút thêm nguồn vốn FDI quan trọng này.

Thứ ba, Việt Nam vừa tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mới, Việt Nam sẽ dỡ bỏ rào cản về thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều giữa nước ta với các nước phát triển khác như Mỹ, Đức, Anh, Pháp,... Đây là cơ hội tốt tác động tích cực đến FDI từ những quốc gia vào nước ta.

Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU (EVFTA),... tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên góp phần cho FDI từ các nước thành viên EU vào Việt Nam sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, khi Việt Nam chính thức tổ chức hội nghị APEC 2017 là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút đầu tư từ các quốc gia tham gia hội nghị cấp cao này.

Thứ tư, việc tham gia các liên kết kinh tế quan trọng của khu vực và thế giới, với những cam kết thực hiện trong giai đoạn 2020 không gian kinh tế của nước ta đã được mở rộng ra rất nhiều như ASEAN, ASENAN +6,… tạo điều kiện mở rộng hợp tác đầu tư của Việt Nam đối với những nước trong khu vực.

Thứ năm, trong những năm gần đây, sự quan tâm chú trọng đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Chính phủ Việt Nam đã tạo ra một sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Điều kiện cho môi trường đầu tư của Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay đã được cải thiện một cách rõ rệt. Trong bối cảnh hiện nay, nhân tố về ổn định chính trị, an ninh xã hội của nước ta trở nên nổi trội trong điều kiện khu vực và thế giới bất ổn, với tình trạng đảo chính, các cuộc biểu tình chống chính phủ, khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc… xảy ra ở nhiều quốc gia. Cùng với nền kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, Nhà nước ta quan tâm đến vấn đề lạm phát và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đã mang đến cái nhìn tích cực đối với các nhà đầu tư về Việt Nam. Đặc biệt là sự thay đổi về thủ tục hành chính trong năm 2014, mà phải kể đến là Luật Đầu tư 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Môi trường đầu tư Việt Nam được nhìn nhận theo hướng tích cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), 49% trong tổng số gần 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia, thì có đến 49% doanh nghiệp đưa ra khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Đó là dấu hiệu đáng mừng với kinh tế Việt Nam.

Có thể nói các nhân tố trên đã tạo ra những cơ hội nhất định cho nền kinh tế Việt Nam, rất thuận lợi để nước ta huy động được nguồn vốn FDI theo hướng chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội hơn, từng bước đạt được mục tiêu của nền “kinh tế xanh”, tạo ra đời sống vật chất và tính thần ngày càng tốt hơn cho xã hội.

2.2. Thách thức

Thứ nhất, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền môi trường đầu tư còn gặp nhiều vấn đề như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém, lạm phát gia tăng… Luật Đầu tư 2014 đã có nhiều thay đổi đáng kể nhưng lại khiến các nhà đầu tư không kịp xoay xở và không yên tâm đầu tư kinh doanh. Đây là những vấn đề mà đã được nhà đầu tư nước ngoài đề cập trong nhiều năm cũng như tại các hội nghị đầu tư trong và ngoài nước.

Khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng là thách thức lớn trong thu hút FDI, vì nó sẽ ảnh hưởng tới lượng và chất của nguồn vốn FDI. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các giải pháp tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả và quản lý nguồn vốn này trong giai đoạn tới đã được nêu rõ tại Nghị quyết 103/NQ-CP (29/08/2013) của Chính phủ.

Thứ hai, nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa mang tính bền vững vì vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án quy mô vốn lớn. Trong những năm trở lại đây, nguồn vốn FDI hàng năm đều dựa vào một số dự án tỷ đô của các nhà đầu tư đến Việt Nam, như dự án Samsung, LG Display,… Đó là những dự án có quy mô có thể mang lại nhiều lợi ích cho địa phương. Tuy nhiên, nếu những dự án này không được cấp phép, hoặc rút vốn sẽ ảnh hưởng lớn đến địa phương.

Thứ ba, “Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi". Đặc biệt, gần đây, sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng có thể là một trong những thách thức lớn với Việt Nam về thu hút FDI.

Thứ tư, hiện nay Việt Nam đang phải chọn lựa những dự án đầu tư chất lượng hơn như: có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và ít ô nhiễm môi trường hơn, khiến việc thu hút vốn FDI trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam không tốt, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều vì thế sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm sút.

Thứ năm, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của công nghệ là vô cùng to lớn trong sự phát triển kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong công nghiệp hiện đại hóa. Vì lẽ đó, việc thu hút FDI còn gặp nhiều thách thức và chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng.

3. Một số giải pháp thu hút FDI đến giai đoạn 2025

Để tận dụng được các cơ hội nêu trên cùng với bối cảnh và tác động của tình hình kinh tế thế giới hiện nay, Việt Nam cần xác định được chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn tới. Trong bài viết xin nêu một số gợi ý một số giải pháp để thu hút nguồn vốn quan trọng trong giai đoạn 2025 như sau:

- Cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở đây, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến các vấn đề quan trọng, như cần tạo niềm tin, sự đảm bảo về đầu tư, kinh doanh cho nhà đầu tư thông qua nỗ lực cải thiện hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, chi phí vận chuyển…

- Việt Nam cần phải chọn lựa và ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp trọng điểm để có thể tạo ra bước phát triển nhảy vọt, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam trong điều kiện hiện tại; tập trung vào những ngành có thế mạnh, có khả năng thu hút nhiều lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, quy trình công nghệ tiên tiến. Việc đánh giá, lựa chọn những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn cần có cơ sở, phương pháp định lượng, mang tính đo lường cụ thể.

- Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới: Để hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần chú ý kết hợp hài hòa giữa hợp tác song phương, khu vực và đa phương; đồng thời cần chủ động nghiên cứu và chuẩn bị những bước đi phù hợp để tham gia ký kết các FTA trong thời gian tới. Hơn nữa, Việt Nam cần tích cực, chủ động tham gia sáng kiến liên kết mới nhằm khắc phục những hạn chế của các hình thức liên kết đã có.

- Nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước đối với FDI: Cần đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với FDI, đặc biệt coi hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút FDI, bên cạnh đó phải giám sát, kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật. Những năm gần đây, Việt Nam đã đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, nhưng trong giai đoạn sắp tới cần phải có chiến lược xúc tiến đầu tư kết hợp giữa nhà nước - doanh nghiệp - địa phương để quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải tiến công tác thẩm định dự án FDI để tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội.Để thu hút TNCs vào các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, nhà nước cần cam kết rõ ràng về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệcủa nhà đầu tư.

4. Kết luận

Trong tình hình kinh tế quốc tế hiện nay cũng như điều kiện của Việt Nam, chúng ta cần phải đánh giá được thực trạng nền kinh tế Việt Nam và có hướng đi cụ thể trong tương lai. Thu hút FDI là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, doanh nghiệp và địa phương. Vì vậy, việc tận dụng cơ hội trong việc đề ra định hướng mới, hoàn chỉnh thể chế, đổi mới đồng bộ chính sách ưu đãi, công tác quản lý nhà nước nhằm thu hút được nhiều hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược phát triển đến năm 2025.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Số liệu FDI hàng tháng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Nguyễn Tấn Vinh. Nhìn lại giá trị của FDI sau gần 30 năm, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 1 năm 2017.

OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR VIETNAM IN ATTRACTING FOREIGN DIRECT INVESTMENT

MA. LE NGOC THOM

University of Finance and Business Administration

ABSTRACT:

With its many advantages, Vietnam has become a bright spot in attracting investment capital in the region and the world. Vietnam has a number of strategic opportunities to attract foreign businesses and multinational corporations as the country increasingly integrate into the global economy. However, Vietnam also faces some problems when attracting the foreign investment. This article addresses some of Vietnam's opportunities and challenges when attracting foreign direct investment (FDI) in Vietnam.

Keywords: Foreign direct investment, integration, global economy.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.